VĂN HOÁ CỨU SỐNG

“Ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay giết chết?”.

Marian Billups Booth, một phụ nữ thông minh, xinh đẹp, người đã bắt đầu công việc truyền giáo với nhiều thành công và bao hứa hẹn phi thường. Tuy nhiên, không lâu sau đó, bệnh tật đã đưa cô đến gần với cái chết. Một người bạn nói với cô, sẽ rất tiếc khi một phụ nữ như cô bị bệnh tật làm cản trở công việc của Chúa. Sâu sắc và thánh thiện, Marian nhẹ nhàng trả lời, “Thật tuyệt vời khi làm công việc của Chúa, nhưng sẽ tuyệt vời hơn khi thuận theo ý muốn của Ngài! Được hấp thụ một nền ‘văn hoá cứu sống’ của Chúa Kitô, nên dù có chết, tôi vẫn có thể cứu sống!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Dù có chết, tôi vẫn có thể cứu sống!”. Lời Chúa hôm nay cho thấy sự thật đó, ‘văn hoá cứu sống!’. Phaolô nói đến men cũ và bánh tinh tuyền; Chúa Giêsu nói đến điều được phép và điều phải từ chối, “Ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay giết chết?”.

Trong bài đọc thứ nhất, Phaolô phải đối phó với luồng văn hoá sự chết vốn dẫn đến tình trạng suy thoái đạo đức trong cộng đoàn; điều mà Phaolô nói, “Nơi dân ngoại cũng không có như vậy, là có người lấy vợ cha mình”. Những gì đã xảy ra thật tồi tệ; nhưng sẽ tồi tệ hơn khi tín hữu Côrintô không xem đó là vấn đề, thậm chí họ còn cho đó là một loại tự do mới! Phaolô mỉa mai, “Thế mà anh em còn lên mặt kiêu căng!”. Sau đó, ngài kêu gọi họ hãy loại bỏ men cũ chết chóc, một thứ men cáu nhơ có nguy cơ làm băng hoại cộng đồng; Phaolô kêu gọi họ hãy nhận lấy loại bánh không men tinh tuyền của Đức Kitô, như một loại ‘văn hoá cứu sống!’.     

Nét văn hoá này thể hiện rõ hơn qua trình thuật Tin Mừng. Một ngày Sabbat, Chúa Giêsu giảng dạy trong hội đường; ở đó, có một người có cánh tay khô bại, các biệt phái rình rập xem Ngài có chữa lành anh hay không. Đọc được thâm ý nhỏ nhen trong lòng họ; dẫu vậy, Chúa Giêsu vẫn sẽ làm bất cứ điều tốt nào, và không gì có thể cản ngăn Ngài hành động. Với Ngài, miễn sao con người gặp được lòng xót thương của Thiên Chúa; người khác nghĩ sao, không thành vấn đề! Vì thế, Ngài gọi người có cánh tay khô bại ra đứng giữa họ và hỏi những kẻ dò xét Ngài, “Ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay giết chết?”. Làm sao họ có thể trả lời! Và “Đưa mắt nhìn mọi người, Ngài bảo người ấy, ‘Hãy giơ tay ra’. Người ấy giơ ra, và tay anh được lành”. Văn hoá của Chúa Giêsu quả là ‘văn hoá cứu sống!’.

Anh Chị em,

“Dù có chết, tôi vẫn có thể cứu sống!”. Câu nói của Marian Billups Booth trở hiện thực một cách tuyệt vời nơi Chúa Giêsu. Ngài đã bị con người giết chết chiều ngày thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng nhờ cái chết đó, Ngài cứu sống cả nhân loại, cho họ sống sự sống đời đời; Ngài trở nên Thiên Chúa của kẻ sống cũng như kẻ chết. Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ Mẹ Têrêxa Calcutta, một khuôn mặt của ‘văn hoá cứu sống’. Noi gương Chúa Giêsu, Mẹ đã cứu sống người khác bằng mọi cách. Văn hoá của người Ấn Độ, nhất là những người nghèo, rất kiêng kỵ việc người chết trong nhà; vì thế, họ mang những người hấp hối ra khỏi nhà. Mẹ Têrêxa thì không, Mẹ đi tìm những con người xấu số này, mang họ về chăm sóc, yêu thương và cứu sống. Và cho dù họ cũng sẽ chết, họ vẫn được một cái chết bình an, xứng với nhân phẩm hầu chuẩn bị cho một cuộc sống mới, cuộc sống đời đời. Vậy, bạn và tôi, hãy cầu xin sức mạnh của Thánh Thần mỗi ngày, hầu có thể dõi bước theo Chúa Giêsu, Mẹ Têrêxa và Marian Billups Booth, những con người dám nói, “Dù có chết, tôi vẫn có thể cứu sống!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin nắn đúc tim con nên như trái tim Chúa: luôn muốn điều tốt, rộng lượng, bất chấp những rủi ro có thể xảy đến; vì lẽ, ‘văn hoá cứu sống’ luôn làm cho anh em con sống!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts