Huấn Từ Cha Linh Giám Curia Tháng 03-2018

Nhân Đức Khiêm Nhường (Lc 1:48)

Tháng ba, chúng ta tìm hiểu về Nhân đức khiêm nhường của Đức Mẹ. Dựa vào câu 48 trong chương 1 của Tin mừng thánh Luca, chúng ta cùng đọc lại:

46 Và Maria nói, linh hồn tôi ngợi khen Chúa

47 và thần trí tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ của tôi,

48 vì Người đã đoái nhìn thân phận mọn hèn tớ nữ của Người. Này từ đây mọi người sẽ khen tôi có phúc. (Lc 1:48)

Chúng ta cùng chia sẻ hai ý tưởng trong đề tài này:  

  1. Khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa và Khiêm nhường trước mặt người đời.

 

  1. Khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa.

Thánh Bernard nói: “Khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân đức”. Vì không có nó thì

không có đức tính nào khác có thể tồn tại trong tâm hồn. Chính Chúa Giê-su đã đến trên trần gian để dạy chúng ta noi gương Ngài, và Ngài mời gọi chúng ta hãy học với Ngài: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. (Mt 11:29).

          Đức Maria là mẫu mực của sự khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa. Vâng, mặc dầu Đức Mẹ đã được cứu khỏi tội lỗi ban đầu nhưng chúng ta nên nhớ rằng Đức Mẹ vẫn là người có một ý chí tự do, có thể đi một hướng nào đó theo ý riêng mình, nhưng đã chọn ý muốn của Thiên Chúa bằng cách nói “vâng” để trở thành “Đấng Đồng Công cứu chuộc”.

Thánh Phêrô nhắc nhở chúng ta rằng “Đức Chúa Trời phản đối kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho người khiêm tốn.” (1Pt 5: 5).  Đức Maria đầy ân sủng, vì Mẹ đã khiêm nhường. Khi chúng ta khiêm tốn như Đức Mẹ đã làm, bằng cách yêu thương và tuân theo ý muốn của Thiên Chúa, ngay cả khi chúng ta không biết nó là gì, thì Thiên Chúa sẽ làm những việc vĩ đại trong cuộc sống của chúng ta, và trong cuộc sống của người khác qua chúng ta.

Một khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta không là gì trước mặt Thiên Chúa, và tất cả những gì chúng ta có được Thiên Chúa ban cho, chúng ta sẽ không bị ám ảnh về những thành tựu của chúng ta, nhưng hãy phấn đấu làm hài lòng Thiên Chúa bằng hành động của chúng ta. Ví dụ, nếu chúng ta có đặc quyền được giáo dục cao, có trình độ kiến thức khá và nâng lên một vị trí danh dự trong xã hội; thì chúng ta có trách nhiệm chia sẻ những gì chúng ta đã học được với những người ít được đặc ân hơn bằng cách sử dụng những gì chúng ta phải xây dựng và khuyến khích người khác thay vì trở nên kiêu hãnh bởi sự hiểu biết của mình.

          Bài đọc Tin mừng sáng thứ bảy tuần thứ ba trong mùa chay năm nay, Chúa Giê-su kể cho chúng ta dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người Pha-ri-sêu và một người Thu thuế. Người Pha-ri-sêu tự kiêu trong lời cầu nguyện nên không được Thiên Chúa chấp nhận. Ông đứng trước bàn thờ ngẩng cao đầu kể ra những thành tích, những công lao trong đời sống tôn giáo của ông, thậm chí, đem những thành quả đạo đức ra để so sánh với người tội lỗi bất xứng hơn ông. Ông thật sự đã không cầu nguyện, mà là kể lể công trạng của ông trước mặt Chúa. Sự cố gắng trong đời sống đạo của ông đã không được Chúa chấp nhận và tội kiêu ngạo của ông đã không được tha. Còn người Thu thuế khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình. Ông đứng ở cuối đền thờ vì thấy mình bất xứng, thậm chí ông không dám ngước mặt lên trong khi khẩn cầu Chúa tha tội. Hành động khiêm tốn của ông được Chúa đón nhận và ông trở về nhà bình an. (Lc 18:9-14)

  1. Khiêm nhường trước mặt người đời.

Bắt chước sự khiêm nhường của Mẹ Maria giúp chúng ta chinh phục niềm tự hào của chúng ta. Chúng ta cũng gặp thấy sự khiêm nhường của Đức Maria qua toàn bộ mầu nhiệm của sự nhập thể và sự ra đời của Chúa Kitô.

Khi được thiên sứ truyền tin, Đức Mẹ đã không đi ra ngoài để nói với người dân Na-xa-rét rằng: các bạn xem, tôi sẽ sớm được làm mẹ của một vị vua thuộc dòng tộc Đa-vít. Thậm chí, có thể nói: Tôi sẽ sinh ra Đấng Cứu Thế mà mọi người đang mong đợi!. Không! Mẹ đã không hề nói cho bất cứ ai, ngay cả nói với Thánh Giu-se biết về sự việc trọng đại này. Thay vào đó, Mẹ đã để tâm suy nghĩ về lời của thiên sứ và nói: “Tôi đây, là nữ tỳ của Chúa; hãy làm cho tôi theo lời ngài truyền. “(Luca 1:38).

Bắt chước sự khiêm tốn của Mẹ Maria giúp chúng ta học cách kiềm chế. Đức Maria suy nghĩ về tất cả những lời nói và hành động của Thiên Chúa trong trái tim mình và không bao giờ bày tỏ bất kỳ sự tức giận hoặc thất vọng nào trong mọi biến cố xảy ra cho Mẹ. Mẹ suy nghĩ nhiều điều trong tâm hồn mình để giúp Mẹ nói tốt hơn khi thời gian cần thiết để nói đến. Sách giảng viên ở chương 3 câu 7 dạy chúng ta rằng “có một thời gian để giữ im lặng, và có thời gian để nói ra.”(Gv 3:7) Khi nào Đức Mẹ nói ra cho người khác nghe? Khi có lý do chính đáng để nói, ví dụ như tại tiệc cưới ở Cana. Ngay cả khi đó, Mẹ đã cho thấy sự khiêm tốn của mình bằng cách đề cập đến mọi thứ cho Chúa Giê-su: “Hãy làm bất cứ điều gì Ngài nói cho các bạn” (Ga 2: 5).

Sự im lặng không có nghĩa là không bao giờ nói, nhưng nói khi có lý do chính đáng để nói. Nếu chúng ta muốn trở nên tốt lành hơn, chúng ta nên học cách nói khi nó cần thiết và nói vì tình yêu thương. Ví dụ, khi chúng ta có mâu thuẫn trong gia đình hoặc với bạn bè; những cuộc xung đột và bất đồng ý kiến; những xích mích nhỏ nhặt, chúng ta có thể vô tình hoặc cố ý làm chấm dứt những cơ hội để bắt chước nhân đức của Đức Maria về sự khiêm tốn sâu sắc (im lặng). Vì tình yêu thương, chúng ta có thể học cách không nói bất cứ điều gì, bởi vì chúng ta có thể nói điều gì đó gây tổn thương cho người kia và ngược lại. Không nói, không có nghĩa là chúng ta yếm thế; chúng ta thấp cổ bé miệng; chúng ta nhút nhát sợ hãi… Không phải như vậy! Khi không trả lời, không có nghĩa là chúng ta khinh bỉ, xem thường đối phương… Không! Chúng ta học sự “hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, điều mà Đức Mẹ đã học từ nơi Chúa Giê-su.

Hầu hết thời gian của chúng ta là sự nhạy cảm của chúng ta đối với lòng trân trọng và danh dự khiến chúng ta muốn đáp lại cái gì đó gây tổn thương bằng những lời nguyền rủa, trách móc, xỉ vả… Vì vậy, chúng ta hãy học hỏi từ Đức Maria bằng cách khiêm tốn và không nói gì, nhưng hãy suy ngẫm mọi điều trong lòng khi cầu nguyện với Chúa để hướng dẫn chúng ta trong lời nói và hành động. Hãy để Chúa giải quyết điều gì Ngài đã cho phép nó xảy ra.

Sa-tan, kẻ đã phản nghịch lại ý hướng của Thiên Chúa ngay từ đầu và không muốn tùng phục Ngài, đã lôi kéo một lực lượng không nhỏ tách rời khỏi quyền năng và sự thiện hảo của Thiên Chúa. Đồng thời, nó cũng dụ dỗ lôi kéo con người tách khỏi tình thương yêu của Ngài. Sự kiêu ngạo của Sa-tan đã dẫn nó và lực lượng sự dữ đi vào sự hủy diệt đời đời. Khi có thái độ thiếu khiêm nhường, chúng ta đang rơi vào cạm bẫy của Sa-tan. Chúng ta trở thành kẻ đối nghịch với ý hướng trọn hảo của Thiên Chúa và cũng trở thành kẻ đối nghịch với người khác.

Là một hội viên Legio Mariae, một quân binh của Đức Mẹ, chúng ta sẽ không bao giờ được thanh thản thong dong. Chúng ta sẽ luôn luôn bị tấn công mỗi ngày. Kẻ thù tấn công chúng ta chính là kẻ thù của Đức Mẹ, kẻ sẽ bị đạp nát đầu trong ngày cuối cùng của thế giới này. Đừng để bị mắc lừa thành kẻ tự cao tự đại khi chúng ta cùng nhau làm công tác, cầu nguyện, sinh hoạt hội họp hằng tuần. Nhiều người thiếu sự khiêm nhường đích thực nên đã trở thành nỗi đau buồn cho anh chị em đồng đội. Hãy để Đức Mẹ giúp chúng ta sống khiêm nhường như Mẹ và để Chúa giải quyết những trở ngại trong mối quan hệ của chúng ta với nhau.

tải về >> Huấn Từ Tháng 03-2018 PDF

Cha Linh Giám Curia, Lm. Giovanni Nguyễn Hùng

Chia sẻ Bài này:

Related posts