NIỀM VUI TRÒN ĐẦY

“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn!”.

Một thiếu nữ được bác sĩ cho biết, “Cô không bao giờ có thể thoát khỏi ngục tù đau đớn và yếu đuối của mình!”. “Ồ, không!”, cô nhanh chóng trả lời, “Còn rất nhiều cách sống trong giới hạn, nếu bạn không mệt mỏi khi chiến đấu với chúng!”. Thiếu nữ đó là Helen Keller, nhà văn vừa mù, vừa điếc, người đã nói, “Hãy đối mặt với những khiếm khuyết và thừa nhận chúng, nhưng đừng để chúng làm chủ bạn! Để có ‘một niềm vui tròn đầy’, Thiên Chúa không chỉ muốn các khả năng chúng ta dâng hiến; Ngài còn muốn cả những bất lực của chúng ta nữa!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Để có ‘một niềm vui tròn đầy’, Thiên Chúa còn muốn cả những bất lực của chúng ta nữa!”. Cùng với câu nói của Keller, Tin Mừng hôm nay cho thấy một quan điểm mới về ơn cứu độ khi Chúa Giêsu tự nhận là một thầy thuốc đến tìm bệnh nhân. Một thầy thuốc sẽ làm gì nếu không có bệnh nhân? Ông sẽ phá sản! Vì thế, ở một khía cạnh nào đó, thầy thuốc cần đến bệnh nhân để hoàn thành vai trò của mình, đó là ‘một niềm vui tròn đầy’ cho thầy thuốc lẫn người bệnh.

Điều tương tự cũng có thể xảy ra với Chúa Giêsu. Ngài là Cứu Chúa của thế giới, nhưng nếu thế giới không có tội nhân thì sao? Cái chết của Con Thiên Chúa sẽ lãng phí một cách không cần thiết và lòng thương xót của Thiên Chúa thật vô tích sự! Như vậy, theo một nghĩa nào đó, với tư cách Đấng Cứu Độ của thế giới, Chúa Giêsu cần đến những tội nhân. Ngài cần những người quay lưng với Thiên Chúa, vi phạm lề luật Ngài, vi phạm phẩm giá họ, vi phạm phẩm giá người khác; họ ích kỷ, họ phạm tội. Tắt một lời, Chúa Giêsu cần những tội nhân! Thật sao? Bởi Ngài là Đấng Cứu Rỗi, một Đấng Cứu Rỗi cần phải cứu, một Đấng cần những ai ‘cần được cứu’ để cứu! Được như thế, Thiên Chúa sẽ có ‘một niềm vui tròn đầy’, niềm vui thiên đàng.

Thật quan trọng để chúng ta hiểu được sự thật này; từ đó, chúng ta sẽ bất chợt nhận ra rằng, việc tội nhân đến với Chúa Giêsu đem theo bao ô uế của tội lỗi nơi họ sẽ là cơ hội cho Trái Tim Rất Thánh của Ngài thi thố lòng thương xót. Nó mang cho Ngài ‘một niềm vui tròn đầy’, vì qua đó, Ngài hoàn thành sứ mệnh Chúa Cha trao, với tư cách là Đấng Cứu Rỗi duy nhất.

Đồng bàn với tội nhân, Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài bị phê phán; Ngài phản ứng, “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn!”. Tuyệt vời! Đó là một tuyên bố dành cho tất cả nhân loại đang cần cứu chuộc, một nhân loại tổn thương mà Ngài đang cần đến để Thiên Chúa có thể cứu nó. Rõ ràng, Thiên Chúa không loại trừ ai, Ngài cần mọi người; Ngài cần mọi tội nhân! Ngài mở rộng lời kêu gọi ăn năn và được biến đổi cho mọi người; Ngài muốn tiếp cận mọi người, tha thứ cho mọi người. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Xin dạy con đường lối Ngài, lạy Chúa!”, một đường lối ‘tìm kiếm để tha thứ!’.

Đường lối của Thiên Chúa là thế, một đường lối hoàn toàn khác với đường lối của con người, vốn hay phân biệt đối xử và ủ ấp thù hiềm; bài đọc Isaia hôm nay nói, đó là những con người “đầy cử chỉ đe doạ và lời nói hại người”. Với Thiên Chúa, khi ai đó phạm tội nhiều hơn, Ngài cần người đó nhiều hơn! Ngài nỗ lực đặc biệt để tiếp cận họ, để ban cho họ ân sủng và tha thứ. Qua đó, Ngài dạy chúng ta kiên nhẫn, yêu thương, và nhất là, biết tìm cho mình ‘một niềm vui tròn đầy’ khi xây dựng những nhịp cầu, bất cứ khi nào có cơ hội.

Anh Chị em,

Thiên Chúa cần chúng ta! Không ai trong chúng ta không là một tội nhân; cũng không ai không cần đến Thiên Chúa; càng không ai không cần phải sám hối! Thiên Chúa cần chúng ta! Phải, Ngài mong chúng ta biết rằng, Ngài đang chờ đợi từng người. Chúng ta là niềm vui của Chúa Giêsu, là đối tượng sứ vụ của Ngài. Hãy đến với Ngài trong tình trạng bị tổn thương và tội lỗi, vốn chỉ đáng bị nguyền rủa đời đời; hãy đến với Ngài theo cách này, và cho phép Ngài biểu lộ lòng thương xót của trái tim Ngài. Chúa Giêsu “cần” chúng ta, hãy cho Ngài một ‘niềm vui tròn đầy’, đó là quà tặng mang đến cho Ngài. Hãy để Ngài là Đấng Cứu Rỗi nhân từ của mỗi người!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con biết, con cần Chúa; nhưng con không biết, Chúa “cần” con! Những ngày Mùa Chay, chớ gì con biết đến trao cho Chúa ‘một niềm vui tròn đầy’ khi con thật lòng trở về”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts