Isaac nói, “Củi lửa có đây, còn của lễ toàn thiêu đâu?”; Abraham đáp, “Hỡi con, Chúa sẽ liệu!”.
Nhà thần học A.W. Tozer viết, “Thánh Kinh công nhận, không đức tin nào không dẫn đến sự vâng lời; Thánh Kinh cũng không công nhận một sự vâng lời nào đó mà không bắt nguồn từ đức tin; đây là hai mặt của một đồng tiền. Về phía Thiên Chúa, Ngài không bao giờ vội vàng; không một hạn định nào buộc Ngài phải làm điều này điều kia, Ngài tự do dự liệu theo cách của Ngài”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật bất ngờ, câu nói của A.W. Tozer sẽ được gặp thấy trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Isaac thắc mắc không biết lấy đâu ra của lễ để dâng Thiên Chúa, thì thật tuyệt vời, câu trả lời của Abraham, “Hỡi con, Chúa sẽ liệu!”. Phải, Chúa sẽ liệu theo cách của Chúa, mà cách của Chúa là xót thương; về phía con người, chỉ việc tin vào Thiên Chúa và ‘ôm lấy lòng thương xót’ của Ngài.
Câu chuyện hiến tế Isaac không đơn thuần là câu chuyện của lòng tin, nhưng còn là câu chuyện của lòng thương xót. Đã một thời, tục tế thần từng phổ biến trong lịch sử của một vài tôn giáo, bộ tộc. Chính trong bối cảnh đó, Abraham được mời gọi hiến tế con mình. Với một hành trình dài bằng ba ngày đường, và dù lòng chất nặng nỗi sầu, Abraham vẫn vâng lời đem con lên núi; thế nhưng, ông vẫn đặt niềm tin tuyệt đối vào tình yêu Thiên Chúa, Đấng hứa cho dòng dõi ông đông như sao trời, nhiều như cát biển. Thiên Chúa có cách của Ngài, Abraham không cần biết Ngài sẽ làm cách nào, đó không phải là việc của ông. Ông chỉ có một việc, là tin tưởng ‘ôm lấy lòng thương xót’ của Ngài. Vì thế, với câu hỏi của con mình, ông trả lời không do dự, “Chúa sẽ liệu!”. Ông không biết Chúa sẽ liệu theo cách nào; và kìa, Ngài đã liệu theo cách xót thương, “Abraham, Abraham, đừng đưa tay hại đến đứa trẻ!”. Rồi đây, một người con trong miêu duệ đông như sao trời của ông sẽ nói, “Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống!”, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay tiên báo, “Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời, trong cõi đất dành cho kẻ sống!”.
Tin Mừng hôm nay cũng nói đến lòng tin của con người và lòng thương xót của Thiên Chúa. Người ta đem đến cho Chúa Giêsu một người bất toại, xin Ngài chữa lành. Với trình thuật này, Marcô và Luca diễn tả khá chi tiết, ngoạn mục; nào người bất toại có bốn người khiêng, nào anh được thòng xuống chòng chành từ mái nhà qua một lỗ thủng. Với Matthêu thì hoàn toàn khác, thánh sử ghi lại cách đơn giản, “Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu nói với người bất toại, ‘Hỡi con, hãy vững tin, tội con được tha!’”. Thế thôi! Matthêu chỉ tập trung vào lòng tin bộc lộ từ con người và lời xót thương tỏ bày từ Thiên Chúa. Với Matthêu, điều quan trọng ở đây là, trước một Thiên Chúa xót thương, con người phải có lòng tin để ‘ôm lấy lòng thương xót’ của Ngài, phần còn lại, Thiên Chúa sẽ liệu.
Thế nhưng, ngạc nhiên thay, cách thức Thiên Chúa liệu lại thật lạ lùng; đó là “Tội con được tha!”. Sao lại “tội con được tha” mà không phải ‘con được lành?’. Với Chúa Giêsu, sự chữa lành tâm linh, được thứ tha tội lỗi phải là điều quan trọng nhất trong ‘phép lạ kép’ hồn xác này; bởi lẽ, chữa trị thiêng liêng để lại hậu quả vĩnh viễn cho linh hồn. Vấn đề quan trọng nhất của một con người là sự thánh thiện và phải loại bỏ trở ngại của sự thánh thiện là tội lỗi. Trong sâu thẳm, điều duy nhất phương hại đến linh hồn là tội lỗi và lối sống ích kỷ. Thế nhưng, việc cầu xin điều này lại không dễ, nó đòi hỏi trước tiên, phải thừa nhận mình là tội nhân cần được thứ tha; để có thể thừa nhận nhu cầu cần được tha thứ, cần phải có lòng can đảm và sự khiêm tốn vốn là hai đức tính và là sức mạnh tuyệt vời của tính cách từ phía chúng ta.
Anh Chị em,
Đối với những tâm hồn ước mơ đời sống thánh thiện, Chúa Kitô luôn luôn mới mẻ; chúng ta luôn được yêu cầu nhiều hơn, và kết quả là những kinh nghiệm mới mẻ về Ngài sẽ lấp đầy chúng ta. Tình yêu của chúng ta không bao giờ cũ vì chúng ta từ chối ‘kiểm soát trước’ những gì Chúa có thể làm với mình. Chúng ta tin, Chúa sẽ liệu; và Ngài đã liệu cho chúng ta. Bí tích Giải Tội được dự liệu để ban ơn tha thứ tội lỗi; các Bí tích khác đồng hành để ban ân sủng trợ lực; đặc biệt với Bí tích Thánh Thể, chính Ngài hiện diện, kết hiệp và nuôi sống linh hồn chúng ta. Vì thế việc còn lại của chúng ta là ‘ôm lấy lòng thương xót’ của Ngài khi biết mình bất lực, yếu hèn và tội lỗi.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin chữa lành con, vốn đang tật nguyền, bại liệt. Xin đừng để con tưởng mình khoẻ mạnh, để con biết cầu xin ơn tha thứ và múc lấy những gì Chúa sẽ liệu cho con mỗi ngày; hầu con một chỉ ‘ôm lấy lòng thương xót’ của Chúa trong tâm tình biết ơn”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)