Khi thân xác Chúa Giêsu được tháo xuống khỏi Thập giá, Thánh giá đã bị ném xuống mương hoặc xuống giếng, và sau đó bị lấp đi bằng đất đá, để ngăn không cho các môn đệ của Ngài tìm thấy.
Vào năm 312 SCN, tức là gần 300 năm sau, khi Hoàng đế Constantine, lúc ấy vẫn chưa gia nhập Kitô giáo, đang chiến đấu với Maxentius để tranh giành ngai vàng của Đế chế La Mã, ông đã cầu khẩn Vị Thần là Chúa của các Kitô hữu giúp đỡ mình trong trận chiến của ông. Để đáp lại lời cầu khẩn của ông, một dấu hiệu xuất hiện trên bầu trời. Ông nhìn thấy một Thánh giá sáng rực với dòng chữ “In Hoc Signo Vinces – Cứ Dấu Này Ngươi Sẽ Chiến Thắng” được khắc trên đó.
Constantine đã thắng trong trận chiến với Maxentius. Mang ơn Chúa vì chiến thắng của mình tại Cầu Milvian vào ngày 28 tháng 10 năm 312, Constantine ra lệnh phải đặt Dấu hiệu của Kitô giáo trên các cờ hiệu của quân đội La Mã và trên khiên thuẫn của tất cả binh sĩ.
Sau đó, vào ngày 14 tháng 9 năm 326, mẹ của Hoàng đế Constantine, Thánh Helena, đã tìm thấy tại Giêrusalem Cây Thánh giá thật mà trên đó Chúa Giêsu đã bị đóng đinh. Truyền thuyết về câu chuyện phát hiện ra cây Thánh giá thật đó là khi Thánh Helena đến thăm thánh địa ở Palestine, bà đã được một người Do Thái lớn tuổi, vốn được ông bà tổ tiên của mình kể lại cho biết về vị trí của cây Thánh giá, ông hướng dẫn Hoàng hậu đến địa điểm Đóng đinh. Sau khi đào đất đến một độ sâu đáng kể, người ta đã tìm thấy ba cây thánh giá, cũng như dòng chữ được ghi phía trên đầu của Đấng Cứu Thế trên Thánh Giá, và những chiếc đinh mà người ta đã dùng để đóng đinhNgài. Thánh giá của Chúa được phân biệt với hai thánh giá kia bằng cách đặt từng thập giá lên một thanh niên đã chết, và người thanh niên này đã được hồi sinh khi chạm vào Thập giá thứ ba.
Để kỷ niệm việc tìm thấy Thánh giá, Hoàng đế Constantine đã dâng hiến hai Nhà thờ trên đồi Canvê, “Anastasis” và “Golgotha”, cả hai đều nằm trong khuôn viên của Nhà thờ Mộ Thánh. Bắt đầu từ những ngày đó, Lễ “Suy tôn Thánh Giá” được tưởng niệm hàng năm vào ngày 3 tháng 5.
Năm 614, Chosroes II, Vua Ba Tư, xâm lược Syria và Palestine, lúc đó ông đã lấy đi nhiều kho báu lớn của Giêrusalem, bao gồm di tích Thánh giá thật. Năm 629, Hoàng đế Heraclius của Constantinople tiến quân vào Ba Tư và lấy lại Thánh giá thật. Hoàng đế đã vác Thánh giá trên vai trở về Giêrusalem. Ông mặc những bộ quần áo đắt tiền và trang sức bằng đá quý. Nhưng ở lối vào Núi Canvê, một sự việc kỳ lạ đã xảy ra. Dù cố gắng hết sức, ông cũng không thể đi tiếp. Lúc đó Zacharias, vị Giám mục thành Giêrusalem, đã nói với vị quốc vương đang rất kinh ngạc rằng: “Tâu Hoàng thượng, xin Hoàng thượng hãy xem coi, với những đồ trang sức khải hoàn này, Hoàng thượng làm sao nên giống Chúa Giêsu đang vác Thập giá của Ngài.” Khi đó, Hoàng đế thay trang phục trên mình bằng chiếc áo sám hối, cởi bỏ đôi giầy hoàng gia, đi chân trần, thế là Hoàng đế lại tiếp tục được cuộc hành trình mang Thánh giá thật trở lại Giêrusalem, một cách đạo hạnh. Vào ngày 14 tháng 9, Thánh Giá được đặt lại ở vị trí trước kia trong Nhà thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem.
Để kỷ niệm chiến thắng này, vào thế kỷ thứ bảy sau Công nguyên, Giáo hội Rôma đã chấp thuận việc cử hành “Lễ suy tôn Thánh giá” vào ngày 14 tháng 9.
Suy tôn Thánh Giá, một họa sĩ khuyết danh người Nga.
Ngày nay, người ta có thể đến thăm Đại giáo đường Basilica Santa Croce Jerusalem (The Holy Cross in Jerusalem), tọa lạc tại Rôma, trong đó một phần lớn của Thánh giá được cất giữ cùng với nhiều di tích khác liên quan đến cuộc Khổ Nạn cùa Chúa Giêsu, bao gồm một phần lớn bảng chữ viết đã được đặt trên Thánh giá ghi “Giêsu Nazareth, Vua dân Do Thái ”.
Chúng ta tôn kính Thánh giá vì đó là khí cụ mà Chúa chúng ta đã thực hiện sự hy sinh tột cùng của Ngài để cứu độ chúng ta. Thánh giá đó đã thấm đẫm Máu châu báu của Ngài. Và qua điều này, chúng ta nhận ra rằng Thánh giá của Chúa Kitô đã trở thành Cây Sự sống.
Các tín hữu tập họp tôn kính Thánh giá bằng cách hôn kính vào Thứ Sáu Tuần Thánh hàng năm. Giáo hội ban ơn toàn xá cho hành động đức tin này khi tất cả các điều kiện thông thường được thực hiện. [1]
Chiến thắng của Thánh Giá.
Hôm nay được gọi là Lễ tôn vinh Thánh giá, Nâng cao Thánh giá, Ngày Thánh giá. Phụng vụ Thánh giá là một phụng vụ khải hoàn. Khi Môsê nâng con rắn bằng đồng lên trên dân chúng, đó là điềm báo trước về ơn cứu độ qua Chúa Giêsu khi Ngài được được đưa cao lên trên Thánh giá. Giáo hội Mẹ của chúng ta hát ca khúc khải hoàn của Thánh giá, khí cụ cứu độ của chúng ta.
Thánh giá ngày nay là hình ảnh phổ biến cho niềm tin Kitô giáo. Vô số thế hệ nghệ sĩ đã biến nó thành một món đồ để làm đẹp hoặc đeo trên mình như đồ trang sức. Nhưng trong mắt những Kitô hữu đầu tiên, Thánh giá không có vẻ đẹp gì cả. Thánh giá được dựng lên bên ngoài quá nhiều bức tường thành, chỉ được trang trí bằng những xác chết đang phân hủy, như một lời ngăm đe cho bất cứ ai không chấp nhận quyền lực của Hoàng đế Rôma, kể cả những Kitô hữu từ chối dâng của lễ cho các thần linh Rôma. Mặc dù các tín hữu nói về Thánh giá như một công cụ cứu độ, nhưng Thánh giá hiếm khi xuất hiện trong nghệ thuật Kitô giáo thời ấy, trừ khi được cải biên thành một chiếc mỏ neo hoặc chữ biểu tượng Chi-Rho [2]. Mãi cho đến sau sắc lệnh khoan dung Kitô giáo của Hoàng đế Constantine thì Thánh giá mới bắt đầu xuất hiện như một biểu tượng của đức tin Kitô giáo.
Để theo Chúa Giêsu Kitô, chúng ta phải vác thập giá của Ngài, theo Ngài và vâng phục cho đến chết, ngay cả khi điều đó có nghĩa là chết trên thập giá. Chúng ta trở nên một với Chúa Giêsu Kitô trên Thập giá và trở thành những người cộng tác vào ơn cứu độ, khi cùng chia sẻ thập giá của Ngài.”
Chính Chúa Kitô đã nói với những ai muốn theo Ngài: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mình và theo Ta” (Mt 16,24)
Trong thư gửi cho tín hữu Côlôsê, Thánh Phaolô viết: “Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Chúa Kitô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta. Ngài đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Ngài đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.” (Côlôsê 2: 13-14)
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngày 1 tháng 4 năm 1980, suy niệm về Thánh Giá: “Thánh giá là cuốn sách sống, nơi chúng ta chắc chắn học được mình là ai và chúng ta nên hành động như thế nào. Cuốn sách này luôn mở ra trước mắt chúng ta. Hãy đọc và vui hưởng sự khôn ngoan mới mẻ này và suy ngẫm về điều đó.”
Ngày 16/10/2003, nhân kỷ niệm 25 năm ngày trở thành Giáo Hoàng, Thánh Gioan Phaolô II đã ban hành Tông Huấn Pastores Gregis – Mục Tử của Đoàn Chiên, trong đó Ngài viết: “Ave Crux, spes unica! Xin chào cây Thánh giá, nguồn hy vọng duy nhất của chúng ta! Mong sao lời tung hô này … vẫn còn mãi trên môi chúng ta, vì Thánh giá là một mầu nhiệm của sự sống và cái chết. Thánh giá đã trở thành “cây sự sống” cho Giáo hội. Vì lý do này, chúng ta tuyên bố rằng sự sống đã chiến thắng sự chết.” (số 5)
Chúng ta làm Dấu Thánh Giá trước khi cầu nguyện, điều này giúp tâm trí và cõi lòng của chúng ta gắn chặt vào Chúa. Khi cầu nguyện xong, chúng ta cũng làm Dấu Thánh Giá để được gần gũi với Chúa. Khi gặp những thử thách và cám dỗ, Dấu Thánh Giá là sức mạnh bảo vệ chúng ta. Khi chịu Phép Thánh tẩy, chúng ta được ghi ấn tích bằng Dấu Thánh Giá, biểu lộ ơn cứu độ trọn vẹn và rằng chúng ta thuộc về Chúa Kitô. Chúng ta hãy thường xuyên nhìn lên Thánh giá, và nhận ra rằng khi làm Dấu Thánh giá, chúng ta đã dâng trọn bản thân mình cho Thiên Chúa – tâm trí, linh hồn, trái tim, thân thể, ý chí, tư tưởng.
Kính lạy Thánh giá, là dấu hiệu chiến thắng vinh quang của Chúa Giêsu Kitô trên tội lỗi và trên tử thần. Nhờ quyền năng của Thánh giá, chúng con được chia sẻ sự chiến thắng khải hoàn của Chúa Giêsu Kitô. [3]
“Lạy Chúa Kitô toàn năng, Chúa đã chịu chết trên cây khổ giá vì mọi tội lỗi của chúng con, xin hãy ở cùng con;
Lạy Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con;
Lạy Thánh giá Chúa Giêsu Kitô, xin hãy là hy vọng của con;
Lạy Thánh giá Chúa Giêsu Kitô, xin hãy xua đi mọi vũ khí sắc bén khỏi con;
Lạy Thánh giá Chúa Giêsu Kitô, xin hãy đổ xuống trong con mọi điều tốt lành;
Lạy Thánh giá Chúa Giêsu Kitô, xin canh giữ con khỏi mọi điều tai ác;
Lạy Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô, xin giúp con đạt đến con đường cứu độ;
Lạy Thánh giá Chúa Giêsu Kitô, xin hãy đẩy lui mọi cuộc tấn công của sự chết khỏi con;
Lạy Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô, xin hãy bảo vệ con khỏi những tai nạn về thể xác và vật chất, xin hãy làm cho con thờ lạy Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô mãi mãi.
Lạy Chúa Giêsu Nadarét chịu đóng đinh, xin thương xót con, xin xua đuổi thần dữ và độc hại khỏi con mãi mãi, từ bây giờ và cho đến muôn đời.
Ước được như vậy!
Để ca tụng Máu châu báu của Chúa Giêsu Kitô, để ca tụng sự Nhập thể của Ngài, mà nhờ đó Ngài dẫn đưa chúng con đến sự sống muôn đời, vì đúng thật Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con, được sinh ra ngày Giáng sinh như thế nào thì Ngài cũng bị đóng đinh vào Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đúng thật như vậy.
Amen.” [4]
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ và biên tập.
Chú thích của người dịch:
[1] truecrosschurch.org.
[2] Một trong những chữ biểu tượng cổ nhất của Kitô giáo là Chi-Rho,
bao gồm các chữ cái Hy Lạp chi (Χ) và rho (Ρ) xếp chồng lên nhau, là hai chữ cái đầu tiên của “χριστός – Christos” trong tiếng Hy Lạp. Nó được hiển thị trên cờ hiệu quân sự labarum mà Hoàng đế Constantine I sử dụng vào năm 312.
[3] catholicculture.org.
[4] Đây là “Lời khẩn cầu Thánh giá Chúa Giêsu Kitô” được tìm thấy vào năm 802 trong ngôi mộ của Chúa Giêsu Kitô, được viết bằng chữ vàng trên giấy da thuộc, và được Đức Thánh Giáo Hoàng Lêô III (795-816) gửi cho Hoàng đế Charlemagne khi ông cùng đi với đội quân của mình, chiến đấu chống lại những kẻ thù của Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, vị thánh bảo trợ của Hoàng đế và của Giáo Hội Pháp, trước khi được lưu giữ ngay tại tu viện Saint-Michel của Pháp. Lời cầu nguyện này đã bảo vệ những người lính mang nó bên mình, và đã đọc nó trong hai cuộc chiến vừa qua ở Pháp.
Truyền thống đạo đức đảm bảo rằng lời cầu nguyện này cũng bảo vệ những phụ nữ mang thai đọc, lắng nghe hoặc mang lời cầu nguyện này bên mình; lời cầu nguyện này cũng bảo vệ nhà của khỏi sấm sét, bảo vệ người ta khỏi một số bệnh tật như động kinh. Cuối cùng, bất cứ ai viết lời cầu nguyện này để chính mình hoặc đưa cho người khác đọc, tốt nhất là vào ngày Chủ Nhật, sẽ được Chúa ban phúc lành.