(Vatican City, 4-3-2013) – Một Hồng y Mỹ cho biết hôm Chủ Nhật rằng Giáo hội Công giáo đang trải qua rất nhiều thay đổi. “Đây là thời điểm lớn cho sự thay đổi trong Giáo Hội”, Đức Hồng y Timothy M. Dolan nói trong một thánh lễ được tổ chức cho các nhà báo Mỹ tại hầm mộ Đền thờ Thánh Phêrô trong Nhà nguyện Hungarian vào lúc 10:30 giờ địa phương. Ngài nói rằng nhiều ký giả hỏi ngài có tin rằng vị Giáo hoàng mới sẽ có nhiều thay đổi trong Giáo Hội.
“Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đầu tiên và quan trọng nhất là đừng thay đổi cơ cấu Giáo Hội, nhưng hãy để cho Chúa thay đổi chúng ta từ nội tâm”. Vị Hồng y 63 tuổi cho biết bản thân ngài cũng cần những thay đổi của “sự hoán cải, thống hối và canh tân tinh thần” để phản ánh tốt hơn “trọng tâm của Tin Mừng”.
“Những gì chúng tôi đang làm là làm cho Giáo Hội sống động và đó là điều quan trọng hơn việc bầu một vị giáo hoàng”, Đức Hồng y Dolan nói trong bài giảng của ngài. “Có rất nhiều việc quan trọng hơn đối với cuộc sống của hàng trăm triệu người Công giáo dự lễ Chúa Nhật sáng nay”. Đức Hồng y Dolan nói đó là Thánh lễ giúp người Công giáo hiểu rõ hơn “bản chất của giáo hoàng”.
“Thánh Phaolô nói: Tôi trao cho anh em những gì tôi đã lãnh nhận” – ngài nói – “Đó là bản chất của giáo hoàng, để trao lại cho các tín hữu những gì Thiên Chúa nói với Chúa Giêsu, những gì Chúa Giêsu nói với các tông đồ, và các tông đồ truyền lại cho chúng ta theo truyền thống”.
Trở lại với bài Tin Mừng, Đức Hồng y giải thích rằng con người qua các thời đại cố gắng tìm hiểu những gì Thiên Chúa nói với họ khi họ gặp những nghịch cảnh. “Họ đã cố gắng tìm hiểu cũng giống như chúng ta cố gắng tìm hiểu về những bi kịch, bệnh tật và đau khổ trong cuộc sống của chúng ta”, vị hoàng tử của Giáo Hội nói. “Chúa Giêsu đưa chúng ta trở về với những điều cơ bản” bằng cách nhấn mạnh đến sự cần thiết cho việc ăn năn và nhu cầu lắng nghe tất cả mọi người.
“Đừng luôn cố gắng tìm thánh ý của Thiên Chúa trong mọi lúc, nhưng hãy cố gắng tìm những gì Thiên Chúa đang muốn bạn làm từ nội tâm”, ngài khuyên. “Đó là một cuộc mời gọi để làm mới cuộc sống của bạn, với trái tim ăn năn hối cải và sự chuyển đổi tâm hồn”.
Dù các Hồng y đang nóng lòng muốn có một vị giáo hoàng mới cho thế giới, tuy nhiên các ngài cũng cần thời gian để chọn vị lãnh đạo thích hợp nhất. “Cũng có thể phải cần một thời gian dài” khi các Hồng y cần lượng định về việc biết hoặc chưa biết đủ về các hồng y khác, Đức Hồng y Wilfrid Napier nói với Catholic News Service hôm 1-3, ngày đầu tiên trống toà.
Không có vị lãnh đạo Giáo Hội nào muốn rời giáo phận của mình quá lâu và không ai muốn bỏ lỡ Lễ Phục Sinh, ngày 31-3. “Tuy nhiên, mặt khác, không Hồng y nào muốn quá trình này phạm lỗi bởi hành động thiếu cân nhắc” và vội vàng, ngài nói.
Vì không có thời gian để tang, thường kéo dài ít nhất 10 ngày sau khi một vị Giáo hoàng băng hà, ngài nói có thể có nhiều Hồng y đã có mặt tại Rôma nghĩ rằng “nếu tất cả chúng ta có mặt ở đây, tại sao chúng ta lại trì hoãn? Toàn thể Giáo Hội đang cần câu trả lời càng sớm càng tốt, nhưng họ muốn câu trả lời thích đáng”, ngài nói.
Tình thế khó khăn là: “Chúng ta có chọn được đúng người nếu chúng ta vội vàng? Liệu chúng ta có chọn được một người tốt hơn nếu chúng ta thong thả?”, ngài đưa ra câu hỏi.
Một phần trong quá trình bầu chọn Giáo hoàng bắt đầu từ ngày 4-3 với những cuộc họp chung, các cuộc họp hằng ngày để các Hồng y chuẩn bị cho Mật nghị Hồng y, thảo luận về các nhu cầu của Giáo Hội và xử lý các công việc nghiêm trọng hơn của Giáo Hội. Các vị Hồng y trên 80 tuổi có thể tham gia các cuộc họp này, nhưng không bắt buộc. Các cuộc họp chung kết thúc khi các Hồng y cử tri bắt đầu Mật nghị Hồng y.
Các Hồng y dùng các cuộc họp không chính thức và các cuộc họp chung để nhận biết nhau. Tuy nhiên, phần quan trọng của các cuộc họp chung là trao đổi ý kiến và báo cáo về các tình huống khác nhau của Giáo Hội trong các phần khác nhau của thế giới. Bằng cách đó, khi các ngài vào Mật nghị Hồng y, các Hồng y sẽ “có một ý tưởng tốt hơn về vị Giáo hoàng nào Giáo Hội đang cần – với những vấn đề mà vị tân Giáo hoàng sẽ phải đối phó”, và vị Giáo hoàng được bầu “đã hoàn toàn ý thức được một số trong những nhu cầu nghiêm trọng” cần chú ý, ngài nói.
Trong các cử hành Lễ Phục Sinh hồi năm 2005, Thánh lễ An táng và các cuộc họp chung lúc ấy do vị niên trưởng Hồng y đoàn, Đức Hồng y Joseph Ratzinger, đã tạo cho ngài diễn đàn thể hiện kỹ năng của ngài là một mục tử, một diễn giả và người biết lắng nghe, Đức Hồng y Napier cũng nói rằng các cuộc họp chung cũng cho các hồng y cấp bậc thấp hơn được cơ hội để toả sáng.
Được vinh thăng Hồng y năm 2001, Đức Hồng y Napier nói rằng trong thời gian 4 năm đầu tiên, ngài hầu như không biết các thành viên khác. Việc đó đã thay đổi phần lớn nhờ Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI. “Khi có một tổng công nghị, lúc nào Đức Giáo hoàng cũng muốn mời gọi các hồng y đến một ngày trước cuộc họp”, tạo cho các Hồng y có thêm cơ hội để biết lẫn nhau. “Điều đó không có nghĩa là tôi không cần tìm kiếm trên Google” để biết vị đó là ai, khuôn mặt thế nào, ngài nói thêm và cười. Nhưng các hồng y sẽ không đặt cả niềm tin của mình vào năng lực của Internet – ngài nói – “Chúng tôi sẽ phải đặt rất nhiều niềm tin vào sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần” trong việc giúp đưa ra quyết định.
Ngài nói tuổi tác là một yếu tố lớn, với các ứng cử viên lý tưởng là giữa 60 và 65 tuổi. Không chỉ là sức chịu đựng về tinh thần và thể chất mà còn là việc cần có một người trẻ hơn. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta cần có thêm một triều đại Giáo hoàng ngắn ngủi nữa”.
Vì chúng ta cần thời gian cần thiết cho một Giáo hoàng mới có thể xây dựng các nền tảng quan trọng từ di sản của Chân phước Gioan Phaolô II và Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI và kiến tạo “một khí thế phát triển hài hoà với những nhu cầu và đòi hỏi ngày càng trở thành rõ nét hơn”, ngài cho biết.
Cũng như Chân phước Gioan Phaolô II, điều quan trọng là vị tân Giáo hoàng cần đi khắp thế giới, thăm các tín hữu Công giáo. Một chuyến viếng thăm của Giáo hoàng làm cho Giáo hội Công giáo thành “một thực tại sống động” cho tín hữu và khôi phục lại cũng như tái khẳng định đức tin của họ, đó là điều rất quan trọng cho việc truyền giáo mới. Đức Giáo hoàng mới cũng sẽ phải xây dựng trên di sản của vị nguyên Giáo hoàng là đặt Chúa Kitô vào trung tâm cuộc sống của con người và nhìn thấy đức tin là một trải nghiệm linh hoạt và sống động của Thiên Chúa.
Đức Hồng y Napier nhớ lại rằng, trong cuộc họp cuối cùng với các Hồng y ngày 28-2, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói với các Hồng y rằng các vị có được một “dàn nhạc giao hưởng” mà các công trình tiết tấu hài hoà với nhau bất chấp những khác biệt của họ. Dù sao đi nữa, vị Giáo hoàng mới “không thể làm một mình”, Đức Hồng y cho biết. Ngài “sẽ nắm chắc rằng ngài sẽ có những vị lãnh đạo hợp ý với ngài ở Vatican để có thể dẫn đưa Giáo Hội bước tới”.
Hùng Nguyễn
Nguồn: emty