Chúa Nhật 1 Mùa Chay A
(Mt. 4:1-11)
CÁM DỖ.
Chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh. Mùa chay là mùa sám hối. Sám hối là nhận biết lỗi lầm của mình, rồi hối lỗi, xin lỗi và sau cùng là sửa lỗi. Mùa chay đưa dẫn chúng ta trở về với lòng mình và với Chúa. Nếu lòng chúng ta đầy ứ những lo lắng và lo toan trong cuộc sống, vậy còn chỗ đâu cho chính chúng ta.
Đôi khi chúng ta nghĩ rằng cuộc sống của chúng ta không có vấn đề gì cả. Chúng ta vẫn chu toàn mọi công việc hàng ngày. Sống yên vui trong tổ ấm của gia đình. Chúng ta sống trọn vẹn mọi giây phút có được. Hầu như trong mọi lúc chúng ta đều bị cuốn hút vào một cái gì đó. Như khi lái xe hay đi đường, chúng ta nghe nhạc hoặc nói truyện phôn. Khi về nhà, chúng ta lại mở máy vi tính hay truyền hình xem tin tức, thề thao và các mục chúng ta ưa thích.
Mùa chay là thời gian trở về. Chúng ta cần có những giây phút thinh lặng giúp suy tư và xét mình để nhận diện con người thật của mình. Chúng ta đang sống trong thế giới xô bồ và lẫn lộn. Biết rằng hành trình cuộc sống của chúng ta được kết dệt bằng những lựa chọn không ngừng. Đôi khi chúng ta không biết lựa chọn thế nào cho đúng: Giữa thiện và ác, giữa đúng và sai và giữa xấu và tốt. Đôi khi làm chúng ta phải so đo tính toán và rất khó quyết định giữa hai khoảng cách này.
Sự cám dỗ đưa đẩy chúng ta vào những việc sai trái, mà đôi khi chúng ta không hay biết. Cứ thế chúng ta an vui tự tại trong cách suy nghĩ và cách sống của mình. Những cám dỗ thường ngày rất nhẹ nhàng và tinh tế. Rất khó để phân biệt đúng hay sai. Chúng ta làm gì thì cũng chỉ nghĩ là vui chơi tí thôi, đâu có hại chi. Nhớ câu truyện con ếch ngồi trong nồi nước. Nếu chúng ta bỏ một con ếch vào trong một nồi nước lạnh, rồi đem đun xôi từ từ. Nước nóng dần, con ếch vẫn cảm thấy thoải mái nằm yên hưởng phước và rồi từ từ nước nóng xôi lên, chú ếch chết lúc nào không hay biết.
Ma quỉ cám dỗ rất khôn khéo. Từng bước dẫn ta vào đường lầm lạc. Bà Evà đã bị trúng kế của ma qủy về sự cám dỗ. Bà đi từ việc muốn ăn trái cấm tới việc kiêu ngạo muốn được biết mọi sự bằng Thiên Chúa. Chúng ta hãy ăn chay và cầu nguyện luôn, xin Chúa đừng để chúng con xa chước cám dỗ. Chúng ta không thể tránh các cơn cám dỗ trong cuộc sống. Phải phấn đấu và thắng vượt các cơn cám dỗ, chúng ta sẽ được hưởng phước bên Chúa.
THỨ HAI
Mt. 25: 31-46
Ngày Cánh Chung, khi Chúa đến trong vinh quang, Thiên Chúa sẽ không hỏi chúng ta về những thành tích mà chúng ta được biểu dương nhưng Ngài sẽ chất vấn chúng ta về những hành động bác ái chúng ta làm đối với tha nhân.
Bài Phúc âm dài nói về việc bác ái mà chúng ta phải trả lẽ trước mặt Chúa. Chúa Giêsu đã hạ thân làm người. Không phải làm người cao sang quyền qúi nhưng làm thân phận tôi đòi, nghèo khổ và cùng cực. Chúa đã hiện thân nơi những người cùng khốn nhất trong thiên hạ. Chúa Giêsu nói rằng: Mỗi lần các con giúp đỡ cho một trong các anh chị em bé mọn nhất của Ta là các con làm cho Ta.
Đây là cách thế của Chúa hiện diện giữa loài người. Chúa luôn đứng về phe những người đói rách khó nghèo. Nếu chúng ta giúp đỡ họ là chúng ta giúp đỡ Chúa và nếu chúng ta khinh chê họ là chúng ta khinh chê Chúa. Đây là một sự thực hành vừa dễ nhưng lại rất khó. Chúng ta gặp người nghèo khó hằng ngày nhưng người nào nghèo đói thật để chúng ta giúp đỡ. Chúng ta có nhiều lý do để từ chối họ.
Đôi khi chúng ta tự hỏi ai là người nghèo? Tại sao họ lại nghèo như thế? Có phải là họ ăn chơi, hút sách, rượu chè, bài bạc và lười biếng không chịu làm việc. Họ không xứng đáng để nhận của bố thí. Thế là chúng ta lại bỏ lỡ một cơ hội.
THỨ BA
Mt. 6: 7-15
Chúa Giêsu dạy các tông đồ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Kinh Lạy Cha là kinh cầu nguyện tuyệt vời nhất. Kinh ngắn và đầy đủ ý nghĩa. Kinh Lạy Cha chia làm hai phần. Phần thứ nhất là ca tụng, tán tạ và khấn nguyện danh Chúa. Phần thứ hai là xin ơn cả ơn phần xác và ơn phần hồn. Xin ơn tha tội và xin gìn giữ khỏi mọi cơn cám dỗ.
Có nhiều cách cầu nguyện, chúng ta có thể cầu nguyện qua việc đọc kinh chung, đọc kinh riêng và cầu nguyện âm thầm hay lớn tiếng. Cầu nguyện qua sự suy gẫm, tâm sự với Chúa, thưa truyện với Chúa hoặc ở thinh lặng lắng nghe Chúa. Chúng ta có thể cầu nguyện mọi nơi mọi lúc, khi thức dậy, khi ăn cơm, khi đi ngủ và khi làm việc. Cầu nguyện không phải chỉ là xin xỏ ơn này tới ơn kia. Chúa Giêsu nhắc nhở: Khi cầu nguyện các con đừng lải nhải như dân ngoại: Họ tưởng nói nhiều sẽ được nhậm lời.
Chúa nói với các môn đệ rằng: Cha các con biết các con cần gì trước khi các con xin Ngài. Cầu nguyện quan trọng nhất là tâm tình tạ ơn, chúc tụng ngợi khen Chúa, sau cùng là đền tạ và xin ơn. Chúng ta thường đưa việc xin ơn lên hàng đầu và như thế chúng ta chỉ đến với Chúa để xin chứ không phải để cầu nguyện. Chúa Giêsu đã liên lỉ cầu nguyện với Cha của Ngài. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta hãy cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ.
THỨ TƯ
Luca 11: 29-32
Dân chúng thích xem dấu lạ. Chúa Giêsu đã làm biết bao nhiêu phép lạ nhưng sự tò mò mong muốn của dân chúng chẳng bao giờ cùng. Hết sự lạ này, họ mong sự lạ khác. Họ không nhận diện được chính Đấng đã làm phép lạ là ai và ý nghĩa của các dấu chỉ.
Trong Kinh Thánh kể lại Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ, từ việc chữa bệnh, trừ qủy, hóa bánh ra nhiều và cho kẻ chết sống lại. Dân chúng đã chứng kiến tận mắt nhưng họ không tin bàn tay Thiên Chúa đang chữa lành họ. Chúa Giêsu không hài lòng về sự đòi hỏi dấu lạ của họ. Chúa nói rằng: Thế hệ này là thế hệ gian ác.
Chúa Giêsu nhắc đến dấu lạ Giôna đến với dân thành Ninivê. Giôna kêu gọi sám hối: Từ nhà vua đến thần dân đều ăn chay, mặc áo nhặm và sám hối. Thiên Chúa đã tha phạt cho dân thành. Nhưng nơi đây, Chúa Giêsu, Đấng cao trọng hơn Giôna bội phần, đích thân rao giảng kêu gọi sám hối, họ từ chối lắng nghe lời Ngài.
Chính Chúa Giêsu sẽ là dấu lạ sau cùng cho dòng dõi này, khi Ngài sống lại từ cõi chết. Thiên Chúa không áp đặt con người, Ngài để con người được tự do đáp trả tình yêu thương của Ngài. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con vì đã nhiều lần chúng con phạm tội phản nghịch cùng Chúa.
THỨ NĂM
Mt. 7: 7-12
Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy và hãy gõ thì sẽ mở cho. Có khi nào con cái xin bánh mà cha mẹ cho nó hòn đá ư. Cha mẹ dù có xấu đến đâu cũng không làm thế. Trong khi Cha của chúng ta ở trên trời lại không ban cho chúng ta những điều chúng ta xin giúp cho phần rỗi của chúng ta sao.
Có đôi khi chúng ta xin mãi mà không được. Có thể vì chúng ta xin không đúng cách hoặc là chúng ta xin những điều không sinh lợi ích gì cho phần rỗi đời sau. Chúa không phải là ông chủ giầu có, ngồi đó để ban phát các ơn theo như lòng con người mong ước. Chúa quan phòng ban cho chúng ta có trí khôn, có khả năng tính toán và định đoạt, chúng ta phải cố hết sức mình để làm việc và phần còn lại chúng ta phó thác trong tay Chúa.
Chúa cho mưa tuyết hay nắng ấm trên cả người lành kẻ dữ. Lúc thuận tiện hay không thuận tiện, chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa. Làm sao Chúa có thể đáp lời cho hết mọi lời cầu xin như trong một nhà, người cầu mưa, kẻ cầu nắng và người khác cầu râm râm. Thiên Chúa đã quan phòng đặt để sự tuần hoàn trong thiên nhiên. Con người dùng trí khôn của mình để phân định tính toán làm ăn.
Chúng ta trông cậy vào lòng nhân từ của Chúa. Chưa có ai chạy đến với Chúa cầu xin ơn, mà bị Chúa từ chối bao giờ.
THỨ SÁU
Mt. 5: 20-26
Đức ái là nhân đức đối thần không có giới hạn. Bác ái được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Bác ái không chỉ là chia xẻ chút qùa cho người nghèo. Bác ái chính là nhân đức yêu thương. Tình yêu bao la như biển. Chúa Giêsu dậy rằng: Nếu con dâng của lễ trên bàn thờ mà chợt nhớ người anh em đang bất bình với con, hãy để của lễ đó và đi làm hòa với anh em trước. Chúa Giêsu coi trọng tình thân hữu và hòa thuận.
Bất cứ một điều gì xúc phạm đến anh em đều không tốt. Ngay cả giận dữ với anh em, hoặc nói anh em là ngốc, là khùng cũng đáng bị luật phạt. Vì mỗi người anh chị em được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Chúa yêu thương và tôn trọng từng cá nhân. Mỗi người có một nhân vị riêng. Cho dù đó là người đui mù, câm điếc, tàn tật, bệnh hoạn và nghèo đói, tất cả họ đều được hưởng sự cư xử xứng đáng trong phẩm giá của con người và là con Chúa.
Chúa muốn chúng ta sống trong sự hòa thuận yêu thương. Đoàn kết yêu thương xây dựng một cộng đoàn cần phải phấn đấu và dẹp bỏ tự ái qua một bên. Mỗi người tự hạ thấp cái tôi của mình xuống và tôn trọng người khác. Sống đức ái trong mọi môi trường, đức ái là chất keo gắn bó mọi người lại với nhau.
Hãy làm hòa với nhau trước khi mặt trời lặn. Khi đêm về tâm hồn của chúng ta sẽ tìm được nguồn an bình và thanh thản.
THỨ BẢY
Mt. 5: 43-48
Tình yêu không có biên giới. Tình yêu có thể len lỏi vào bất cứ nơi nào. Yêu người yêu ta. Yêu cả kẻ thù. Đức công bằng có giới hạn của nó nhưng đức ái vượt lên trên tất cả. Chúa Giêsu bảo các môn đệ: Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại các con.
Thiên Chúa yêu thương muôn loài muôn vật. Chúa cho mưa xuống trên người công chính và kẻ bất lương. Chúa đã đổ máu cứu chuộc mọi người. Chúa yêu thương tha thứ cho kẻ phỉ báng và đóng đinh Chúa vào thập giá. Tình yêu của Chúa bao trùm trên tất cả. Tình yêu là nhiệm mầu. Đôi khi người ta yêu đến điên cuồng. Nhưng chính do tình yêu, con người đã đạt tới đỉnh cao của các phát minh.
Yêu thương những người yêu chúng ta, đó là lẽ thường. Yêu những người trong gia đình, thân thuộc, bạn bè và những người làm ơn cho chúng ta cũng là điều phải lẽ. Yêu thương những kẻ thù ghét, kẻ gây tổn thương cho chúng ta là điều bất thường. Chúa dậy chúng ta hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ, điều này không dễ. Tình yêu tuy không giới hạn nhưng trái tim con người tự giới hạn mình. Điều Chúa Giêsu dạy chúng ta vượt trên mọi tính toán trong tình yêu. Nếu yêu mà còn tính toán hơn thiệt, chúng ta chưa yêu thật tình.
Lạy Chúa, tình yêu của Chúa bao la tuyệt vời, xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con để chúng con biết yêu như Chúa.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York