LEGIO MARIAE – CURIA ĐỨC MARIA MẸ GIÁO HỘI
HUẤN ĐỨC – NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT 2015 – 2016
THÁNG 11, 2016
8 MỐI PHÚC
Thứ năm: Ai thương xót người ấy là phúc thật, vì chưng mình sẽ được thương xót vậy.(Mt 5:7)
Lời Kinh Thánh: Cl 3:12-14
12 Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại.
13 Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.
14 Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.
– o O o –
Buổi họp Curia trong tháng mười một này nằm vào đúng ngày cuối cùng, ngày kết thúc Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Các cửa thánh đều đóng lại, nhưng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa vẫn mở rộng đến muôn ngàn thế hệ. Dựa vào câu 14 của đoạn Kinh Thánh trên, chúng ta tìm hiểu 2 điểm:
1. Trên hết mọi đức tính, cần có lòng bác ái.
Trong tương quan giữa người với người, sự công bằng luôn được đề cao. Thánh Tô-ma A-qui-nô thuộc Dòng Đa-Minh định nghĩa: “Công bằng là trả lại cho người khác cái gì thuộc về họ.” Đó là sự công bằng. Lòng bác ái thì vượt cao hơn sự công bằng. Nếu công bằng là trả lại, thì bác ái tặng cho không. Chúng ta có thể nói: “Bác ái là trao tặng cho người khác điều phát xuất từ tình yêu thương của chúng ta một cách vô vị lợi.” Bác ái còn hàm chứa một ý nghĩa rộng hơn, trong đó, cũng hàm chứa sự quảng đại tha thứ, và khi tha thứ cho ai với tình yêu thương, đó cũng chính là biểu lộ lòng thương xót. Nhưng khó khăn lớn nhất là lòng tha thứ. Bao lâu chưa biết tha thứ và trao phó mọi sự cho Chúa, chúng ta vẫn còn chìm đắm trong giận dữ, phẫn nộ, cay đắng và còn cảm thấy cuộc đời bất công. Bằng cách bỏ qua mọi sự chúng ta có thể thấy bất kể cảnh ngộ thế nào, Chúa vẫn có thể dùng chúng ta như sứ giả của lòng thương xót. Ngài yêu thương chúng ta và nhờ Ngài chúng ta có thể đi vào tâm hồn người khác, bởi vì chúng ta thật sự hiểu những đau khổ của họ.
Ai hành động như vậy, Chúa gọi họ là người có phúc, vì họ biết thương xót với lòng quảng đại tha thứ cho người khác. Người biết thương xót một cách tự nguyện là người có phúc. Tám Mối Phúc diễn tả về mối phúc thật sự chứ không đề cập đến giới luật như những điều răn mang tính cấm đoán. Lời chúc phúc của Chúa Giê-su là lời an ủi và khích lệ chúng ta hãy thực hành những điều phúc lành thì sẽ được hưởng hạnh phúc trong ngày phán xét. Nhiều người đang ở trong tình trạng tự do, không bị tù tội, nhưng họ đang bị trói buộc như một kẻ nô lệ trong sự thù hận không muốn tha thứ cho người khác. Họ là những người không có lòng thương xót chân thành.
Chúa Giê-su dạy những mối phúc thật cho những thính giả nghe Ngài lúc ngồi trên núi. Những lời chúc phúc này cũng nói cho tất cả mọi người không loại trừ ai. Những mối phúc này không phải chỉ là lời nói suông, chính Chúa Giê-su đã thực hiện những lời phúc mà Ngài nêu ra: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm.” (Lc 23:34)
2. Bác ái là dây liên kết hoàn hảo.
Thánh Gio-an định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu.” (1Ga. 4:16). Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên thánh thiện như chính Ngài là Đấng Thánh (Mt 5:48). Mặc dù được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng con người là thụ tạo bất toàn vì bị tội lỗi trói buộc. Thiên Chúa vẫn tiếp tục gieo vào lòng con người một trái tim biết yêu thương để họ trở nên giống Ngài hơn. Những người có mặt ở quảng trường Thánh Phê-rô trong những tháng vừa qua của Năm Thánh Lòng Thương Xót, họ chứng kiến Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đi đến đám đông và hôn lên mặt một người đàn ông đầy những ung nhọt, da sần sùi như vỏ cây. Nhiều người sợ không dám đến gần người đàn ông có gương mặt dị thường đó. Tên của ông là Vinicio Riva. Người đàn ông thật sự xúc động và cảm nhận tình thương chân thành từ vị Giáo Hoàng khi bàn tay của ngài chạm đến đôi má sần sùi của ông. Theo ông nghĩ, Đức Giáo Hoàng không quen biết và càng không biết rõ dị tật của ông có gây truyền nhiễm hay không, ngài đã ôm gương mặt và hôn lên những nỗi khổ đau mặc cảm vì dị tật của người bất hạnh như ôm chính người thân yêu của mình.
Những cơ hội để bày tỏ và tiếp nhận lòng thương xót thường đến khi chúng ta không được chuẩn bị. Một người băng qua đường khi chúng ta bước tới; một người đến gõ cửa nhà chúng ta cần giúp đỡ; một người gọi điện thoại và chúng ta nhận ra họ nhưng không muốn trả lời vì họ gây ra phiền phức; một người cứ than vắn thở dài về hoàn cảnh rủi ro thất bại của họ, chúng ta không muốn nghe vì quá phiền hà… Chúng ta phải chọn lựa, hoặc đáp ứng hoặc tránh né.
Tất cả chúng ta đều cần đến lòng thương xót của Chúa và của nhau, vì “nhân vô thập toàn” nên chúng ta thường hay vấp phạm những lỗi lầm và rất cần có cơ hội để trở lại. Chúng ta cần trao tặng lòng thương xót cho anh chị em và cũng sẵn sàng khiêm tốn đón nhận lòng thương xót của anh chị em. Cảm nhận được lòng thương xót của Chúa dành cho chúng ta là động lực thúc đẩy chúng ta thực thi lòng thương xót đối với người khác. Mỗi lần bị người nào xúc phạm, chúng ta chỉ có một sự lựa chọn giữa hai con đường: dùng phản ứng tự nhiên để trả đũa với nhiều thủ đoạn bằng mọi cách hoặc tìm giải pháp giao hòa và tha thứ. Không thể chọn cả hai hoặc không phản ứng gì. Chúng ta đã được Chúa thương xót tha thứ, chúng ta hãy tha thứ với lòng thương xót đối với người khác, vì đó là điều phúc được Chúa chúc lành.