“Dân chúng thích thú nghe Ngài nói”.
Kính thưa Anh Chị em,
Dõi theo Ngài trên bước đường rao giảng, dân chúng chứng kiến những đối đáp tài tình của Chúa Giêsu trước những kẻ chống đối; còn với họ, Ngài giáo huấn, dạy dỗ những điều hay lẽ phải. Vì thế, “Dân chúng thích thú nghe Ngài nói”, Tin Mừng hôm nay đã nhận định như vậy.
Việc thích thú nghe và lý thú nói là điều thật dễ cho cả hai phía người nói lẫn người nghe. Nhưng nói như Chúa Giêsu, nói những lời yêu thương khởi từ một tấm lòng thương xót đích thực; nói cách chân thành, can đảm dù biết mình thiệt thòi quả là điều không dễ; hơn thế nữa, Ngài sống những gì Ngài nói, đó lại là điều khó hơn. Cũng thế, việc thích thú nghe điều tốt lành người khác nói, ngay cả những giáo huấn Tin Mừng Chúa dạy là một chuyện và đem ra thực hành trong đời sống lại là một chuyện khác, đây cũng là điều khó hơn.
Trước hết, về việc nói. Chẳng hạn, khi trao sách Phúc Âm cho các tân chức được truyền chức Phó tế và Linh mục, vị Giám mục chủ lễ sẽ dặn dò từng tiến chức, “Con hãy nhận lấy Phúc Âm Đức Kitô mà con đã trở thành người rao giảng và con hãy biết là, phải tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy”. Như vậy, việc nói đúng nghĩa không dễ chút nào.
Thứ đến, việc nghe. Thánh Giacôbê nói, “Anh em hãy đem Lời ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà tự lừa dối mình. Ai nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống người soi gương rồi đi và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào”. Trong tu luật thánh Biển Đức, điều đầu tiên viết, “Con ơi, hãy lắng nghe lời thầy dạy, ghé tai lòng con mà thuận tình đón nhận lời cha hiền khuyên nhủ và thực hiện cho bằng được”. Vậy thì việc nghe đúng nghĩa cũng thật trần ai.
Thế nhưng, giữa việc nói và nghe, còn có một việc quan trọng khác, đó là im lặng. Trong tác phẩm “Nữ Ẩn Sĩ”, Cadwallander kể về Sarah, một phụ nữ trẻ chọn cách sống như một ẩn sĩ. Cha giải tội của cô là Ranaulf, không có nhiều kinh nghiệm. Một ngày nọ, sau một cuộc xưng tội chán ngấy, Sarah giận dữ. Cha Ranaulf đóng cánh cửa toà cáo giải lại và im lặng; cha biết là mình phải nói với Sarah một điều gì đó nhưng lại không thể. Và, khi không có gì để nói ngoài cảm giác muốn rời đi thì cha lại ngồi đó trong thinh lặng. Ngược đời thay, sự bất lực câm nín của cha lại đạt được một điều mà những lời nói của ngài không làm được, đó là một bước đột phá. Lần đầu tiên, Sarah cảm thấy sự quan tâm và đồng cảm của cha cũng như sự hiện diện của cha với mình. Tác giả mô tả, “Cha hít một hơi thật sâu rồi từ từ chậm rãi thở ra. Cha không thể mở miệng, nhưng cha có thể ở lại và cha đã làm thế. Cha bắt đầu cầu nguyện trong thinh lặng. Sự thinh lặng bắt đầu như một điều gì đó thật vụn vặt và đáng sợ nhưng dường như nó thật êm ái, mềm mại. Nó lan toả và vững vàng, nó chiếm lấy mọi khoảng không. Cha Ranaulf ngồi bất động, không nhúc nhích, mất hết mọi khái niệm về thời gian. Mọi sự cha biết là một có một phụ nữ đang cách cha một sải tay, trong bóng tối và đang thở. Vậy là đủ. Khi ánh nến trong gian phòng mờ dần đi, cha nhúc nhích, cha nhìn vào bóng tối, “Chúa ở cùng con, Sarah”, “Và ở cùng cha”. Giọng của cô tươi sáng hơn, thân thiết hơn”.
Anh Chị em,
Có một ngôn ngữ vượt quá ngôn từ, đó là thinh lặng. Đôi khi chúng ta cảm thấy bất lực không nói được gì có ý nghĩa cũng như không áp dụng được gì điều đã nghe, hãy trở vào sự vô tri và vô lực. Ở lại trong tình trạng này, thinh lặng sẽ tạo một không gian cần thiết cho một điều thâm sâu hơn xuất hiện, và đó là khoảnh khắc cần thiết cho Chúa Thánh Thần.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe nhiều hơn nói. Nhưng trước hết, cho con biết thinh lặng để chiêm ngắm hầu có thể sống điều con dạy và thực hành điều con nghe”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)