1. Thánh Hóa Công Việc: làm việc vì yêu, làm việc để được sự sống đời đời
Lời Chúa nói: “Vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi” (Mt 25, 21)
Phàm ai cũng phải tìm kiếm công việc và làm việc cho có hiệu quả để không chỉ nuôi sống được mình, nuôi sống gia đình mình mà còn là để giúp đỡ người khác thăng tiến cuộc sống xứng với nhân phẩm.
Ai không tha thiết tìm việc làm là người lưỡi lĩnh sống bám, vô dụng.
Ai có công việc mà không tích cực làm việc là người gian ngoa sống dối.
Ai làm việc mà cậy sức cậy tài của mình, không cậy sức Chúa là người kiêu căng dại dột.
Ai làm việc vì mục đích tích trữ của cải vật chất để hưởng thụ cuộc sống trần gian này là người tham lam, ảo tưởng.
Ai làm việc mà không vì yêu mến gia đình, tha nhân là người làm việc không phải để sống, mà là làm việc để chết.
Vâng, ai cũng phải làm việc, nhưng cách làm việc, mục đích làm việc, ý hướng làm việc thì hầu như khác nhau. Chúa Giê-su muốn các Ki-tô hữu hãy tích cực làm việc, nhưng không vì của ăn hay hư nát, nhưng vì cuộc sống trường sinh. Hãy bỏ đi cách làm việc với tính hư lười lĩnh sống bám, gian ngoa sống dối, kiêu căng dại dột, tham lam ảo tưởng, ích kỷ đơn độc. Hãy siêng năng, chân thành, khiêm nhượng cậy trông và nhất là làm tất cả các việc vì yêu mến Chúa, vì yêu thương người, vì hạnh phúc của mọi người.
Mỗi người có thể khác nhau về khả năng, về vốn liếng Chúa ban, nhưng hãy giống nhau về ý hướng và mục đích làm việc: Làm việc vì yêu Chúa, yêu người, làm việc đời này để được hạnh phúc đời sau. Không có việc nhỏ, chỉ có lòng yêu nhỏ. Hãy làm tất cả các việc nhỏ lớn, với trọn vẹn lòng yêu của mình. Ấy chính là người trung tín với Chúa, Đấng đã làm tất cả vì yêu. Muốn được vậy, hãy mời Chúa cùng làm việc với ta, từ việc nhỏ đến việc lớn. Hãy kết hiệp với Chúa luôn luôn, ngay cả lúc chúng ta dự định công việc cũng như thực hiện điều đã dự định.
2. Thánh Hóa Công Việc: làm “việc phải làm”, không làm “việc thích làm”.
Việc phải làm là việc làm theo ý Chúa. Việc thích làm là việc làm theo ý thích của ta, cho thỏa mãn cái riêng của lòng ta. Chúa Giê-su cho biết cách làm việc của Người: “Chúa Cha yêu Chúa Con, và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm” (Ga, 5, 20)
Chúa Giê-su không làm việc mình thích làm, nhưng Người đã hân hoan làm “việc phải làm” theo ý Chúa Cha. Người vâng phục nhưng hoàn toàn tự do, bởi lòng yêu thương của người gắn liền với mỗi công việc dù nhỏ hay lớn. Hãy noi gương Chúa Giê-su mà làm tất cả các việc với ý hướng “việc phải làm” vì lòng yêu mến Chúa Cha, vì yêu thương con người.
Đừng tìm việc mình thích làm cho thỏa mãn cái đam mê riêng tư của mình, nhưng hãy tìm cho ra thánh ý Chúa khi làm việc để sinh ích lợi phần xác phần hồn cho mình và cho mọi người. Việc gì mà không sinh ích lợi phần xác, phần hồn cho mình và cho người khác, hãy coi chừng ấy là việc tội lỗi, hoặc là việc dẫn đến tội lỗi!
Mỗi người đều được gọi vào làm vườn nho của Chúa, nhưng công việc thì khác nhau, kẻ cày xới, người làm cỏ, kẻ tưới tắm, người thu hoạch… Công việc của mỗi người khác nhau nhưng tất cả cùng theo sự sắp xếp và điều khiển của chủ vườn là Thiên Chúa. Vì thế, hãy kết hiệp với Chúa để được Người sắp xếp bố trí đúng việc cho vinh danh Người và sinh ích lợi cho phần rỗi của ta và của mọi người.
Trong suy tư ấy, hãy cảm tạ Chúa vì công việc của ta và công việc của người khác. Đừng lầm tưởng công việc của ta có giá trị hơn công việc của người khác, và xem thường hoặc không quý chuộng công việc của người khác. Hãy biết rằng, giá trị công việc không phải ở chỗ lớn hay nhỏ, nhưng giá trị ở chỗ làm vì yêu mến vâng phục Chúa nhiều hay ít. Đừng lầm tưởng việc của cô bán rau cả đời, việc của anh bán hủ tiếu gõ cả đời là không có giá trị bằng việc ông tiến sĩ, việc của ông giáo sư… nhưng hãy biết rằng ai cũng phải làm đúng “việc mình phải làm” để nên thánh.
3. Thánh Hóa Công Việc: làm việc với lòng tin, cậy, mến Chúa.
Chúa Giê-su nói: “Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết”. (Mc 4, 27)
Chúng ta gieo hạt giống. Chúa cho mọc lên và sinh hoa kết quả. Đó phải là niềm xác của mỗi Ki-tô hữu trong công ăn việc làm.
Niềm xác tín ấy biểu lộ lòng khiêm nhượng biết mình hèn mọn, nếu không nói là bất lực trước chính cuộc sống của mình. Niềm xác tín ấy còn nói lên lòng cậy trông vững vàng vào quyền năng và tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Và cũng chính niềm xác tín ấy mang lại cho chúng ta sự bình an thánh thiện, bởi không thể kiêu căng tự phụ lúc thành công, và cũng không u sầu thất vọng khi thất bại. Thành bại trong công ăn việc làm đều không ngoài thánh ý khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn ban cho chúng ta điều tốt nhất, khi ta hoàn toàn tin tưởng cậy trông nơi Người. Vì thế, kể cả điều mà lòng trí trần gian cho là thất bại, thì cũng là tình yêu vô biên của Chúa, cũng là lý do chính đáng để tạ ơn Người.
Điều quan trọng là hãy quý chuộng thời gian Chúa ban, hãy quý chuộng tài năng, sức khỏe Chúa ban, và siêng năng làm việc. Đừng phung phí thời gian, tài năng, sức khỏe Chúa ban vào những việc vô bổ, những việc không sinh ích lợi gì cho phần rỗi đời đời của chính mình và của tha nhân, nhất là đừng phung phí thời gian, tài năng, tiền bạc, sức khỏe vào những việc bất chính, tội lỗi. Nếu người còn trẻ, còn khỏe, có việc của người trẻ, người khỏe là kiếm cái ăn cái sống cho mình và cho gia đình, thì người già cả yếu đau cũng có việc của người già yếu bệnh tật, đó là luôn nhớ đến Chúa, luôn kết hiệp với Chúa trong tâm tình tạ ơn cho mình và xin ơn cho người, cho con cái…Bao lâu còn sống trên đời, bấy lâu còn việc, việc của Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.
Ngày mùng 3 tết, thiết tưởng chúng ta không chỉ xin ơn thánh hóa công ăn việc làm, mà còn phải cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa.
Hãy cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa bằng cách lắng nghe, tuân giữ, và thi hành đúng như Lời Chúa Giê-su dạy,đúng như ý Thiên Chúa muốn.
Bấy giờ, thời gian và công việc trở nên quý giá và ý nghĩa cho phần rỗi chúng ta, cho phần rỗi mọi người.
PM. Cao Huy Hoàng, 01-02-2019