Tháng sáu kính Thánh Tâm Chúa, chiêm niệm hình ảnh Chúa Giê-su với Trái Tim bị vòng gai quấn chặt và trên đỉnh là ngọn lửa rực sáng, khiến nảy sinh những suy nghĩ về Lời Chúa đã phán: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất. Và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên.” (Lc 12, 49).
Trước hết, cần tìm hiểu xem “lửa” mà Đức Giê-su nói đến ở đây mang ý nghĩa gì? Lửa là thứ có thể thiêu cháy mọi vật, nhưng đồng thời lửa lại đem ánh sáng và hơi ấm đến cho con người. Thánh Kinh đã nói rất nhiều và rất rõ những loại hình về Lửa:
+ Lửa hình phạt: “Phải, lửa thịnh nộ đã bùng lên trong Ta, nó đốt đến tận đáy sâu âm phủ, thiêu huỷ đất đai với cả hoa màu, làm chân núi đồi bốc cháy.” (Đnl 32, 22). Xc thêm: Lv 10, 2; Ds 16, 35; Đnl 4, 24; 32, 22; Gđt 16, 17; G 22, 20; Hc 8, 10; Is 5, 24; 66, 16; Gr 21, 12; 23, 29; Ac 4, 11; Mt 3, 12; 5, 22; 13, 40; 25, 41; Lc 16, 24; 17, 29; Ga 15, 6; 2Tx 1, 7-9; Dt 10, 27; 2Pr 3, 7; Kh 21, 8…
+ Lửa thử thách: “Có thử lửa mới biết bình thợ gốm, nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay.” (Hc 27, 5). Xc thêm: 1Cr 3, 13; 1Pr 1, 7; 4, 12; Ep 6, 16; Dt 11, 34…
+ Lửa thanh tẩy: “Đây là quy tắc pháp luật ĐỨC CHÚA đã truyền cho ông Mô-sê: Chỉ có vàng, bạc, đồng, sắt, thiếc, chì, nghĩa là tất cả những gì chịu được lửa, anh em mới phải cho qua lửa để các vật ấy được sạch.” (Ds 31, 21-23). Xc thêm: Ds 17, 11; Mc 9, 49…
+ Lửa nhiệt thành: “Ông Ê-li-a, vì được lửa nhiệt thành với Lề Luật nung nấu nên đã được đưa lên đến tận trời.” (1Mcb 2, 58). Xc thêm: 1Mcb 2, 26.50.54; 13, 7…
+ Lửa soi sáng: “ĐỨC CHÚA đi đằng trước họ: ban ngày thì ở trong cột mây để dẫn đường, ban đêm thì ở trong cột lửa để soi sáng, nên họ có thể đi cả ban ngày lẫn ban đêm.” (Xh 13, 21). Xc thêm: Nkm 9, 12; Tv 78, 14; Xh 3, 2; Kn 3, 7.
+ Và trên tất cả, chính Thiên Chúa cũng là Lửa: “Quả thật, Thiên Chúa chúng ta là một ngọn lửa thiêu” (Dt 12, 29; xc thêm: Xh 24, 17; 2Sm 22, 9; Tv 18, 9; Kh 2, 18; Dt 12, 29). Ngoài ra, khi Đức Giê-su Thiên Chúa khẳng định: “Thầy là ánh sáng thế gian” (Ga 9, 5) thì Người chính là ngọn lửa soi sáng cho nhân loại còn sống trong đêm đen tội lỗi. Không những thế, Thần Khí Thiên Chúa cũng là ngọn Lửa soi lòng mở trí cho môn đệ trong ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2, 3-4), và nói chung cho mọi tín hữu trong mọi thời đại. Một trong 8 biểu tượng của Thiên Chúa Ngôi Ba là Lửa (Giáo Lý HTCG, số 696) đã minh họa cụ thể.
Cũng vì lửa có nhiều tác dụng như vậy, nên khi nghe Lời Chúa nêu trên (Lc 12, 49) thì tưởng chừng như đó là thứ lửa biểu lộ cơn thịnh nộ của Chúa (lửa hình phạt), nên Người mới nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất”. Tuy nhiên, suy niệm kỹ ở vế sau của Lời Chúa (“Và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”), sẽ thấy ngụ ý của Lời dạy là nói đến Lửa Cứu Độ. Chỉ có như thế, Đức Giê-su mới “ước mong cho lửa ấy đã bùng lên”. Cụ thể hơn, đó chính là Lửa trong lễ toàn thiêu của hy tế Thập giá. Toàn thiêu là đốt cháy toàn bộ lễ vật như sách Lê-vi hướng dẫn: “Đây là luật về lễ toàn thiêu: Lễ vật toàn thiêu phải ở trên lò trên bàn thờ suốt đêm cho đến sáng, và lửa phải cháy luôn trên bàn thờ.” (Lv 6, 2). Rõ ràng theo nghĩa “ẩn dụ” (T/H Lời Chúa, số 27), trong hy tế Thập giá thì “của lễ” (là chính Đức Giê-su Ki-tô) sẽ được Lửa (là Thánh Thần) đốt cháy toàn bộ (“toàn thiêu”). Và vì thế, nên Đức Giê-su mới mong đến độ nôn nóng muốn thấy việc đó chóng xảy đến để loài người mau nhận được hồng ân Cứu Độ.
Như vậy thì phải hiểu như thế nào về hình ảnh ngọn lửa bốc lên từ Trái Tim cực thánh Chúa Giê-su? Nói về trái tim với những trạng thái biểu hiện của nó thì có muôn hình vạn trạng: Có trái tim hớn hở vui mừng thì cũng có trái tim sầu não đớn đau; có trái tim bằng thịt (chan chứa tình cảm) thì cũng có trái tim bằng đá (chai đá, khô khan, nguội lạnh) – “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt, để chúng đi theo các thánh chỉ của Ta và tuân giữ cùng thi hành các quyết định của Ta” (Ed 11,19-20); có trái tim nhân hiền (thiện tâm) thì cũng có trái tim ác hiểm (ác tâm – “Đừng trao Người cho ác tâm quân thù” – Kinh cầu cho ĐGH), có trái tim trung hậu, không biết dối gạt, lừa phỉnh (tâm bất điêu trá) thì cũng có trái tim bất trung, không ngay thẳng (tâm bất chính). Rồi thì “Trái tim cô đơn”, “Trái tim khô héo”, “Trái tim băng giá”, “Trái tim không ngủ yên”…, nhiều, nhiều lắm, nhiều không kể xiết.
Chung quy cũng chỉ vì đó là những trái tim của loài người, mà trái tim là biểu tượng của tình cảm con người. Có lẽ tại khi có những biến cố thuộc lãnh vực tình cảm (yêu thương, cảm động, giận hờn, căm thù …) xảy đến với con người, thì trái tim là điểm đầu tiên trong cơ thể biểu lộ những phản ứng, những động thái rõ rệt nhất. Còn những suy nghĩ, phán đoán, lý luận thì không thấy trái tim biểu lộ rõ rệt như vậy, nên thường cho đó là thuộc lãnh vực lý trí nằm ở bộ não. Thực ra, tất cả những cảm xúc ấy đều xuất phát từ bộ não (được hệ thống thần kinh báo, bộ não ngay lập tức nhận định, phán đoán và truyền cảm xúc xuống cho trái tim và trái tim bộc lộ ra động thái: tim đập nhanh hơn, mạnh hơn, máu ở trái tim như dồn lên đầu làm cho mặt mũi đỏ bừng, đầu óc hồi hộp, toàn thân nóng rực, run rẩy… ).
Từ những biểu hiện cảm xúc phong phú đó, con người đã lấy trái tim làm biểu tượng cho tình yêu (tình yêu nam nữ, tình yêu mẫu tử – phụ tử, tình yêu gia đình, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu nhân loại, và bao trùm lên tất cả là Tình Yêu Thiên Chúa dành cho loài người). Chỉ cần vẽ hình ảnh trái tim là người ta hiểu ngay đó là sự diễn tả về tình yêu. Cụ thể nhất, điển hình nhất là Trái Tim Thánh Thiện, Trái Tim Nhân Hiền của Đức Giê-su Ki-tô Thiên Chúa. Điều đó cho thấy Thánh Tâm Chúa Giê-su không chỉ là biểu tượng mà còn là chính Tình Yêu Thiên Chúa.
Nói đến Tình yêu là nói đến “cho – agape” (chủ thể yêu) và “nhận – eros” (đối tượng được yêu), hai yếu tố không thể tách rời. Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu – Deus Caritas Est” (số 7…10) đã giải thích rõ: “Tuy nhiên, eros và agape – tình yêu nhận về và cho đi – không bao giờ có thể hoàn toàn tách rời… Chiều kích triết học đáng nêu ra trong hình ảnh Thánh Kinh này, và tầm quan trọng từ quan điểm lịch sử các tôn giáo, là một mặt chúng ta thấy mình đứng trước một hình ảnh rất siêu hình của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối và là nguồn mạch của mọi loài; nhưng mặt khác, chủ tể tác tạo hoàn vũ này – Logos, Đấng Thượng trí – lại đồng thời là một người biết yêu với tất cả đam mê của một tình yêu thật sự. Eros vì thế đã nên tột cùng cao quý, nhưng đồng thời thuần khiết đến độ nên một với agape.”
Trái tim Chúa Giê-su đã hết mực yêu thương và khao khát cho tình yêu ấy được bùng cháy lên. Đó là trái tim cháy lửa yêu mến. Cũng vì có một trái tim cháy lửa yêu thương, nên Đức Giê-su mới vâng lời Chúa Cha xuống trần làm của lễ toàn thiêu cứu độ nhân loại và vì thế nên Trái Tim Người mới bị “vòng gai” tội lỗi loài người quấn chặt, bị lưỡi đòng đâm thâu. Nhưng tất cả những nanh vuốt ác thần vẫn không thể dập tắt hay làm lu mờ được ngọn Lửa Tình Yêu luôn bừng cháy trong Trái Tum Người. Quả thực Thánh Tâm Chúa là “một chứng từ yêu thương vô điều kiện vả tín trung” (Sứ điệp Phục Sinh 2014) không thể phủ nhận.
Vì “yêu thương vô điều kiện vả tín trung”, với Trái Tim rực cháy Lửa Tình Yêu, Chúa Giê-su luôn mời gọi mọi tín hữu hãy đến và ở lại trong Trái Tim Người. Bởi chính Người cũng đã tự nhận Người chính là Cửa Chuồng Chiên (Ga 10, 7-10) sẵn sàng đón nhận và bảo vệ những con chiên ngoan hiền đến với Chúa Chiên Nhân Lành. Người luôn mở rộng Thánh Tâm, tha thiết kêu gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11, 28-30). Hiểu được như vậy, người Ki-tô hữu hãy khao khát và cầu nguyện để có được trái tim ngày càng giống Trái Tim Chúa, bằng việc luôn sống hiền hậu khiêm cung, bác ái bao dung và yêu thương phục vụ mọi người. Nhất là kiên quyết không bao giờ để cho những trái tim ác hiểm (ác tâm) của ba thù quyến rũ phạm tội làm tổn thương Thánh Tâm Chúa.
Ôi! “Lạy Chúa, vì tội lỗi chúng con, Chúa đã muốn cho Thánh Tâm Con Một Chúa bị đâm thâu, khiến kho tàng tình yêu vô biên được mở ra để chúng con hưởng nhờ. Xin cho chúng con hằng sốt sắng tôn sùng Thánh Tâm Người, và biết đền tội chúng con cho cân xứng. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ kính Thánh Tâm Chúa).
JM. Lam Thy ĐVD.