VẪN CÒN MÃI

“Những gì các con nhìn ngắm đây, sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào!”.

“Nine One One”, “911” là cách gọi tắt của người Mỹ mỗi khi họ tưởng nhớ những ‘khoảnh khắc tận thế’ của ngày 11/9/2001, ngày toà tháp đôi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York bị những kẻ khủng bố tấn công. “911” cướp đi 2.996 sinh mạng; trong chớp mắt, những biểu tượng phồn vinh của Hoa Kỳ chìm trong khói và lửa. Những khoảnh khắc ấy đã là một phần ký ức, một nỗi đau không thể nào quên trong tâm trí người bản xứ và những ai yêu chuộng hoà bình.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cho thấy mọi thứ có thể đổi thay, mọi thứ có thể trải qua ‘những khoảnh khắc tận thế’ của nó; nhưng Thiên Chúa thì không, Ngài ‘vẫn còn mãi!’. Đứng trước vẻ đẹp của một Giêrusalem tráng lệ, Chúa Giêsu nói, “Những gì các con nhìn ngắm đây, sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào!”.

Như những người thưởng lãm vẻ đẹp vật chất của đền thờ, chúng ta vẫn có thể bị mê hoặc bởi những lấp lánh của ‘đền thờ các loại’ trên thế giới. Vậy mà, thời gian, kinh nghiệm và đức tin dạy rằng, mọi thứ luôn đổi thay, kể cả các mối tương quan! Phải, các mối tương quan không bao giờ ‘tĩnh’, chúng luôn ‘dịch’; hoặc chúng đang kết dệt chặt chẽ hơn, hoặc chúng đang bị sờn hoặc rời ra ở các đường nối. Điều này cũng đúng cho mối tương quan của chúng ta với Chúa Kitô. Tất cả những việc chúng ta làm sẽ đưa chúng ta đi sâu hơn vào trái tim Ngài hoặc khiến chúng ta rời xa Ngài.

Vậy mà Chúa Kitô vẫn là một, “hôm qua cũng như hôm nay”. Ngài là Đấng thiêng liêng ngự trong các đền thờ; Ngài là Đền Thờ, dẫu chính bản thân Ngài cũng phải đổi thay. Thân xác Ngài chịu đựng những thương tích do con người gây ra; tâm can Ngài xao xuyến bồi hồi. Không chỉ đau đớn trên thân xác, Ngài còn chịu đựng một sự cô đơn thuộc loại tồi tệ nhất khi trải qua những tác động của tội lỗi một cách sâu sắc từ vực thẳm tâm hồn – xa cách Chúa Cha, xa cách những người bạn nghĩa thiết. Tuy nhiên, tự bản chất, Đức Kitô luôn là một, vì Ngài là tình yêu, và tình yêu thì bất diệt. Ngài chịu đựng những đổi thay về thể chất và bấn loạn về nội tâm trong nhân tính của mình để chúng ta có thể dự phần vào thần tính thiêng liêng của Ngài, dự phần vào bản tính Thiên Chúa, một Thiên Chúa hôm qua, cũng như hôm nay và ‘vẫn còn mãi!’.

Bài đọc Khải Huyền hôm nay nói đến cuộc phán xét cuối cùng khi năm phụng vụ sắp kết thúc. Đó là thời gian để chúng ta suy gẫm về các mối tương quan của mình với Chúa và với nhau. Những lời nhắc nhở về “mùa gặt cuối cùng” bằng những chiếc liềm sắc bén không nhằm làm sợ hãi, nhưng giúp chúng ta chuẩn bị và trên hết, luôn sẵn sàng. ‘Khoảnh khắc tận thế’ của mỗi người có thể đến như kẻ trộm trong đêm; nhưng nếu chúng ta sẵn sàng thì không có gì phải lo sợ, kể cả ngày “Chúa ngự đến xét xử trần gian” như lời Thánh Vịnh đáp ca nhắc nhở.

Anh Chị em,

“Sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào!”. Chúa Giêsu không xao xuyến khi biết rằng, ngay cả một thiết chế linh thiêng như Giêrusalem rồi cũng qua đi, vì Ngài biết, Vương Quốc của Thiên Chúa ‘vẫn còn mãi’. Phần chúng ta, đang ở vào thời kỳ có nhiều thay đổi trong Hội Thánh và biến động trong thế giới, tương lai sẽ rất khác so với quá khứ, bạn và tôi phải từ bỏ nhiều thứ quý giá và thân yêu như người Do Thái phải từ bỏ đền thờ. Tuy nhiên, giữa tất cả những đổi thay, chúng ta có thể yên tâm rằng, Chúa Phục Sinh ‘vẫn còn mãi’, cho dù Ngài phải chịu đựng bao tội lỗi, bao chống đối; Ngài luôn giữ mối tương quan, hiện diện đầy quyền năng với chúng ta và giữa chúng ta trong các Bí Tích, đặc biệt Bí Tích Thánh Thể và trong các biến cố. Ngài tiếp tục hoàn thành công việc; tiếp tục kêu gọi chúng ta sống bền chặt mối tương quan với Ngài và với nhau; và cùng Ngài, chia sẻ công việc vĩ đại của Ngài với tinh thần hy vọng và vui mừng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mọi sự qua đi, nhưng Chúa ‘vẫn còn mãi’. Xin lôi kéo con đến gần Chúa ngày một hơn; nhờ đó, tương quan giữa con và anh chị em con ngày càng thăng hoa trong Ngài!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts