Đến Âu Châu một vài lần, một trong những ấn tượng nhất của tôi là các nghệ sĩ đường phố. Đó là các nghệ sĩ vĩ cầm, phong cầm và cả dương cầm, cùng các loại kèn đồng; họ thường biểu diễn một mình, đôi khi một nhóm. Thế nhưng, những con người tài hoa giữ chân tôi lâu nhất, luôn luôn là các hoạ sĩ; họ vẽ trên vải, trên giấy, trên cát và thậm chí, trên cả mặt đường của con phố. Họ vẽ thật nhanh một tấm ảnh du khách mang theo; hay tuyệt hơn, một du khách ngồi để được họ ‘vẽ chân dung’; chỉ trong 10 đến 20 phút, một tuyệt phẩm khác nào ảnh chụp ra đời. Với tôi, các nghệ sĩ này là những con người làm nên một nét văn hoá không thể thiếu của đường phố Âu Châu.
Kính thưa Anh Chị em,
Vẽ chân dung, một kỹ năng rất chuyên biệt và đa dạng với các trường phái; không tin, bạn cứ đến Piazza Navona, Rôma. Cũng thế, sẽ rất thú vị khi Lời Chúa hôm nay được đọc dưới cái nhìn thán phục, đầy ngưỡng mộ của một người thưởng lãm đang chôn chân trước một hoạ sĩ ‘vẽ chân dung’.
Trong Tin Mừng hôm nay, khi công bố các mối phúc, Chúa Giêsu khác nào một nghệ sĩ đang ‘vẽ chân dung’ của chính Ngài. Chúa Giêsu vẽ ‘nét tinh thần nghèo khó’ và không thể nghèo hơn, ở chỗ, Ngài tuỳ thuộc hoàn toàn vào Chúa Cha, “Chim trời có tổ, con chồn có hang, Con Người không chỗ gối đầu!”. Ngài vẽ ‘nét hiền lành, khiêm nhượng’ có một không hai, để ai nào dám nói như Ngài, “Hãy học cùng Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng!”. Mang lấy phận người, sầu buồn như bao người, Ngài vẽ nên ‘nét buồn đau’ một cách rất người, “Tâm hồn Thầy u buồn đến chết được!”. Ngài vẽ ‘nét đói khát điều công chính’ thật thâm trầm khi ý Cha trên trời không được thực hiện, “Giá mà các người biết Tôi là ai, và ai là Đấng đã sai Tôi!”. Ngài vẽ nên bao ‘nét xót thương’ bàng bạc trong các Tin Mừng, cách riêng với những kẻ tan vỡ và những người tội lỗi, vì tên Ngài còn được gọi là “Xót Thương”, “Tôi cũng không kết án chị; chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!”. Ngài vẽ ‘nét thanh sạch của tâm hồn’ mình, những chỉ muốn điều Chúa Cha muốn, đến nỗi Ngài dám nói, “Nào ai bắt Tôi được điều gì!”. Ngài ôn hoà, không gây hấn, vẽ ‘nét kiến tạo hòa bình’ giữa nhân loại với Thiên Chúa và giữa con người với nhau, “Ngài bỏ họ mà qua bờ bên kia!”. Và Ngài vẽ ‘nét chịu bách hại vì lẽ công chính’ đến nỗi phải chết trên thập giá; thế nhưng, lại biện hộ cho kẻ bất chính giết chết Ngài, “Xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm!”.
Khi vẽ chân dung của chính mình, Chúa Giêsu cũng muốn những ai theo Ngài mỗi ngày, vẽ cho họ chân dung của chính họ; Ngài mỏi mong mỗi người vẽ làm sao để chân dung họ hoàn toàn giống chân dung Ngài; đến độ người đời có thể nhầm lẫn, không biết đâu là họ, chẳng biết đâu là Ngài! Đó là chân dung của mỗi người chúng ta, vốn đang được kêu gọi để trải nghiệm, sao cho cách sống bên trong có thể phản ảnh ra bên ngoài như con người của Ngài. Thật trùng hợp, sâu lắng và ý vị! Thánh Vịnh đáp ca hôm nay đã mời gọi, “Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao!”. Vậy mà, chúng ta không thể tự mình trở thành con người của các mối phúc, nghĩa là có thể tự sức nên giống Chúa Giêsu; nhất định cần phải có sự trợ giúp của Ngài và ân huệ của Thánh Thần Ngài! Từ bên trong mỗi người, Thánh Thần phải có khả năng uốn nắn toàn bộ con người chúng ta từ trái tim, tâm trí và linh hồn; nhờ đó, cây cọ của chúng ta mới có khả năng tự ‘vẽ chân dung’ mình ngày càng giống chân dung Giêsu. Không có cách nào khác!
Thật tuyệt vời! Khởi đầu thư Côrintô hôm nay, thánh Phaolô chia sẻ trải nghiệm “nếm thử” và “nhìn coi” chân dung Giêsu, Thầy mình; đồng thời, Phaolô chiêm ngắm một cách thèm thuồng các mối phúc Chúa Cha đã ban cho Thầy mình; nhờ đó, vị tông đồ dân ngoại đã vẽ được chân dung chính mình y tạc chân dung Thầy mình. Phaolô nói, “Cũng như các nỗi đau khổ của Đức Giêsu Kitô chan chứa trong chúng tôi thể nào, thì nhờ Đức Kitô, chúng tôi cũng được an ủi chứa chan thể ấy!”.
Anh Chị em,
Như thánh Phaolô, nếu chúng ta cho phép Chúa Giêsu chạm vào cuộc sống mình, khi hân hoan cũng như ngày buồn đau, chúng ta cũng sẽ có khả năng hỗ trợ người khác khi họ trải qua ‘lũng tối âm u’ của chính họ. Như Phaolô, đó cũng là sứ vụ của chúng ta; và như thế, việc ‘vẽ chân dung’ của chính mình mỗi ngày sẽ là sống một cuộc sống ân sủng, sống cuộc sống nên thánh. Ai trong chúng ta cũng muốn ‘vẽ chân dung’ mình thật nhanh, nhanh hơn các hoạ sĩ đường phố. Nhưng đó không phải là điều Thiên Chúa muốn, vì như thế, chúng ta sẽ giống một ai đó chứ không giống Chúa Giêsu. Ngài muốn chúng ta mỗi ngày, vẽ thật chậm, vẽ từng nét; nét cầu nguyện, nét yêu thương, nét bỏ mình, nét tha thứ, nét chết cho tội lỗi để sống cho một mình Thiên Chúa trọn vẹn.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu, ngày nào con cũng ‘vẽ chân dung’ của con; nhưng xem ra, càng vẽ con càng không nhận ra mình, phương chi là việc con giống Chúa. Xin giúp con biết cách cầm cọ, biết bắt đầu từ đâu, từ bên trong chính con, nhờ ân sủng của Chúa; hầu chân dung đời con cũng là một tuyệt phẩm, đến nỗi người khác sẽ nhầm lẫn chân dung con với chân dung Chúa!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)