QUYỀN NĂNG CỦA VIỆC CHẦU THÁNH THỂ

Bài này được viết dựa theo bài giảng của Đức Cha Robert Barron trong Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô 2024 được đăng trên YouTube ngày 1 tháng 6 năm 2024.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô là một sự kiện quan trọng trong lịch phụng vụ, được cử hành hàng năm vào cuối mùa Phục sinh và ngay trước khi Mùa Thường Niên trở lại. Lễ này là cơ hội để các tín hữu suy niệm và cử hành Bí tích Thánh Thể, Bí tích cao trọng nhất. Năm nay, trong bối cảnh Phục hưng Thánh Thể đang lan rộng khắp Hoa Kỳ, việc tập trung vào mầu nhiệm Thánh Thể là điều đặc biệt thích hợp. Trong lịch sử, Bí tích Thánh Thể đã được khai triển từ nhiều góc độ khác nhau. Bài này tìm hiểu một khía cạnh có ý nghĩa thiêng liêng sâu xa: việc Chầu Thánh Thể. Thường bị hiểu lầm hoặc bị coi nhẹ, thực hành này mang lại một phương tiện rất hữu hiệu để phong phú hoá đời sống tâm linh và sự gắn bó mật thiết với Thiên Chúa.

https://www.youtube.com/watch?v=3snpp3VrYvE

Tái Khám Phá Vẻ Đẹp của Việc Chầu Thánh Thể

Trong quá khứ, đặc biệt là vào giữa thế kỷ 20, việc Chầu Thánh Thể tại Hoa Kỳ đã bị chỉ trích và không được khuyến khích. Nhiều người cho là nó làm giảm giá trị Thánh Lễ, vì nhấn mạnh đến sự hiện diện tiêu cực hơn là sự hiện diện tích cực của Đức Kitô. Người ta tin rằng lòng sùng kính thực sự đối với Bí tích Thánh Thể được thể hiện rõ ràng nhất qua việc tham dự Thánh Lễ, vì thế việc tôn thờ ngoài Thánh Lễ ít có giá trị hơn. Tuy nhiên, quan niệm này càng ngày càng bị coi là sai lầm. Sự hiện diện thụ động của Đức Kitô khi chầu Thánh Thể không làm mất đi sự hiện diện tích cực của Người trong Thánh Lễ; đúng hơn, hai sự hiện diện này bổ túc cho nhau.

Đức Tồng Giám mục Fulton Sheen, một người đặc biệt cổ võ việc Chầu Thánh Thể và Giờ Thánh, là một tấm gương đầy thuyết phục. Quyết tâm dành thời gian chầu trước Thánh Thể là nền tảng cho đời sống tâm linh của ngài và tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều người. Việc thực hành chầu Thánh Thể của ngài làm nổi bật tầm quan trọng của nó như tâm điểm của các việc thiêng liêng, khuyến khích sự gắn bó mật thiết hơn với Đức Kitô.

Ngọn Lửa của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể

Thánh Tôma Aquinô đã mô tả một cách hùng hồn rằng lời Truyền Phép như nhóm lên một ngọn lửa ở một không gian mới. Mặc dù cùng một Đức Kitô hiện diện trên toàn thế giới, nhưng mỗi lần Truyền Phép lại thắp lên ngọn lửa một mới một cách riêng biệt. Hình ảnh này ghi lại quyền năng biến đổi của Bí tích Thánh Thể. Khi một không gian mới được chỉ định để cử hành Thánh Lễ, sự hiện diện của Đức Kitô mang lại sự ấm áp và ánh sáng, biến nơi đó thành một nơi thánh.

Chầu Thánh Thể nghĩa là ở gần ngọn lửa này. Đây là lúc chúng ta được ở trước sự hiện diện của Đức Kitô, được đến gần hơi ấm và ánh sáng của Người. Lửa mang lại ánh sáng xua tan bóng tối, hơi ấm chống lại giá lạnh và bảo vệ khỏi kẻ thù. Trong bối cảnh thế giới đang bị tục hoá hiện nay của chúng ta, Bí tích Thánh Thể mang lại sự ấm áp cho linh hồn, vốn được tạo ra để kết hợp với Thiên Chúa. Nó chiếu ánh sáng vào bóng tối tâm linh thường tràn ngập chúng ta, giúp chúng ta tìm được đường đi và tránh vấp ngã. Hơn nữa, như những ngọn lửa thời xưa xua đuổi những kẻ săn mồi, việc Chầu Thánh Thể mang lại sự bảo vệ tinh thần chống lại cả những kẻ thù hữu hình lẫn vô hình, bao gồm cả các quyền thần và lãnh thần đang gây chiến với linh hồn chúng ta.

Sự Ấm Áp Thiêng Liêng trong Một Thế Giới Lạnh Lẽo

Thế giới hiện đại thường làm cho tâm hồn cảm thấy lạnh lẽo và không được đón chào. Chủ nghĩa thế tục tràn ngập phần lớn nền văn hóa hiện đại, khiến các cá nhân cảm thấy bị cô lập và ưu phiền về tinh thần. Bất chấp việc tôn vinh chủ nghĩa cá nhân và tự do, nhiều người vẫn cảm thấy trống rỗng tận đáy lóng vì linh hồn, vốn đã được tạo ra để quy về Thiên Chúa, không thể tìm thấy sự viên mãn thực sự nếu không có Ngài.

Thánh Thể, khi chúng ta đến Nhà Tạm để tôn thờ, là nguồn hơi ấm chống lại sự lạnh giá này. Đó là nơi các tín hữu có thể gặp gỡ tình yêu và sự hiện diện của Đức Kitô một cách hữu hình. Việc Chầu Thánh Thể mang lại một nơi nương náu giữa sự khắc nghiệt của thế giới trần tục, mang đến một không gian để tái liên kết với mục đích thiêng liêng và nguồn gốc của sự hiện hữu của chúng ta.

Ánh Sáng trong Bóng Tối

Bóng tối là một biểu tượng mạnh mẽ trong Thánh Kinh của việc lạc đường, rơi vào trạng thái bối rối và mất phương hướng. Trong một thế giới sa ngã, bóng tối này biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: sự nhầm lẫn về luân lý, sự thờ ơ về tinh thần và cảm giác vô nghĩa lan tràn. Nhiều người, kể cả những người dường như có tất cả – giàu có, danh vọng và thành công – thấy mình vấp ngã trong cuộc sống mà không có một định hướng rõ ràng.

Bí tích Thánh Thể, như ánh sáng chiếu soi thế gian, xua tan bóng tối này. Tham gia vào việc ChầuThánh Thể cho phép ánh sáng của Đức Kitô chiếu xuyên qua bóng tối của trái tim và trí khôn. Ánh sáng này hướng dẫn, giúp chúng ta nhìn thấy con đường rõ ràng hơn và trấn an rằng chúng ta không đơn độc. Nó soi cho chúng ta thấy chân lý về cuộc đời và mục đích cuối cùng của nó, xây dựng chúng ta trong tình yêu và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Bảo Vệ Chống Lại Kẻ Thù Tâm Linh

Giống như lửa bảo vệ khỏi những kẻ săn mồi thể xác, việc Chầu Thánh Thể mang lại sự bảo vệ tinh thần. Thế giới không chỉ đầy rẫy những kẻ thù hữu hình—những kẻ chống lại đức tin và tìm cách phá hoại Hội Thánh—mà còn có những kẻ vô hình. Những kẻ thù tinh thần này, những quyền thần và lãnh thần được đề cập trong Thánh Kinh, đang gây chiến với các linh hồn.

Chầu Thánh Thể một lần nữa là một sự bảo vệ uy quyền chống lại những thế lực này. Bằng cách ở gần ngọn lửa của sự hiện diện thật của Đức Kitô, chúng ta được thêm sức mạnh để chống lại những cuộc tấn công của chúng. Hơi ấm thiêng liêng và ánh sáng của Bí tích Thánh Thể tạo nên một tấm khiên che chắn chung quanh chúng ta, bảo vệ chúng ta khỏi bị tổn hại và giúp chúng ta chống lại cám dỗ. Chính trong những giây phút Chầu Thánh Thể này, chúng ta ta được nhắc nhở về sức mạnh và sự bảo vệ đến từ việc hiệp thông với Đức Kitô.

Gương Các Thánh

Trong suốt dòng lịch sử, nhiều vị Thánh đã bày tỏ lòng sùng kính sâu xa đối với Bí tích Thánh Thể qua việc Chầu Thánh Thể. Cuộc sống và chứng từ của các ngài cung cấp những gương sáng tỏ tường về hiệu quả biến đổi của việc thực hành này.

Thánh Tôma Aquinô

Thánh Tôma Aquinô, một trong những thần học gia vĩ đại nhất trong lịch sử Hội Thánh, có lòng sùng kính sâu xa đối với Bí tích Thánh Thể. Cộng sự viên của ngài, Cha Reginald de Piperno, đã làm chứng rằng Thánh Tôma giải quyết nhiều vấn đề về trí tuệ bằng cầu nguyện hơn là chỉ suy nghĩ. Thánh nhân thường tìm nguồn cảm hứng trong nhà nguyện, đôi khi tựa đầu vào Nhà Tạm như thể đang tìm cách giao tiếp trực tiếp với Thiên Chúa. Sự tin cậy sâu xa vào việc Chầu Thánh Thể làm nổi bật tầm quan trọng của việc cầu nguyện và chiêm niệm trong việc theo đuổi chân lý.

Thánh Gioan Henry Newman

Thánh Gioan Henry Newman, một nhân vật thời danh khác trong Hội Thánh, cũng rất sùng kính sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Ngài đã sáng tác một loạt những kinh nguyện tuyệt vời, phát sinh từ thời gian ngài dành ra để Chầu Thánh Thể, tiếp tục gợi hứng cho các tín hữu ngày nay. Các bài viết của ngài phản ảnh sự hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm Thánh Thể và quyền năng biến đổi của việc dành thì giờ trước sự hiện diện của Đức Kitô.

Thánh Edith Stein

Thánh Edith Stein, một vị tử vì đạo của thế kỷ 20, đưa ra một chứng từ hùng hồn về quyền năng và ân sủng có thể rút ra được từ việc Chầu Thánh Thể. Sinh ra trong một gia đình Do Thái và sau đó trở thành người vô thần, Thánh nhân cuối cùng đã tìm được con đường đến với đạo Công giáo qua một tiến trình lâu dài và hấp dẫn. Trước khi trở thành một nữ tu, Chị dành hàng giờ để Chầu Thánh Thể, múc lấy sức mạnh cho cuộc hành trình tâm linh của Chị. Các nữ tu mà Chị ở cùng đã rất cảm kích trước sự sùng kính của Chị đến nỗi họ đã làm một chiếc ghế đặc biệt để Chị có thể chầu mà không bị chia trí. Mối liên hệ mật thiết của Chị với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể đã mang lại cho Chị sức mạnh để can đảm đối mặt với cuộc tử vì đạo của mình nhờ ân sủng.

Jacques Maritain

Jacques Maritain, một trong những nhà trí thức Công giáo vĩ đại nhất của thế kỷ trước, có lòng sùng kính Thánh Thể sâu xa. Khi ở Paris, ông đã kết thúc một ngày của mình bằng cách đi đến Nhà thờ Thánh Tâm ở Montmartre. Ở đó, ông đã quỳ trước Mình Thánh Chúa và canh thức suốt đêm, tham gia vào truyền thống Chầu Thánh Thể liên tục được duy trì từ cuối thế kỷ 19. Quyết tâm tôn thờ Thánh Thể của Maritain đã thúc đẩy các hoạt động theo đuổi trí tuệ và tâm linh của ông, đặt nền tảng cho công việc của ông trước sự hiện diện của Đức Kitô.

Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta

Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta, nổi tiếng vì làm việc không biết mệt với người nghèo, đã rút sức mạnh từ những giờ Chầu Thánh Thể. Trong nhà mẹ của Mẹ ở Calcutta, một bức tượng trong tư thế cầu nguyện của Mẹ đã được dựng nên ở chỗ mà Mẹ đã dành vô số thì giờ để Chầu Thánh Thể. Mối liên hệ sâu xa này với Bí tích Thánh Thể là nguồn sức mạnh và lòng trắc ẩn của Mẹ, giúp Mẹ thi hành sứ vụ của mình với sự tận tuỵ không ngừng.

Dorothy Day

Dorothy Day, người sáng lập Phong trào Công nhân Công giáo, có lòng tôn kính sâu xa đối với Bí tích Thánh Thể. Trong một sự việc đáng nhớ, một Linh mục đã dùng một ly cà phê làm chén thánh trong Thánh Lễ tại Nhà Công nhân Công giáo. Mặc dù Bà đã tôn kính rước Mình Thánh, nhưng sau đó cô đã làm sạch chiếc ly, đập vỡ nó thành nhiều mảnh và chôn sâu xuống đất, đảm bảo rằng nó sẽ không bao giờ được sử dụng cho mục đích trần tục nữa. Lòng tôn kính sâu xa của Bà đối với Bí tích Thánh Thể đã củng cố sức mạnh và sự dấn thân của bà trong việc chăm sóc cho người nghèo.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, lúc còn là Tổng Giám mục Karol Wojtyla, thường dành nhiều giờ để chầu Thánh Thể. Nữ tu Theodosia, một nữ tu người Ba Lan đã giúp đỡ Đức Hồng Y George và biết rõ về Đức Wojtyla, đã mô tả việc nhìn thấy ngài phủ phục dưới sàn nhà nguyện trong sự tôn thờ sâu thẳm. Sức mạnh tinh thần và sự hướng dẫn của ngài đến từ những khoảnh khắc thân mật với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, cung cấp một cho chúng ta một gương sáng chói lọi về tầm quan trọng của việc Chầu Thánh Thể trong cuộc đời của một Thánh nhân.

Bản Chất của Việc Chầu Thánh Thể

Việc Chầu Thánh Thể không chỉ đơn thuần là một thực hành trong quá khứ hay một hình thức tâm linh sơ khai. Đó là một kinh nghiệm sâu xa và có khả năng biến đổi, liên kết chúng ta với sự hiện diện thiêng liêng của Đức Kitô. Đức Tổng Giám mục Fulton Sheen đã mô tả rằng việc Chầu Thánh Thể cho phép chúng ta trở nên giống như một con chó ngoan ngoãn ngồi dưới chân chủ, khiêm tốn, cảnh giác và sẵn sàng đáp trả khi cần. Sự hiện diện khiêm tốn và cảnh giác này tóm lược bản chất của việc Chầu Thánh Thể. Đó là thời gian ở với Chúa, ngay cả trong im lặng, như hai người bạn có thể ngồi bên nhau mà không nói lời nào nhưng vẫn gắn bó mật thiết.

Các Thánh thực hành việc Chầu Thánh Thể đều hiểu được sức mạnh của nó. Các ngài tìm thấy nơi Bí tích Thánh Thể một nguồn sức mạnh, sự hướng dẫn và bảo vệ. Cuộc sống và chứng từ của các ngài nhắc nhở chúng ta về những hiệu quả biến đổi của việc dành thì giờ sống trong hiện diện của Đức Kitô nơi Nhà Tạm. Qua việc Chầu Thánh Thể, chúng ta được đến gần hơn với ngọn lửa tình yêu của Đức Kitô, để ngọn lửa ấy sưởi ấm trái tim, soi sáng những con đường và bảo vệ chúng ta khỏi bị tổn hại tinh thần.

Kết luận

Trong Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô này, mọi người được nồng nhiệt khuyến khích Chầu Thánh Thể. Thực hành này không hề là một thực hành sơ khai hay thiếu trưởng thành, mà từng là nền tảng cho đời sống tâm linh của nhiều vị Đại Thánh. Ở gần ngọn lửa Thánh Thể mang lại sự ấm áp, ánh sáng và sự bảo vệ thiêng liêng trong một thế giới lạnh lẽo, tối tăm và nguy hiểm.

Khi cử hành Lễ này, việc Chầu Thánh Thể cho phép chúng ta đến gần hơn với ngọn lửa hiện diện của Đức Kitô. Qua đó, chúng ta tìm thấy hơi ấm tinh thần để nâng đỡ chúng ta, ánh sáng để hướng dẫn chúng ta và sự bảo vệ để chúng ta được an toàn. Việc sùng kính này phong phú hoá đời sống đức tin và kéo chúng ta đến gần hơn với tình yêu của Đức Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Trong một thế giới thường có cảm giác lạnh lẽo và tối tăm, Bí tích Thánh Thể vẫn là ngọn hải đăng hy vọng, nguồn sức mạnh và nguồn mạch tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

 Phaolô Phạm Xuân Khôi

Chia sẻ Bài này:

Related posts