“Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt. Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm”.
Samuel Baker kể về một trung đoàn chết khát trên sa mạc. Nhìn xa xa, họ nghĩ, họ thấy nước; nhưng hướng dẫn viên Ả Rập cảnh báo, đó chỉ là ‘nước của ảo ảnh!’. Họ cãi cọ, hướng dẫn viên bị giết! Trung đoàn lao về phía trước; dặm này, dặm khác. Ảo ảnh dẫn đoàn quân tiến sâu hơn vào sa mạc. Quá muộn, họ đã nhận ra sự thật. Họ đã chết khi theo đuổi một điều viển vông!
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay không nói với chúng ta về ‘nước của ảo ảnh’ đã dẫn đến cái chết của một trung đoàn, nhưng nói về một ‘mạch nước thật’ làm cho sống và sống đời đời! Thật ý vị khi Gioan nhắc đến con số “38”. Người đàn ông trong Tin Mừng phải sống cuộc sống bại liệt những 38 năm! “38 năm”, khoảng thời gian Israel lang thang trong sa mạc; cũng thế, người này nằm bên hồ suốt 38 năm, nhưng không với tới nước. Người ấy ‘lang thang trong sa mạc của mình!’.
Trong Đệ Nhị Luật 2, 14, Môisen viết, “Thời gian chúng ta đi từ Cađê Bacnêa cho đến khi qua thung lũng Derét là 38 năm”. Sa mạc, nơi thử thách; ở đó, thiếu thốn trăm bề, và cái cần nhất là nước! Thế nhưng, Chúa không để Israel chết khát, nước từ các mạch đá đủ cho họ suốt gần 40 năm. Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Chính Chúa Tể Càn Khôn ở cùng ta luôn mãi, Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta!”. Từ đó, chúng ta hiểu ý nghĩa thị kiến nước trào ra từ đền thờ mà Êzêkiel nhìn thấy hôm nay! Phụng vụ Phép Rửa sẽ ca lên, “Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra; và nước ấy chảy đến những ai thì tất cả đều được cứu rỗi và reo lên, Halleluia!”.
Một chi tiết thú vị khác chúng ta cần lưu ý là, Êzêkiel chẳng những là một ngôn sứ, ông còn là một tư tế! Vì thế, khi nói về nước chảy ra từ bàn thờ, đền thờ, thì phải chăng tư tế Êzêkiel đang mơ về một Giêsu Tư Tế Thượng Phẩm; Đấng sẽ là bàn thờ, là đền thờ, cũng là dòng nước cứu độ ban sự sống và chữa lành. Ngài từng tuyên bố, “Ai đến với Tôi, sẽ không khát bao giờ!”.
Trở lại với Tin Mừng, Chúa Giêsu tự nguyện đến với người đàn ông ‘lang thang trong sa mạc’; Ngài bước vào sự cô lập của anh dù không được mời! Ngài nhìn thấy anh, biết hoàn cảnh của anh, đến gặp anh và nói chuyện trực tiếp với anh. Thoạt tiên, Ngài hỏi, “Anh có muốn khỏi bệnh không?”. Anh không trả lời, “Có” hay “Không” nhưng anh phàn nàn, “Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động”. Anh ta mắc bệnh bi quan; anh phát ốm vì buồn; anh bị bệnh lười! Đây là căn bệnh của anh, “Đúng, tôi muốn lành, nhưng…”, và anh đợi ở đó. Thế mà mấu chốt là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu; dẫu xem ra, anh không cần được chữa lành. Phải chăng anh đang tiếc nuối thuở lang thang?
Tuyệt vời thay! Chúa Giêsu đã chữa lành con người bi quan tuyệt vọng này mà không cần nhúng anh xuống hồ Bêthesda. Bêthesda có nghĩa là “Ngôi nhà của lòng thương xót”, hoặc “Ngôi nhà của ân sủng” theo tiếng Do Thái. Đúng thế, người đàn ông này đang cần lòng thương xót và ân sủng ngay cả khi anh không ý thức. Và Chúa Giêsu không phải là ‘nước của ảo ảnh’ nhưng là mạch ân sủng và xót thương đã thương phục hồi anh! Thánh Augustinô nói, “Vết thương của chúng ta rất nghiêm trọng, nhưng vị Thầy Thuốc thì toàn năng. Tôi sẽ tuyệt vọng về vết thương chí mạng của tôi, nếu tôi không tìm thấy một Thầy Thuốc vĩ đại như Ngài!”.
Anh Chị em,
Chúa Giêsu, không phải là ‘nước của ảo ảnh’, nhưng là đài phun chữa lành đích thực; Ngài là nước làm cho sống! Ngài là đền thờ mới mà Êzêkiel đã có một tầm nhìn với một dòng suối tuyệt vời chảy sâu hơn bao giờ hết từ phía bên phải của nó. Nơi nào nước này chảy qua, nó đều mang lại an lành và sự sống. Đỉnh đền thờ mới là Canvê, nơi nước ngọt ngào của phép Rửa chảy ra từ cạnh sườn Đấng Kitô khi người lính lấy giáo đâm cạnh nương long Ngài. Ngày nay, dòng nước cứu độ ấy vẫn tiếp tục chảy và rửa sạch mọi thương tích trong tâm hồn chúng ta. Nước Giêsu cho chúng ta sống hạnh phúc viên mãn ngay trong sa mạc trần gian khô khốc này!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con không thể cứu con; tệ hơn, con ‘vui tươi’, an phận trong sa mạc đời mình; ở đó, con chạy theo ‘nước của ảo ảnh’. Xin cứ dìm con vào Chúa mà đừng thèm hỏi con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)