Suy Niệm Tuần Lễ CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY A

CHÚA NHẬT

(Ga 11:1-45)

SỰ SỐNG.

Người Ấn Độ có một suy tư nói rằng khi bạn mở mắt chào đời, bạn khóc và mọi người quanh bạn thì vui mừng. Bạn tiếp tục sống cuộc đời riêng tư. Khi bạn nhắm mắt lìa đời. Mọi người chung quanh sẽ khóc thương bạn, nhưng bạn lại vui trong an bình.

Câu truyện của ông Lazarô trong bài Phúc Âm hôm nay nhắc nhớ về cuộc đời của mỗi người chúng ta. Có sinh ắt có tử. Sinh ra là chúng ta bắt đầu đi dần tới sự chết. Lazarô chia sẻ cuộc sống như mỗi người chúng ta. Có sinh ra, lớn lên, rồi bệnh hoạn và chết. Khi chết đi đã có nhiều người thương tiếc. Chính Chúa Giêsu và các tông đồ cũng nhớ thương đến nhỏ lệ.

Đứng trước sự chết, con người đành bó tay. Một khi đã tắt hơi thở trở về cõi bên kia, khoa học văn minh cũng đầu hàng. Lazarô chết, có nhiều người đến viếng thăm. Người ta đã chôn xác ông ta được ba ngày rồi. Có nghĩa là theo luật tự nhiên xác đã đang rữa thối.

Rất may mắn, nơi đây có sự hiện diện của Đấng ban sự sống. Chúa Giêsu chính là nguồn sống. Chúa đã dùng quyền phép mình cho Lazarô chết ba ngày được sống lại. Quyền năng của Chúa cao vượt trí khôn loài người. Không ai có thể hiểu được. Mọi người trố mắt nhìn xem, nhưng không hiểu. Thiên Chúa đứng cạnh bên mà người ta vẫn không nhận ra. Chính Chúa đã phán: “Ta là sự sống và là sự sống lai. Ai tin vào Ta sẽ không phải chết”.

Chúng ta thường thấy trên các tấm bia mộ nơi nghĩa trang, đều có ghi tên tuổi và năm tháng ngày sinh và ngày từ trần. Các con số được ghi qua một gạch nối. Cuộc sống dài hay ngắn cũng chỉ có một gạch nối bẳng nhau. Gạch nối là biểu hiệu cho biết thời gian chúng ta đã sống bao lâu trên trần gian. Thật vậy, đời sống dài hay ngắn không quan trọng. Chỉ quan trọng là làm sao chúng ta sống một cuộc đời có ý nghĩa và để lại nhiều mến thương.

Chúa Giêsu sau khi bị kết án tử hình trên thập giá và chôn trong mồ, Chúa đã sống lại vinh hiển. Đây chính là niềm hy vọng sống lại ngày sau hết của chúng ta. Chúa Giêsu là đầu chi thể, tất cả chúng ta là chi thể mầu nhiệm của Ngài. Chúa đi trước mở lối cho chúng ta bước theo. Đặt niềm tin tưởng nơi Chúa Kitô phục sinh, chúng ta cũng sẽ được phục sinh với Ngài. 

 

TUẦN 5 MÙA CHAY

THỨ HAI

Gioan 8: 1-11

Chúa Giêsu trở lại đền thờ và tiếp tục giảng dạy. Khi đó, những luật sĩ và biệt phái dẫn đến một người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình. Họ thưa Chúa Giêsu: Bà này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Theo luật Môisen, hạng đàn bà này sẽ bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao? Họ cố ý gài bẫy Chúa Giêsu để kiếm cớ kết án Chúa.

Chúng ta thấy câu truyện cũng lạ kỳ. Luật sĩ và biệt phái bắt quả tang người đàn bà phạm tội, bà phạm tội một mình hay với vị nào trong nhóm. Tại sao họ không xét xử theo luật mà Môisen đã truyền. Sao họ lại đem bà đến với Chúa Giêsu để xin xét xử. Họ nghĩ rằng phen này họ sẽ sập bẫy Chúa Giêsu. Nhưng với sự điềm tĩnh và khôn ngoan, Chúa Giêsu đã dẫn mọi người trở về với lòng mình.

Chúa Giêsu đứng dạy và bảo họ: Ai trong các ông không có tội, thì hãy ném đá bà này trước đi. Nghe thế, kẻ trước người sau, họ rút lui. Trước mặt Chúa, ai dám xưng mình là người vô tội. Như thế họ cũng còn chút lương tâm để nhận biết thân phận tội lỗi của mình.

Lạy Chúa, chúng con thích đoán xét và kết án người khác. Tội lỗi của chúng con ngập đầu nhưng chúng con không biết ăn năn sám hối. Chúng con lỗi phạm đến Chúa quá nhiều, xin Chúa thương tha thứ.

 

THỨ BA

Gioan 8: 21-30 

Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: Các ông thuộc về hạ giới, còn tôi, tôi thuộc về thượng giới. Khi Chúa Giêsu mặc khải về nguồn gốc của Chúa, các biệt phái nghĩ rằng Chúa phạm thượng hoặc là nói miên man. Họ cũng không hiểu Chúa muốn nói gì nữa. Vì những lời Chúa nói ra hoàn toàn xa lạ với quan niệm sống của họ.

Họ cũng không hiểu gì về Đấng đã sai Chúa đến. Nhưng Chúa Giêsu mở cho họ một lối thoát khi Chúa nói: Khi các ông giương cao Con Người, các ông sẽ nhận biết rằng tôi là Đấng Hằng Hữu. Có nghĩa là khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, chết và sống lại, Chúa sẽ tỏ mình cho thiên hạ được rõ Chúa chính là Thiên Chúa hằng sống.

Chưa giết được Chúa, họ vẫn chưa hiểu được con đường thập giá mà Chúa phải đi qua. Đây cũng chính là con đường Chúa chọn. Qua hy tế dâng hiến cho Chúa Cha để đền bù tội lỗi cho nhân loại, Chúa Giêsu mới hoàn tất sứ mệnh cứu chuộc của mình. Ngay khi Chúa trút hơi thở trên thập giá đã có nhiều người đấm ngực ăn năn và có nhiều người đã trở lại.

Sẽ có nhiều người bước theo chân Chúa đi vào con đường thập giá, đó chính là con đường của sự sống. Chúng ta không nên phiền trách người xưa rằng sao mà họ quá cứng lòng. Hãy nhìn lại chính chúng ta ngày nay, chúng ta cũng đối xử với Chúa không khác gì họ đã làm hai ngàn năm về trước.

 

THỨ TƯ

Gioan 8: 31-42 

Người ta tranh luận với Chúa Giêsu về dòng dõi của tổ phụ Abraham. Dân Do Thái hãnh diện vì họ là con cháu của Abraham. Chúa Giêsu nói: Nếu là con cháu Abraham thì phải nghe lời của Chúa. Vì Chính tổ phụ đã mong ước ngày của Con Người. Chúa nói với họ rằng: Nếu các ông là con cái Abraham, thì các ông phải làm những việc của Abraham. Nhưng bây giờ các ông lại tìm giết tôi.

Dân chúng luôn tự nhận là dòng dõi được tuyển chọn, dân tộc thánh và là dân được Thiên Chúa yêu thương. Dân tộc đã lãnh nhận hòm bia giao ước và là dân tộc cưu mang lời hứa ơn cứu độ. Họ hãnh diện về tổ phụ và các cha ông của họ. Họ giữ truyền thống của cha ông một cách trung thành nhưng họ đã không mở rộng tâm hồn đón nhận lời hứa cứu độ.

Họ cậy dựa vào đức tin của tổ phụ nhưng chính họ không sống niềm tin của mình vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Họ đã đối xử tệ với người được Thiên Chúa sai đến. Dân Chúa Chọn đã nhắm mắt làm ngơ trước những dấu lạ được thực hiện ở giữa họ.

Chúa mời gọi họ: Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, các ông sẽ biết sự thật. Chúa là đường và là sự thật. Chỉ có sự thật mới giải thoát. Qua Chúa Kitô, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi và bóng đêm của satan. Chúng ta sẽ tìm thấy tự do đích thực. Tự do làm con cái của Thiên Chúa.

 

THỨ NĂM

Gioan 8: 51-59 

Chúa Giêsu nói với người Do Thái: Nếu ai giữ lời tôi, thì muôn đời sẽ không phải chết. Người Do thái phản ứng lại: Bây giờ chúng tôi biết rõ ông bị qủy ám. Phúc âm của thánh Gioan đi sâu vào các chi tiết của cuộc đời và con người Chúa Giêsu. Chúa Giêsu mặc khải về Thiên Chúa và về chính Ngài nhưng dân chúng đã bịt tai lại và không muốn nghe nữa.

Dân chúng đã xúc phạm đến Chúa và nghĩ rằng Chúa đã bị qủy ám nên nói nhiều điều không thể tưởng. Họ không thể nào chấp nhận được những lời giảng dạy của Chúa vì từ đầu họ đã không chấp nhận chính Chúa. Người ta nói rằng: Không ưa thì dưa có dòi. Khi dân chúng không thỏa mãn được những yêu cầu của họ, họ đã từ chối nghe lời của Chúa. Tất cả những việc Chúa làm và những lời Chúa giảng đều bị coi là bất thường của qủy ám.

Chúa nhắc đến Abraham như là tổ phụ của dân, Abraham đã hân hoan mong được thấy ngày của Chúa, ông đã thấy và vui mừng. Nhưng người Do Thái đối đáp: Ông chưa được 50 mà đã thấy Abraham rồi sao? Chúa đáp lại: Tôi nói với các ông, trước khi Abraham sinh ra thì đã có tôi, tôi là Đấng Hằng Hữu. Dân chúng càng không hiểu Chúa nói gì.

Người ta không thể hiểu được. Con người là loài thụ tạo, giới hạn trong vật chất, không thể lãnh hội những mặc khải cao siêu. Chúng ta cần có đức tin bù lại. Lạy Chúa, chúng con tin.

 

THỨ SÁU

Gioan 10: 31-42

Người Do thái quá bức xúc về lời mặc khải của Chúa Giêsu về thiên tính của Ngài, dân chúng chịu không được nữa, họ đã lượm đá để ném người. Họ kết án Chúa là nói phạm thượng: Ông là người phàm mà lại cho mình là Thiên Chúa. Chương trình cứu độ của Chúa là một Mầu Nhiệm mãi mãi con người cũng chẳng hiểu thấu.

Thiên Chúa mặc xác phàm xuống thế làm người đã không được tiếp nhận. Người ta muốn phân biệt rằng: Chúa là Chúa và con người là con người. Không thể chấp nhận có Thiên Chúa Nhập thể. Sự nhập thể hoàn toàn do ý định của Thiên Chúa. Cho dù Thiên Chúa có chuẩn bị lòng con người qua ngàn năm, trí khôn con người vẫn không thể đón nhận mầu nhiệm cao trọng này.

Trí khôn con người có giới hạn, tuy rằng có thể suy về vô cực nhưng suy tư của con người không thể vượt ra ngoài không gian và thời gian được. Con người dùng từ vô biên hay đời đời, con người không thể đi hết nội dung của từ ngữ này mà là đặt vào sự quan phòng của Chúa.

Nếu dùng trí khôn và khả năng của Chúa ban, chúng ta có thể quan sát và học hỏi tìm hiểu về sự hiện diện của Chúa, nhưng chúng ta cần có đức tin để tiếp nhận mầu nhiệm Con Chúa làm người. Đây là sự kiện lạ lùng nhất xảy đến trong lịch sử nhân loại. Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa làm người.

 

THỨ BẢY

Gioan 11: 45-56

Chúa Giêsu đã mặc khải rõ ràng về sứ mệnh Đấng Kitô của Ngài, có nhiều người tin vào Chúa. Sự rao giảng Tin Mừng sắp hoàn tất. Chúa Giêsu đã tỏ bày cho dân chúng về sứ vụ được Chúa Cha trao phó và Ngài đã nói hết những gì cần thiết trong vai trò Cứu Thế của Ngài.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã triệu tập Thượng Hội Đồng để quy án cho Chúa. Họ thấy lòng dân đã xôn sao và các cấp lãnh đạo trong dân đã dần ngả theo chiều chống đối và kết án Chúa. Thượng tế Caipha đại diện hội đồng đã phát biểu: Là một người chết thay cho toàn dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt. Họ đã lấy cớ đưa sang vấn đề dân tộc và chính trị để kết án Chúa. Và từ ngày đó, họ quyết định giết Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu biết những diễn tiến đang xảy ra chung quanh. Cao trào chống đối và tẩy chay đã loan truyền khắp nơi nơi. Người ta lấy lý do sống còn của dân tộc để kéo lôi quần chúng vào cuộc. Họ đã dấy lên cuộc phản chứng chiều theo dư luận để kết án Chúa. Đứng trước làn sóng bạo tàn và gian dối, Chúa Giêsu đã dần dần chuẩn bị tư tưởng cho các môn đệ và những người thân tín đón nhận con đường khổ giá.

Lạy Chúa, Chúa đã đi trọn con đường thánh giá để cứu độ chúng con. Xin cho chúng con được can đảm đối diện với những khó khăn trong đời sống tông đồ và bước đi theo Chúa cho đến cùng.

 

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York

Chia sẻ Bài này:

Related posts