Thứ Ba tuần II TN
(Mc 2, 23-28)
Xã hội nào mà chẳng phải có luật pháp.
Luật lệ là một yếu tố không thể thiếu trong xã hội loài người. Không một tổ chức, xã hội nào tồn tại nếu không có luật lệ. Xã hội có luật của xã hội, tôn giáo có luật của tôn giáo, đoàn thể có luật của đoàn thể, công ty có luật của công ty, mỗi quốc gia, dân tộc đều có luật lệ cho riêng mình….Luật lệ phục vụ đời sống con người, giúp cho thế giới phát triển phong phú, bảo vệ quyền lợi con người và làm cho đời sống con người thêm an toàn hạnh phúc. Do đó thi hành luật lệ chính là bổn phận của mỗi con người trong xã hội. Và cũng vì vậy, nếu có luật lệ nào trái với những qui tắc trên thì chắc chắn nó cần phải xét lại.
Khi muốn thành lập dân Israel dưới chân núi Sinai, lúc đầu Chúa đã ban cho họ một bộ luật gồm 10 điều răn, được khắc trên hai bia đá và rồi với thời gian, cùng với sự tiếp xúc với các nền văn hóa chung quanh, người Do Thái đã từ từ hình thành một bộ luật rất chi tiết, chi phối cả cuộc sống và mọi hành động của người dân. Bộ sách luật ấy người Do Thái gọi là Torah. Sách gồm 5 quyển, dầy 250 trang, chứa 613 khoản luật chia ra 365 khoản cấm (tương đương số ngày trong một năm) và 248 khoản buộc (tương đương số lượng các khúc xương trong cơ thể con người).
Ngoài bộ luật chính ra, còn rất nhiều khoản khác được thêm vào. Đây không phải là luật, mà là những tập tục được lưu truyền từ đời này sang đời kia. Các tập tục này được truyền lại cho những thế hệ mai sau. Và sau cùng thì người ta đã chép lại và đóng lại thành tập gọi là Talmud. Talmud là bộ sách giải thích Luật của Do Thái giáo. Bộ sách này được chia thành 2 loại; Một là Mishna và hai là Gemara. Bộ sách này có tới 523 quyển (Wim Barclay).
Việc các môn đệ của Chúa bị người ta bắt bẻ trong bài Tin Mừng hôm nay dựa theo những qui định trong tập Talmud này. Luật qui định rằng, nếu nhằm vào ngày thường thì có làm việc đó cũng không sao. (Đnl 23,24). Thậm chí khách đi đường còn có thể tự do bứt lúa mì, miễn là đừng đem lưỡi hái vào đồng ruộng của người ta mà gặt. Phiền một nỗi là các môn đệ của Chúa lại làm việc này trong ngày Sabat, là ngày vốn được bảo vệ bằng bao nhiêu qui tắc luật lệ nhỏ nhặt. Mọi công việc đều bị cấm đoán.
Trang tin mừng hôm nay nói đến luật ngày sa-bát – một điều luật quan trọng bậc nhất của người Do-thái. Cũng như mọi tổ chức xã hội, dân tộc Do-thái cũng có luật cho riêng mình. Nhưng luật của họ lại rất đặc biệt vì nó là quà tặng, là giới răn của Thiên Chúa. Đó chính là 10 điều răn Thiên Chúa đã ban cho dân riêng của Người qua trung gian ông Mô-sê. Trong 10 giới răn, luật giữ ngày sa-bát có một tầm quan trọng đặc biệt: “Ngươi hãy nhớ đến ngày hưu lễ để tác thánh ngày ấy. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi việc của ngươi. Nhưng ngày thứ bảy là hưu lễ kính Gia-vê Thiên Chúa của ngươi; ngươi sẽ không làm bất cứ việc nào, ngươi và con trai con gái ngươi, tớ trai tớ gái của ngươi, thú vật của ngươi và khách ngụ cư ở bên trong cổng thành ngươi. Vì trong sáu ngày Gia-vê đã làm nên trời đất, biển cả và tất cả mọi sự trong các nơi ấy, nhưng Ngài đã nghỉ ngày thứ bảy; bởi thế Gia-vê đã chúc lành cho ngày thứ bảy và tác thánh nó.” (Xh 20, 8 – 11). Theo dịch giả Đoàn Phan Danh thì những nan đề về ngày sa-bát là do người Do-thái đã thêm nhiều phần truyền khẩu do con người lập ra cho ngày ấy. Kinh Talmud, quyển sách ghi lại những truyền khẩu của người Do thái có 24 chương liệt kê ra nhiều điều luật khác nhau về ngày sa-bát, ông nói: “Tôi có thể kể ra nhiều điều luật, song ở đây là một khuôn mẫu:
a. Ngươi không nên đi hơn 3.000 bước tính từ nhà của ngươi.
b. Ngươi không nên mang bất kỳ vật gì nặng hơn một con cá đã chiên rồi, còn nếu vật nặng phân nửa số lượng ấy, ngươi có thể mang thành hai lần.
c. Ngươi không nên ném vật gì bằng tay nầy và cầm vật đó bằng tay kia.
d. Ngươi không nên mang theo cây kim vì e rằng ngươi sẽ may một cái gì đó.
e. Ngươi không nên tắm e nước sẽ văng ra thềm nhà và lau nó.
f. Phụ nữ không nên soi gương, e chúng có thể kéo theo sợi tóc.
g. Răng giả không nên mang vì chúng làm tăng phần giới hạn trọng lượng khi vác nặng.
Ngày sabát vốn khó đến nỗi dân sự phải làm lụng khó nhọc hơn công việc trong 6 ngày kia của tuần lễ để không làm việc trong ngày sa-bát. Và vì thế không có gì phải ngạc nhiên khi Chúa Giê-su gọi chúng là “gánh nặng” (11.28).” (Nguồn Internet). Luật lệ của người Do-thái chi li như thế, và những người Pha-ri-sêu là những người đặc biệt giữ luật hết sức tỉ mỉ, nên chúng ta không lạ gì khi họ bắt bẻ các môn đệ Đức Giê-su đã bứt lúa khi đi đường trong ngày sa-bát. Vì họ cho rằng bứt lúa là làm công việc của người thợ gặt và chà xát lúa trên tay là làm công việc của người thợ xay. Quá chú trọng đến hình thức của luật mà họ quên đi cốt lõi của luật là tình yêu; Thiên Chúa ban cho họ luật là để họ có thể sống hạnh phúc hơn trong tình Chúa, tình người chứ không phải để họ giữ luật vì luật cách khổ sở. Thiên Chúa đã tạo dựng con người và ban cho con người quyền làm chủ. Vì vậy mà ở đây, Đức Giê-su nhắc lại quyền ấy cho họ hiểu : “Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát. (28) Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát.”
Người Pharisiêu tố cáo các môn đệ Chúa Giêsu vi phạm ngày Sabbath: Vì luật Do-thái có tất cả 39 điều về ngày Sabbath ngăn cấm không cho làm việc, và các môn đệ phạm 4 luật bằng hành động bứt lúa để ăn: gặt (bứt lúa), xay (vò lúa trong tay), sàng (thổi vỏ đi), và chuẩn bị bữa ăn (làm lúa sẵn sàng để ăn). Đó là lý do họ tố cáo các môn đệ với Đức Giêsu, và đó cũng là cách họ bắt lỗi thầy Rabbi Giêsu để cho hả dạ.
Nhân việc người Pharisêu bắt bẻ các môn đệ bứt lúa trong ngày sabát, Chúa Giêsu minh định ý nghĩa của ngày Sabát là “được tạo ra vì con người và cho loài người.” Vì con người con người để họ biết quan tâm, chăm sóc nhau để cùng mưu tìm hạnh phúc đích thực cho con người. Cho con người để họ hướng tới Thiên Chúa và tôn thờ Ngài, Đấng tạo dựng họ và toàn thể vạn vật. Chúa Giêsu nhấn mạnh đến ý nghĩa cốt lõi của ngày sabát là đưa con người đến chỗ nhận ra ý định yêu thương của Chúa và đem lại sự an tĩnh cho con người sau những ngày lao động mệt nhọc. Bổn phận của con người là thánh hóa ngày ấy theo như ý Thiên Chúa muốn vì “Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát.”
Đức Giêsu không có ý bênh vực các môn đệ và Ngài càng không có ý dung túng cho hành động của các môn sinh của mình. Nhưng hơn hết, Ngài muốn cho những người pharisiêu hiểu được phẩm giá của con người và lề luật là để phục vụ con người. Đức Giêsu dẫn chứng: Trường hợp Vua David (I Sam 21:1-6): Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong sách sao? Ông David đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời Thượng-tế Abiathar, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.” Chúa Giêsu có ý muốn nói: trong trường hợp phải bảo vệ sự sống, luật lệ phải bảo vệ quyền sống của con người. Ngài nói: “Ngày Sabbath được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbath. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabbath.”
Ngày hôm nay chúng ta thường giữ luật vì cái gì? Có những người thiếu hiểu biết, thiếu tình yêu nên thường tìm cách né luật, trốn luật, không tôn trọng luật chung và nhiều khi còn có những hình thức gây rối. Có những người lại quá nệ luật, biến luật thành ông chủ và trở thành khắt khe, thiếu bao dung, thiếu tình bác ái. Chúng ta nên nhớ ưu tiên của luật là phục vụ cho hạnh phúc con người. Do đó phải có sự tế nhị, có tình yêu thực sự trong tâm hồn thì chúng ta mới có thể giữ luật cách tự do, tròn đầy và làm cho cuộc sống của mình cũng như của tha nhân được sung mãn. Bài Tin mừng hôm nay đặc biệt nói đến việc giữ luật ngày “của Chúa”.
Vì những ý nghĩa mang nặng tính nhân văn cũng như tính tôn giáo nên Hội Thánh mới khuyên chúng ta nên “nghỉ việc xác” trong ngày Chúa Nhật hiện nay. Nhưng trên thực tế có ít người tuân giữ, cứ viện cớ làm thêm để cải thiện cuộc sống. Rồi ra chính chúng ta làm cho ngày Chúa Nhật trở thành một ngày như mọi ngày!
Người Ki-tô hữu chúng ta được mời gọi dành riêng ngày Chúa nhật cho Thiên Chúa để thờ phượng, tạ ơn vì biết bao ơn lành chúng ta đã lãnh nhận nơi tay Ngài, nhất là tưởng niệm, kính nhớ sự thương khó và sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô bằng việc tham dự Thánh lễ, cùng nhau hiệp thông trong niềm tin, trong tình liên đới và huynh đệ. Đồng thời đó cũng là ngày để chúng ta quan tâm tới nhau, chia sẻ với nhau trong tình yêu, nơi gia đình, trong lối xóm, làm việc tông đồ, từ thiện, bác ái… (x. GLHTCG, 2011 s. 2186. 2188. 2289. 2247); vì thế, chúng ta hãy xét lại tinh thần giữ luật của mình trong cuộc sống nói chung và đặc biệt cách riêng ngày chúa nhật.
Huệ Minh