PHẨM GIÁ, TƯỚC VỊ VÀ SỨ MỆNH

“Họ nhìn thấy kẻ trước kia bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay tường thuật một câu chuyện đầy kịch tính nhưng cũng là một câu chuyện có hậu. Marcô mô tả rất chi tiết nhân vật chính; đó là một người không còn là người, sống mà như chết, một người đã hoá quỷ; thế nhưng, một khi gặp được Chúa Giêsu, tình yêu và quyền năng của Ngài đã phục hồi cho anh tất cả: ‘phẩm giá, tước vị và sứ mệnh’. Không thể tuyệt vời hơn!

Đó là một con người bị cộng đồng loại trừ; anh “sống giữa mồ mả”, một môi trường chết chóc; anh “kêu la, lấy đá rạch mình”, tru tréo như con vật, bạo lực chính mình; “không ai trị nổi anh”, bạo lực với người; ‘anh không mặc áo xống’, mất tính người, vốn có nhân phẩm và văn hoá. Khủng khiếp thay, con người vô vọng này có thể là hình ảnh mỗi người chúng ta! Có thể chúng ta cũng đang bị giam hãm trong một tội lỗi nào đó, một tội lỗi mà dường như chúng ta không thể tự giải thoát; một tội phạm đi phạm lại, và chúng ta chai lì sống trong tình trạng chết chóc. Bạn bè và người thân giúp đỡ, nhưng chúng ta không có ý chí muốn biến đổi; thay vì điều chỉnh, chúng ta thoả hiệp với ‘một cách sống’ và tự nhủ, ‘Tôi chỉ sống tốt nhất có thể’. Kết quả là một con quỷ đã ‘nhân lên’ trong tôi và tôi trở thành một quân đoàn quỷ, một “Cơ binh” của quỷ.

Vậy mà “Thiên Chúa đã dự liệu cho chúng ta một cái gì tốt hơn” như tác giả thư Do Thái hôm nay nói đến. Trong Chúa Giêsu, tất cả được phục hồi, Ngài sẽ phục hồi chúng ta như đã phục hồi người bị quỷ ám hôm nay; tình yêu và quyền năng của Ngài sẽ trả lại cho chúng ta ‘phẩm giá, tước vị và sứ mệnh’ như Ngài đã trả lại cho con người ấy. Thật an ủi khi biết rằng, Chúa Giêsu muốn giải thoát chúng ta khỏi mọi quyền lực ma quỷ, khỏi bất cứ tình trạng tội lỗi nào; từ đó, chúng ta tìm lại được chính mình. Vì thế, như người bị quỷ ám, chúng ta có thể chạy đến với Chúa Giêsu bất cứ lúc nào để cầu xin sự chữa lành; bởi lẽ, không một trọng tội nào, không một loại quỷ ám nào đến mức có thể làm cho tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa phải bất lực. Hẳn mỗi người có thể lo sợ rằng, phương dược chữa trị của Chúa Giêsu sẽ gây đau đớn, nhưng hãy tin, việc ‘điều trị thiêng liêng’ này là đáng giá và cấp thiết. Phương pháp chữa trị có thể là một cuộc xét mình chân thành đến mức tàn nhẫn, một lần xưng tội thành thật đến mức xấu hổ, hoặc một cuộc chia tay một mối quan hệ không lành mạnh đến mức hụt hẫng.

Hãy tưởng tượng con người được Chúa Giêsu chữa lành; vẫn còn đó những vết sẹo, anh thở hổn hển, nhưng nay đã hoàn toàn bình thường, “ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo”. Một cảnh tượng tuyệt vời đến mức choáng ngợp! Tất nhiên, người đàn ông được chữa lành phải ngộp thở bởi sự biến đổi. Anh không hề nghĩ đến việc được trở lại với một ‘cuộc sống bình thường’; lòng biết ơn của anh khiến anh muốn xuống thuyền đồng hành với Chúa Giêsu, một người bạn cũng là vị cứu tinh của anh. Vậy mà Tin Mừng cho biết, “Khi Người xuống thuyền, kẻ trước kia bị quỷ ám xin theo Người; nhưng Người không cho”; để rồi, Ngài trao cho anh một sứ mệnh, “Con hãy về nhà với thân quyến, loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con”. Như vậy, bất cứ nơi nào anh đi đến, anh sẽ công bố những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm trong anh. Cũng thế, khi được tha thứ sau một lần xưng tội, chúng ta thường vui mừng công bố quyền năng và tình thương của Thiên Chúa cho gia đình, cho bạn bè mình.

Trong cuốn sách “I Surrender”, tạm dịch “Tôi Thua Chúa” của mình, Patrick Morley viết, “Vấn đề toàn vẹn của Giáo Hội nằm ở quan niệm sai lầm rằng, ‘Chúng ta có thể cọng thêm Chúa Kitô vào cuộc sống, nhưng không cần phải trừ bớt tội lỗi’. Đó là thay đổi niềm tin mà không cần thay đổi hành vi; đó là phục hưng mà không cần cải cách; đó là trở về mà không cần ăn năn”.

Anh Chị em,

“Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa không cần nó; khi cứu chuộc nó, Thiên Chúa cần con người”. Thiên Chúa cần chúng ta nhận ra lòng thương xót của Người, nhận ra máu châu báu của Con Một Người đổ ra để rửa sạch tội lỗi chúng ta; Người cần sự ăn năn, cần việc chúng ta bước ra khỏi ‘vùng chết chóc’ để sống trong niềm vui một khi nhận ra lòng thương xót của Đấng đã phục hồi cho chúng ta ‘phẩm giá, tước vị và sứ mệnh’; cũng là Đấng mà chúng ta phải ‘đầu hàng’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con “can trường và mạnh bạo” như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay mời gọi; nhờ đó, con có thể bước ra khỏi ‘mồ mả’ của con để cũng được Chúa hồi phục ‘phẩm giá, tước vị và sứ mệnh’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts