“Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!”.
Richard L. Evans nói, “Bi kịch của cuộc đời không phải là nó kết thúc quá sớm, mà là chúng ta chờ đợi quá lâu để bắt đầu nó! Và Thiên Chúa vẫn hằng đợi chờ cái bắt đầu đó nơi mỗi người. Với Ngài, không bao giờ là quá trễ, ‘sớm hay muộn không quan trọng!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Ý tưởng của Richard L. Evans được gặp lại trong câu chuyện “Thợ Làm Vườn Nho”, một dụ ngôn khác về Nước Trời, trong Tin Mừng hôm nay. Chúng ta có thể thiên về những người càu nhàu, vì xem ra không công bằng khi những người chỉ làm một giờ lại nhận lương giống hệt những người vào làm từ sáng sớm, chịu nắng nóng cả ngày. Như vậy, nếu Thiên Chúa là Chủ Vườn, thì dường như với Ngài, người vào trước, kẻ vào sau, ‘sớm hay muộn không quan trọng!’.
Dẫu tất cả đã thoả thuận với quy ước, nhưng vẫn công bằng và lịch sự khi người đến sớm có thể được cho nhiều hơn, hoặc người đến muộn sẽ lãnh ít hơn. Tuy nhiên, nếu chúng ta đồng ý như thế, thì điều đó lại vô tình tiết lộ rằng, suy nghĩ của chúng ta là suy nghĩ của con người chứ không phải suy nghĩ của Thiên Chúa! Vì đúng ra, chúng ta phải biết cảm ơn Chúa, Chủ Vườn, bởi với Ngài, ‘sớm hay muộn không quan trọng!’. Bao nhiêu lần, chúng ta ‘đến muộn!’.
Dụ ngôn phản ánh tình hình của Giáo Hội sơ khai. Các Kitô hữu đầu tiên là những người Do Thái, vốn thuộc về một dân tộc có lịch sử tôn giáo hàng nghìn năm, họ là dân riêng của Chúa. Sau đó, những người ngoại bắt đầu được nhận vào cộng đồng; một số trong họ có thể đến từ các môi trường hoàn toàn ngoại giáo; họ có thể đã sống một cuộc sống rất vô luân. Tuy nhiên, một khi được chấp nhận và chịu phép Rửa, họ được hưởng mọi đặc ân của cộng đồng. Cách nào đó, có vẻ không công bằng! Nhưng đây là sự công bằng của Chúa. Thiên Chúa dành tất cả tình yêu của Ngài cho tất cả mọi người mà không loại trừ những ai vừa biết nó, để mở lòng đón nhận nó. Điều đó xảy ra ‘sớm hay muộn không quan trọng’. Thực tế, những người đến sau chỉ làm một giờ không khiến cho nhu cầu của họ kém hơn những người đến sớm hơn. Công bằng của Chúa được đo bằng nhu cầu của chúng ta chứ không bằng phép phân chia toán học.
Những gì mỗi thợ nhận được là một biểu tượng tình yêu của Chủ Vườn. Người đến sớm, kẻ đến muộn, nhận được như nhau tình yêu của Chủ. Tình yêu đó không có nhiều mức độ; nó luôn luôn là 100 phần trăm. Thiên Chúa là Tình yêu; Ngài không thể không yêu, cũng không thể không yêu toàn bộ. Đây là điều có thể xảy ra với chúng ta, và có lẽ nó đã xảy ra! Quên điều đó, chúng ta có thể xa rời Thiên Chúa. Tôi có thể di chuyển rất xa; nhưng tôi biết, bất cứ lúc nào tôi quay về, có thể là giờ thứ 11, Ngài vẫn dang rộng vòng tay ôm lấy tôi; ‘sớm hay muộn không quan trọng!’. Thánh Vịnh đáp ca và bài đọc Êzêkiel cũng cho thấy điều đó, “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì!”. Tình yêu của Chúa thật lạ lùng, Ngài tìm kiếm và chờ đợi từng con chiên, dành lại từng con chiên, để không có con nào phải thiếu thốn một điều gì.
Anh Chị em,
“Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!”. Thiên Chúa chờ đợi mỗi linh hồn đi vào vườn nho của Ngài với lòng kiên nhẫn vô hạn. Ngài mừng từng linh hồn khi nó bước vào. Hãy ước ao có một tấm lòng như tấm lòng của Chúa, vốn mong đợi với hy vọng các linh hồn khác sẽ vào vườn nho và vui mừng về những của cải Ngài muốn tuôn đổ cho tất cả mọi người; ‘sớm hay muộn không quan trọng!’. Khiêm tốn là điều kiện tiên quyết để vào Nước Trời. Bất kể chúng ta từ đâu đến, bất kể quá khứ làm sao, việc nhận ra vòng tay của Chúa và món quà Ngài tặng sẽ giành cho chúng ta một phần thưởng lớn. “Đừng chờ đợi quá lâu để bắt đầu nó!”. Hãy thừa nhận rằng, tôi đã được nhận vào vườn nho ân huệ của Ngài và rằng, mọi thứ là một món quà không đáng có!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa tìm kiếm và chờ đợi linh hồn con, linh hồn anh chị em con. Xin giúp con trở về ngay hôm nay; với Chúa, không bao giờ là quá trễ, ‘sớm hay muộn không quan trọng!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)