Niềm vui Giáng Sinh
Khoảng đầu tháng 12,2017 vừa qua, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô có dịp tông du hai quốc gia vùng Á Châu là Miến Điện và Bangladesh. Đức Thánh Cha đã gặp gỡ cộng đoàn tu sĩ của hai quốc gia này. Ngài nhận ra rằng trên gương mặt các tu sĩ thiếu đi niềm vui nên ngài nói: những ai có “khuôn mặt chanh chua lạnh như tiền!” chắc là họ đang “có tâm trạng lo lắng và trái tim se thắt sầu khổ!” nên họ không thể sống chứng tá và loan truyền Tin mừng Chúa được!”(VietCatholic News Dec. 2nd 2017)
Mùa Giáng Sinh là mùa hồng ân, hồng ân cứu độ. Mùa Giáng Sinh là mùa của niềm vui an bình. Khi Chúa Hài Nhi giáng sinh tại Belem, các thiên thần trên trời hát ca: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho nguời thiên tâm!”. Chúa xuống trần gian đem niềm vui bình an cho người thế. Các mục đồng ở Belem là những người đầu tiên đón nhận niềm vui giáng sinh. Tiếp theo là những vị đạo sĩ đến từ Phương Đông hăm hở đi tìm kiếm Vua Bình An giáng trần và với lòng thành tâm thiện chí họ cũng đón nhận được niềm vui xuất phát từ Hài Nhi Giê-su. Trong tháng cuối cùng của năm cũ 2017 này, chúng ta cùng chia sẻ ý nghĩa của niềm vui trong Thiên Chúa giữa một thế giới đang xảy ra nhiều nỗi buồn. Có hai ý tưởng đề chia sẻ chủ đề này: 1. Niềm Vui Tin Mừng. 2. Niềm Vui trong những Tin Buồn.
Niềm Vui Tin Mừng. Ngày 24 tháng 11 năm 2013 Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô ban Tông
huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng). Nội dung của Tông huấn này là “Ai gặp được Chúa thì gặp được niềm vui trong tâm hồn”, và niềm vui này phải được đem chia sẻ cho người khác. Trong mọi hoàn cảnh và trong những lãnh vực khác nhau như văn hóa, chính trị, tôn giáo, xã hội, gia đình… Niềm vui này cần được chuyển tải và làm lan tỏa khắp nơi. Nói một cách khác, là người tín hữu, chúng ta sống chứng tá của Tin mừng bằng gương sáng sống theo Lời Chúa ở mọi nơi, trong mọi lúc.
Chúng ta vừa tham dự Đại Hội Thường Niên 2017 nhân dịp Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Giáo xứ Đức Mẹ La Vang vào sáng thứ bảy ngày 9 tháng 12. Ngày Đại Hội này không phải là một buổi họp, hoặc buổi báo cáo công tác mà là một ngày Hội vui, ngày mà mọi hội viên trong gia đình Curia thuộc Legio Mariae ở Houston gặp gỡ chia sẻ niềm vui trong công việc tông đồ và cầu nguyện. Dựa vào tinh thần của Thánh Phan-xi-cô Hèn mọn (lễ nhớ ngày 4 tháng 10). Chúng ta đón nhận niềm vui trong công tác, trong đời sống cầu nguyện, chúng ta đem chia sẻ cho nhau. Như Thánh Phan-xi-cô đã làm. Ngài đem niềm vui đến cho mọi người, mọi vật. Ai gặp ngài là gặp được niềm vui an bình.
Ngay cả khi đối diện với những khó khăn trở ngại trong cuộc sống hằng ngày vì nhiều lý do, chúng ta không bao giờ chán nản, vì “không một hành vi yêu mến nào của chúng ta đối với Thiên Chúa và đối với người khác có thể bị mất đi”. Điều này thực sự không phải là dễ dàng để thực hiện. Trong Cung Oán Ngâm Khúc, thuộc kho tàng văn chương Việt Nam có câu: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?” Thánh Phan-xi-cô đã không để bị ngoại cảnh chi phối tình cảm của ngài, bởi vì, cảnh vật thiên nhiên đối với ngài luôn là một tác phẩm tuyệt vời của niềm vui. Thiên Chúa tạo dựng nên mọi sự đều tốt đẹp, đều tràn đầy niềm vui. Nhưng con người đã và đang làm hủy hoại thiên nhiên, thậm chí cố tình hủy diệt nhau. Điều này làm ảnh hưởng đến đời sống của tất cả mọi người. Ngay cả khi không dễ dàng có được niềm vui trong những hoàn cảnh khách quan, chúng ta vẫn được mời gọi giữ niềm vui trong lòng và làm lan tỏa ra xung quanh. Bởi vì, niềm vui đó là chính Chúa. Có Chúa trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta sẽ có niềm vui.
Niềm Vui trong những Tin Buồn. Cũng trong lời góp ý cho các linh mục tu sĩ của Giáo
hội Miến Điện và Bangladesh, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô nhắc đến một câu ngạn ngữ:”Có lẽ lưỡi của bạn sẽ bị đau nếu bạn cắn phải; thế còn hơn là dùng lưỡi bạn làm tổn thương danh dự người khác!”. Nhiều người trong chúng ta đã từng bị người khác làm tổn thương danh dự qua lời nói, và ngược lại, chúng ta cũng đã có lần làm tổn thương danh dự của người khác bằng lời nói của chúng ta. Lời nói là một cách thức, một phương tiện để đem Tin Vui đến cho mọi người. Cách chuyển tải Tin Vui đến cho mọi người hiệu quả nhất là qua hành động. Nhưng cũng cần phải truyền đạt tư tưởng bằng lời nói nữa. Nếu tư tưởng của chúng ta truyền đạt lại là một sự tổn thương đến danh dự của người khác, thì đó là “tin buồn!”.
Niềm Vui trong những Tin Buồn không nằm trong ý nghĩa vừa kể trên. Nghe cụm từ “Niềm Vui trong những Tin Buồn”, chúng ta thấy có một sự mâu thuẫn. Niềm Vui và nỗi buồn là hai trạng thái đối nghịch nhau, không thể hòa hợp, ngay cả đôi khi xảy ra trạng thái “dở khóc dở cười” thì đó là trường hợp bất đắc dĩ. Chúa Giê-su cũng có những nỗi buồn vì tình trạng tội lỗi của nhân loại, nhưng Ngài vẫn vui lòng đón nhận và chịu chết cho những kẻ tội lỗi vì Ngài yêu thương họ, vì Ngài vui lòng làm theo ý muốn của Chúa Cha. Chúa Cha là niềm vui của Chúa Con. Chúa Giê-su là niềm vui của chúng ta và chúng ta là niềm vui cho mọi người.
Trong kiếp sống phàm nhân, con người đối diện với thực tại hậu quả của tội lỗi: “Sinh, bệnh, lão, tử” không thiếu những nỗi buồn, và không ai thoát khỏi. Nỗi buồn do người khác gây ra; nỗi buồn do khách quan xảy đến; đôi khi, nỗi buồn do chúng ta vô tình hoặc cố ý gây ra cho chính mình. Chúng ta chấp nhận những nỗi buồn khách quan xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Không phải vì không thể thay đổi tình huống nên đành phải chịu vậy! Không! Không phải thế! Chúng ta xác quyết rằng không có chuyện gì xảy ra tình cờ. Thiên Chúa cho phép mọi tình huống có thể xảy ra và chính Ngài giải quyết vấn đề theo ý hướng của Ngài, không phải ý hướng của chúng ta. Khi chúng ta TIN “mọi sợi tóc trên đầu rơi xuống đất, đều được Chúa đếm cả rồi!” (Lc 12, 6) chúng ta CHẤP NHẬN những sự việc xảy ra trong ý muốn của Thiên Chúa và chúng ta CẢM TẠ Thiên Chúa trong sự cố gắng của chúng cộng tác vào chương trình của Ngài.
Khi thực hành ý muốn của Thiên Chúa và đón nhận mọi nghịch cảnh trong đời sống hằng ngày, chúng ta sẽ gặp nhiều thử thách khổ đau. Nhớ lại lời Đức Mẹ nói với thánh nữ Bernadette Soubirous ở Lộ Đức ngày 18 tháng 2 năm 1858, “Mẹ không hứa ban cho con hạnh phúc ở đời này, nhưng ở đời sau!”. Vui lòng nhận lãnh những sứ điệp của Mẹ Maria từ Lộ Đức, thánh nữ Bernadette đã chịu rất nhiều những khổ đau ngoài thể xác vì bệnh lao phổi xuất huyết và trong tâm hồn vì mọi người dèm pha chê cười cho rằng Bernadette là kẻ lừa gạt mọi người về sự hiện ra của Đức Mẹ.
Không ai dễ dàng đón nhận những nỗi buồn để mà vui!. Vì đó là người không bình thường. Nếu chúng ta có thể đón nhận những nỗi buồn xảy đến cách vô cớ hoặc có lý do; cách nặng trĩu hoặc thoáng qua và tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, thì chúng ta thật có phúc. Bởi vì, thật không dễ dàng khi đối diện với một nỗi buồn đau xảy đến, nhưng khi nghĩ đến nỗi buồn đau của Chúa Giê-su trong Vườn Cây Dầu; khi nghĩ đến nỗi buồn đau của Đức Trinh Nữ Maria đứng dưới chân Thập tự giá, chúng ta muốn chia sẽ với Chúa và Mẹ trong những khổ đau mà các Ngài phải chịu vì tội lỗi chúng ta, vì tội lỗi nhân loại. Chúng ta cảm nhận trong sự khổ đau của mỗi người chúng ta vì bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta luôn có Chúa Giê-su và Mẹ Maria đồng hành với chúng ta trong mọi khoảng khắc của thời gian, của tuổi tác, của hoàn cảnh. Có nghĩa là chúng ta luôn có Chúa và Mẹ Maria ngay trong lúc chúng ta gặp khổ đau. Sự hiện diện của Chúa Giê-su và Mẹ Maria chính là NIỀM VUI của chúng ta trong những TIN BUỒN; trong những nỗi đau của kiếp con người. Cầu chúc mỗi người chúng ta có nhiều Niềm Vui trong mùa Giáng Sinh này.
Lm. Giovanni Nguyễn Hùng