LEGIO MARIAE – CURIA ĐỨC MARIA MẸ GIÁO HỘI
HUẤN ĐỨC – NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT 2015 – 2016
THÁNG 6, 2016
14 MỐI THƯƠNG NGƯỜI
Thương xác 7 mối.
Mối thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người. (Rm 12:1-2)
1 Vậy hỡi anh em, nhân vì lòng thương xót của Thiên Chúa, tôi khuyên anh em: hãy hiến dâng thân mình anh em là lễ tế sống, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Ðó là sự thờ phượng thiêng liêng của amh em.
2 Ðừng rập theo đời này, trái lại hãy canh tân lương trí, mà biến hình đổi dạng, làm sao anh em thẩm định được ý Thiên Chúa là gì, thật là tốt lành, thú vị, trọn hảo.
Anh Chị Em thân mến, khuyên bảo là công việc của Lòng Thương Xót. Trước hết, cần xác định ai là người có trách nhiệm khuyên bảo ? và cần khuyên bảo những ai ? Có hai điểm cần trình bày: Trách nhiệm và đối tượng.
1. Trách nhiệm của người phải khuyên bảo: Người xưa nói: “Áo mặc không qua khỏi đầu.” hoặc “Trứng khôn hơn rận.” Điều đó có nghĩa rằng: người trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm hơn người lớn tuổi. Ý tưởng này vẫn còn thiết thực trong mọi thời nhưng trong tùy hoàn cảnh. Chưa kể là người có kinh nghiệm nhưng lại là kinh nghiệm sai nên đôi khi không còn phù hợp với hoàn cảnh nào đó.
Chúng ta cần dựa vào Lời của Chúa trong Sách Thánh để làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi hành động con người xưa cũng như nay. Chúng ta đang sống trong thời đại đề cao chủ nghĩa cá nhân: “tôi thiết lập cá nhân riêng của tôi về giá trị, và bạn thiết lập cá nhân riêng của bạn về các giá trị, và mỗi người có tự do thực hành những giá trị theo sự suy nghĩ của mình, miễn là chúng ta không làm thiệt hại cho người khác về thể chất cũng như tinh thần.” Tư tưởng này sai ở chỗ: dù mỗi cá nhân hành động riêng lẻ, nhưng đều có ảnh hưởng đến người khác, đều có sự liên đới lẫn nhau.
Mọi người đều có trách nhiệm trong hành động của mình đối với người khác. Ví dụ: Cha mẹ có trách nhiệm đối với con cái, và con cái cũng có trách nhiệm đối với cha mẹ. Người cầm quyền có trách nhiệm với kẻ dưới quyền và ngược lại, kẻ dưới cũng có ý kiến đối với người trên nếu cần có ý kiến. Trách nhiệm góp ý và xây dựng cho nhau là trách nhiệm có sự liên đới hỗ tương. Cụ thể, nếu bạn thực sự muốn được lòng mọi người, bạn sẽ không dám “sửa sai” người khác. Bạn sẽ hành động như một người “ba phải” hoặc “vuốt đuôi” và là người hèn nhát nếu bạn không có lập trường. Nếu bạn muốn khuyên bảo góp ý cho ai đó, ví dụ, một người thường có thói quen chửi thề khi nói chuyện, hoặc một người ăn mặc hở hang khiêu gợi, hoặc một người thường nói chuyện trong nhà thờ, hoặc một người thường chỉ trích chê bai người khác, người ngồi lê đôi mách, đổ vạ cáo gian cho người khác, nói không tốt về người vắng mặt… Nếu bạn can đảm dám góp ý, bạn sẽ nhận lãnh một hậu quả “tai hại”, người bị “góp ý” sẽ cho bạn một bài học. “Tôi không đụng chạm đến bạn, bạn đừng đụng chạm đến tôi.”; “Ai có linh hồn người ấy giữ.” Thói đời thường theo khuynh hướng: “Lời thật thì mất lòng.” Muốn khỏi mất lòng thì … đừng nói thật!
2. Đối tượng cần được khuyên bảo: người tội lỗi. “Nhân vô thập toàn.” Chính vì sự khiếm khuyết của con người mà mọi người cần được học hỏi, hướng dẫn, khuyên bảo. Nếu có ai tự cho mình là người hoàn hảo, không hành động bất cứ điều gì sai, không đụng chạm đến người nào.. Chúng ta cần nói cho người ấy biết, họ là người nói dối. Và người đó cần được khuyên bảo sống khiêm tốn, ngay thẳng. Điều mà chúng ta góp ý khuyên bảo người khác, trước tiên là với thái độ muốn giúp người đó trở nên tốt hơn, tức là thật lòng yêu thương họ, không có ý làm hại họ điều gì ngay trong cả điều mà chúng ta góp ý nhằm đem lại lợi ích cho họ hơn cho mình. Luôn đặt ích lợi cho họ trước tiên và tôn trọng giá trị nhân bản của họ dù họ có trinh độ như thế nào, ngay cả khi họ là người mang trọng tội, nhưng vì họ là một con người. Cho từng con người trần gian mà Chúa đến để gánh tội cho họ được tha, chết cho họ được sống.
Mọi người cần được khuyên bảo. Đó chắc chắn không phải là điều dễ dàng để làm. Nó có các đức tính của sự thận trọng như: tìm đúng thời điểm và chỉ cần những lời góp ý đúng, và bạn theo một cách khẳng định rõ nhân phẩm của người mà bạn muốn khuyên bảo, ngay cả khi bạn thách thức anh ta hoặc cô ấy thực hiện điều mà bạn góp ý với khả năng họ có thể thực hiện được.
Saint Faustina thiết lập một ví dụ tuyệt vời cho chúng ta trong vấn đề này. Trong tu viện của mình ở Ba Lan đôi khi Sơ Faustina thấy rõ các cuộc gọi của Chúa Thánh Thần để thực hành như “tình yêu hy sinh.” Sơ Faustina thực sự trở nên “nổi tiếng” trong cộng đoàn tu trì của mình vì Sơ Faustina đã “táo bạo” trong sự khuyên bảo chị em thậm chí còn lớn tuổi hơn và được giáo dục nhiều hơn trong Dòng chỉ vì lỗi lầm của họ về tin đồn độc hại, và một số trong các nữ tu, cuối cùng, miễn cưỡng tôn trọng lời góp ý của Sơ Faustina khi góp ý cho họ.
Hãy đọc hết đoạn thư Thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma kèm theo đây, bạn sẽ thấy tất cả những lời khuyên hữu ích chỉ vì lòng thương xót của Thiên Chúa muốn cho mọi người đón nhận ơn lành cứu độ.(Rm 12:1-21);và 1 câu khác ở chương 4 trong thư thứ hai gửi cho Ti-mô-thê-ô:“Hãy rao giảng Lời Chúa,hãy lên tiếng,lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngâm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.” (2Tm 4:2).
Thư Rô-ma Chương 12: III. Khuyến Thiện
1. Thực Hành Sự Công Chính – Sự Công Chính Ðòi Hỏi Những Gì?
Trích thư gửi tín hữu Rô-ma (Rm. 12:1-21)
Yêu sách căn bản
1 Vậy hỡi anh em, nhân vì lòng thương xót của Thiên Chúa, tôi khuyên anh em: hãy hiến dâng thân mình anh em là lễ tế sống, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Ðó là sự thờ phượng thiêng liêng của amh em. 2 Ðừng rập theo đời này, trái lại hãy canh tân lương trí, mà biến hình đổi dạng, làm sao anh em thẩm định được ý Thiên Chúa là gì, thật là tốt lành, thú vị, trọn hảo.
Trong cộng đoàn: khiêm tốn và thương yêu
3 Nhân vì ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi xin nói với mọi người trong anh em là: đừng có ý tự cao quá điều lượng được về mình; mà tự lượng lấy mình sao cho khiêm tốn, mỗi người tùy theo lường đức tin Thiên Chúa đã phân phối cho. 4 Vì cũng nơi mình ta, tuy nó là một, thế mà ta lại có nhiều chi thể, và chi thể hết thảy lại không đồng một công việc, 5 cũng vậy, chúng ta tuy nhiều người, ta chỉ có một thân mình trong Ðức Kitô, còn thì ai tùy phận nấy, mà làm chi thể lẫn cho nhau. 6 Ðược những ân lộc khác nhau, tùy theo ơn Thiên Chúa đã ban cho ta, thì nếu là tiên tri, (hãy làm tiên tri) theo mức độ lòng tin; 7 nếu là phục vụ, (hãy trọn) niềm phục vụ; kẻ làm thầy dạy, (hãy chuyên) việc dạy dỗ; 8 kẻ khuyến khích, (hãy ra công) khuyến khích; kẻ phân phát, (hãy có) lòng đơn thành; kẻ chủ sự, (hãy gắng) nhiệt thành; kẻ thương giúp, (hãy được) vui tươi.
9 Ðức mến không được giả hình; hãy gớm ghét điều ác; hãy khăng khít với điều lành. 10 Trong tình huynh đệ, hãy mến nhau tha thiết; bởi kính trọng nhau, hãy coi kẻ khác hơn mình. 11 Nhiệt thành không bê trễ; tâm thần đầy sốt sắng, mà làm tôi Chúa. 12 Hãy mừng vui vì mối hi vọng; hãy kiên nhẫn trong gian truân; hãy chuyên cần cầu nguyện. 13 Hãy chia sẻ sự túng thiếu của các thánh; hãy ân cần cho khách trọ nhà.
Thương yêu mọi người, cả kẻ nghịch
14 Hãy chúc lành cho kẻ bắt bớ, chúc lành chứ đừng chúc dữ. 15 Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc. 16 Cùng nhau tâm đồng ý hợp; đừng quá cao vọng về mình; trái lại hãy biết bỏ mình, chuộng phần hèn kém; đừng có tự thị mình khôn. 17 Ðừng lấy ác báo ác; điều thiện trước mặt mọi người, hãy cố quan tâm. 18 Nếu có thể, thì về phần anh em, hãy sống an hòa với hết mọi người. 19 Anh em thân mến, đừng báo oán; hãy nhường chỗ cho thịnh nộ (của Thiên Chúa), vì đã viết: oán phạt thuộc về Ta, Ta sẽ báo trả, lời Chúa phán. 20 Nhưng: nếu kẻ thù ngươi đói, hãy cho nó ăn; nó khát, hãy cho nó uống. Làm thế ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. 21 Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ.