Lễ nghi chiều thứ Sáu Tuần Thánh được đề nghị cử hành vào lúc 3 giờ chiều (đối với những nơi phù hợp), vì theo truyền thống, Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng trên cây thập giá vào lúc giờ thứ chín (Mt 27, 45-46). Phụng vụ hôm nay mang màu sắc đau thương, nhưng không hoàn toàn bi thảm, vì thập giá của Chúa Giêsu vừa là dụng cụ khổ hình, vừa là cờ hiệu chiến thắng.
Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu thật bi ai thảm thiết, nhưng là để ứng nghiệm chương trình Tình Yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Thực vậy, trên núi Canvê, không ai đã tham dự vào cái chết của Chúa Giêsu trên thập tự; có chăng, người ta thấy Chúa tắt hơi, có thấy thân hình Chúa tái nhợt. Thế nhưng, chính nội tại cái chết của Ngài đã vượt qua khỏi con mắt nhìn của thiên hạ, duy có Chúa Cha mới chứng kiến được cái chết ấy.
Và khi tôn vinh Chúa Giêsu, Chúa Cha đã mặc khải cho loài người tỏ tường cái chết đó là gì: nó là biến cố Chúa Giêsu dứt khoát bước vào sự sống Con Thảo của Thiên Chúa; đồng thời nhờ Ngài, con người cũng được thông hiệp vào sự sống ấy trong cương vị làm Con Thiên Chúa. Điều đó minh chứng cho một Thiên Chúa yêu thương con người đến tận cùng.
Bài Thương khó hôm nay cho thấy tình yêu hy sinh đến cùng của Thiên Chúa. Vì yêu con người, muốn cho con người hạnh phúc, Chúa Giêsu đã chấp nhận một cuộc hành hình đau đớn và cuối cùng là cái chết nhục nhã trên thánh giá. Cũng qua bài thương khó này, tác giả còn cho thấy sự dửng dưng, vô cảm của con người, của xã hội trước bản án bất công mà giới lãnh đạo đã cố tình áp đặt trên một người công chính.
Trước hết là sự dửng dưng, vô cảm của các môn đệ. Các ông là những người gần Chúa Giêsu nhất, đáng lẽ các ông phải là người hiểu và cảm thông với Chúa hơn mọi người. Thực tế thì ngược lại, các ông chỉ quan tâm đến bản thân, mà không hề đồng cảm với Chúa Giêsu khi Ngài phải đối diện với cuộc thương khó.
Trong lúc Chúa đau khổ đến nỗi có thể chết được, thì các tông đồ vẫn còn say trong giấc ngủ, mắt các ông còn mơ màng. Khi Giuda dẫn người Do Thái đến bắt Chúa, Chúa Giêsu hết sức bênh vực cho các tông đồ, Ngài còn đề nghị với chúng : Các anh bắt tôi thì cứ bắt, nhưng hãy để cho những người này đi. Còn các tông đồ như vừa giật mình thức giấc, các ông phản ứng một cách yếu ớt. Cuối cùng, tất cả đều bỏ trốn, mặc cho Chúa Giêsu một mình bị quân dữ bắt trói và lôi đi.
Sự vô tâm của Giuđa đã dẫn đến sự nhẫn tâm, tàn ác khi anh ta vì chút ít tiền, đã chấp nhận làm môi giới để quân lính bắt Thầy mình, đẩy Thầy vào con đường chết.
Biết trước Thầy sẽ bị bắt, nhưng anh vẫn thản nhiên bước đến chào và hôn Thầy. Cái hôn này không còn là dấu chỉ biểu lộ tình yêu thương nồng ấm, nhưng đã trở thành cái hôn lạnh lùng, thành dấu chỉ của sự phản bội. Việc làm này của Giuda đã góp phần làm tổn thương Chúa Giêsu, làm cho đau khổ của Ngài không chỉ là nỗi đau thể xác, mà còn là nỗi đau thấu trong tâm hồn khi bị phản bội bởi chính người mình yêu quý.
Thứ đến là sự dửng dưng, vô cảm của những người lãnh đạo Do Thái. Thánh Gioan cho thấy, những người lãnh đạo chỉ muốn tìm mọi cách để đạt được mục đích của mình là loại trừ Chúa Giêsu. Vì thế, họ đã bất chấp công lý, từ chối sự thật. Họ biết rõ Chúa Giêsu không làm gì sai trái. Họ muốn giết Chúa chỉ vì Ngài đã lên tiếng bênh vực chân lý, chỉ ra những sai trái của họ, khiến họ cảm thấy khó chịu. Hơn nữa, các thượng tế và luật sĩ đã coi mình như những người nắm giữ giáo lý, sở hữu chân lý. Vì thế, họ không chấp nhận một người nào khác nói về Thiên Chúa. Vậy nên khi Chúa Giêsu xuất hiện, Ngài nói về một Thiên Chúa là Cha yêu thương, là Thiên Chúa nhân từ, thì các thương tế và luật sĩ đã tìm cách loại trừ Chúa. Họ thản nhiên tuyên bố: Nó phải chết !
Khi chiêm ngắm Đấng chịu treo trên thập giá, tôi nhận ra Chúa Giêsu đang nhìn tôi với cái nhìn đầy yêu thương. Trong thinh lặng, Chúa nói với tôi: “Ta tha thứ mọi tội lỗi cho con”. Vì thế, chiêm ngắm Chúa trên thập giá đem lại cho tôi hạnh phúc vì thấy mình được yêu thương. Trong giáo huấn Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dạy hãy tha thứ cho kẻ thù.
Thiên Chúa là Tình Yêu ! Qủa thế, chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27), tiến trình tạo dựng đang đi tới kết thúc trong sự thông hiệp với Chúa Giêsu, Đấng dám tuyên bố: “Mọi sự đã hoàn tất.”(Ga 19, 30) Việc Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa “thí mạng mình” đã thể hiện tính cao độ nhất của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Vì Đức Kitô đã chết bằng cái chết hướng về Chúa Cha cho tất cả mọi người, nên mọi người tín hữu cũng được mời gọi bước vào cái chết của Chúa, đó là một cái chết vì yêu, bởi duy tình yêu mới làm cho con người vượt qua thời gian đi lên Chúa Cha, để bước vào mối tình vĩnh cửu bằng lòng yêu mến, nhờ bởi quyền năng tình yêu là Thần Khí.
Tự bản chất, đau khổ không mang một giá trị nào, nhưng Chúa Giêsu đã chỉ ra cho chúng ta thấy rằng : chính tình yêu sẽ mang đến cho đau khổ một ý nghĩa, một giá trị cứu độ. Bởi vì yêu thương chúng ta mà Đức Giêsu đã chấp nhận đau khổ để chúng ta được hạnh phúc, chấp nhận cả cái chết để chúng ta được sống. Ngài đã ban cho cuộc sống của chúng ta một ý nghĩa, một niềm hy vọng. Chính từ trái tim bị đâm thâu của Ngài mà ân sủng được ban tặng và ơn cứu độ đến với chúng ta.
Nhìn lên thập giá, chúng ta được mời gọi hãy chết đi cho tội lỗi, và sống lại trong ân sủng ; hãy vượt qua mọi dụcvọng đam mê và điều khiển lý trí của mình theo như ý Chúa, như Thánh Phaolô đã nêu gương cho chúng ta : “Tôi chịu đóng đinh vào thập giá với Chúa Kitô, nên tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).
Giờ đây, trên thập giá, Chúa dạy ta bài học tha thứ. Lúc này, Người thực hiện lời giáo huấn ấy khi xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ hành hạ mình. Biết bao lần ta cố chấp muốn tự khẳng định vị thế của mình trong gia đình và trong xã hội. Sự cố chấp làm tôi mù quáng, không nhìn ra đâu lẽ phải, không nhận ra ai là anh em. Chúa Giêsu đã tha thứ trong lúc trái tim rướm máu. Điều đó cho thấy, để có thể tha thứ, phải chấp nhận hy sinh.
Khi tha thứ, nhiều khi ta phải chịu tiếng là hèn nhát, có khi ta phải hạ mình và mất thanh danh.
Tuy vậy, dù thế nào đi nữa, khi ta tha thứ, chắc chắn ta tìm được sự an bình thanh thản trong tâm hồn.