THOẢ TÌNH CHIÊM NGƯỠNG THÁNH NHAN

“Lạy Chúa, khi thức giấc, con được thoả tình chiêm ngưỡng thánh nhan”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật bất ngờ khi chỉ với một hai câu, Luca đã vẽ nên một bức tranh thật đẹp của đoàn người đi theo Chúa Giêsu trên con đường rao giảng của Ngài. Bức tranh ấy nói với chúng ta thật nhiều. Ai chỉ một lần cảm nghiệm được Chúa Giêsu, người ấy sẽ chỉ mong ‘được thoả tình chiêm ngưỡng thánh nhan’.

Trên bước đường sứ vụ không mệt mỏi của mình, Chúa Giêsu không lẻ loi. Đi theo Ngài, còn có các môn đệ và một số phụ nữ đã được Ngài chữa lành, thứ tha; những con người đã được Ngài chạm đến. Ước muốn đi theo Chúa Giêsu không chỉ là một cảm xúc, dẫu cảm xúc có liên quan; nhưng trước hết, ước muốn này đã đến từ một lòng biết ơn đáng kinh ngạc; lòng biết ơn này dẫn họ đến một tình cảm sâu sắc. Đó là mối tương quan được tạo ra bởi những quà tặng của ân sủng và cứu rỗi. Những con người say mê Chúa Giêsu, đi theo Ngài, giờ đây, trải nghiệm một mức độ tự do nhiều hơn đối với tội lỗi so với những trải nghiệm trước đây. Chính ân sủng của Thiên Chúa đã biến đổi họ và kết quả là, họ sẵn sàng và tự nguyện để Chúa Giêsu trở thành trung tâm cuộc sống của mình và như thế, họ dán mắt vào Ngài, chiêm ngưỡng Ngài và sẵn sàng đi theo Ngài bất cứ nơi đâu.

Những con người được Chúa Giêsu chạm đến không chỉ có nhóm mười hai hoặc các phụ nữ đạo đức thời Ngài, họ còn là những người nam người nữ mọi thời, mọi nơi; đó là những người đã được Đức Giêsu Kitô Phục Sinh chạm đến, chữa lành, thứ tha và biến đổi. Thánh Phaolô là một ví dụ điển hình. Trên đường Đamas, con người này được Chúa Giêsu chạm đến, “Saul, Saul, sao ngươi bắt bớ Ta?”; để từ đó, Phaolô được chữa lành, thứ tha và biến đổi một cách không thể tin được; Phaolô đã say mê Chúa Giêsu, quên hết mọi sự để dán mắt vào Ngài và trở nên một chứng nhân phục sinh. Trong thư Côrintô hôm nay, con người được biến đổi này đã nói đến Đấng Phục Sinh đó, “Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Đức Kitô trong đời sống hiện tại mà thôi, chúng ta là những người đáng thương hại nhất”; “Đức Kitô đã sống lại, Người là hoa quả đầu mùa của những ai đã an giấc ngàn thu”.

Hơn hai ngàn năm qua, Chúa Giêsu không ngừng chạm đến những con người mọi thời; và ngay hôm nay, Ngài đang tiếp tục chạm đến các tâm hồn, trong đó, có chúng ta. Nhưng liệu Ngài đã làm được gì nơi chúng ta? Ngài có biến đổi, chữa lành; và quan trọng hơn, Ngài có là lẽ sống, Đấng chúng ta hằng ước ao chiêm ngưỡng như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Lạy Chúa, khi thức giấc, con được thoả tình chiêm ngưỡng thánh nhan”. Trả lời các câu hỏi này, chúng ta thấy mình còn nhiều thiếu sót.

Thời trung học, một thanh niên nói với cô bạn cùng lớp, “Chúng ta là BF”, cô gái hỏi, “BF là gì?”, chàng đáp, “Best Friend, bạn thân nhất”; cuối năm đại học, sau nhiều cuộc hẹn, cậu sinh viên nói, “Anh là BF của em”, cô gái hỏi, “BF là gì?”, “Boy Friend, bạn trai đấy”. Ra trường, họ cưới nhau, nhìn những đứa con đáng yêu, người cha nói, “Anh là BF”, người mẹ trẻ vẫn nhẹ nhàng, “BF là gì?”, “Babies’ Father, cha của các con”; con cái lớn dần, người chồng nói với vợ, “Chúng mình là BF”, người vợ tươi cười hỏi, “BF là gì?”, “Beautiful Family, gia đình hạnh phúc”. Một ngày hạ, đôi vợ chồng già cùng ngắm ráng chiều, ông lão nói, “Chúng ta là BF”, bà hỏi, “Là gì nữa ông?”, “Be Forever, mãi mãi thuộc về nhau”. Tại phòng cấp cứu, ông nói, “BF nhé”, với những nếp nhăn lo lắng, bà hỏi, “BF là gì hỡi ông?”, “Bye Forever, mãi mãi tạm biệt”… rồi ông nhắm mắt. Vài ngày sau, trước khi ra đi, bà kịp thăm ngôi mộ của chồng và nhất là kịp nói với ông, “Beside Forever, mãi mãi bên nhau”. Tại nghĩa trang buồn, người ta nhìn thấy có hai ngôi mộ nằm cạnh nhau; lạ thay, ở đó, nhiều khóm hồng khoe sắc, ong bướm lượn lờ, ngày ngày chim chóc ríu rít đến làm tổ… như để ngợi ca mối tình thuỷ chung.

Anh Chị em,

Còn hơn mối tình thuỷ chung của đôi vợ chồng già, chúng ta không chỉ đi theo Chúa Giêsu tận chân trời góc biển, nhưng sẽ cùng Ngài hợp hoan mãi mãi trong nhà Cha trên trời để chiêm ngưỡng thánh nhan Cha. Mãi mãi trong nhà Cha, chiêm ngưỡng thánh nhan Cha trong Chúa Giêsu là giấc mơ ngàn đời của Thiên Chúa cho từng người. Để được như thế, vấn đề là mỗi người chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu chạm đến; một khi đã chạm vào, Ngài sẽ biến đổi, tha thứ và chữa lành, khiến chúng ta cũng chỉ còn một ước mong duy nhất là được chiêm ngưỡng, tìm kiếm và sống cho một mình Thiên Chúa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mỗi ngày, qua Thánh Lễ, xin hãy chạm đến con, thứ tha, chữa lành và biến đổi con. Cho con say mê Chúa để làm tất cả mọi sự trong Chúa, vì Chúa và cho Chúa; và như thế, ngày sống của con trở nên một ngày thoả tình chiêm ngưỡng thánh nhan”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts