“Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót”.
Một phụ nữ Mỹ đi Âu Châu, điện tín cho chồng, “Một vòng xuyến đẹp mê hồn, giá 275 đô, em mua được không?”. Chồng trả lời, “No, price too high!”, “không, giá quá cao!”. Rủi thay! Bưu điện bỏ sót một dấu phẩy, “No price too high!”, “không giá nào là quá cao!”; cô mua ngay. Về Mỹ, cô khoe, anh choáng váng! Chồng kiện vụ ‘bỏ sót dấu phẩy’, thắng tại toà. Từ đó, một thời, luật điện tín buộc viết đủ, không dùng ký hiệu; phải viết, “No comma price too high”, “không phẩy giá quá cao”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Một chấm, một phẩy” của bức điện tín còn quan trọng đến thế, huống hồ ‘chấm, phẩy’ của một câu luật. Thật thú vị! Chúa Giêsu đồng tình với việc không được “bỏ sót” những gì nhỏ nhất này. Với Ngài, vốn bị tiếng là đi ngược lề luật, phần nhỏ nhất bên cạnh một chữ của luật cũng quan trọng, phương chi là toàn bộ lề luật. Theo Chúa Giêsu, lề luật là luật của tình yêu, nên khi nói, “một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót”, Ngài muốn nói đến ‘những chi tiết của tình yêu’.
Trong thư Côrintô hôm nay, thánh Phaolô cũng nói đến những chi tiết đó. Ngài nói đến sự huy hoàng, tươi sáng của giao ước giữa Thiên Chúa với dân Ngài qua Môisen; ngài nói đến vẻ rạng ngời lớn lao hơn của ‘giao ước mới’ đến từ Chúa Kitô. Phaolô không bác bỏ di sản Do Thái giáo của mình, nhưng tuyên bố, trong Chúa Kitô, ngài đã tìm thấy một điều gì đó có giá trị vượt trội; đúng hơn, Phaolô tìm thấy ‘những chi tiết của tình yêu’, “Chính Ngài là Đấng đã làm cho chúng tôi trở nên thừa tác viên của Tân Ước, không phải của văn tự, mà là của Thần trí, vì văn tự chỉ giết chết, Thần trí mới tác sinh!”.
Tương tự như thế, Chúa Giêsu, trong Tin Mừng hôm nay, tôn trọng truyền thống Do Thái của mình, “Đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri”; Thầy đến để hoàn thiện ý định thực sự của họ, “Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn!”. Như vậy, cả Phaolô và Chúa Giêsu đều coi trọng những điều tốt đẹp trong truyền thống tôn giáo của cha ông, nhưng các ngài cởi mở hơn với cách thức Thiên Chúa làm cho phong phú truyền thống đó. Như một người thợ gốm lấy những gì mình có và định hình lại nhằm cho mục đích cao hơn của mình; cũng thế, Thiên Chúa luôn đi trước con người theo nghĩa đó; nhiệm vụ của con người là làm sao theo kịp ‘thời trang’ của Thiên Chúa, nghĩa là theo kịp sự canh tân, kiện toàn của Ngài.
Lề luật được Chúa Giêsu kiện toàn làm sao? Luật tối thượng của Thiên Chúa được kiện toàn trong Chúa Giêsu là tình yêu thương, “Ngươi phải kính mến Thiên Chúa, Chúa ngươi, hết lòng, hết trí, hết hồn, hết sức và yêu người lân cận như chính mình!”. Đây là sự hoàn thiện trọn hảo lề luật của Thiên Chúa. Nếu đoạn Thánh Kinh này được đọc dưới ánh sáng của sự kiện toàn lề luật nơi Chúa Giêsu, chúng ta có thể hiểu được ý Ngài; Ngài muốn nói đến ‘những chi tiết của tình yêu’, dù là nhỏ nhất, vẫn có một tầm quan trọng lớn lao. Thực tế, chi tiết mới là điều khiến tình yêu phát triển theo cấp số nhân; càng chú ý đến những chi tiết nhỏ trong tình yêu, con người càng thực hiện luật yêu thương ở mức độ cao nhất. Đâu phải luôn luôn cần đến một lẵng hồng, một vườn hồng hay một cánh đồng hồng mới gọi là tình yêu; tình yêu cần đến từng nụ hồng hàm tiếu, được trao tặng nhiều lần.
Anh Chị em,
Hôm nay, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nghĩ đến ‘những chi tiết của tình yêu’ mà Thiên Chúa và người khác dành cho mình. Tình yêu của Thiên Chúa không chỉ là những mầu nhiệm lớn lao được mặc khải, hay những ơn phần xác có thể thấy được; tình yêu Thiên Chúa còn thể hiện lặng lẽ qua tấm bánh Thánh Thể nhỏ bé mỗi ngày, qua một câu Lời Chúa đem lại bình an cho tâm hồn. Cũng thế, với tha nhân, bao nụ hồng hàm tiếu mỗi ngày chúng ta nhận được, một nụ cười, một câu nói, một lời thứ tha… Về phần chúng ta, đối với Thiên Chúa, chúng ta có dành cho Ngài những đoá hàm tiếu nhiều lần trong ngày hay phải đợi đến khi dâng Ngài cả cánh đồng hoa? Cũng thế với tha nhân, chúng ta đã chú ý đến từng hành động nhỏ của ‘những chi tiết của tình yêu’ và lòng nhân ái làm sao; chúng ta có thường xuyên tìm kiếm cơ hội để đưa ra một lời động viên, một nỗ lực cả trong những chi tiết nhỏ nhất, để biểu lộ sự quan tâm, hiện diện cho họ và đang để tâm đến họ không? Vậy mà chính những chi tiết nhỏ bé này lại tôn vinh Thiên Chúa nhiều nhất, Ngài là Đấng Thánh như lời Thánh Vịnh đáp ca nhắc nhủ,”Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Đấng Thánh!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con chú ý đến mọi việc lớn và cả những việc rất nhỏ mà con được kêu gọi để sống yêu thương. Đặc biệt, xin giúp con tìm kiếm những cơ hội nhỏ nhất để thể hiện tình yêu này, vì đó là ‘những chi tiết của tình yêu’ mà lề luật Chúa giúp con mau nên thánh”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)