Mùa Vọng là thời gian hân hoan chuẩn bị đón mừng lễ Giáng Sinh, là mùa của niềm vui. Vậy tại sao trong phụng vụ của Mùa Vọng, chúng ta lại sử dụng màu tím và không hát Kinh Vinh Danh trong thánh lễ?
Để có thể trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần trở lại với nguồn gốc và lịch sử của mùa Phụng vụ này.
Từ “Mùa Vọng” xuất phát từ tiếng La-tinh Adventus, có nghĩa là đến, việc ngự đến, hiển trị (tiếng Anh: Advent, tiếng Pháp: Avent).
Đây là một từ có nguồn gốc thế tục. Thực vậy, trong phụng tự ngoại giáo, adventus dùng để chỉ việc các vị thần ngự đến trong đền thờ của mình để viếng thăm các tín đồ, và cũng áp dụng cho việc đăng quang của một triều đại hoàng đế. Đối với các Kitô hữu ở các thế kỷ đầu, từ này được sử dụng để gợi lên việc Chúa Kitô đến giữa con người vào lễ Giáng Sinh: “Adventus Domini”, Chúa ngự đến; sau đó được dùng để nói rộng ra để chỉ khoảng thời gian chuẩn bị cho việc Chúa đến.
Có thể nói, Mùa Vọng được hình thành từ hai nguồn thực hành sau:
- Vào cuối thế kỷ IV và trong thế kỷ V, tại xứ Gaule (tên thời Thượng Cổ dùng để chỉ lãnh thổ gồm Pháp, Bỉ và Bắc Ý) và ở Tây Ban Nha, người ta bắt đầu tìm thấy những bản văn chính thức liên quan đến mùa phụng vụ này. Mùa này kéo dài ba tuần, gồm việc chay tịnh với sự cầu nguyện mạnh mẽ hơn và cộng đoàn tập họp thường xuyên hơn.
Trong Giáo Hội tại các xứ Gaule, Đức giám mục Perpétue thành Tours (490) đã thiết lập việc ăn chay bắt buộc ba ngày trong một tuần và kéo dài sáu tuần, từ lễ thánh Máctinô giám mục (ngày 11/11) tới lễ Giáng Sinh. Tuy nhiên, việc chay tịnh không nghiêm ngặt như trong Mùa Chay và chỉ giới hạn vào việc kiêng một số thức ăn.
Thói quen thực hành một thời gian sám hối trước lễ Giáng sinh đã lan rộng từ xứ Gaule sang các nước nói tiếng Đức (Đức, Áo…). Tuy nhiên, từ “Mùa Vọng” vẫn chưa được dùng để chỉ thời kì chuẩn bị như trong thời gian chuẩn bị của Mùa Chay. Lúc đó, người ta gọi thời kì này là Quadragesima sancti Martini (năm mươi ngày của thánh Máctinô).
- Ở Rôma, Mùa Vọng chỉ xuất hiện vào giữa thế kỷ VI. Ban đầu kéo dài sáu tuần lễ, sau đó rút ngắn còn bốn tuần lễ trước lễ Giáng Sinh. Trái với cách thực hành đã được thiết lập ở xứ Gaule, Mùa Vọng ở Rôma không ấn định một việc ăn chay nào, vì do chịu ảnh hưởng chủ yếu của phụng vụ thời kỳ này, vốn được coi là thời gian hân hoan và chờ đợi lễ Giáng Sinh.
Đến thế kỷ VIII, Giáo Hội ở xứ Gaule đã chấp nhận phụng vụ Rôma. Mùa Vọng Rôma, với tính chất hân hoan, đã “cạnh tranh” với Mùa Vọng xứ Gaule, vốn cổ xưa hơn và mang tính cách sám hối. Sau một thời gian hai, ba thế kỷ không xác định rõ ràng cách thực hành, một dạng cử hành Mùa Vọng mới được chấp thuận, dung hòa cả hai truyền thống. Giáo Hội tại Rôma chấp nhận khía cạnh khổ chế của Mùa Vọng xứ Gaule, và Giáo Hội xứ Gaule chấp nhận thói quen của Rôma với Mùa Vọng chỉ có bốn tuần thay vì sáu tuần.
Vì thế, phụng vụ Mùa Vọng hiện nay được đánh dấu bởi hai khía cạnh bề ngoài xem ra mâu thuẫn nhau là niềm vui và sự sám hối.
Một đàng, phải chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng Sinh cho xứng đáng bằng tinh thần ăn chay và sám hối. Mặc dù việc chay tịnh đã hoàn toàn biến mất khỏi Mùa Vọng, nhưng tinh thần sám hối vẫn được biểu lộ trong phụng vụ bằng việc sử dụng âm nhạc cách chừng mực, các áo lễ mang mầu tím và không hát Kinh Vinh Danh.
Đàng khác, các bản văn phụng vụ Mùa Vọng thường nói đến sự hân hoan của việc chờ đợi Chúa Giêsu Kitô giáng trần, đặc biệt là trong Chúa nhật thứ ba: không chỉ trong các bài đọc mà qua cả áo lễ: mầu tím chuyển sang mầu hồng để mời gọi các tín hữu hân hoan một cách kín đáo; màu tím sáng lên thành màu hồng tuy nhiên vẫn chưa chuyển hẳn sang màu trắng là màu của Lễ Giáng Sinh.
Qua những gì vừa tìm hiểu, chúng ta thấy rằng, Giáo Hội đã cho chúng ta một mùa phụng vụ thật ý nghĩa và phong phú. Mùa Vọng mời gọi chúng ta sống tâm tình sám hối để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến nhưng vẫn toát lên sự vui tươi hân hoan của người luôn giữ trong tim niềm hy vọng Chúa sẽ đến. Đồng thời niềm vui hân hoan đón chờ Chúa đến cũng không làm chúng ta quên đi chiều kích sám hối để chuẩn bị cho tâm hồn chúng ta trở nên xứng đáng hơn cho Chúa ngự đến.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa