Thánh Thể, Chúa Giêsu ở giữa chúng ta
Khi thánh Gioan Maria Vianney tới làng Ars nhỏ bé không mấy ai biết tới, một vài người mỉa mai nói với ngài: “Ở đây không có việc gì làm cả”. Thánh nhân trả lời: “Như vậy là có mọi chuyện phải làm rồi đó”. Và ngài làm ngay. Ngài đã làm gì?
Thức dậy từ hai giờ sáng, ngài đến cầu nguyện gần bàn thờ trong thánh đường tối tăm. Ngài đọc kinh Nhật Tụng, nguyện gẫm và dọn mình dâng lễ Misa. Sau thánh lễ, ngài cám ơn Chúa rồi cứ cầu nguyện tới trưa. Ngài luôn quì gối trên nền nhà, không tựa mình vào đâu hết, tràng hạt trong tay, mắt chăm chú nhìn lên nhà tạm.
Những sự việc này tiếp tục trong một thời gian ngắn.
Nhưng rồi ngài phải đổi lại thời khóa biểu, đổi lại từ căn bản chương trình của ngài. Chúa Giêsu và Đức Mẹ Đồng Trinh dần dần lôi kéo các tâm hồn đến giáo xứ nghèo nàn này, cho tới khi nhà thờ trở nên chật chội không đủ chứa những đám đông. Nơi tòa giải tội của cha sở thánh trở nên chen chúc với những hàng dài hối nhân không dứt. Cha sở thánh bắt buộc phải giải tội từ 10, 15 tới 18 giờ một ngày. Sự biến đổi đã xảy ra như thế nào? Từ một ngôi nhà thờ nghèo nàn, một bàn thờ từ lâu không dùng đến, một nhà tạm bỏ trống, một tòa giải tội cũ kỹ và một linh mục kém tài bất lực. Làm sao những sự việc này đạt tới một thay đổi rõ ràng như thế tại một ngôi làng hẻo lánh?
Ngày nay chúng ta cũng có thể hỏi câu đó về làng San Giovanni Rotundo, thuộc tỉnh Garganô nước Ý. Cho tới một vài thế kỷ vừa qua, làng này không mấy ai biết đến, một nơi giữa miền sỏi đá hoang vu. Ngày nay San Giovanni Rotundo là một trung tâm đời sống tinh thần và văn hóa, danh tiếng khắp hoàn cầu. Ở đây cũng chỉ có một người ốm yếu, một tu viện cũ kỹ điêu tàn, một nhà thờ bỏ hoang, bàn thờ và nhà tạm vắng vẻ, một cha dòng nghèo khó luôn bám chặt cỗ tràng hạt không ngừng đếm.
Sự thay đổi đến như thế nào? Nguyên nhân nào đưa tới sự biến đổi xứ Ars và San Giovanni Rotundo, đến nỗi hàng trăm ngàn, và có lẽ hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới kéo về đây. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm những biến đổi như thế. Ngài sử dụng theo cách của Ngài những “sự vật coi như vô ích” (1 Cr 1,28). Ta phải hoàn toàn qui hướng về Ngài, qua sức mạnh thần linh vô biên của phép Thánh thể, hướng về sức mạnh toàn năng tỏa ra từ các nhà tạm xứ Ars và San Giovanni Rotundo tới các tâm hồn, qua tác vụ của hai linh mục này, các ngài là “những thừa tác viên chân thực của nhà tạm” và là “những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1 Cr 4,1).
Ta hãy đặt câu hỏi: Thánh Thể là gì?
Đó là Chúa Giêsu ở giữa chúng ta. Là Chúa Giêsu hiện diện trong nhà chầu nơi các thánh đường, với Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính. Đó là Chúa Giêsu ẩn mình dưới hình bánh, nhưng hiện diện cách thể lý và thực tại, trong Bánh đã truyền phép, để ngự giữa ta, hành động trong ta và cho ta. Thánh Thể Chúa Giêsu thực là Emmanuel, là Thiên Chúa ở cùng ta.
Đức Giáo Hoàng Piô XII dạy rằng: “Đức tin của Giáo hội là thế này: Điều duy nhất và căn bản là Ngôi Lời Thiên Chúa, con Đức Maria, Đấng đã chịu đau khổ trên thập giá, là Đấng đang hiện diện trong Thánh Thể, cũng là Đấng đang cai quản thiên đàng”.
Chúa Giêsu Thánh Thể ở lại với ta như là người anh, người bạn, vị hôn phu của linh hồn. Ngài muốn vào lòng ta như lương thực ban sự sống đời đời, như tình yêu, như sự nâng đỡ ta. Ngài muốn ta trở nên như phần thân thể mầu nhiệm Ngài. Ở đó, Ngài muốn cứu rỗi ta, đem ta về nước thiên đàng để đặt ta trong biển tình yêu vĩnh cửu.
Với Thánh Thể, Thiên Chúa chân thật đã cho ta mọi sự. Thánh Augustinô kêu lên: “Dầu Thiên Chúa quyền phép vô cùng và cũng không thể cho ta điều gì hơn nữa, dầu Thiên Chúa khôn ngoan vô cùng cũng không biết cho ta điều gì hơn nữa, và dầu Thiên Chúa giàu có vô cùng cũng không còn có gì cho ta hơn nữa”.
Đến với Thánh Thể, hướng về Thánh Thể, về Chúa Giêsu, Đấng muốn làm cho Ngài trở nên của ta, để làm cho ta nên giống Ngài, “giống Đức Chúa Trời”. Thánh Gemma Galgani thường kêu lên rằng: “Ôi Giêsu lương thực, sức mạnh linh hồn, xin cho con sức mạnh, xin thanh tẩy con và làm cho con nên giống Chúa”.
Hãy rước Chúa với tâm hồn trong sạch và sốt mến như các thánh đã rước. Không bao giờ có những phiền não cho ta khi trở nên thân mật hơn với mầu nhiệm không thể tả này. Hằng ngày, trong thời khóa biểu của ta, việc suy niệm, học hỏi và sống Thánh Thể phải chiếm một chỗ quan trọng. Đó là thời gian phong phú ơn phúc nhất trong một ngày.
Làm sao để hiểu biết, mến yêu và sống Thánh Thể
Để khám phá ra ít là một vài sự phong phú mênh mông chứa đựng trong mầu nhiệm Thánh Thể, ta hãy dùng trí, lòng và ý muốn.
Trước hết, ta dùng trí khôn chăm chú suy niệm về Thánh Thể. Nhờ những cuốn sách giúp ta khám phá ra những riêng tư và sâu xa về mầu nhiệm Thánh Thể. Một cuốn sách nhỏ đơn sơ của thánh Anphongsô nhan đề là “Viếng Mình Thánh Chúa và Đức Mẹ Đồng Trinh”. Hai cuốn nữa của thánh Phêrô Giulianô Eymard là “Sự hiện diện đích thực của Thánh Thể” và “Hiệp lễ”.
Hãy tới trường thánh Eymard, ngài là tông đồ nổi danh của Thánh Thể. Ơn gọi và sứ mạng ngài là dẫn đưa mọi người tới Thánh Thể. Khi lập dòng Linh mục Thánh Thể, ngài dâng cuộc đời cho Chúa Giêsu Thánh Thể. Hồi đó ngài viết: “Lạy Chúa Giêsu yêu dấu, đây là mạng sống con, con sẵn sàng bị ngược đãi và chết cô quạnh, chỉ cần con được hoàn thành việc lập ngai tòa cho Chúa, và dâng hiến Chúa gia đình các bạn hữu, các quốc gia những người thờ kính Chúa”.
Ta có biết ơn Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, và là Đấng ban mình cho chúng ta như là ơn tình yêu sung mãn không? Thánh Bênađô nói: “Thánh Thể là tình yêu vượt trên mọi tình yêu trên trời dưới đất”. Thánh Tôma Aquinô thêm: “Thánh Thể là nhiệm tích tình yêu, là tình yêu, và sinh ra tình yêu”.
Một hôm Abd-ed-Kader, hoàng tử Ả Rập đi qua các khu phố ở Marseille với một ông quan nước Pháp, vừa gặp một linh mục đang đem Thánh Thể Chúa cho bệnh nhân, thấy ông quan Pháp dừng lạ, bỏ mũ và quì gối xuống, hoàng tử Ả Rập hỏi lý do về các cử chỉ này, viên quan trả lời:
– Tôi thờ lạy Chúa mà linh mục đem đi cho bệnh nhân.
– Sao lại có chuyện như vậy? Ông tin rằng Chúa Trời là Đấng cao cả mà lại làm cho mình ra tầm thường, đến ở nhà người nghèo khó sao? Chúng tôi người Mahômet ý thức rằng Thiên Chúa là Đấng rất cao cả.
– Chính vì quí ông chỉ có một tư tưởng là Thiên Chúa rất cao cả, mà không biết Ngài là tình yêu.
Để xác nhận điều trên, thánh Phêrô Eymard tuyên ngôn: “Thánh Thể là chứng tích tình yêu tuyệt vời của Chúa Giêsu, sau đó chẳng còn gì ngoài thiên đàng”. Vậy mà có biết bao nhiêu kitô hữu chúng ta không biết đến tình yêu lớn lao quá mức này trong Thánh Thể.
Thứ đến, để khám phá sự phong phú của Thánh thể, chúng ta nhờ trái tim. Nếu mọi kitô hữu phải yêu mến Chúa Giêsu, thì theo lời thánh Phaolô: “Ai không yêu mến Chúa Giêsu phải kể là đồ chúc dữ” (1 Cr 16,22), tình yêu Thánh thể phải xuất phát từ cõi lòng và phải luôn luôn sống động trong mỗi người chúng ta. Tình yêu cần phải thực hành. Trái tim cần phải thực tập yêu mến Chúa chân thật, khao khát Đấng là “tác giả sự sống” (Cv 3,15).
Hiệp lễ là điểm cao nhất của tình yêu, lửa thiêu đốt của hiệp lễ liên kết trái tim thụ tạo với Chúa Giêsu. Thánh Gemma Galgani cảm kích tuyên ngôn: “Tôi không thể không nói lên rằng năng lực tuyệt diệu của Chúa Giêsu đã làm cho Ngài dễ thấu nhập và tỏ mình Ngài cho thụ tạo thấp hèn nhất của Ngài trong tất cả sự đẹp đẽ của Trái tim Ngài”. Ta có thể nói thế nào về những “thực tập” của trái tim thánh Gemma, ngài ước ao là “cái lều tình yêu”. Ngài ước ao có “một chỗ nhỏ trong bình đựng Thánh Thể Chúa” để được luôn sống với Chúa Giêsu. Thánh nữ xin cho mình được trở nên “bầu lửa rực cháy tình yêu” Chúa Giêsu.
Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu khi đã kiệt lực, còn hết sức gắng lê mình tới nhà thờ để rước Chúa Giêsu. Buổi sáng kia, sau khi hiệp lễ, thánh nữ ở trong phòng riêng, sức đã mỏi mòn, một chị trong dòng lưu ý ngài không nên gắng quá như vậy, nhưng thánh nữ trả lời: “Ồ, cái đau này có là gì, đâu có sánh được với một lần hiệp lễ?” Thánh nữ hơi phàn nàn rằng ngài không được hiệp lễ mỗi ngày (thời đó chưa được phép hiệp lễ hằng ngày). Ngài sốt sắng biện bạch với Chúa Giêsu rằng: “Xin Chúa ở trong con như ở trong nhà tạm, xin sự hiện diện của Chúa đừng bao giờ lìa khỏi tấm bánh nhỏ của Chúa”.
Khi thánh nữ Magarita Maria Alacoque bỏ thế gian để dâng mình cho Chúa trong đan viện, bà làm lời khấn tư viết bằng máu mình như sau: “Tất cả cho Thánh Thể Chúa, không còn gì cho bản thân tôi”. Thật không cần nói thêm về lòng kính mến bừng cháy của bà đối với Thánh Thể như thế nào. Khi bà không hiệp lễ được, bà đã biểu lộ tình yêu mãnh liệt thế này: “Tôi khao khát rước Mình Thánh Chúa đến nỗi nếu phải đi chân không qua lửa, tôi cũng vui không thể tả được”.
Bà thánh Catarina Siêna thường thưa với cha giải tội rằng: “Thưa cha, con đói, vì tình yêu Chúa, xin cha cho linh hồn con lương thực của nó, Chúa của nó trong Thánh Thể”.
Thánh nữ quả quyết thêm: “Khi tôi không thể rước Chúa, tôi vào nhà thờ, ở đó tôi chăm chú nhìn ngắm Chúa, nhìn đi nhìn lại… và tôi được no thỏa”. Ta gọi điều này là “luyện trái tim”.
Thứ ba, muốn tìm sự phong phú của Thánh Thể, người ta phải sử dụng lòng muốn. Làm như thế để đem lại những bài học linh thiêng Thánh Thể vào đời sống mình. Nào có ích gì cho ta, nếu ta khám phá ra kho tàng vô tận này nơi Thánh Thể, ta ấp ủ và tìm kiếm tình yêu ấy khi hiệp lễ, rồi ta không đem vào cuộc sống?
Thánh Thể dạy ta yêu mến vượt xa hơn là chỉ nói về yêu mến.
Thánh Thể dạy hy sinh hoàn toàn, dạy bài học khiêm tốn và sự hủy mình không có bài nào tương tự. Thánh Thể dạy kiên nhẫn và hiến dâng không giới hạn. Trình bày những điều trên có ý gì? Hẳn cần phải đạt được vài điều. Ta có thể lạnh nhạt mãi mà không làm gì khi Chúa Giêsu đã yêu chúng ta và còn yêu chúng ta với tình yêu quá quảng đại “cho tới cùng” không? (Ga13,1).
Nếu mình thấy yếu đuối, ta cần đến với Ngài, thân thưa với Ngài, đừng ngại xin Ngài cứu giúp ta, vì Ngài là Đấng duy nhất đã phán: “Không có Ta, chúng con chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Trước tiên, ta hãy đến trước nhan ngài: “Hãy đến với Ta… Ta sẽ bổ sức cho” (Mt 11,28). Ta hãy năng thăm viếng Ngài, vào nhà thờ mỗi khi có thể, dừng lại ít phút trước nhà tạm, để lòng ta gần lòng Ngài, để xác ta trước nhan Ngài. Các thánh năng ước ao thăm viếng Chúa Giêsu trong nhà tạm, làm giờ chầu Mình Thánh, Rước lễ thiêng liêng, than thở tắt, và tác động yêu mến xuất phát từ lòng mến. Các ngài đã rút ra bao nhiêu ơn ích từ đó và tốt lành chừng nào khi các ngài sống những giây phút này.
Ngày kia, tại Turino nước Ý, một sinh viên nói với Peter G. Frassati: “Ta đi ăn sáng đi”. Frassati lợi dụng cơ hội chỉ vào nhà thờ thánh Đaminh gần đấy, trả lời: “Ta vào tiệm cà phê trong ấy được không?”. Vào nhà thờ, họ quì cầu nguyện một lúc gần nhà tạm, cạnh đó có hòm tiền cho kẻ khó, hai chàng lấy tiền bỏ vào rồi nói với nhau: “Đây là bữa điểm tâm của chúng ta”.
Suy về Thánh Thể trong bài giảng, thánh Gioan Chysostomô tự hỏi: “Làm sao ta có thể biến mình nên bánh thánh?” Và ngài trả lời: “Đừng để mắt nhìn sự dữ, phải hy sinh. Đừng để lưỡi nói lời bất xứng, phải dâng hiến. Đừng để tay làm tội lỗi, phải toàn thiêu”.
Thánh nữ Collette luôn để đôi mắt nhìn xuống cách dịu dàng. Khi hỏi tại sao lại làm thế? Thánh nữ trả lời: “Mắt tôi đã chứa đầy Chúa Giêsu lúc Chúa được nâng lên trong thánh lễ, tôi không muốn bất cứ hình ảnh nào thay thế Chúa tôi”.
Ta hãy nghĩ tới sự cẩn trọng và luyện tập của các thánh khi nói năng, các ngài dùng ngôn từ đúng đắn, vì đã được dâng hiến, được tiếp xúc với Mình Thánh Chúa Giêsu.
Hãy nhớ lại những việc làm của các linh hồn đầy tràn tình yêu Thánh Thể, được sung mãn bởi thông hiệp với Chúa, những cảm tình của lòng mến Chúa chuyển qua cho các anh chị em, nhất là cho những người cần thiết hơn.
Ta không muốn thực tập những điều đó sao? Hãy học hỏi nơi các thánh, hãy bắt đầu và tiếp tục làm những việc lành.
Đồng Tâm, CMC
phỏng dịch cuốn
Jesus Out Eucharistic Love
của Cha Stefanô Manelli, OFM