LEGIO MARIAE – CURIA ĐỨC MARIA MẸ GIÁO HỘI
HUẤN ĐỨC – NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT
Với Tông Sắc “Dung mạo lòng thương xót” ( Misericordiae Vultus ), Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố mở Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót của Chúa. Vẫn với phong cách bình dị, đơn giản và đầy nhiệt huyết, Tông Sắc của vị Giáo Hoàng cho người nghèo chuyển tải đến chúng ta những gợi ý đầy cảm xúc về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa xuyên qua các câu chuyện trong Tin Mừng, đặc biệt là các dụ ngôn.
Nắm bắt được nền tảng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa thể hiện cụ thể nơi Đức Giêsu, Đức Thánh Cha nhanh chóng dẫn chúng ta vào sứ vụ sống Lòng Thương Xót của Chúa giữa nhân loại hôm nay. Thật sự bất ngờ khi Đức Thánh Cha đề nghị chúng ta sống theo Kinh Mười Bốn Mối. Trong những tháng còn lại của Năm Thánh, chúng ta sẽ rút từ những Giáo Huấn của Giáo Hội qua 14 Mối Thương Người, Cải Tội 7 Mối và 8 Mối Phúc Thật làm bài học và thực hành cho mỗi tháng thay vì đọc Thủ Bản.
THÁNG 3, 2016
14 MỐI THƯƠNG NGƯỜI
Thương xác 7 mối.
Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống.
Dựa vào Tin Mừng Thánh Mát-thêu 25:31-46 chúng ta đọc:
Bấy giờ, Vua cả trời đất sẽ nói với những người ở bên phải :
Hãy đến, hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy lĩnh lấy llàm cơ nghiệp Vương quốc đã dọn cho các ngươi từ tạo thiên lập địa.
Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn,
Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống,
Quả thật, Ta bảo các ngươi rõ: những gì các ngươi đã làm cho một người trong những anh em hèn mọn nhất này của Ta, là các ngươi đã làm cho chính mình Ta”.
Chúa đã so sánh những hành động tuy nhỏ nhặt trong đời thường đối với những kẻ mòn hèn, như là đã làm cho chính Chúa. Khi cư xử, chúng ta có thái độ đối với những người sống gần với mình nhất.
Trước tiên trong gia đình : Bản thân chúng ta cũng phải để ý yêu thương và phục vụ người trong gia đình trước tiên. Nếu cấm đoán người thân trong gia đình không được sử dụng một loại thức ăn nào đó, thì lý do phải là vì lợi ích của chính người ấy, vì sức khỏe của họ. Nếu để cho cha mẹ, hoặc con cái bị bỏ đói mà không có lý do, thì chúng ta mắc lỗi.
Ra đến ngoài đường : Ở đây, những hình thức yêu thương, giúp đỡ người khác thật muôn hình vạn trạng. Ta cứ tạm lấy bản kinh thương xác 7 mối mà Hội Thánh đã phỏng theo bài Tin Mừng của Đức Giêsu làm đường lối thực hành.
Hãy nhớ bài dụ ngôn người giàu và Ladarô trong Lu-ca 16:19-31 : Ông nhà giàu ăn bận lụa là, gấm vóc, tiệc tùng linh đình, còn La-da-rô ăn xin, sống vất va vất vưởng ở ngoài cổng nhà, đói đến độ muốn được một miếng thừa liệng dưới gầm bàn mà không được, thế mà ngày này qua ngày khác, ông nhà giàu đâu có thấy. Khi ông nhà giàu chết, ông bị phạt sa hỏa ngục vì tội gì ? Không thấy nói ông có trọng tội gì khác, mà chỉ vì tội không để ý đến người nghèo sống ở gần mình, không chia sẻ cho họ đỡ cơn đói khát.
Khi giúp đỡ những người khác về thực phẩm lúc họ đang đói, không có nghĩa là cho đi những của ăn thừa thãi, nhưng là những của ăn mà chính chúng ta đang sử dụng. Giúp người khác như chính chúng ta cần có thức ăn để sống.
“Tôi khát!” Tiếng kêu này của Chúa Giê-su đang hấp hối trên đôi môi khô nẻ của hàng triệu người trên thế giới của chúng ta ngày hôm nay. Nửa triệu người chết mỗi năm vì nước ô nhiễm, và hai trong số sáu người dân vẫn phải mang về nhà nước mà họ sử dụng. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô bình luận về cuộc khủng hoảng này trong thông điệp gần đây của ngài: “Thế giới chúng ta mang nợ xã hội nghiêm trọng đối với những người nghèo không có nước sạch để uống và không đủ nước uống, vì họ bị từ chối quyền sống phù hợp với phẩm giá bất khả xâm phạm của họ” (Laudato Si số 30).
Công việc phúc đức cho kẻ khát uống thậm chí còn cơ bản hơn cho người đói thực phẩm để ăn, vì nước là một điều cần thiết cơ bản hơn so với thực phẩm. Chúng ta có nhiệm vụ phải tự giáo dục mình về các nhu cầu về nước trong các phần khác của thế giới và giúp tài trợ cho các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển nếu chúng ta có thể.