VẪN RẤT MONG MANH

“Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm!”.

Richard đang thảo luận về sự mong manh của nhiều cuộc hôn nhân với bạn gái mình; anh đặt câu hỏi, “Điều gì sẽ xảy ra nếu một buổi sáng, thức dậy, và em không còn yêu tôi nữa?”. Catherine lập tức trả lời, “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta!”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Vẫn rất mong manh’, một chủ đề khá bất ngờ chúng ta sẽ đọc thấy trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Chúa Giêsu vừa nức lời khen ngợi Phêrô, nhưng chỉ một chốc, Ngài quở trách ông với những lời lẽ không thể nặng nề hơn! Ân sủng, một cái gì đó ‘vẫn rất mong manh’, nếu không được hoà quyện với thập giá! Thật khó để tưởng tượng một sa ngã lớn hơn từ ân sủng trong một khoảng thời gian ngắn như vậy! “Hỡi Simon, con Giona, con có phúc!”; “Hỡi Satan, lui ra đàng sau Thầy!”.

Chúa Giêsu khen Phêrô vì Phêrô trả lời đúng câu hỏi của Ngài, “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”, “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!”. Ngài nói tiếp, “Con là Đá, “Petros”; trên đá, “petra” này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Thật thú vị, trong tiếng Hy Lạp, “Petros” là một tảng đá có thể di chuyển; nhưng “petra” là một nền đá rắn chắc không thể di chuyển. Như vậy, Chúa Giêsu cho biết, Phêrô sẽ là tảng đá, đặt trên một bàn thạch vững chắc là Ngài; trên đó, Ngài sẽ xây dựng Hội Thánh; Ngài còn hứa trao cho Phêrô chìa khoá Nước Trời kèm theo quyền cầm buộc tháo cởi không chỉ dưới đất mà cả trên trời. Thế nhưng, sau đó, Chúa Giêsu ‘rầy’ Phêrô, khi ông nghĩ rằng, Thầy mình ‘không phải là Thiên Chúa’ mà là một con người. Điều đó cho thấy, sự hiểu biết của con người về Thiên Chúa là một hiểu biết hết sức giới hạn và ‘vẫn rất mong manh!’.

Sở dĩ Chúa Giêsu nặng lời với Phêrô vì lẽ ông đã không chấp nhận giáo huấn về cuộc khổ nạn và cái chết sắp đến của Thầy; từ việc tuyên xưng một đức tin sâu sắc, Phêrô đã để cho một nỗi sợ không đáng có ám ảnh; để rồi, theo sự khôn ngoan loài người, Phêrô từ chối kế hoạch của Thiên Chúa. Chúa Giêsu khiển trách sự yếu đuối và sợ hãi của Phêrô; Ngài muốn nói với Phêrô rằng, điều Phêrô đã có, đã trả lời đúng, là một cái gì ‘vẫn rất mong manh’. Thánh Tôma giải thích, cảm xúc sợ hãi của Phêrô đến từ việc nhận thức một sự dữ vốn đang thuộc về tương lai chứ chưa có thật trong hiện tại. Chính sợ hãi làm cho tê liệt khiến Phêrô cảm thấy sốc, choáng ngợp và lo lắng.

Sự quở trách của Chúa Giêsu đối với Phêrô là hành động của một tình yêu chân thật; Ngài giúp Phêrô thoát khỏi sự tê liệt của sợ hãi; Ngài muốn Phêrô can đảm, chấp nhận, hy vọng và xác tín hơn về sự cần thiết của thập giá. Lòng dũng cảm cung cấp sức mạnh; chấp nhận chữa khỏi lo lắng; hy vọng tạo ra niềm vui; và niềm tin là phương thuốc cho mọi sợ hãi. Tất cả những ai theo Chúa Giêsu đều cần đến những phương dược này. Họ cần biết rằng, sự dữ được nhận thức này sẽ được Thiên Chúa biến đổi và được sử dụng cho những gì tốt đẹp nhất mà thế giới từng biết; họ cần biết, “Thầy phải lên Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ…”, đó là ý muốn của Cha; cũng vì thế, điều lành nhất sẽ đến từ điều ác lớn nhất do quyền năng và ân sủng toàn thánh của Ngài.

Sách Dân Số hôm nay cũng cho thấy điều tương tự nơi Môisen và Aaron. Ai đẹp lòng Thiên Chúa hơn Môisen, ai dám đối diện với Ngài như Môisen, ai dám đứng ra nói khó với Ngài để can thiệp cho dân hơn Môisen; ngay cả xin nước cho dân giữa sa mạc! Vậy mà, ‘ân phúc’ cũng như ‘đặc quyền’ của Môisen xem ra ‘vẫn rất mong manh’ khi ông bị phạt chỉ vì hồ nghi đánh vào đá mạch nước đến ‘hai lần’, “Vì các ngươi không tin Ta… thì các ngươi không được đem dân này vào Đất Ta sẽ ban cho chúng!”. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay không chỉ dành riêng cho Israel nhưng cho cả Môisen và Aaron, “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa: các ngươi đừng cứng lòng!”.

Anh Chị em,

Nhìn về tương lai, không ai trong chúng ta không cảm thấy lo lắng, nhất là trong thời gian dịch bệnh này. Cuộc sống đã mong manh nhưng Lời Chúa hôm nay còn nói rằng, ân sủng Ngài ‘vẫn rất mong manh’ nếu chúng ta không biết ôm lấy thập giá. Vậy thì điều gì đang khiến chúng ta sợ hãi và lo lắng; điều gì làm chúng ta tê liệt hoặc ít nhất là cám dỗ chúng ta lo lắng và sợ hãi? Hãy suy nghĩ như Chúa Giêsu chứ không phải như loài người; hãy tin rằng, tất cả đều được Thiên Chúa sử dụng vào mục đích tốt; đừng nghi ngờ nhưng hãy tin và Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta nhiều đức tính cần thiết để tiến về phía trước với sự bình an, can đảm và tự tin.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin ban cho con ân sủng để vượt qua tất cả những gì làm con sợ hãi; cho con biết rằng,  ân sủng Chúa ‘vẫn rất mong manh’ nếu con không biết ôm chặt thánh giá đời mình!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts