Kính thưa quý vị thính giả,
Trong hai tháng hè 7 và 8 này, nhiều hoạt động của Đức Thánh Cha đã bị hủy bỏ, nhưng ngài vẫn muốn giữ lại giờ đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu hành hương tại Quảng Trường Thánh Phêrô vào trưa Chúa Nhật hàng tuần. Chia sẻ với các tín hữu hôm Chúa Nhật 6.7 vừa qua, Ngài đã lấy cảm hứng từ bài Tin Mừng, trong đó có lời mời gọi của Đức Giêsu: “Hỡi tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Đức Thánh Cha nói rằng, lời mời gọi này của Đức Giêsu dành cho hết thảy mọi người, xưa cũng như nay, giàu cũng như nghèo, nhưng đặc biệt, Đức Giêsu dành cho những ai đang chịu đau khổ nhất.
Ngài cũng chia sẻ thêm rằng khi mang lấy ách của Chúa theo lời mời gọi của Ngài, chúng ta cũng phải trở nên những con người biết chia sẻ gánh nặng với anh chị em mình, trở thành người mang đến cho họ niềm an ủi.
Ngài nói:
“Trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay, chúng ta nghe thấy lời mời gọi của Đức Giêsu. Ngài nói: “Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Khi Đức Giêsu nói điều này, đang hiện diện trước mắt Ngài là những con người mà Ngài gặp gỡ hàng ngày trên đường đi lên Galilea: rất nhiều người đơn sơ, người nghèo, bệnh nhân, tội nhân, người bị gạt ra bên ngoài xã hội… Những con người này thường đi theo Ngài để nghe lời Ngài – lời trao ban hy vọng! Những lời của Đức Giêsu luôn trao ban niềm hy vọng! Họ cũng muốn chỉ cần chạm vào vạt áo của Ngài. Chính Đức Giêsu cũng đã đi tìm những đám đông mệt mỏi và bất lực như đàn chiên không có người chăm sóc này (x. Mt 9,35-36) và Ngài tìm họ để rao giảng cho họ biết về Nước Chúa và để chữa lành nhiều người trong số họ về thể xác cũng như tinh thần. Bây giờ, Ngài mời gọi hết thảy họ hãy đến với mình: “Hãy đến với tôi” và Ngài hứa ban cho họ nghỉ ngơi và bồi dưỡng.”
Đức Thánh Cha giải thích rằng:
“Lời mời gọi này của Đức Giêsu nới rộng cho đến chúng ta ngày nay, vươn đến nhiều anh chị em đang bị đè nặng bởi những hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống, bởi những tình huống sinh tồn vất vả và nhiều khi chẳng có giá trị gì để nhắc tới. Trong những quốc gia nghèn nàn hơn, mà thậm chí nơi những vùng ngoại ô của những nước giàu, ta vẫn có thể tìm thấy nhiều người mệt mỏi và bất lực dưới sức nặng không thể chịu nỗi của việc bị bỏ rơi và sự hờ hững. Sự hờ hững: hờ hững của con người đối với những người thiếu thốn thật tệ hại biết bao! Tệ hại hơn, sự hờ hững của các Kitô hữu! Những người ở bên lề xã hội là những người nam nữ bị cái nghèo hành hạ, nhưng cũng có khi bị chính sự bất mãn của cuộc sống và sự hụt hẫng. Nhiều người bị buộc phải tỵ nạn khỏi quê cha đất tổ của mình, đánh liều chính cuộc sống của mình. Nhiều người hơn nữa mỗi ngày phải mang gánh nặng của một hệ thống kinh tế bóc lột con người, đè nặng trên họ cái “ách” không thể vác nỗi mà số ít những người có đặc lợi không muốn mang. Đức Giêsu nói với từng người con của Cha trên trời rằng: “Hãy đến với Ta, hỡi tất cả”. Nhưng Ngài cũng nói điều này với những ai sở hữu nhiều thứ mà trong con tim của họ trống trơn, không có Thiên Chúa. Đức Giêsu cũng gửi gắm đến những người này: “Hãy đến với ta”. Lời mời gọi của Đức Giêsu dành cho tất cả. Nhưng cách đặc biệt, Ngài dành cho những ai đang đau khổ nhất.”
Đức Thánh Cha nói thêm rằng:
“Đức Giêsu hứa cho tất cả mọi người được nghỉ ngơi nhưng Ngài cũng trao ban cho chúng ta một lời mời gọi nữa, lời mời gọi nhưng cũng giống như một mệnh lệnh: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). “Ách” của Chúa bao gồm cả việc giúp chia sẻ gánh nặng với người khác bằng tình yêu huynh đệ. Cứ mỗi khi nhận được sự nghỉ ngơi và êm ái nơi Đức Kitô, chúng ta cũng được mời gọi để trở nên sự nghỉ ngơi và êm ái cho anh chị em mình, với thái độ hiền lành và khiêm nhường, noi gương Thầy Chí Thánh. Sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng giúp chúng ta không chỉ chia sẻ gánh nặng của người khác nhưng còn không đè nặng lên họ quan điểm cá nhân, phán đoán, phê bình và sự hờ hững của chúng ta nữa.”
Cuối cùng, Ngài mời gọi người hãy hướng lòng về Mẹ Maria:
“Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Rất Thánh, đón nhận dưới tà áo mẹ tất cả những ai mệt mỏi và bất lực để nhờ đức tin tỏa sáng, được chứng thực trong cuộc sống, chúng ta có thể trở thành nơi nghỉ ngơi cho những ai đang cần giúp đỡ, cần sự hiền lành và niềm hy vọng.”
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Nguồn: RV