Nhân Đức Khôn Ngoan (Lc 2: 19,51)
Tháng Hai, chúng ta tìm hiểu về Nhân đức khôn ngoan của Đức Mẹ. Dựa vào hai câu Tin mừng của Thánh Luca ở chương 2, chúng ta cùng tìm hiểu.
Lúc Chúa Giêsu sinh ra (Lc 2:19). Khi ở hang đá Belem, thánh Giuse và Đức Mẹ nghe lời các mục đồng thuật lại sự việc thiên thần báo tin Hài Nhi sinh ra. Cả hai đều ngạc nhiên, riêng Mẹ Maria thì luôn ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy niệm trong lòng (c.19). Đức Mẹ đã ghi nhớ về kỷ niệm gì?
Lúc Chúa Giêsu lên 12 tuổi (Lc 2:51). Hàng năm cha mẹ Chúa Giêsu lên Giêrusalem vào dịp lễ Vươt qua. Ông bà cũng dẫn Chúa Giêsu lên Đền thờ lúc Ngài 12 tuổi. Nhưng hai Ông bà đã lạc mất Ngài sau những ngày lễ hội. Qua 3 ngày tìm kiếm, hai ông bà mới tìm được Chúa Giêsu đang ngồi giữa các bậc hiền triết nghe và hỏi họ. Các vị tiến sĩ đều ngạc nhiên về trí thông minh của Chúa Giêsu. Đức Maria thì luôn ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng (c.51). Điều ấy là những điều Chúa Giêsu nói với Mẹ: “Tại sao phải tìm con? Cha mẹ không biết là con phải ở lại nhà Cha Con sao?”
Chúng ta cùng chia sẻ hai ý tưởng trong đề tài này:
- “Khôn mà không ngoan” và 2. “Khôn ngoan đối đáp người ngoài.”.
- “Khôn mà không ngoan”.
Trong thánh lễ hàng ngày suốt cả tuần này, chúng ta nghe bài đọc 1 Sách Các Vua quyển thứ nhất. Nội dung bài đọc nói về Vua Salomon, người được mệnh danh là người khôn ngoan nhất trong thiên hạ. Vua Salomon xem ra “dại” nhưng thực ra lại quá “khôn”. Chúa đã bảo: “Ngươi muốn gì cứ xin, Ta sẽ ban cho ngươi”. Ông dại quá, không xin giầu có, không xin sống lâu, không xin một thế lực hùng mạnh… mà lại xin khôn ngoan. Tuy nhiên, thực ra ông quá khôn, bởi vì Khôn ngoan là nền tảng và nguồn gốc của mọi thứ khác: nhờ khôn ngoan nên sau đó ông giầu có, triều đình ông vững bền, đất nước ông giầu mạnh… và nhất là ông được Thiên Chúa che chở bảo vệ. Thi sĩ Nguyễn bỉnh Khiêm, sau khi đã chán ngán với đường danh vọng, và bị ảnh hưởng triết lý “vô vi” của Lão Tử đã về sống ẩn dật. Ông đã nói lên cái “triết lý dại khôn” của ông trong một câu thơ: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, Người khôn người đến chốn lao xao. (Nguyễn bỉnh Khiêm)
Trong cuộc sống trần thế này, có những người khôn mà không ngoan, có người ngoan mà không khôn. Có những người khôn vặt, khôn láu cá, khôn lỏi, cái khôn mà Thánh Kinh gọi là sự Khôn ngoan của con cái tối tăm. Nghĩa là chỉ biết khôn ngoan trong việc trần thế vật chất, tội lỗi, mà không có một chút khôn ngoan trong sự sáng, biết phân biệt lành dữ, biết lo phần rỗi. Chúa phán: “Được mọi sự thế gian, nghĩa là khôn ngoan nơi trần thế mà mất linh hồn thì nào được ích gì ?” (Mt 16:26)
… ”Khôn ngoan hoàn toàn là biết kính sợ THIÊN CHÚA. Nhờ khôn ngoan loài người được hưởng dồi dào ân huệ, nhà họ được đầy của cải mong ước. Yêu mến và tôn kính THIÊN CHÚA là khôn ngoan hoàn hảo, nhờ đó được chứa chan bình an và sức khoẻ. THIÊN CHÚA làm mưa khôn ngoan và kiến thức. THIÊN CHÚA tôn vinh những ai khôn ngoan. Gốc rễ khôn ngoan là kính sợ THIÊN CHÚA. (Tv. 111:10)
Đức Maria đã ghi nhớ những lời ngôn sứ nói về Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra. Các mục đồng đã kể lại sau khi được báo tin. Mẹ cảm nhận điều mà Thiên Chúa đang thực hiện chương trình cứu độ qua cuộc đời của Mẹ. Mẹ “ngoan ngoãn” vâng theo lời Chúa truyền tin của thiên thần. Mẹ tiếp tục để Thiên Chúa hành động và Mẹ sẵn sàng cộng tác vào chương trình hành động của Thiên Chúa. Hơn ai hết, vì lòng yêu mến Thiên Chúa, vì lòng kính sợ Ngài, Mẹ đã đón nhận tất cả biến cố vui buồn xảy ra trong đời mình với niềm phó thác. Trong niềm vui hân hoan, Mẹ tiếp tục ấp ủ, nuôi dưỡng, nâng niu, chăm chút “Lời” của Thiên Chúa làm người, là Chúa Giêsu Con của Mẹ đã sinh ra. Mẹ tiếp cận và chiêm ngưỡng Đấng Khôn Ngoan Thượng Trí ẩn mình trong Hài Nhi bé nhỏ. Mẹ thủ đắc và chiếm hữu chính sự Khôn Ngoan từ một trẻ sơ sinh lại chính là Con của Mẹ. Mỗi khi có dịp nghe biết sự việc gì đang xảy ra; mỗi khi đối diện với những tình huống khó ứng xử, Đức Mẹ luôn hướng về Chúa trong sự thinh lặng để tìm kiếm thánh ý của Ngài. Vì Mẹ tin rằng Thiên Chúa có chương trình của Ngài cho mỗi người, cho dù chương trình đó có trái ngược với sự mong ước của con người chúng ta. Mẹ vẫn luôn để tâm suy niệm và tin tưởng để Thiên Chúa hành động.
- “Khôn ngoan đối đáp người ngoài.”.
Hãy nhìn lại biến cố đã xảy ra nơi đền thờ Jerusalem sau những ngày hành hương của thánh gia. Khi tìm lại được Chúa Giêsu trong đền thờ, Đức Mẹ rơi vào một tình huống khó xử. Theo bổn phận của một người mẹ, Đức Maria khiển trách con trai đã không báo trước cho cha mẹ khi muốn ở lại trong đền thờ, để cha mẹ khỏi bận tâm lo lắng. Chúng ta nhận thấy cách mà cậu bé Giêsu trả lời cho mẹ của Ngài nghe rất thẳng thừng. Nhưng Đức Mẹ đã không bị “sốc” vì lời nói của con trai, mà Mẹ chú ý đến câu: “..việc của cha con..”. Chắc chắn, thánh Giuse (cha nuôi) chẳng có việc làm ăn hoặc giao tiếp nào ở nơi đền thờ mà cậu con trai phải đại diện thay cho cha nuôi giải quyết. Ai cũng hiểu trẻ Giêsu đã nói đến tương quan với Thiên Chúa Cha của Ngài. Đây là điều gây chú ý cho Mẹ Maria và Mẹ đã ghi nhớ tất cả những sự việc ấy trong lòng. Mẹ không tiếp tục gây tranh cãi với cậu con trai Giêsu. Và cả trẻ Giêsu cũng không cãi lại cha mẹ thêm một lời nào. Cậu đã phục tùng cha mẹ của cậu trong suốt thời gian sống ẩn dật tại Nazareth.
Điều gì xảy ra cho chúng ta trong tình huống tương tự? Khi một người thân trong gia đình như vợ chồng, cha mẹ con cái, anh chị em ruột, anh chị em bên chồng bên vợ, hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp, chủ nhân và thợ thuyền…có những điều bất đồng ý kiến? Chúng ta sẽ giải quyết như thế nào? Nhiều người cãi cối cãi chày để bảo vệ cái lý của mình đúng. Nhiều người rơi vào tình trạng “có bé xé ra to!” hoặc nhẫn nại chịu đựng với thái độ “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng!”.. và cuối cùng quyết định dọn nhà đi nơi khác, vì “thà mỏi chân còn hơn mỏi miệng!”. Không có chuyện gì xảy ra tình cờ trong đời sống con người trần thế. Thiên Chúa có kế hoạch của Ngài và cho phép mọi sự xảy ra trong đời sống hàng ngày để thử thách chúng ta trong cách mà chúng ta cần tin tưởng vào sự hiện diện của Ngài. Nhiều người rơi vào cạm bẫy chỉ vì một câu nói mỉa mai, châm chọc mà tình nghĩa vợ chồng, anh em, họ hàng, bè bạn chia tay nhau.
Trong tương quan là những hội viên trong cùng một hội đoàn tôn giáo, cùng một lý tưởng hoạt động, chúng ta cũng không trách khỏi sự đôi co tranh chấp trong khi thi hành công tác hoặc tham dự các buổi họp. Legio Mariae là một đạo binh của Đức Mẹ. Một đoàn quân do chính Đức Mẹ lãnh đạo và dẫn dắt. Mỗi quân binh của Đức Mẹ dâng mình cho Đức Mẹ mỗi ngày qua lời kinh Tesera, chúng ta tin tưởng Mẹ luôn hướng dẫn và bảo vệ chúng ta. Trong trường hợp xảy ra sự xung đột giữa những tư tưởng khác biệt khi sinh hoạt nhóm, chúng ta không nên để sự dữ lừa gạt chúng ta chỉ vì những từ ngữ, những nội dung trong thủ bản để làm cớ tranh chấp, chống đối nhau. Trong tư cách là những quân binh của Đức Mẹ, kẻ thù mà chúng ta cùng chiến đấu chống lại, không phải là anh chị em đồng đội của chúng ta, mà là tội lỗi, là những gì đi ngược lại với những nhân đức mà Đức Mẹ đã suy nghĩ, đã sống và đã làm đẹp lòng Thiên Chúa. Chúng ta quyết tâm chống lại tội lỗi, chúng ta không chiến đấu lẻ loi một mình, mà cùng với anh chị em đồng đội của chúng ta trong đơn vị của mình. Hãy “khôn ngoan như rắn, và hiền lành như chim câu” (Mt 10:16b).
Mùa chay đang đến, chúng ta có nhiều cơ hội để trở về làm hòa với Thiên Chúa, với anh chị em và với chính bản thân mình. Xin Đức Mẹ dạy chúng ta sống noi gương Mẹ: khôn ngoan và hiền lành.