Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gio-an (Ga 13: 1-15)
1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su.3 Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa,4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng.5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? “7 Đức Giê-su trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”.8 Ông Phê-rô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu! ” Đức Giê-su đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”.9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa”.10 Đức Giê-su bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu! “11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch”.12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?13 Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa.14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
SUY NIỆM
Trong khung cảnh ấm cúng của bữa Tiệc Ly, trước khi bước vào cuộc khổ nạn ta thấy Chúa Giêsu đã diễn tả tình yêu khiêm hạ của mình cho các môn đệ yêu quý.
Và rồi hết sức đặc biệt, qua hành vi cúi mình rửa chân cho các Tông Đồ, một lần nữa, Chúa Giêsu đã minh chứng rằng Người đến trần gian không phải để được người ta phục vụ, nhưng đến để phục vụ mọi người. Hành động rửa chân cho các môn đệ còn là bài học sống động mà Chúa Giêsu muốn truyền lại cho những ai muốn đi theo Người. Đó là bài học khiêm tốn phục vụ mọi người trong yêu thương: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”.
Đức Giêsu đã chỗi dậy ra khỏi bàn ăn. Ở đây nói lên sự vượt qua của Ngài khác nào dân Do Thái khi xưa đi qua biển đỏ. Vượt qua đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là trở về cùng Chúa cha nhưng còn có nghĩa trao ban thịt máu, là thí mạng vì đoàn chiên. Chính vì thế, Gioan đã tả lại hành vi của Đức Giêsu: Chúa Giêsu chỗi dậy, cởi áo ra.
Đây là hành vi lột bỏ tất cả, trở thành nô lệ để phục vụ như người nô lệ. Hành vi rửa chân của Chúa Giêsu gợi lại hình ảnh Ngài sẽ hư vô hóa đời Ngài trên thập giá. Việc Ngài cầm chậu quỳ gối rửa chân cho các môn đệ cho thấy sự tự hủy của Ngài như thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Philip:”…Người đã lĩnh lấy thân phận tôi đòi”…Chúa Giêsu cũng trở nên nghèo khó để làm cho người khác nên giầu có.
Việc rửa chân của Chúa Giêsu còn diễn tả”tình yêu cho đến cùng của Chúa Giêsu”. Chúa là Thầy và là Chúa mà đã nêu gương và dậy các môn đệ và chúng ta cũng làm như vậy. Điều đáng lưu ý trong việc rửa chân cho các môn đệ là thái độ của Chúa Giêsu trước Giuđa Iscariốt kẻ phản bội Ngài. Chúa Giêsu đã tỏ ra nhân đạo và tự chủ hết mình trước kẻ phản bội. Ở đây chúng ta nhận ra một điểm sâu xa khác là Ngài hạ mình ngay cả trước kẻ sẽ phản bội Ngài. Cử chỉ này của Đức Giêsu đã tỏ rõ nét Chúa yêu thương môn đệ cho đến cùng.
Hiểu được việc rửa chân của Chúa Giêsu cho các môn đệ chiều nay, chúng ta mới hiểu rõ hơn việc Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong khung cảnh Ngài tự hủy mình.Chúa Giêsu đã chọn khung cảnh lễ vượt qua của người Do Thái để thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Tình Yêu.
Trong lễ vượt qua của người Do Thái, người ta ăn bánh không men,rau diếp đắng, nhưng còn sát tế chiên con, lấy máu bôi trên cửa để Chúa không giết các con đầu lòng của người Do Thái, con chiên được người ta nướng mà ăn. Con chiên người Do Thái ăn lễ vượt qua chính là hình bóng của Đức Giêsu chiên vượt qua của chúng ta. Là chiên vượt qua Chúa Giêsu đã trở nên của ăn của uống cho ta và gánh tội cho ta. Ngài đã thực hiện điều đó trong đêm Ngài bị nộp.
Bao lâu ta còn chưa chịu để cho Chúa ‘rửa chân’ cho, bấy lâu ta còn thi hành một thứ bác ái trịch thượng của bậc kẻ cả, phục vụ đấy mà trên thế thượng phong ban phát. Riêng với các linh mục cảm nghiệm này còn phải cụ thể và thường xuyên hơn nữa; chẳng hạn, có bao giờ linh mục ngồi vào tòa giải tội trong tư thế mình còn thấp hèn hơn cả các hối nhân tới xưng tội, hoặc tiến ra cử hành Thánh Lễ mà cảm thấy Chúa đang cúi xuống rửa chân cho mình…, hoặc khi rước mình và máu thánh Chúa mà nghiệm thấy quá bất xứng vì được Chúa biến thành miếng ăn nuôi sống con người tội lỗi và bất toàn như mình chăng?
Nhiều lần khi cho rước lễ tôi đã tận mắt chứng kiến việc Chúa đi vào các môi miệng, được trao vào các bàn tay mà đôi khi chính bản thân mình còn cảm thấy rờn rợn? Thế đấy, chính vì ‘để Thày rửa chân cho’ thường xuyên bị lãng quên mà bác ái phục vụ rất ít khi thực sự là quên mình, là cúi xuống; Thánh Lễ lúc đó sẽ nặng về tính thờ phượng kính tôn hơn là “Người yêu thương đến cùng”, ‘Alter Christus’ mang nặng nội dung chức thánh địa vị hơn là ‘mục tử tự hiến’, “vào chung phần với Thầy” được cắt nghĩa là vào hưởng vinh quang thiên quốc hơn là tham dự vào tình yêu thập giá tự hủy của Đức Ki-tô, và còn nhiều điều khác nữa…
“Yêu đến cùng”, một mặt muốn diễn tả sự chung thủy của tình yêu – yêu cho đến chết; mặt khác, “yêu đến cùng” còn muốn nói lên tính vượt trội, nghĩa là vượt trên tất cả những gì con người có thể tưởng tượng được để bày tỏ tình yêu. Đức Ki-tô đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài bằng một tình yêu như thế. Để biểu lộ tình yêu cao độ này: Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ;
Chúa Giêsu đã nêu gương yêu thương. Đó là yêu thương bằng sự phục vụ trong âm thầm và khiêm tốn. Chúa Giêsu không chỉ dạy ta yêu thương qua việc rửa chân cho các Tông Đồ hôm xưa, mà hôm nay, qua phép Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện tại hóa tình yêu của Ngài cho nhân loại. Bằng việc trao ban chính mình, hiến thân trọn vẹn dưới hình bánh rượu, Chúa Giêsu thông ban sự sống thần linh cho chúng ta. Đón rước Mình và Máu Chúa Kitô, mỗi người chúng ta được mời gọi trao ban chính mình cho tha nhân, cúi mình phục vụ anh chị em với lòng mến, cụ thể trong môi trường ta đang sống hằng ngày, là gia đình, giáo xứ, trường học, công xưởng và xã hội.
Mỗi người chúng ta ngày hôm nay cũng được mời gọi bắt chước thái độ “yêu đến cùng” của Chúa, khi biết khiêm tốn phục vụ trong những điều nhỏ bé nhất một cách không tính toán; không quảng đại dấn thân vì Tin Mừng; chấp nhận sống cảnh âm thầm, vô danh. Chúng ta cũng được mời gọi để sẵn sàng chấp nhận phần thiệt thòi để người khác được nhiều phần lợi hơn.
Bài học ‘rửa chân’ thật mấu chốt và quan trọng biết bao! Thế nhưng thật đáng tiếc nó thường bị coi (kể cả bởi các chủ tế cử hành) chỉ như một biểu tượng cá biệt hơn là diễn tả hoàn hảo một mạc khải về tình yêu trao hiến phục vụ đích thực. Tệ hơn nữa nó còn bị thu hẹp thành một nghi thức phụng vụ được cử hành trong Thánh Lễ ngày Thứ Năm Tuần Thánh… và sau đó là kết thúc luôn, không còn được thực thi cách cụ thể trong cuộc sống đức tin của cuộc sống thường ngày.
Huệ Minh