Tuân giữa Lời

Thứ Năm Mt 7, 21-29

Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết điều kiện cần phải có để được vào Nước Trời, đó là: lắng nghe và thực hành lời Chúa.  Việc tuân giữ Lời Chúa là thể hiện lòng yêu mến đích thực. Chúng ta không thể nói yêu mến Chúa mà lại không tuân giữ Lời Người, vì như thế là nói dối. Thật vậy, giữa tin có Chúa và yêu mến Chúa phải là một khi tuân hành ý Chúa.

Chúa Giêsu không nói thi hành “Lề Luật”, nhưng là thi hành “ý muốn của Cha Thầy”, và cũng là Cha của chúng ta. Thế mà, ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện nơi Lề Luật, và ngang qua Lề Luật, ý muốn của Chúa Cha liên quan đến nguồn gốc, nền tảng và cùng đích của Lề Luật, vì ý muốn của Chúa Cha còn liên quan đến con tim và lòng mến của chúng ta ; và ý muốn của Chúa Cha còn liên quan đến lựa chọn ơn gọi của chúng ta, đến mọi hành vi, lời nói và tâm tình của chúng ta, ở mọi nơi mọi lúc. Và gương mẫu tuyệt vời nhất của chúng ta là chính Chúa Giêsu, bởi vì Ngài đã sống với Chúa Chúa bằng tình yêu con thảo cách trọn vẹn và cho đến cùng.

Ai là người khôn và ai là kẻ dại? Đây là câu trả lời của Chúa Giêsu: Người khôn là người chỉ nhắm hướng cuộc đời của mình đến hạnh phúc Nước Trời. Để đạt được mục tiêu đó, người ấy chuyên cần thực thi ý muốn của Chúa Cha là Đấng ngự trên trời.

Ngược lại kẻ dại là người chỉ giữ đạo ngoài môi miệng, có thể mang những chức vụ cao trong Hội Thánh như nhân danh Chúa mà nói tiên tri, trừ quỷ và làm phép lạ, nhưng lại không thi hành ý muốn của Chúa Cha. Những người như thế sẽ bị tống đi cho khuất mắt Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã minh họa hình ảnh người khôn kẻ dại bằng việc xây nhà trên nền đá hay trên nền cát, rất cụ thể, rất dễ hiểu. Sẽ còn lại gì sau mưa sa nước cuốn hay bão táp ập đến?

Như vậy, nếu chúng ta muốn được hưởng trọn vẹn hạnh phúc Nước Trời thì không chỉ có việc nghe và nói những lời hay ý đẹp, mà điều quan trọng là phải thực hiện những lời hay ý đẹp ấy trong đời sống.

Nói cách khác, chúng ta dừng lại ở việc chỉ nghe lời Chúa là chưa đủ, mà điều quan trọng là phải thực hành lời Chúa. Bởi người nào thực hành lời Chúa thì được xem là người khôn ngoan, vì đã xây dựng ngôi nhà đời mình trên nền tảng vững chắc là nền đá, dù cho bão táp mưa sa cũng không sụp đổ. Ngược lại, người nào chỉ nghe và nói lời Chúa mà thôi, thì được xem như là người khờ dại, vì đã xây dựng ngôi nhà đời mình trên nền cát, nên khi bão táp mưa sa thì ngôi nhà ấy sẽ sụp đổ hoàn toàn.

Thật ra, thi hành ý muốn của Chúa Cha là tất cả những gì bao trùm toàn bộ cuộc sống của chúng ra và luôn là những lựa chọn khó khăn. Hãy xem cuộc đời của Chúa Giêsu, hãy hình dung những lời cầu nguyện và giờ phút Chúa hấp hối trong vườn Cây Dầu để biết thi hành ý muốn của Chúa Cha là như thế nào, và chúng ta biết phải nỗ lực biết chừng nào.

Nếu đức tin chỉ có nơi đầu môi chót lưỡi thì chưa đủ hoặc nếu người ta có nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỉ, nhân danh Chúa mà làm phép lạ mà không chăm lo thực thi ý Chúa với lòng mến yêu chân thành thì cũng vẫn bị vào số những người bị Thiên Chúa từ chối: “Ta không biết các ngươi là ai, xéo đi cho khuất mắt ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7, 23).

Chỉ những ai đón nhận Lời Chúa, hiểu được ý Chúa và chuyển hóa thành hành động cụ thể mới xứng đáng vào Nước Trời. Họ được ví như người khôn ngoan, xây nhà trên đá dù mưa sa nước cuốn hay bão táp ập vào thì nhà ấy cũng không bao giờ sụp đổ.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thi hành «ý muốn của Chúa Cha». Nhưng ai trong chúng ta cũng gặp khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm ý Chúa. Lề Luật, thì chúng ta có thể đọc được trong sách hay trong kinh, nhưng ý muốn của Chúa Cha thì không thấy ghi ở đâu hết, nhất là khi chúng ta muốn biết ý Chúa trong những hoàn cảnh éo le riêng của mình, trong trường hợp riêng của mình, trong những vấn đề riêng tư và tế nhị của mình, trong những khó khăn phức tạp của mình.

Chúa Giêsu đã không rao giảng bằng lời nói suông nhưng bằng hành động cụ thể. Ngài đã trở thành con người bằng xương bằng thịt. Ngài đã không chỉ ngắm nhìn lịch sử nhân loại như khách bàng quan, nhưng Ngài đã nhập cuộc làm một với nhân loại, đã chung chia vui buồn sướng khổ của phận người. Ngài không rao giảng thập giá như một lý thuyết, nhưng đã thực sự đón nhận thập giá, vác lấy và bước đi.

Sau cùng, Ngài chấp nhận chịu chết trên thập giá để chia sẻ trọn vẹn sự đau khổ của con người. Ngài đã Phục Sinh để thánh hóa và biến đổi đau khổ thành niềm vui, cái chết thành sự sống đời đời viên mãn. Do đó, không thể có niềm tin Kitô giáo đích thực nếu không có dấn thân. Không thể rao giảng Tin Mừng bằng lời nói suông, không thể là Kitô hữu chân chính nếu không cố gắng nên hoàn thiện mỗi ngày như Cha trên Trời và đi vào con đường Chúa Giêsu đã đi, con đường yêu thương phục vụ vô vị lợi.

Đi tìm ý Chúa cho chính mình, cho ơn gọi của mình hay trong một hoàn cảnh đặc biệt, luôn luôn là một hành trình khó khăn. Và dường như Chúa thích để như thế, Chúa thích chúng ta đoán ra ý Chúa, thay vì để cho Chúa phải nói thẳng ra. Giống như đối với cha mẹ : khi chúng ta còn bé, cha mẹ ra lệnh cho chúng ta ; nhưng khi chúng ta lớn rồi, cha mẹ sẽ rất vui, nếu chúng ta tự mình làm vui lòng cha mẹ, tự mình khám phá ra ý thích của cha mẹ.

Nếu chúng ta không nghe và sống Lời Chúa, sự sống của chúng ta sẽ trở nên chết chóc và sụp đổ tan tành, chết chóc và sụp đổ tan tành ngay ở đời này, không chỉ ở mức độ cá nhân, nhưng ở mức độ « căn nhà », nghĩa là cả « gia đình ». Như Chúa Giêsu nói : “Người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành” (c. 27).

Xin cho chúng ta nhận ra sự ngu dại của chúng ta, bởi vì chúng ta thường hay xây dựng cuộc sống của chúng ta, cá nhân cũng như nhóm, cộng đoàn và gia đình, trên cát. Trên cát, có nghĩa là không phải trên Lời Chúa là đá tảng, nhưng trên những gì là chóng qua, là phù vân.

Ta cũng xin Chúa giúp chúng ta biết quý trọng lời Chúa dạy và tích cực đem lời Chúa ra thực hành trong đời mình. Nhờ đó, chúng ta mới có thể hy vọng đón nhận được tình thương của Chúa và được hưởng hạnh phúc Nước Trời.

 

Huệ Minh

Chia sẻ Bài này:

Related posts