Phỏng vấn Đức Hồng Y Peter Erdoe, Chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Âu châu
Sau ba tuần nhóm họp Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ XIII đã kết thúc ngày 28-10-2012 với thánh lễ đồng tế do Đức Thánh Cha chủ sự trong đền thờ thánh Phêrô. Kết qủa cụ thể của các thảo luận trao đổi là danh sách 58 đề nghị đã được các nghị phụ bỏ phiếu chấp thuận đệ trình lên Đức Thánh Cha để giúp ngài soạn Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Peter Erdoe, Tổng Giám Mục Esztergom-Budapest, kiêm Chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Âu châu, về một thực tại trong cuộc sống của con người thời nay: đó là nỗi sợ hãi tương lai.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y cho rằng hiện tượng đánh mất đức tin kitô không chỉ là một lộ trình tự phát, nhưng nó đã tiến nhanh nhờ các phương tiện truyền thông xã hội, nhờ việc quảng cáo các quyền con người của thế hệ thứ ba và thứ tư cũng như nhờ các thay đổi nhân chủng học. Làm thế nào để chống lại tiến trình này, thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Nếu các thay đổi nhân chủng học gia tốc cho sự mất đức tin, thì điều này vẫn còn là môt khía cạnh ít nhiều tự phát. Nhưng chúng tôi là những người đến từ các nước cựu cộng sản đông âu, chúng tôi nhận thấy rằng việc đánh mất đức tin kitô đã không phải là một sự phát triển tự nhiên trong xã hội, nhưng nó đã bị áp đặt bởi các chính quyền cấm đoán rất nhiều sinh hoạt của các Giáo Hội. Họ đã dẹp bỏ các cơ cấu, bỏ tù một số lớn các Giám Mục, linh mục và tu sĩ, và quốc hữu hóa tất cả mọi trường học công giáo vv…
Trong các thập niên cuối cùng này, chúng tôi đã trở thành nhậy cảm hơn đối với các khía cạnh bề ngoài ngăn cản một vài loại sinh hoạt nào đó của các cộng đoàn tôn giáo trong xã hội. Chắc chắn khi một xã hội đã bị tục hóa nhiều rồi, thì người ta sẽ có các phản ứng khác nhau có thể được coi như là tự nhiên, như khi một người không nhận được một tin tức đúng đắn và khách quan về tôn giáo; thế rồi khi họ chỉ nhận được các tin tức tiêu cực, thì có lẽ họ sẽ ít chú ý tới lãnh vực tôn giáo hơn. Đứng trước tình trạng này chúng ta phải loan báo Tin Mừng, bởi vì con người ngày nay cần điều đó, bởi vì nó bị hành hạ bởi nỗi âu lo đối với tương lai, bởi sự bất an, bởi sự lạc hướng. Tất cả những điều này lan tràn trong thế giới của chúng ta ngày nay. Vì thế nếu có một câu trả lời rõ ràng và được xác nhận bởi chứng tá cá nhân của các tín hữu, thì sẽ có khả thể đến được với con tim của nhiều người.
Chứng tá đó đôi khi được trợ giúp bởi các phương tiện truyền thông, như trong thời Đức Gioan Phaolô II, khi đài truyền hình chiếu tất cả các buổi cử hành phụng vụ và Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Truyền thống này hiện nay vẫn tiếp tục với nhiều kết qủa qúy báu.
Hỏi: Có thể so sánh tình hình hiện nay của Giáo Hội với tình hình xảy ra sau năm 1517, tức với cuộc cải cách tin lành hay không?
Đáp: Các giống nhau hay các tương tự lịch sử không thuyết phục tôi cho lắm, bởi vì mỗi một thời đại luôn giống các thời đại đi trước dưới vài khía cạnh nào đó. Trong nghĩa này chắc chắn là có vài nét giống nhau và những nét không giống nhau. Vào thời đó Kitô giáo đã là tôn giáo của những kẻ mạnh, của các quyền lực to lớn, ra đi để chiếm đóng đất đai khắp nơi trên thế giới. Ngày nay tình hình rất khác. Ngày nay, khi nghĩ tới Thượng Hội Đồng Giám Mục, có thể nói Kitô giáo đã được loan báo hầu như khắp nơi trên thế giới. Sự hiện diện của nó không mạnh mẽ đồng đều nhau trong mọi nước, nhưng đức tin của chúng ta có tính cách toàn cầu hơn là cách đây 500 năm.
Tôi nghĩ rằng Công Đồng Chung Vaticăng II cũng có thể giống như Công Đồng Chung Trento. Ngày nay chúng ta đang ở trong giai đoạn thực thi các kết qủa của Công Đồng vĩ đại này. Bởi vì vào thời ấy cũng đã có một sự đối thoại lớn với nền văn hóa được canh tân của thế giới. Đã có những thách đố lớn và có các tài liệu nền tảng được ban hành liên quan tới việc canh tân toàn vẹn Giáo Hội. Tôi nghĩ tới các tài liệu công đồng và các tài liệu về việc canh tân phụng vụ.
Thế rồi, còn có Giáo Lý Giáo hội Công Giáo, mà chúng ta mừng kỷ niêm 20 năm công bố. Nó rất giống Sách Giáo Lý cho các cha sở được công bố sau Công Đồng Chung Trento. Nó là nền tảng được canh tân của đức tin. Luôn luôn tự do khỏi mọi hệ thống triết lý, nó theo thứ tự lời giảng dậy của việc thông truyền đức tin, nghĩa là liên quan tới kiinh tin Kính, các Bí Tích, kinh Lậy Cha, các giới răn của Thiên Chúa. Đây là giáo lý toàn vẹn phong phú của Giáo Hội công giáo.
Nếu chúng ta đọc các ghi chú chúng ta thấy các quy chiếu Thánh Kinh, các nguồn gốc của Truyền Thống, giáo huấn của các Công Đồng chung, của các Giáo Hoàng và một số các Giáo Phụ, chứ không phải là đám đông các ý kiến công giáo hay không công giáo lưu hành trong thế giới. Chúng ta có một dụng cụ quan phòng cho việc canh tân, và chúng ta phải đào sâu sự phong phú mà chúng ta đã nhận được từ Công Đồng.
Hỏi: Đức Hồng Y miêu tả tình hình Giáo Hội công giáo tại các quốc gia cựu cộng sản ra sao? Có sự khác biệt nào giữa Tây Âu và Đông Âu hay không?
Đáp: Dĩ nhiên là có sự khác biệt chứ. Khác biệt lớn nhất dấu ẩn trong các kinh nghiệm lịch sử của các thế hệ, còn đang sống và nhớ lại các kinh nghiệm ấy. Điều mà trong vài nước Tây Âu xem ra là một vấn đề lớn và nòng cốt, kể cả bên trong Giáo Hội nữa, thì lại là phụ thuộc đối với đôi mắt của các tín hữu Đông Âu. Thế rồi còn có một sự khác biệt triệt để cả trong địa vị kinh tế và xã hội của các Giáo Hội tây âu và đông âu nữa.
Bên Đông âu, Giáo Hội công giáo, và nói chung tất cả mọi Giáo Hội, đều nghèo và xã hội chung quanh cũng nghèo, cả khi có một số bất động sản đã được trả lại cho các Giáo Hội, và cả khi các Giáo Hội có phải lãnh trách nhiệm điều hành nhiều cơ sở có ích chung như các trường học và các nhà thương đi nữa. Không thể nói rằng: chúng ta cũng hãy dùng các kỹ thuật quyên tiền từ các Giáo Hội tây âu và làm như họ ở đây, thì sẽ đạt được cùng các kết qủa như vậy.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, trong diễn văn ở đầu Thượng Hội Đồng Giám Mục, Đức Hồng Y đã cho cảm tưởng rằng nền dân chủ truyền thống đang mất đi ý nghĩa của nó. Vậy theo Đức Hồng Y, xã hội của chúng ta đang đi theo hướng nào?
Đáp: Chúng ta không thể thấy trước tương lai. Các chương trình đưa ra cho các cuộc bầu cử ngày càng ít cụ thể, ít luận lý và trung thực hơn, cả khi người dân không đòi hỏi nhiều luận lý, vì họ quen định hướng thái độ của mình theo các quảng cáo. Mà các quảng cáo thì không nhắc tới lý luận, nhưng chú ý tới hành động trực tiếp. Người ta không nói tới việc dùng lý trí, và đây đã là một vấn đề khởi đầu rồi, một vấn đề nhân chủng học tra vấn các nền tảng nhân chủng của nền dân chủ. Thế rồi còn có các tình trạng kinh tế và tài chánh nghiêm trọng, tới độ ảnh hưởng trên cung cách hành xử của tất cả mọi chính quyền, một cách độc lập với chương trình ban đầu của họ.
Hỏi: Thượng Hội Đồng Giám Mục đã đặc biệt chú ý đến các vấn đề và các thách đố của việc loan báo Tin Mừng. Có các dấu chỉ tích cực nào của việc rao truyền Tin Mừng trong khung cảnh của Kitô giáo ngày nay hay không thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Có chứ, chẳng hạn như các phương tiện truyền thông xã hội. Chúng không bao giờ tốt hay xấu, nhưng trung lập. Con người có thể dùng chúng một cách đúng đắn hay không đúng đắn. Vì thế tất cả các phương tiện như Internet cống hiến một cơ may lớn cho việc truyền bá đức tin và cả cho việc xây dựng các tương quan cá nhân nữa. Điều này có nghĩa là Internet tự nó là một không gian của các tương quan cá nhân đích thật và sâu xa. Nó thích hợp với các tiếp xúc trực tiếp giữa con người với nhau và có thể gia tăng chiều sâu của các tương quan đó. Nhưng để được như vậy cần phải biết rõ các phương pháp riêng của thế giới truyền thông này.
Hỏi: Đề cập tới Kitô giáo âu châu, Đức Hồng Y đã nói rằng người ta đói khát hy vọng. Giáo Hội có thể thỏa mãn các chờ mong đó của con người trong bối cảnh mới của thế kỷ XXI như thế nào?
Đáp: Bằng cách chỉ cho thế giới thấy dấu chỉ lớn là Đức Giêsu Kitô. Chính Người là ánh sáng cho các dân nước. Chúng ta phải thông truyền không chỉ sứ điệp của Người, mà cả việc tiếp xúc với chính Người nữa. Bởi vì chính Chúa Giêsu Kitô loan báo Tin Mừng, cả ngày nay nữa, qua Giáo Hội. Người hành động trong các phương tiện mà Giáo Hội có trong các Bí tích và trong Lời Chúa. Vì không có Người, thì sẽ chỉ là cố gắng của con người, cả khi có đáng tôn trọng đi nữa. Thực tại đó là khi còn sống trên trần gian này Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đến các làng mạc và thành thị nơi Người muốn tới. Người muốn đến mọi nơi của trái đất bằng cách sai chúng ta ra đi rao giảng tại đó. Như thế chính qua chúng ta mà Chúa muốn tiếp xúc với toàn thể nhân loại.
Hỏi: Nhìn chung quanh chúng ta nhân ra các dấu chỉ của sự tục hóa và giảm thiểu lòng tin nơi Thiên Chúa. Có lẽ chúng ta đang chứng kiến một tiến trình trong đó con người thời nay tìm kiếm các kiểu diễn tả mới của cuộc sống tinh thần và các kiểu tương quan mới với Thiên Chúa, và xa rời các tôn giáo cơ cấu, đó đúng thế không thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Vài kiểu diễn tả có các ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn như tu đức là điều hay đẹp diễn tả thái độ sống nội tâm của con người trước một thực tại lớn lao được thừa nhận. Nhưng nếu chúng ta dùng từ ”tu đức” để ám chỉ trạng thái xúc cảm độc lập với các móc nối khách quan của thực tại, thì khi đó chúng ta ở trong lãnh vực duy chủ quan. Tu đức không đứng vững ngoài tôn giáo. Trong khi dựa trên đức tin, thì nó là một sức mạnh rất lớn lao.
Liên quan tới con người ngày nay chắc chắn là ý thức tôn giáo hiện diện nơi nhiều người không thuộc một Giáo Hội nào cả và họ không phải là những người sùng đạo trong nghĩa truyến thống của từ này, nhưng nhu cầu nhân bản của họ cần được hướng dẫn. Rất thường khi nhu cầu ấy bị lạc hướng và làm nảy sinh ra các hiện tượng không luôn luôn xây dựng trong cuộc sống như các tôn giáo giả, các hình thức mê tín dị đoan tai hại. Chính vì vậy chúng ta cần có các phương pháp tốt và nhiều kiên nhẫn trong việc loan báo niềm tin cho các anh chị em này, và giúp họ bước vào trong tương quan với Chúa Giêsu Kitô, Đấng có thể biến đổi cuộc đời chúng ta.
Hỏi: Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục, các nghị phụ cũng đã nói tới Đức Trinh Nữ Maria. Thế Đức Mẹ có vai trò nào trong việc rao giảng Tin Mừng?
Đáp: Mẹ Maria là tuyệt đỉnh và là gương mẫu của sự thánh thiện kitô. Mẹ là Bổn Mạng, là hy vọng và là ngôi sao của công tác rao giảng Tin Mừng, chỉ hướng đi đúng và là suối nguồn năng lực tinh thần.
Nhiều người nói rằng các trung tâm thánh mẫu ngày càng có đông tín hữu viếng thăm và càng quan trọng hơn. Chúng ta đang sống trong một thế giới du lịch, chuyển động và nhìn xem. Thứ ngôn ngữ này được sử dụng cao độ tại các trung tâm thánh mẫu, là nơi rao giảng Lời Chúa, dậy giáo lý, ban các bí tích và chuẩn bị cho việc lãnh nhận các Bí Tích.
Phát triển các trung tâm thánh mẫu có thể đối phó với các nhu cầu trên đây của tín hữu là một thách đố trong các đại lục khác nhau. Thế rồi cũng cần đánh giá cao các hình thức khác nhau trong việc sùng kính Đức Mẹ: các hội đoàn, các phong trào và các nhóm cầu nguyện. Người ta cũng phân phát tràng hạt Mân Côi để tín hữu cầu nguyện cho viêc rao truyền Tin Mừng cho những người chưa biết Kitô giáo.
(ZENIT 31-10-2012; 2-11-2012)
Linh Tiến Khải