Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là ý định tốt lành của Chúa nhằm cất đi những nỗi thống khổ, nhất là tội lỗi là căn nguyên mọi sự dữ, nơi các tạo vật của Người.
Trong Thánh Kinh, Lòng Thương Xót là một thuộc tính của Thiên Chúa được nói đến nhiều hơn mọi thuộc tính khác của Người. Và sự kiện “Thiên Chúa thương xót vô cùng” là một điều Mẹ Hội Thánh buộc các tín hữu phải tin (de fide).
Toàn pho Thánh Kinh trình bày lịch sử ơn cứu độ như một quá trình liên tục của việc Thiên Chúa thi thố Lòng Thương Xót của Người dành cho mọi tạo vật, cách riêng là nhân loại và Dân Thiên Chúa.
Lòng Thương Xót Chúa trong Cựu Ước
Tác giả sách Khôn Ngoan trình bày Lòng Thương Xót Chúa như dấu chỉ của quyền năng vô biên và sự nhẫn nại khoan dung vô bờ của Người:
“Quả thế, sẵn mọi thời quyền Người ra uy sức mạnh,
và nào ai cự lại được cánh tay Người?
Vì toàn thể vũ trụ trước mặt Người chỉ như ti hào đĩa cân,
như hạt sương sớm rơi trên mặt đất.
Nhưng Người thương xót mọi người,
vì Người toàn năng phép tắc,
Người làm lơ đi trước mặt người phàm, chờ chúng hối cải.
Quả thế, những gì có trong vạn vật, Người đều yêu mến,
Người không nhờm tởm sự gì Người đã làm ra,
vì Người nắn nên gì, Người không ghét bỏ.
Vả lại, có gì tồn tại được, nếu Người không muốn?
Làm sao nó được bảo tồn,
điều Người đã không gọi (đến tên)?
Với mọi vật, Người xử khoan dung, vì chúng là của Người,
lạy Chúa Tể hiếu sinh” (Sir 12:21-26).
Khi Thiên Chúa hiện ra với Môsê trước khi ký kết giao ước với Dân Do Thái, Người đã tỏ mình là Thiên Chúa vừa vô cùng nhân từ và cũng vừa hết sức công minh như sau :
“Giavê! Giavê! Thiên Chúa chạnh thương, huệ ái, bao dung và đầy nhân nghĩa, tín thành. Giữ nghĩa cho đến ngàn đời, chịu đựng lỗi lầm, quá phạm, tội khiên, nhưng không coi tội như thể vô can. Ðấng trị tội cha trên con cháu ba bốn đời” (Ex 34:6-7).
Thánh Vương Ðavít đã cảm nghiệm sâu xa Lòng Thương Xót Chúa dành cho ngài nên đã ca tụng Lòng Thương Xót của Chúa, vừa cao vời khôn ví như trời cao đất thấp, vừa thân mật gần kề như tình cha nghĩa mẹ:
“Giavê trắc ẩn và từ bi,
khoan dung và giàu ân nghĩa.
Người không hạch tội luôn,
Người không cưu hờn mãi mãi,
Người không xử với ta xứng tội của ta,
Người không trả cho ta xứng lỗi ta làm.
Vì như trời cao hơn đất thế nào,
thì ơn Người cũng cao vời trên những ai kính sợ Người.
Ðông Ðoài cách nhau bao nhiêu,
thì Người cũng cất lỗi phạm của ta xa chừng ấy.
Như cha xót thương con mình thế nào,
thì Giavê cũng xót thương những ai kính sợ Người như vậy.
Người biết hình hài ta sao.
Người nhớ lắm: Ta là bụi đất” (Ps 103:8-14)
Trong Thánh Vịnh “Kinh Cầu Tạ Ơn” 136, Lòng Thương Xót Chúa hay “ơn Người” được Thánh Vịnh Gia không ngừng lập đi lập lại như là căn nguyên của mọi việc Giavê Thiên Chúa đã thực hiện nơi công trình tác tạo vũ trụ và cứu độ nhân loại. Lòng Thương Xót Chúa, vì vậy, chính là lý do khiến tác giả và toàn dân phải hết lòng hân hoan chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ và tôn thờ Giavê Thiên Chúa với điệp khúc: “Vì ơn Người miên man vạn đại” hay “vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.
Chúa Giêsu-Hiện Thân của Lòng Thương Xót Chúa
Lòng Thương Xót Chúa đã được biểu dương cách tuyệt hảo và tận cùng nơi chính con người, lời giảng và cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô mà cao điểm là cuộc Thương Khó và Tử Nạn Thập Giá của Người.
Chúa Giêsu Kitô chính là sự Nhập Thể và Hiện Thân của Lòng Thương Xót Chúa.
Từ ngữ “chạnh lòng thương” diễn tả cảm xúc sâu thẳm nhất của một tâm hồn trước những thống khổ của tha nhân, ngoài một số lần được dùng trong các dụ ngôn, được các tác giả Phúc Âm dành riêng để biểu lộ tâm hồn đầy nhân ái của Chúa Giêsu trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Người. Ðiều này như muốn cho thấy Thương Xót chính là đặc điểm của Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Thật vậy, các tác giả sách Phúc Âm đã trình bày việc rao giảng Tin Mừng của
Chúa Giêsu như bắt nguồn từ Trái Tim Mục Tử đầy thương xót của Ngừời trước sự khao khát chân lý của dân chúng, sự trông chờ một Ðấng Cứu Thế của họ:
“Thấy dân chúng, Ngài chạnh lòng thương họ, vì họ bơ phờ vất vưởng, như chiên không người chăn giữ” (Mt 9:36).
“Vừa ra, Ngài đã thấy dân chúng đông đảo, và Ngài chạnh lòng thương xót họ, vì họ như cừu chiên không có người chăn giữ, và Ngài lên tiếng giảng dạy cho họ nhiều điều” (Mc 6:34).
Cũng vậy, vì cảm thương sự đói khát cơm bánh của đám đông theo Người, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho họ ăn. Và đây cũng là cơ hội báo trước Người sẽ ban cho họ chính Thịt Máu Người làm Bánh Bởi Trời nuôi họ: “Ta xót thương vì dân chúng, bởi đã ba ngày rồi họ lưu lại với Ta, và lại không có gì ăn! Ðể họ nhịn đói mà lui về thì Ta không muốn, kẻo họ xỉu mất dọc đường” (Mt 16: 32).
Những đau yếu bệnh tật của con nguời cũng làm rung động tấm lòng cảm thương của Chúa Giêsu và đã khiến Người ra tay cứu chữa họ:
“Vừa ra, Ngài đã thấy dân chúng đông đảo và Ngài động lòng thương xót họ và chữa lành các kẻ yếu liệt trong họ” (Mt 14:14)
Nhưng có lẽ điều làm rung động Trái Tim Thương Xót Chúa Giêsu một cách mãnh liệt hơn cả khi Người phải chứng kiến sự chết nơi con người, hệ quả cuối cùng của tội lỗi. Lòng Thương Xót Chúa một lần nữa khiến Người làm cho con trai bà góa thành Naim và Lazarô sống lại. Sự kiện này báo trước sự sống lại từ cõi chết của chính Người và biểu lộ quyền năng của Người trên thần chết.
“Thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói với bà; ‘Ðừng khóc nữa.’ Tiến lại, Ngài đụng đến quan tài, và các kẻ khiêng đứng lại. Rồi Ngài nói: ‘Thanh niên! Ta bảo ngươi: hãy chỗi dậy’” (Lc 7:13-14).
“Khi Ðức Giêsu thấy bà ấy khóc than, và những người Do Thái đến với bà cũng khóc than, thì Ngài lấy làm bực dọc tâm thần và xao xuyến cả mình.Ðức Giêsu đã khóc” (Jn 11: 33, 35).
Lòng Thương Xót Vô Biên còn được Chúa Giêsu trình bày như nét đặc thù của Thiên Chúa mà mọi người phải ghi nhớ qua dụ ngôn tình phụ tử, con chiên lạc và đồng bạc bị đánh mất (Lc 15). Ðó cũng là điều mà Chúa Giêsu kêu gọi mọi người phải nỗ lực noi theo–Với Chúa Giêsu, trở nên trọn lành nghĩa là trở nên một người có trái tim biết xót thương như Trái Tim Xót Thương của chính Thiên Chúa:
“Vậy các ngươi hãy nên trọn lành, như Cha các ngươi trên trời là Ðấng trọn lành” (Mt 5:48)
“Các ngươi hãy biết xót thương, như Cha các ngươi là Ðấng thương xót” (Lc 6:36).
Chúa Giêsu còn hứa phúc thật cho những người biết xót thương: “Phúc cho những kẻ biết thương xót, vì họ sẽ được thương xót” (Mt 5:7). Cũng vậy, Người còn cảnh cáo hình phạt cho những ai không biết tỏ lòng thương xót với tha nhân qua dụ ngôn về người bầy tôi ác nghiệt (Mt 18:23-35).
Rất nhiều lần trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã nói rõ rằng sứ mạng của Người chính là biểu dương Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua việc kêu gọi những người tội lỗi hối cải, tha thứ cho những người thống hối và chữa lành cho những kẻ đau bệnh. Vì vậy, Người được bao quanh bởi những người tội lỗi và thu thuế, những kẻ nghèo hèn, bị bỏ rơi và khinh chê trong xã hội:
“Vì Con Người đến để tìm cứu sự đã hư đi” (Lc 19:10). “Có cần đến lương y, hẳn không phải là người lành mạnh, mà là người đau ốm. Ta không đến kêu gọi những người công chính, mà là những kẻ tội lỗi hối cải” (Lc 5:31-32). “Các người thu thuế và tội lỗi hết thảy thường hay lui tới bên Ngài để nghe Ngài. Và biệt phái kêu trách. Họ nói: ‘Ông ấy tiếp đón quân tội lỗi và cùng ăn với chúng’” (Lc 15:1-2).
Thánh Tâm: Trường dạy Lòng Thương Xót
Chúa Giêsu đã mời gọi mọi người đến với Trái Tim Thương Xót của Người để được bổ sức, để sống theo luật yêu thương của Người, để học với Người tâm tình hiền lành và khiêm nhường, để được hạnh phúc bình an cho tâm hồn:
“Hãy đến với Ta, hết thảy những kẻ lao đao và vác nặng, và Ta sẽ cho nghỉ ngơi lại sức. Hãy mang lấy ách của Ta vào mình, hãy thụ giáo với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và các ngươi sẽ tìm thấy sự nghỉ ngơi cho tâm hồn. Vì chưng ách của Ta thì êm ái, và gánh Ta lại nhẹ nhàng” (Mt 11:28-30).
Chúa mời gọi mọi người vào Trường Thánh Tâm để học với Thày Giêsu một môn học duy nhất là Tình Yêu Tuyệt Ðối của Thiên Chúa, để biết Chúa, yêu Chúa và thuộc trọn về Chúa và yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương ta. Ứng sinh là tất cả nhân loại, những người “lao đao và vác nặng” vì tội lỗi của chính mình.
Những tín hữu đích thực của Chúa Kitô phải là những người nhận biết rằng họ tuyệt đối cần đến Lòng Thương Xót Chúa. Họ không ngừng tuyên xưng:
– Chúng tôi yếu đuối nên cần Thánh Tâm là Sức Mạnh nâng đỡ.
– Chúng tôi bệnh tật và thương tích nên cần Thánh Tâm là Thầy Thuốc và Linh Dược chữa lành,
– Chúng tôi luôn bị ma quỷ tìm cách hãm hại nên cần Thánh Tâm Ðầy Thần Khí trừ quỷ.
– Chúng tôi u mê nên cần Thánh Tâm Nguồn Ánh Sáng và là chính Ðức Khôn Ngoan Nhập Thể chiếu soi dạy dỗ.
– Chúng tôi đói khát nên cần Thánh Tâm là Bánh Hằng Sống và Mạch Nước Trường Sinh cho được no thỏa.
– Chúng tôi cô quạnh trên đường đời nên cần Thánh Tâm là Nguồn Vui an ủi.
– Chúng tôi nhơ nhớp nên cần Thánh Tâm là Mạch Nước Tinh Tuyền thanh tẩy.
– Chúng tôi đầy tội lỗi nên cần Thánh Tâm là Suối Nguồn Thương Xót tha thứ.
– Chúng tôi phải chết vì tội nên cần Thánh Tâm là Sự Sống và là Sự Sống Lại cho phục sinh.
Tất cả chúng ta đều khao khát sự sống sung mãn và vĩnh hằng, sự thật toàn diện, tình yêu tuyệt đối. Và chỉ có Thánh Tâm Chúa Giêsu mới có thể thỏa mãn nỗi khao khát miên trường ấy nơi ta.
Chân Phước Piô Năm Dấu Thánh, một người bạn chí thiết của Thánh Tâm Chúa Giêsu, đã coi nỗi khao khát được Chúa Giêsu ở lại trong tâm hồn và cuộc đời của ngài hay khát vọng được nên một với Thánh Tâm và ở lại trong Thánh Tâm như nguyện vọng duy nhất của ngài. Ngài đã cầu nguyện với Chúa:
“Lạy Chúa, xin ở lại với con. Con chỉ cầu mong một điều, đó là tìm thấy Chúa, thấy Thánh Tâm Chúa, thấy ơn nghĩa Chúa, thấy Thần Khí Chúa. Con kính mến Chúa và không xin một phần thưởng nào khác ngoài ơn được kính mến Chúa nhiều hơn, kính mến Chúa một cách vững bền và thật lòng, kính mến Chúa hết lòng ở đời này để tiếp tục kính mến Chúa một cách trọn vẹn cho đến muôn đời. Amen.”
Càng tội lỗi, yếu đuối và nhơ nhớp, chúng ta càng cần đến với Thánh Tâm Chúa Giêsu để được thứ tha, nâng đỡ và thanh tẩy. Hơn nữa, những tội nhân khốn khổ nhất chính là những người mà Thánh Tâm Chúa Giêsu quan tâm và khao khát ban tặng họ Lòng Thương Xót của Người hơn cả. Ðây là một sự thực đầy vui mừng và hy vọng cho tất cả chúng ta, những con người yếu hèn tội lỗi. Ðây cũng là sứ điệp Thánh Tâm Chúa Giêsu muốn cho mọi người đón nhận qua Nữ Tu Dòng Thánh Tâm người Pháp Josefa Menendez (1889-1923) như sau:
“Ta là Thiên Chúa, nhưng là Thiên Chúa của tình yêu! Cha là Cha, nhưng là Cha đầy lòng từ bi và không bao giờ giận dữ. Trái Tim Ta vô cùng thánh thiện, nhưng cũng rất mực khôn ngoan. Ta biết loài người yếu đuối và bệnh hoạn, nên Ta hết lòng thương xót các tội nhân khốn khổ.
“Ta thương yêu những ai sau khi sa ngã lần đầu biết đứng dậy, đến xin Ta tha lỗi.. Ta còn thương yêu họ nhiều hơn nữa khi họ đến xin lỗi Ta vì lần thứ hai sa ngã. Và giả như điều ấy lại tái diễn, Ta sẽ không chỉ một triệu lần nhưng triệu triệu lần nhắc lại rằng Ta vẫn yêu thương và tha cho họ, Ta sẽ lấy Máu mình rửa sạch tội cuối cùng của họ y như đã rửa sạch tội đầu tiên của họ.
“Ta sẽ chẳng bao giờ mệt mỏi chán ngán về các tội nhân ăn năn hoán cải, cũng chẳng hết hy vọng họ quay về. Họ càng khốn nạn bao nhiêu thì Ta càng sẵn lòng đón tiếp họ bấy nhiêu.”
Lời nguyện “Trái Tim Chúa Giêsu hay nhịn hay thương vô cùng” trong Kinh Cầu Trái Tim phải chăng là một lời nguyện đem lại nhiều an ủi hơn cả cho những tâm hồn yếu đuối tội lỗi?
Vì vậy, sự chối bỏ thực tại tội lỗi của mình bằng thái độ cố chấp trong tội hay sự bất tín nhiệm nơi Lòng Thương Xót Chúa với thái độ thất vọng bởi tội lỗi của mình chính làdại dột khước từ Lòng Thương Xót Chúa.
Sự nghi ngờ hay bất tín nhiệm nơi Lòng Thương Xót Chúa làm đau lòng Thánh Tâm Chúa Giêsu hơn chính tội chúng ta đã phạm nữa.
Lòng Thương Xót Chúa luôn luôn là một quà tặng nhưng không của Tình yêu Vô Biên của Người. Vì thế, chúng ta không thể cậy tài, cậy đức, cậy công khi đến với Thánh Tâm Chúa Giêsu! Cũng vậy, tháí độ vô ơn, kiêu ngạo, tự mãn hay khoe khoang việc thiện luôn là những thái độ xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa hơn cả.
Ðệ tam thiên niên kỷ: Thời đại của Lòng Thương Xót Chúa
Lòng Thương Xót Chúa luôn là trung tâm của sứ điệp Tin Mừng của Hội Thánh trong suốt dòng lịch sử của Giáo Hội. Nhưng hơn bao giờ, hiện nay khi nhân loại ngày càng lún sâu vào vũng lầy tội ác, Hội Thánh nhận thấy phải nỗ lực gấp bội trong việc rao giảng Lòng Thương Xót Chúa. Vị Tông Ðồ được Thánh Tâm Chúa Giêsu ưu tuyển để cổ võ Lòng Thương Xót Chúa cho nhân loại chính là Nữ Tu Faustina Kowalska Dòng Ðức Mẹ Thương Xót người Balan (1905-1938).
Ngày Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh 30/04/2000, tại Công Trường Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã tôn phong hiển thánh cho Chị và thiết lập Lễ Kính Lòng Thương Xót vào Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh hàng năm, như chính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã yêu cầu Thánh Faustina. Ðây có thể gọi là khởi điểm của một thời đại mới trong Giáo Hội: Thời đại của Lòng Thương Xót Chúa.
Việc sùng kính Lòng Thương Xót được truyền bá qua Thánh Faustina được gắn liền với việc phổ biến Tuần Cửu Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa từ Thứ Sáu Tuần Thánh cho đến hết Thứ Bảy trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh, để nài xin Chúa ban ơn cho các giới người khác nhau trên thế giới, và Chuỗi Thương Xót.
Theo lời Chúa Giêsu ngỏ với Chị Faustina, Chúa sẽ ban rất nhiều ơn, nhất là ơn hối cải, cho những ai siêng năng sốt sắng đọc Chuỗi Thương Xót. Chuỗi này có thể đọc bất cứ lúc nào và ở mọi nơi. Nhưng Chuỗi Thương Xót được đọc tốt nhất là trước Nhà Tạm có Thánh Thể Chúa và vào lúc 3 giờ chiều, giờ của Lòng Thương Xót Chúa, khi Chúa chịu chết trên Thánh Giá và Trái Tim Chúa bị đâm thâu để tuôn trào máu và nước làm thành suối nguồn ơn cứu độ.
Chuỗi Thương Xót được thực hiện như sau với chuỗi hạt thường được dùng cho Chuỗi Mân Côi.
– Dấu Thánh Giá
– Kinh Lạy Cha
– Kinh Kính Mừng
– Kinh Tin Kính
– Ở mỗi hạt lớn đọc: “Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng lên Cha Mình Thánh, Máu Thánh, Linh Hồn và Thiên Tính của Chúa Giêsu Kitô, Con Yêu Dấu Cha, Chúa chúng con, để đền bù tội lỗi chúng con và tội lỗi toàn thế giới”.
– Ở mỗi hạt nhỏ (10) đọc: “Vì Cuộc Thương Khó đau buồn của Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới”.
– Sau đủ 50 hạt, kết thúc Chuỗi Thương Xót bằng việc đọc 3 lần lời nguyện: “Lạy Thiên Chúa Chí Thánh, Toàn Năng, Hằng Hữu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới”.
Cũng theo Chị Faustina, để lãnh nhận dồi dào Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta cần thực hiện 3 điều:
1- Khẩn nài Lòng Thương Xót Chúa: qua việc thiết tha cầu nguyện (cách riêng lần Chuỗi Thương Xót) và sống khiêm nhường sám hối, đền tạ.
2- Thực hành Lòng Thương Xót Chúa: bằng cách thực thi bác ái, cụ thể là thực hiện Mười Bốn Mối Thương Người và rao giảng Lòng Thương Xót Chúa.
3- Tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa: qua việc gạt bỏ mọi nghi nan bối rối về quá khứ lỗi lầm sau khi đã ăn năn thú tội, nỗ lực vươn lên sống thánh và không nản lòng dù có thể còn sa đi ngã lại trong nhiều lỗi lầm.
Tin ở Lòng Thương Xót Chúa
Vì Thương Xót là đặc điểm nổi bật của Thánh Tâm Chúa Giêsu, nên đời sống đức tin Công Giáo và lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đích thực bao giờ cũng đồng nghĩa với việc tin ở Tình Yêu Chúa, tin ở Lòng Thương Xót Chúa.
Trái Tim Chúa Giêsu đã bị đâm thâu trên Thánh Giá để trút đổ tất cả kho tàng của Lòng Thương Xót Chúa và Nguồn Ơn Cứu Ðộ xuống trên loài người chúng ta. Ðó là bằng chứng hùng hồn nhất buộc ta phải tin nơi Tình Yêu Thiên Chúa dành cho ta.
Hãy tín nhiệm tuyệt đối nơi Lòng Thương Xót Chúa!
Hãy đặt nền tảng cuộc đời trên Lòng Thương Xót Chúa!
Hãy trở nên sứ giả và khí cụ của Lòng Thương Xót Chúa cho tha nhân!
Lm. Phạm Quốc Hưng, C.Ss.R.
Trích NS Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp