“Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông!”.
Nói đến nghịch lý của Thiên Chúa, Anthony Fortosis viết, “Con Thiên Chúa ăn uống tiệc tùng với các tội nhân để họ không chết đói vì tội lỗi của mình; Đấng thanh khiết nhất bị gọi là tên bất hợp pháp, báng bổ, sâu rượu, háu ăn và là kẻ mạo danh. Ngài bị Cha bỏ rơi một thời gian để các tội nhân có thể tiếp cận với Chúa Cha. Ngài đã chết như Đấng vô tội để kẻ có tội được tuyên bố là vô tội. Vinh quang Chiên Con, Nghịch Lý của Đức Chúa Trời. ‘Thật không thể tin được!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Những nghịch lý ‘thật không thể tin được’ Fortosis đề cập, một lần nữa, được gặp thấy trong Lời Chúa hôm nay. Bài đọc Cựu Ước cho biết, Thiên Chúa sẽ hạ bệ người quyền thế, và nâng cao hạng bần tiện; bài đọc Tân Ước ghi lại câu nói rất khó tin Chúa Giêsu dành cho giới lãnh đạo tôn giáo lúc bấy giờ, “Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông!”.
Qua miệng ngôn sứ Sôphônia, Thiên Chúa hứa một điều lạ lùng: người nghèo khó, được ban ơn cứu độ; kẻ uy quyền, Ngài dìm xuống đất đen, “Ta sẽ cất xa khỏi ngươi những kẻ chiến thắng kiêu căng; sẽ để lại giữa ngươi một dân tộc nghèo khó, thiếu thốn và họ sẽ tin tưởng vào danh Chúa”. Thánh Vịnh đáp ca cũng bày tỏ một tâm tình, “Kẻ nghèo hèn kêu xin, và Chúa đã nhậm lời!”.
Với bài Tin Mừng, tuyên bố của Chúa Giêsu với các thượng tế và kỳ lão thật gây sốc. Có thực sự Chúa Giêsu đã nói như thế không? Phải chăng Ngài muốn nói, sự thánh thiện của những cô gái điếm và những người thu thuế vượt trội bội phần so với các lãnh đạo tôn giáo? Đúng, Ngài đã nói thế! Thật là một “cái tát vào mặt” các chức sắc nhà đạo, ‘thật không thể tin được!’. Nhưng “thuốc đắng ‘đã’ tật”; đó là một cái tát mà họ cần vì lợi ích của chính linh hồn họ.
Chính sự kiêu ngạo của các bậc vị vọng này đã khiến họ không bao giờ cho những lời này là đúng. Họ đánh giá cao bản thân và mong người khác cũng đánh giá cao về họ. Họ bị thuyết phục về việc tự cho mình là công chính và đó là một sai lầm nghiêm trọng! Thế nhưng, Chúa Giêsu đã gạt bỏ thứ ‘công chính’ này, bằng cách nâng những cô gái điếm và những người thu thuế lên tận Nước Trời. Những người này là đứa con thưa “Không” với cha, nhưng sau đó ân hận và đi làm vườn nho; đang khi các lãnh đạo tôn giáo là đứa con thưa “Vâng” với cha, nhưng lại từ chối làm việc.
Trong hai nhóm này, chúng ta thuộc nhóm nào? Các chức sắc tôn giáo hay các cô gái điếm và hạng thu thuế? Có lẽ thật khó để mỗi người chúng ta thừa nhận dứt khoát mình thuộc về một trong hai nhóm! Chúng ta có xu hướng muốn tự nhận mình thuộc nhóm chính trực; tuy nhiên, cũng phải thừa nhận đôi chút khiếm khuyết hoặc một tội lỗi cá nhân nào đó. Thế nhưng, đây không phải là ‘nhóm lưng chừng’ mà Chúa Giêsu muốn nói. Sự thật là chúng ta cần thấy mình thuộc hẳn về nhóm thu thuế và gái điếm. Tại sao? Bởi lẽ, tất cả chúng ta đều là tội nhân! Không, chúng ta có thể không mắc phải tội lỗi như họ, nhưng chúng ta có tội và phải thừa nhận điều đó. Và trên thực tế, nếu không thể thừa nhận sự yếu đuối và tội lỗi của mình, chúng ta chẳng khác gì các thượng tế và kỳ lão cả. Chúng ta cũng mắc kẹt trong niềm kiêu hãnh khi tự cho mình là công chính!
Anh Chị em,
“Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông!”. Đức Thánh Cha Phanxicô gọi nền văn hoá chúng ta đang sống là “Văn hoá son phấn”. Sống chung với văn hoá này, chúng ta khó nhận ra con người thật của mình. Mùa Vọng, mùa Giáo Hội mời chúng ta trầm tĩnh để nhìn thấy ‘tôi đang thuộc về nhóm nào’. Thiên Chúa đang làm những điều ‘thật không thể tin được’ nơi Chúa Giêsu! Nhìn lên hang đá, kìa, sự chật hẹp của lòng người và sự khiêm tốn vô song của Thiên Chúa; nhìn lên thánh giá, kìa, sự khủng khiếp của tội lỗi và sự vĩ đại của tình yêu Ngài. Mùa Vọng, không chỉ là mùa cần thấy tội lỗi mình; nhưng còn là mùa để thấy sự khao khát của linh hồn đối với Thiên Chúa; cũng là mùa trải nghiệm niềm vui và tự do từ sự chữa lành!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra con người thật của con, cho dù phải đau đớn khi nghe những lời ‘thật không thể tin được’ Chúa dành cho con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)