Những lối hẹp khó chịu

“Hãy tắm rửa, hãy dẹp khỏi mắt Ta các tư tưởng xấu xa”;

“Kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Cả hai bài đọc hôm nay gây những bất ngờ khác nhau nhưng lại có chung một chủ đề không mấy bất ngờ, chọn lựa khi phải lựa chọn. Chọn đẹp lòng Chúa, chọn đẹp lòng người; chọn chính Chúa, chọn bản thân, “Hãy tắm rửa, hãy dẹp khỏi mắt Ta các tư tưởng xấu xa”; “Kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó”.

Tưởng như đang vào mùa Chay khi hôm nay, chúng ta nghe một loạt các khuyến cáo của Isaia, “Các ngươi hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy, hãy dẹp khỏi mắt Ta các tư tưởng xấu xa; đừng làm điều ác nữa, hãy làm điều lành”. Thiên Chúa lợm tởm những gì mà dân Người tưởng như thế là đẹp lòng Người, “Ta ghê tởm mùi hương, Ta không chịu được các ngày đầu tháng, các ngày Sabbat và các ngày lễ trọng. Những cuộc hội họp của các ngươi đều là gian ác”. Thiên Chúa muốn dân mình chọn điều đẹp lòng Người. Đó là một tâm hồn thống hối, yêu thương đồng loại và kính sợ Thiên Chúa.

Cũng thế, với bài Tin Mừng, chúng ta tưởng như mình đang ở vào cuối năm phụng vụ khi Chúa Giêsu nói đến những chọn lựa mà người môn đệ phải quyết định trong thời cấm cách; khi mà chia rẽ xảy ra giữa cha với con trai, mẹ với con gái, mẹ chồng với nàng dâu và thù địch lại là chính người nhà của mình. Ngài kết luận, “Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được”. Ngài muốn những ai theo Ngài phải chọn lựa, chọn Chúa hay chọn chính mình.

Vậy thì phải hiểu đoạn Tin Mừng này thế nào. Các nhà chú giải đề nghị chúng ta đặt bản văn này trong bối cảnh của ngày cánh chung, ngày mà Chúa Giêsu đã nhiều lần nói đến trong cả ba Tin Mừng nhất lãm. Ngài nói đến thời mà Giêrusalem không còn đá nằm trên đá; thời các Kitô giả xuất hiện, thời loạn lạc, chiến tranh, bắt bớ; thời mà các kẻ tin Ngài phải tĩnh thức kẻo bị lừa gạt. Ngài đưa ra một tiêu chuẩn để chọn lựa khi phải lựa chọn, ‘Chúa trên hết, Chúa trước hết, không ai hơn Chúa, không chi bằng Chúa’.

Cám dỗ thường xuyên của chúng ta hôm nay là tìm kiếm một Đức Kitô không có thập giá, một Kitô giáo dễ dãi và hợp thời. Cám dỗ của chúng ta hôm nay vẫn là muốn rập theo một nền phụng tự hình thức thời Isaia với những tế tự rềnh rang, hội hè rộn ràng. Cần nhận ra rằng, Tin Mừng Chúa Giêsu là một Tin Mừng khổ chế, không chỉ rao giảng nhưng để sống; không chỉ hô hào nhưng để thực thi; không chỉ tô điểm nhưng để làm chứng. Không như thế, Tin Mừng sẽ trở nên mơ hồ, thập giá trở thành món trang sức và giáo lý trở thành mớ lý thuyết.

Một cô gái tâm sự, “Ở đây có một bà đang trầm trồ về mái tóc xinh đẹp của tôi, rồi một bà khác thò đầu ra khỏi cửa vì muốn biết đứa trẻ gái xinh đẹp kia là ai… Tâm trạng hồi hộp vui sướng tôi đang cảm nghiệm chứng tỏ tôi đầy kiêu kỳ tự tôn. Nhưng về sau, tôi luôn cảm thương cho những ai phải thiệt mất linh hồn; nói cho cùng, điều ấy thật quá dễ dàng một khi người ta muốn đi theo con đường dễ dãi của trần thế”. Tâm sự đó không phải của ai khác nhưng là của Têrêxa Lisieux.

Anh Chị em,

Nếu cô con gái xinh đẹp của ông Louis Martin ngày nào chọn cho mình sự dễ dãi, hẳn Giáo Hội đã không có một vị thánh nhỏ nhưng chẳng nhỏ chút nào như Têrêxa Hài Đồng Giêsu.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đỡ nâng con để con có thể yêu mến những lối hẹp khó chịu của Tin Mừng, bởi đó là đường giúp con nên thánh”, Amen.

 

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Chia sẻ Bài này:

Related posts