Nhân Đức Nhẫn Nại (Ga 19:25; Gc 1:2-4)
Tháng 8, chúng ta tìm hiểu về Nhân Đức Nhẫn Nại của Mẹ Maria. Dựa vào những câu 2,3,4 trong chương 1, thư của Thánh Gia-cô-bê tông đồ. Và câu 25 trong chương 19 của Tin mừng thánh Gio-an, chúng ta cùng đọc lại:
Thư Thánh Gia-cô-bê 1:2-4. Lợi ích của thử thách.
2 Hỡi anh em, hãy kể như niềm vui trọn hảo, khi anh em sa vòng trăm điều thử thách, 3 bởi biết rằng: đức tin thí luyện của anh em làm nên kiên nhẫn; 4 mà kiên nhẫn tất sinh quả phúc trọn lành, để anh em nên trọn lành, toàn bích, không thiếu sót về một sự gì.
Tin mừng Gio-an 19:25 – Chúa Giê-su và Mẹ Ngài.
25 Ðứng bên thập giá Ðức Yêsu, có Mẹ Ngài, và người chị em của Mẹ Ngài, Maria (vợ) của Klôpa, và Maria người Magđala.
Nhân Đức thứ tám của Đức Maria là Sự Nhẫn Nại. Có hai ý tưởng chúng ta cùng chia sẻ trong nhân đức này:
- Sự nhẫn nại của Đức Mẹ.
Người ta thường gọi thế giới này là thung lũng đầy nước mắt; vì con người bị nỗi khổ đau vây bủa xung quanh. Bằng sự hy sinh nhẫn nại chịu đựng, chúng ta có thể giúp linh hồn của chính mình cho cuộc sống vĩnh cửu như chính Chúa dạy: “Trong sự nhẫn nại của con, con sẽ giữ được linh hồn của con.” (Lc 21:19). Đức Trinh Nữ Maria là một thụ tạo hoàn hảo, đẹp lòng Thiên Chúa. Mẹ là mô hình của tất cả các nhân đức. Nhẫn nại là một trong những nhân đức của Mẹ và là mẫu gương cho chúng ta.
Tại tiệc cưới Cana, Mẹ trình bày ý hướng quan tâm đến bữa tiệc bị thiếu rượu. Mẹ tín thác và nhẫn nại để Chúa thực hiện điều mà Mẹ đề nghị. Và phép lạ đã xảy ra. Sự nhẫn nại có hiệu quả. Như bông hoa hồng mọc lên giữa những gai nhọn, Mẹ đã lớn lên trong những nỗi khổ đau. Đồng Công Cứu Chuộc trong cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su, Mẹ đã thầm lặng và nhẫn nại trong sự chịu đựng nỗi khổ đau và trở thành Nữ Vương Các Vị Thánh Tử Đạo. Do đó, Thánh Bonaventura nói: “Một người Mẹ chịu đóng đinh đã hình thành một Con Trai bị đóng đinh.”
Cuộc hành trình trốn sang Ai-Cập, lưu trú trong thời gian ở đất khách quê người, và cả khi hồi hương về sống tại Nazareth, Mẹ nhẫn nại trong sự thầm lặng, chịu đựng nhiều nỗi khổ đau. Điều mà Mẹ Maria chịu đựng khi hiện diện trong cái chết của Chúa Giê-su trên đồi Calvary là một gương đức để chúng ta thấy sự kiên nhẫn liên tục và tuyệt vời như thế nào. Nhờ sự kiên nhẫn của Mẹ, Thiên Chúa đã thực hiện nhiều ơn lành cho nhân loại.
Thánh Gregory cho rằng: “Cách thế bầu cử của Mẹ được bảo đảm bằng gai nhọn (khổ đau).” Như một hàng rào gai bảo vệ một vườn nho, vì vậy, Thiên Chúa bảo vệ con cái Ngài khỏi mọi nguy cơ bám chặt vào đất, bằng cách bao trùm họ với những khổ đau. Và Thánh Cyprian kết luận rằng đó là sự nhẫn nại giúp chúng ta thoát khỏi tội lỗi và thoát cửa địa ngục.
Giả thiết nếu Mẹ Maria thiếu kiên nhẫn trong tình huống Thánh Cả Giuse nghi ngờ về thai nhi Giê-su mà Mẹ cưu mang và định tâm bỏ đi, trong khi Mẹ cứ khăng khăng chống chế và thách thức mối quan hệ vợ chồng giữa tình cảnh éo le đó, thì sự “đồng công cứu chuộc” của Mẹ sẽ đi đến đâu?
Giả thiết Mẹ trách mắng Thiên Chúa và nổi loạn với những người đổ vạ cáo gian Con mình khi chứng kiến cuộc đấu tố và cách xét xử bất công cho Chúa Giê-su, thì Chúa Giê-su sẽ nghĩ gì về hành động người Mẹ của mình với sứ mạng của Ngài? Trong đoạn phim: “Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su”, ở đoạn hai mẹ con gặp nhau trên đường thánh giá, Chúa Giê-su nói: “Giờ đã bắt đầu”. Giờ gì? Đó là giờ mà Chúa Giê-su nhẫn nại trong tình yêu thương con người tội lỗi; đó là giờ mà Mẹ Maria nhẫn nại trong nỗi khổ đau xé lòng để tham dự vào công cuộc cứu chuộc; đó là giờ mà Thiên Chúa Cha tiếp tục nhẫn nại chờ đợi con người quay bước trở về đón nhận ơn tha thứ để được cứu độ.
Mẹ Maria vẫn tiếp tục nhẫn nại chịu đựng nhiều nỗi khổ đau mỗi ngày vì yêu thương nhân loại tội lỗi, vì những hình phạt đang đè nặng trên họ. Trong sự nhẫn nại, Mẹ khóc thương con người trần thế và số phần của họ khi họ vẫn cố tình rời xa tình thương tha thứ của Thiên Chúa.
- Sự nhẫn nại của chúng ta.
Kiên nhẫn có một công việc hoàn hảo (Gc 1:4) như chúng ta đọc thư của Thánh Gia-cô-bê ở trên. Kiên nhẫn mang hòa bình, không chỉ là thập giá đến từ Thiên Chúa như bệnh tật, nghèo đói, mà còn đến từ con người: các cuộc bách hại, thương tích và những nỗi bất hạnh khác. Các vị Thánh Tử Đạo đã đổ máu của họ vì lòng yêu mến Chúa Ki-tô và vì sự nhẫn nại trong gian truân đau khổ. Thánh Thérèse nói: “Những người ôm thập giá, không cảm thấy nó.” Và ở nơi khác, “Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, đau khổ sẽ chấm dứt.” Khi thập giá đè nặng lên chúng ta, chúng ta hãy cầu nguyện với Mẹ Maria, người được Giáo Hội gọi là “Đấng an ủi những kẻ khổ đau.”
Kiên nhẫn là một nhân đức Ki-tô giáo và cũng là một đức tính nhân bản. Theo Elitedaily, sự kiên nhẫn không phải là một đức tinh bẩm sinh, mà do sự rèn luyện, và sự rèn luyện thì không phải dễ dàng để có thể đạt được ngay tức khắc.
Sự kiên nhẫn giúp chúng ta thêm kinh nghiệm sống và hiểu biết nhiều hơn, giúp thành công hơn. Trong mối quan hệ đời thường, có lúc chúng ta cần giữ thinh lặng, có lúc cần lên tiếng. Sự vội vã hấp tấp, có lúc làm chúng ta thất bại và làm hỏng kế hoạch đã dự tính.
Sự kiên nhẫn giúp chúng ta biết quan sát tình huống để hành động tốt hơn. “Giục tốc thì bất đạt!” cổ nhân nói như vậy. Sự kiên trì nhẫn nại đôi khi làm chúng ta sốt ruột và nóng lòng. Chúng ta muốn đạt được ngay ý nguyện mà chúng ta mong ước nhưng không thành công.
Sự kiên nhẫn giúp chúng ta có khả năng chấp nhận và chịu đựng trong những tình huống rất khắc nghiệt. Thánh nữ Monica, thân mẫu của Thánh Augustino đã nhẫn nại trong lời cầu nguyện ròng rã suốt 20 năm cho chồng, con. Bà cầu nguyện liên lỉ với những dòng lệ rơi tha thiết trong một thời gian dài đến độ đôi mắt bị mù lòa. Kết quả của lòng kiên trì nhẫn nại trong lời nguyện cầu, sau này những người thân của bà đã được hoán cải.
Thiếu sự kiên nhẫn, mối tương quan trong gia đình như vợ chồng, cha mẹ con cái sẽ đổ vỡ, dẫn đến ly hôn và ly tán. Thiếu sự kiên nhẫn, mối tương quan trong hội đoàn như đoàn trưởng và đoàn viên, giữa các đoàn viên với nhau, giữa vị linh hướng và các hội viên hoặc giữa các hội đoàn trong cùng giáo xứ, sẽ bị chia rẽ và trở thành thù địch, hiềm khích lẫn nhau. Trong phạm vi quốc gia và quốc tế, nếu thiếu sự kiên nhẫn, các nhà lãnh đạo sẽ tạo ra những cuộc chiến tranh dẫn nhân loại đến sự hủy diệt.
Nhớ lại Tin mừng ngày thứ ba cuối tháng 7 vừa qua: Lúa tốt và cỏ lùng. (Mt 13:36-43). Nhiều người tự hỏi: “Thiên Chúa là Đấng nhân từ và công bằng, sao lại để xảy ra những tai ương hoạn nạn hiện nay cho người trần thế và để những kẻ dữ hành động gây ra thiệt hại khổ đau cho những người lành như vậy?” Chúng ta chỉ muốn nhổ cỏ lùng ra khỏi lúa tốt ngay tức khắc. Còn Thiên Chúa nói cần phải nhẫn nại đợi chờ đến mùa gặt. Bởi vì, khi nhổ cỏ lùng, lúa tốt sẽ bị ảnh hưởng, bị nhổ chung với cỏ lùng. Ngày cuối cùng của thế giới này, cỏ lùng và lúa tốt sẽ được gặt hái chung và phân biệt riêng. Cỏ lùng không bao giờ trở thành lúa tốt, đó là dụ ngôn. Áp dụng cho con người, thì kẻ xấu có thể hoán cải trở thành người tốt, người tốt có thể bị thoái hóa thành kẻ xấu. Thiên Chúa nhẫn nại để mọi người được ơn cứu độ, được giải thoát. Thiên Chúa dạy chúng ta nhẫn nại với kẻ xấu, tha thứ và cầu nguyện cho họ. Tôi thích câu nói của Oscar Wilder: “Mỗi thánh nhân đều có một quá khứ; mỗi tội nhân đều có một tương lai”.
Xin Mẹ Maria dạy chúng ta noi gương Mẹ nhẫn nại trong đời sống của chúng ta. Nhẫn nại khi có người cư xử bất công hoặc bất đồng ý kiến với chúng ta. Nhẫn nại khi góp ý hoặc nhận xét về người khác. Nhẫn nại trong lời nói và hành động mỗi ngày. Và nhất là, nhẫn nại trong lời cầu nguyện và trong tình yêu thương chân thành. Xin Mẹ chúc lành cho chúng ta.