TIN CẬY VÀ PHÓ DÂNG MỌI SỰ CHO CHÚA

Trong cái nhìn của đức tin công giáo thì lo lắng biểu lộ rõ ràng nhất mức độ tin cậy của chúng ta vào Thiên Chúa như thế nào. Chúa Giêsu bảo: “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc” (Mt 6:25) không theo nghĩa sống vô trách nhiệm, không biết dùng trí khôn Chúa ban để sắp đặt công việc trong cuộc sống. Sự lo lắng Chúa Giêsu muốn nói ở đây không hẳn được hiểu theo tâm bệnh học hiện nay, một dạng rối loạn lo âu – anxiety disorder, nhưng thực chất là sự quá gắn bó với sự sống thể xác, cái ăn cái mặc, và tất cả những nhu cầu vật chất phát sinh từ đó. Điều này khiến cuộc sống chúng ta chỉ còn biết loay hoay kiếm tìm của cải, tiền bạc, ăn uống, vui chơi, hưởng thụ…có nguy cơ rất lớn sa vào thói thực dụng duy vật, quá lệ thuộc vào những thứ chóng qua, không còn tin ở sự hiện diện và quan phòng của Thiên Chúa. Mối lo lắng về lương thực và quần áo chiếm toàn bộ đời sống con người, không chừa chỗ trống để trải nghiệm và vui hưởng chân trời bao la của cảm giác thuộc về Thiên Chúa và tình huynh đệ. Chúa Giêsu dạy chúng ta, những người tin vào Chúa, cần chú tâm vào Ngài hơn là chỉ chú ý đến bản thân mình, rồi đâm ra quá lo lắng đến độ quên Thiên Chúa là Cha Toàn Năng đầy thương yêu con người. Thiên Chúa sử dụng mọi tình huống để dẫn đưa chúng ta đến cùng đích mà Thánh ý Ngài dành cho chúng ta: “Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí (2 Cr 3: 18).Chúa Giêsu muốn chúng ta tin cậy Ngài và cùng tham gia với Ngài trong việc xây dựng Nước Trời đó. 

Nếu Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa của mọi thứ trên thế giới, kể cả chúng ta, thì Ngài cũng sẽ đáp ứng những nhu cầu của chúng ta. Đức tin kêu gọi sự tin tưởng vào một Thiên Chúa yêu thương và đang hoạt động trên thế giới. Lo lắng thể hiện sự thiếu tin tưởng. Lời dạy của Chúa Giêsu không hề bỏ qua thực tế bệnh tật và bất công giữa con người với nhau trên trần thế cần phải đấu tranh loại bỏ. Tuy nhiên, rõ ràng Chúa Giêsu chỉ dạy các tín hữu là phải tin cậy Thiên Chúa trên hết. Nếu Thiên Chúa vốn là Đấng thành tín đáp ứng mọi nhu cầu của những thụ tạo đơn giản và nhỏ bé, thì Ngài lại không thể đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta là con cái của Ngài nhiều hơn sao? “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?… Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6: 26, 28-29).

 

  1. “Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó” (Mt 6:32).

Rất nhiều khi lo lắng là sự nhầm lẫn giữa điều thực và điều tưởng tượng, thế nhưng chúng ta thường nghĩ nỗi lo lắng của mình là hoàn toàn có cơ sở. Chúa Giêsu lại nói khác, và chứng minh rằng lo lắng là điều phi lý đối với con cái Thiên Chúa: “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” (Mt 6:27). Ngài không thể nói gì rõ ràng hơn nữa trong bản văn Tin Mừng này và đi đến kết luận: “Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?” (Mt 6:31). Ngài không muốn chúng ta lo sợ về tương lai. Lo lắng là sống trong tương lai trước khi nó đến. Nó làm kiệt sức và tê liệt. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta chú tâm vào những gì là ý muốn của Thiên Chúa và tin tưởng vào Ngài. Ngài hiểu rằng vấn đề hoảng sợ và lo lắng ảnh hưởng tới mối tương quan của chúng ta với Ngài. Sự lo lắng kinh niên báo hiệu một đức tin đang bị trục trặc. Lo lắng và thờ phượng Thiên Chúa không thể đi đôi với nhau trong cùng một con tim. Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta dành cho Ngài vị trí đầu tiên trong cuộc sống của chúng ta: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6: 33)

 

  1. “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Ngài, vì Ngài chăm sóc anh em” (1 Pr 5:7).

Thiên Chúa đang nắm toàn thể công trình sáng tạo trong tay của Ngài. Ngài chăm lo việc điều khiển trời đất, thế giới và cuộc đời của mỗi người chúng ta. Chính Thiên Chúa làm Chủ và chăm sóc mọi thứ. Chúng ta chỉ cần phụng sự và cộng tác với Ngài để ý muốn của Ngài mau thành toàn: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6:10). Thiên Chúa đang phối hợp mọi sự vì lợi ích của chúng ta: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài, tức là cho những kẻ được Ngài kêu gọi theo như ý Ngài định” (Rm 8: 28). Điều chúng ta cần quan tâm trước nhất là sống theo ý muốn của Ngài, có nghĩa là tìm kiếm Ngài và sự công chính của Ngài trên hết mọi điều khác: “Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14,17). Chúng ta có thể tin chắc rằng Ngài đang thực hiện và dần dần hoàn thành vương quốc của Ngài cho đến ngày của Chúa Giêsu Kitô: “Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Chúa Kitô Giêsu quang lâm” (Philíp 1:6).

 

  1. “Anh em đừng lo lắng gì cả”(Philíp 4:6-7)

Chúng ta thể hiện sự xác tín đó khi tận dụng tối đa những cơ hội được ban cho, chú tâm vào Ngài, hơn là để lòng mình vướng bận những lo lắng của thế gian. Tận dụng mọi cơ hội để “Làm cho danh thánh Cha vinh hiển” (Mt 6:9) và phản chiếu các giá trị Tin Mừng cho những người chung quanh: “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối” (Ep 5: 15-16). Khi quyết tâm sống như người khôn ngoan, chúng ta chọn theo đuổi Chúa Kitô, hơn là bận tâm theo đuổi những sự trần thế. Đây mới là mối bận tâm mà những người theo Chúa Giêsu cần ấp ủ trong tâm tư và lối sống của mình: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ thêm cho” (Mt 6:33) để cuộc sống của chúng ta thoát khỏi những lo lắng vô ích và lòng trí được bình an: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Chúa Kitô Giêsu” (Philíp 4:6-7).

 

  1. “Đừng lo lắng mạng sống… đừng lo lắng tự hỏi… đừng lo lắng về ngày mai” (Mt 6:25.31.34).

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Nơi Chúa Giêsu, chúng ta gặp được đỉnh cao của ý nghĩa làm người; Ngài chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến sự viên mãn vượt quá mọi hy vọng và mong đợi của chúng ta. Nơi Ngài, chúng ta gặp được một cuộc sống mới, nơi chúng ta biết được sự tự do khi biết rằng chúng ta là con cái yêu dấu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều biết rằng trên đường đi, quyền tự do làm con Thiên Chúa có thể bị đàn áp và suy yếu nếu chúng ta bị cuốn vào vòng luẩn quẩn của lo lắng và cạnh tranh. Hoặc nếu chúng ta tập trung toàn bộ sự chú ý và năng lượng của mình vào việc điên cuồng theo đuổi năng suất và chủ nghĩa tiêu dùng như tiêu chí duy nhất để đo lường và xác nhận các lựa chọn của chúng ta hoặc xác định chúng ta là ai hoặc chúng ta có giá trị gì. Cách đo lường mọi thứ này dần dần khiến chúng ta trở nên thờ ơ hoặc vô cảm trước những điều thực sự quan trọng, thay vào đó khiến chúng ta khao khát những thứ thừa thãi hoặc phù du…Nhiều người cảm thấy bối rối, lo lắng; họ bị choáng ngợp bởi quá nhiều đòi hỏi và lo lắng đến mức lấy đi sự bình an và ổn định của họ. 

Những lời của Chúa đóng vai trò như một loại dầu thơm sảng khoái khi Ngài bảo chúng ta đừng lo lắng nhưng hãy tin tưởng. Ngài đã ba lần nhấn mạnh: “Đừng lo lắng mạng sống… đừng lo lắng tự hỏi… đừng lo lắng về ngày mai” (Mt 6:25.31.34). Đây không phải là sự khuyến khích bỏ qua những gì xảy ra chung quanh chúng ta hoặc vô trách nhiệm về bổn phận hàng ngày của chúng ta. Thay vào đó, đó là một lời mời gọi đặt các ưu tiên của chúng ta theo một chân trời ý nghĩa rộng lớn hơn và từ đó tìm thấy sự tự do để nhìn mọi thứ theo cách của Ngài: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ thêm cho” (Mt 6:33).

Chúa không nói với chúng ta rằng những nhu cầu cơ bản như thức ăn và quần áo là không quan trọng. Đúng hơn, Ngài mời gọi chúng ta đánh giá lại các quyết định hàng ngày của mình và đừng để bị mắc kẹt hay cô lập trong việc theo đuổi thành công bằng bất cứ giá nào, kể cả cái giá phải trả là chính mạng sống của chúng ta. Những thái độ trần tục chỉ tìm kiếm lợi lộc hay lợi ích của riêng mình trên thế giới này, và tính ích kỷ chỉ theo đuổi hạnh phúc cá nhân, trên thực tế khiến chúng ta vô cùng bất hạnh và bị nô lệ, đồng thời cản trở sự phát triển đích thực của một xã hội thực sự hài hòa và nhân đạo” (Bài giảng Thánh lễ 25/11/2019, Tokyo Dome)

Chúng ta cầu xin Chúa Cha cho ý muốn của chúng ta được kết hợp với ý muốn của Con Ngài, để chu toàn thánh ý của Cha, là kế hoạch cứu độ hầu cho trần gian được sống. Trong công việc này, chúng ta hoàn toàn bất lực, nhưng nhờ kết hợp với Chúa Giêsu và nhờ quyền năng Thánh Thần của Ngài, chúng ta có thể phó dâng cho Chúa Cha ý muốn của chúng ta và quyết định chọn điều Con Ngài luôn luôn chọn: đó là làm điều đẹp lòng Cha” (GLHTCG, số 2825).

Phêrô Phạm Văn Trung.

Chia sẻ Bài này:

Related posts