Huấn Từ Cha Linh Giám Curia Tháng 07-2018

Nhân Đức Khó Nghèo (Lc 2:7)

Tháng bảy, chúng ta tìm hiểu về Nhân đức Khó Nghèo của Đức Mẹ. Dựa vào những câu 1-7 trong chương 2 của Tin mừng thánh Lu-ca, chúng ta cùng đọc lại:

Tin mừng Lu-ca 2:1-7 – Đức Bà sinh Đức Chúa Giê-su trong hang đá.

1 Trong những ngày ấy, Hoàng đế Au-gus-tô ra sắc chỉ ban hành lệnh kiểm tra toàn thể thiên hạ.

2 Việc kiểm tra này đã thi hành lần đầu, thời Qui-ri-ni-ô trấn nhiệm xứ Sy-ri-a.

3  Và mọi người đều đi đăng tên sổ bộ, ai về thành nấy.

4 Ông Giuse thuộc xứ Ga-li-lê cũng từ thành Na-za-reth lên xứ Giu-đê, tới thành của Đa-vít, gọi là Bê-lêm vì ông thuộc về nhà và dòng họ Đa-vít,

5 để đăng tên sổ bộ với Maria, đã đính hôn với ông, và hiện đang thai nghén,

6 Xảy ra là đang khi ông bà ở đó, thì đã mãn những ngày thai nghén, đến buổi lâm bồn,

7 và bà đã sinh con đầu lòng, và lấy tã vấn con và đặt nằm trong máng cỏ, bởi vì không có chỗ cho ông bà trong quán trọ.

          Nhân Đức thứ bảy của Đức Maria là Sự Khó Nghèo. Có hai ý tưởng chúng ta cùng chia sẻ trong nhân đức này:

  1. Sự Nghèo Khó của Mẹ Maria.
  • Tài sản nghèo. Mẹ Maria có thể sống thoải mái từ của hồi môn và từ gia tài của cha mẹ để lại, nhưng Mẹ chỉ dành một phần nhỏ cho mình, còn lại thì phân phát cho người nghèo túng và dâng cúng trong Đền thờ. Mẹ Maria không muốn sở hữu bất cứ thứ gì trên trái đất ngoài Chúa Giê-su, Con của Mẹ và là Đấng Cứu Thế.
  • Lấy chồng nghèo. Khi kết hôn, Mẹ Maria không chọn một người phú hộ giầu sang, nhưng kết bạn với Thánh Giu-se, một người thợ mộc thanh bạch nghèo hèn. Cả hai vợ chồng đã duy trì đời sống bằng công việc tay chân, Giu-se làm thợ mộc vất vả nơi xưởng thợ, Maria kéo sợi hoặc may vá thêu thùa. Đối với Mẹ Maria, “sự giâu có của thế gian không còn giá trị trong mắt của Mẹ hơn là bụi bẩn.”
  • Dâng của lễ nghèo. Trong đêm giáng sinh, Giu-se, Maria và Hài Nhi Giê-su đã nhận được những món quà từ ba vị đạo sĩ: vàng, nhũ hương, mộc dược, đó là những món quà chắc chắn có giá trị không nhỏ. Gia đình thánh đó đã không sử dụng hoàn toàn, nhưng đã cho đi, giúp những người nghèo khổ. Điều này cho chúng ta kiểm nghiệm rằng sau giáng sinh không lâu, Giu-se và Maria đưa Hài Nhi Giê-su lên Đền thờ để Maria được thanh tẩy, và để dâng Con đầu lòng cho Thiên Chúa theo luật định. Thánh Gia không dâng cúng một con chiên như những người khá giả giàu có (Lv 12:6) nhưng Maria chỉ đủ khả năng dâng một cặp bồ câu con (Lc 2:24).
  1. Sự Nghèo Khó của chúng ta.
  • Nghèo tư tưởng. Thánh Giê-rô-ni-mô nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Ki-tô.” Không học hỏi giáo lý, không đọc và suy niệm Lời Chúa, không thể sống đạo tốt hơn.
  • Nghèo vật chất. “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, nào được ích gì?” (Mt 16:26); “Người giâu có vào Nước Thiên Đàng khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim.” (Mt 19:24). Những ai chạy theo những thứ dễ hư hỏng, không bền lâu ở đời này, cũng dễ bị hư mất cuộc sống đời đời.
  • Nghèo tinh thần. Người yêu thích mọi của cải trần gian sẽ không bao giờ trở thành thánh. Đức hạnh của sự nghèo hèn chính là kho báu của mọi báu vật. Đức hạnh của sự nghèo hèn này không bao gồm trong chính sự nghèo khổ túng thiếu, mà ở trong tình yêu chuộng sự khó nghèo. Chính vì thế, Chúa Giê-su đã giảng trong Hiến Chương Nước Trời khi ngồi trên núi, Ngài nói: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:3) Họ được ban phúc lành bởi vì họ không mong muốn, không thủ đắc điều gì khác ngoài chính Chúa. Chúa là phần gia nghiệp của họ. Trong Thiên Chúa, họ tìm thấy mọi điều thiện hảo, trong sự túng nghèo, họ tìm thấy no đủ, nơi hoàn cảnh nghèo túng, họ tìm thấy thiên đường tại trần gian. Họ chỉ hướng về Thiên Chúa, không để hoàn cảnh túng thiếu chi phối tư tưởng, tâm trí họ. Họ luôn tâm niệm rằng. Thiên Chúa là Đấng tạo nên mọi của cải trần gian đã trở nên nghèo khó vì họ để làm cho họ trở nên giàu có khi họ đón nhận Ngài là Chúa của họ và đặt niềm tin tưởng nơi Ngài.

Thánh Ignatius nói: “Hãy cho tôi duy nhất tình yêu mến Thiên Chúa và với ân sủng của Chúa, tôi đủ giầu có.” Thánh Bonaventura nói: “Khi chúng ta lâm vào cảnh đói nghèo túng thiếu, chúng ta hãy tự lo cho mình, với ý nghi rằng Chúa Giê-su và Mẹ của Ngài cũng nghèo hèn như chúng ta.” Chúa Giê-su làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho nhiều ngàn người ăn no nê (Mt 14:13-21). Nhưng Chúa Giê-su đã để Thánh Giu-su phải lao lụng vất vả nơi xưởng thợ, và sau này, chính Ngài cũng làm lụng vất vả như người thợ mộc thành Na-za-reth để tự nuôi mình và Mẹ của Ngài.

Có một số người giàu, chẳng quan tâm xem tài khoản ngân hàng của mình còn bao nhiêu, nhiều hay ít. Khi có thể giúp đỡ ai, họ cho đi không toan tính so đo. Họ không cho đi số dư thừa, mà là những gì họ đang có, đang sử dụng tiêu xài. Thiên Chúa vẫn ban cho họ luôn dư dật. Họ hiểu rằng, Chúa muốn giúp người nghèo túng qua bàn tay của họ. Người cha già của dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi nói một câu rằng: “Nếu người nghèo đói đang cần sự giúp đỡ của bạn, mà bạn vẫn khư khư giữ trọn tài sản của mình không muốn cho đi, thì bạn là kẻ ăn cắp!”. Tại sao lại là kẻ ăn cắp? Tài sản họ đang có là do công lao vất vả họ làm lụng ngày đêm, dành dụm ky cóp mới có. Họ phải biết cách làm ăn để sinh lời lãi. Họ không lấy của ai, không lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của người khác. Tài sản họ đang có hoàn toàn là của họ, sao lại gọi là ăn cắp?

“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công. Thành kia mà Chúa không gìn giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm.” (Tv. 127) Ông bà chúng ta nói: “Làm bởi bay, ban bởi Ta.” Tất cả những gì chúng ta có là do Chúa ban cho, chắc chắn không phải do khả năng tự mình làm ra được.

Khi nhìn thấy người khác sống dư thừa trên của cải của vì họ giàu có, thì những người nghèo đem lòng ao ước có được một phần sự giầu sang để bớt đi sự cơ cực bần cùng. Đó là ước mơ chính đáng, đó là khao khát mong mỏi của đa số những người nghèo, vì vậy, đôi khi họ đặt vào sự may rủi qua những tờ vé số, thậm chí xin Chúa cho trúng số để bớt nghèo túng. Thiên Chúa không muốn con người sống trong sự túng nghèo. Ngài đã tự nguyện trở nên khó nghèo để con người trở nên giàu có. Tinh thần khó nghèo là tinh thần không màng đến của cải, không lệ thuộc vào nó. Có thì cho đi, không có thì nhận những gì mình đang có. Cái “Có” cần thiết nhất là Có Chính Chúa.

Nhớ lại dụ ngôn người phú hộ và Lazaro (Lc 16:19-31). Sẽ đến ngày mà cả hai người đều chết, nhưng số phận của họ khác nhau. Vì khi sống, đời sống của mỗi người khác nhau. Người phú hộ vào chốn cực hình đời đời, không phải vì ông giàu có, nhưng vì sự vô tâm đến hoàn cảnh người nghèo Lazaro ở bên cạnh mình.

Của cải vẫn có sức mạnh vô song lôi cuốn mọi người, cả người giầu và người nghèo. Làm sao để giải quyết vấn đề cho thỏa đáng? Người giầu vào Nước Trời rất khó, khó vô cùng! Người nghèo không chắc chắn vì nghèo túng mà sẽ chiếm hữu được Nước Trời, có khi vì “Bần cùng sinh đạo tặc!” Đạo tặc thì không thể ở trong Nước Trời được. Mẹ Maria chính là mẫu gương cho mỗi người chúng ta. Xin Mẹ giúp chúng ta noi gương Mẹ. Xin Chúa giúp chúng ta suy gẫm Lời Chúa Giê-su và noi gương Ngài là Đấng: sinh vô gia cư, tử vô địa táng. “Kho tàng của anh em ở đâu thì lòng dạ anh em ở đó.” (Lc 12:34). Kho tàng ở trần gian này không phải là nhà của chúng ta.

Chia sẻ Bài này:

Related posts