“Sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giôna”.
Kính thưa Anh Chị em,
Một sự trùng hợp cố ý khi cả hai bài đọc hôm nay nói đến một trong những ngôn sứ dị thường nhất của Israel, đó là Giôna, một con người tìm cách chạy trốn sứ vụ Thiên Chúa trao. Giôna, nhân vật chính của một cuốn sách cùng tên vốn chỉ có bốn chương, một câu chuyện mang hơi hướng thần thoại nhưng chuyển tải một bài học lớn, đó là ‘tái khám phá lòng thương xót’ của Thiên Chúa.
Bài đọc thứ nhất tường thuật việc Thiên Chúa gọi Giôna lần thứ hai, chi tiết này thật quan trọng. Lần gọi thứ nhất, Giôna vùng vằng, cưỡng lại Thiên Chúa; ông đào tẩu Người. Bão tố nổi lên, người ta ném ông xuống biển vì ông tưởng cái chết có thể giúp ông thoát Người. Tuyệt vời! Trước khi mời gọi con người thay đổi, Thiên Chúa đã thay đổi trước, Người tha chết cho Giôna, Người cứu ông khi sai kình ngư nuốt và nhả ông lên bờ. Lần gọi thứ hai, ông mềm mỏng, đứng dậy, vâng lời Người. Nhờ lời ông, Ninivê tội lỗi đã sám hối. Tuyệt vời hơn! Thiên Chúa không thực hiện điều dữ trên thành. Trước khi kêu gọi Ninivê sám hối, Giôna đã ăn năn vì ngay chính Thiên Chúa, Người cũng phải đổi lòng. Được nhả ra từ vực thẳm tăm tối, ngoi lên từ bờ cát, Giôna trải nghiệm những gì Thiên Chúa dành cho mình, một kẻ phản loạn, cũng là một kẻ được xót thương; không chỉ bị ném cho sóng cả ba đào, Giôna còn phải lao mình vào đại dương từ ái thứ tha của Thiên Chúa, một Thiên Chúa phải hạ mình chiều theo sự bướng bỉnh của lòng người. Sám hối là ‘tái khám phá lòng thương xót’ của Thiên Chúa, là lao vào dòng hải lưu khoan dung của Người; từ đó, ra đi kêu gọi kẻ khác trở về với Người.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng trích dẫn Giôna để nói với người đương thời, “Sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ Giôna”. Ngài biết, “Sự quen thuộc tạo ra sự khinh thường”. Trước bao phép lạ, lời rao giảng và sự thánh thiện của Ngài; một số người vẫn không tin. Cũng thế, thật dễ dàng để chúng ta rơi vào một thái độ như họ; các mối phúc, giáo huấn Tin Mừng, Bí tích Thánh Thể… xem ra có vẻ nhàm chán, đang khi những mặc khải tư lại thu hút trí tưởng tượng và óc hiếu kỳ của nhiều người. Mùa Chay là thời điểm tốt nhất để khám phá lại sự quen thuộc, ‘tái khám phá lòng thương xót’ của Thiên Chúa, quay lại những điều căn bản để gặp lại Thiên Chúa của mình trong Lời Chúa, trong Thánh Lễ như là lần đầu tiên.
Bằng cách gợi lại dấu lạ Giôna, Chúa Giêsu muốn nói đến cái chết và sự phục sinh của Ngài; không dấu lạ nào vĩ đại hơn dấu lạ thập giá; việc cử hành Mầu Nhiệm Phục Sinh là cao trào thực sự mà Mùa Chay hướng đến. Tính cách sám hối của bốn mươi ngày chay thánh mang ý nghĩa thực sự của một mùa hy vọng; đây là mùa chúng ta thanh tẩy chính mình để dự phần vào sự chết và phục sinh của Chúa Kitô; mùa mời gọi chúng ta cùng chết với Ngài để có thể bắt đầu kinh nghiệm sống sự sống phục sinh mới mẻ của Ngài. Quà tặng đức tin này là một ân sủng bên trong; cái chết của chúng ta đối với tội lỗi hoàn toàn mang tính cá nhân, nội tâm; và cuộc sống mới của chúng ta chỉ có thể được nhìn thấy khi người khác chứng kiến chúng ta được biến đổi.
Ngày kia, một linh mục đang giảng tuần đại phúc; vừa kết thúc, một người lạ đến gặp ngài và nói, “Tôi không thích cách cha nói về thập giá; thay vì nhấn mạnh sự chết của Chúa Giêsu, tốt hơn, cha nên rao giảng về một Chúa Giêsu, người thầy và là một gương mẫu”. Vị linh mục trả lời, “Nếu tôi trình bày Chúa Kitô theo cách đó, anh có sẵn lòng theo Ngài không?”; “Chắc chắn tôi sẽ theo Ngài”, người lạ nói không do dự. “Được”, vị linh mục nói, “Hãy làm bước đầu tiên, Chúa Giêsu không bao giờ phạm tội! Anh có thể khẳng định điều đó cho chính mình không?”. Người đàn ông bối rối và có phần ngạc nhiên, “Sao? Không!”, anh nói, “Tôi tội lỗi”. Vị linh mục trả lời, “Đó, vậy thì nhu cầu lớn nhất của anh là có một Đấng Cứu Độ chứ không phải một gương sáng!”.
Anh Chị em,
Chúng ta cần một Đấng Cứu Độ. Hãy nhìn lên thánh giá, chiêm ngắm sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu; chọn theo Ngài khi chết cho tội lỗi và ích kỷ. Hãy chết với Ngài, vào mồ với Ngài và cho phép Ngài đưa chúng ta ra từ Mùa Chay khi nội tâm chúng ta được biến đổi nhờ dấu lạ thập giá của Ngài. Và như thế, chúng ta đã ‘tái khám phá lòng thương xót’ của Thiên Chúa vậy.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi mọi tội lỗi trong hành trình Mùa Chay này; từ đó, con có thể thông phần trọn vẹn vào sự sống phục sinh mới mẻ của Chúa; chính lúc ấy, con thực sự ‘tái khám phá lòng thương xót’ của Ngài đối với con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)