Mở đầu diễn văn dành cho những người hiện diện, Đức Thánh Cha lặp lại lời chào của Chúa Giêsu Phục sinh: “Bình an cho anh chị em” (Ga 20,19). Bình an chính là lời đầu tiên được Chúa Giêsu loan báo, món quà đầu tiên dành cho các môn đệ sau cuộc khổ nạn thương đau và chiến thắng sự chết.
Bình an / hoà bình là món quà đầu tiên Chúa mang đến cho chúng ta và là nhiệm vụ đầu tiên các vị đứng đầu các quốc gia phải theo đuổi: đó là điều kiện nền tảng để tôn trọng quyền của mỗi người cũng như cho sự phát triển toàn diện của toàn dân tộc. Chúa Giêsu Kitô, Đấng được Chúa Cha sai đến thế giới với tư cách là Hoàng tử Hòa bình, đã cho chúng ta một mẫu để noi theo.
Ánh nhìn của Thiên Chúa
Chúng ta biết rõ rằng bản chất của cuộc gặp này của chúng ta khá đặc biệt và độc đáo theo một nghĩa nào đó, bởi vì đây không phải là cuộc gặp song phương hay ngoại giao thông thường giữa Giáo hoàng và Nguyên thủ quốc gia, và thậm chí không phải là một sáng kiến đại kết giữa các đại diện của các cộng đồng Kitô giáo khác nhau. Thật vậy, đây là một cuộc tĩnh tâm. Nguyên từ “tĩnh – rút lui” đã nói lên sự tự nguyện lánh khỏi một môi trường hoặc hoạt động để đến một nơi hẻo lánh. Và tính từ “tâm” chỉ đến một không gian mới của kinh nghiệm được đặc trưng bởi việc nhìn lại nội tâm, cầu nguyện tin tưởng, suy ngẫm cân nhắc và gặp gỡ hòa giải, để mang lại những kết quả tốt đẹp cho chính mình, rồi từ đó, cho các cộng đồng chúng ta thuộc về.
Mục đích của khóa tĩnh tâm này là cùng nhau đến trước Chúa và phân định ý muốn của Ngài; là suy tư về cuộc sống cá nhân và về sứ mạng chung được giao phó cho chúng ta; là nhận thức trách nhiệm lớn lao đối với hiện tại và tương lai của người dân Nam Sudan; là dấn thân, đổi mới và hòa giải, để xây dựng đất nước của anh chị em.
Anh chị em thân mến, chúng ta đừng quên rằng, đối với chúng ta, các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, Thiên Chúa đã giao phó nhiệm vụ dẫn dắt dân của Ngài: Ngài đã giao phó cho chúng ta nhiều, thì do đó, Ngài sẽ đòi hỏi nơi chúng ta nhiều hơn!
Mỗi cuộc tĩnh tâm, cũng như xét mình hằng ngày, đều giúp chúng ta cảm nhận bằng tất cả con người về ánh nhìn của Chúa. Lời Chúa cho chúng ta những ví dụ hay về cuộc gặp với ánh nhìn của Chúa Giêsu, đánh dấu những giây phút quan trọng trong cuộc sống của người môn đệ. Chúng ta xem xét ba ánh nhìn của Chúa Giêsu đối với Phêrô.
Ánh nhìn đầu tiên của Chúa Giêsu với Phêrô là khi Anrê dẫn Phêrô đến với Ngài. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: từ nay anh sẽ được gọi là Phêrô (x. Ga 1,41-42). Cái nhìn đầu tiên này là cái nhìn chọn lựa đã làm khơi dậy lòng nhiệt thành cho một nhiệm vụ đặc biệt.
Ánh nhìn thứ hai xảy ra vào buổi tối thứ Năm Tuần Thánh. Phêrô đã chối Chúa ba lần. Và Chúa Giêsu, bị lính dẫn đi, lại nhìn Phêrô, lần này làm cho ông ăn năn đau đớn hữu ích. Ánh nhìn thứ hai này đụng chạm đến con tim của Phêrô và mời gọi ông hoán cải.
Cuối cùng, sau khi phục sinh, trên bờ biển hồ Tiberia, Chúa Giêsu lại nhìn Phêrô, đã đòi ông tuyên xưng tình yêu của mình ba lần và trao cho ông nhiệm vụ chăn dắt đàn chiên, đồng thời cũng cho ông biết nhiệm vụ này sẽ dẫn đến đỉnh điểm là sự hy sinh mạng sống như thế nào (x. Ga 21,15-19).
Theo một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đã được kêu gọi đến đời sống đức tin, chúng ta đã được Thiên Chúa chọn, nhưng cũng được người dân chọn, để phục vụ Ngài cách trung thành, và trong việc phục vụ này, có thể chúng ta đã phạm những sai lầm lớn nhỏ. Tuy nhiên, Chúa Giêsu luôn tha thứ cho những lỗi lầm của những người ăn năn và luôn làm mới lại lòng tin tưởng của mình, đặc biệt đòi hỏi chúng ta cống hiến hoàn toàn cho dân của Ngài.
Anh chị em thân mến, ánh mắt của Chúa Giêsu bây giờ cũng nhìn mỗi người chúng ta. Điều rất quan trọng là nhìn vào nội tâm chúng ta và tự hỏi: Chúa Giêsu nhìn tôi hôm nay về điều gì? Ngài mời gọi tôi điều gì? Chúa muốn tha thứ cho tôi điều gì và Ngài yêu cầu tôi thay đổi thái độ nào? Sứ mạng và nhiệm vụ nào Chúa giao phó cho tôi vì lợi ích của dân Ngài?
Ánh nhìn của dân chúng
Ánh nhìn của Chúa trên anh chị em là cái nhìn trao ban bình an. Tuy nhiên, còn có một ánh nhìn khác trên anh chị em: đó là ánh nhìn của người dân của anh chị em, và đó là cái nhìn thể hiện mong muốn thiết tha về công lý, hòa giải và hòa bình. Người dân của anh chị em đang mong chờ anh chị em trở về quê hương, mong chờ sự hòa giải của toàn dân và một kỷ nguyên mới của hòa bình và thịnh vượng cho tất cả mọi người.
Tôi nghĩ đến trước hết những người mất người thân và nhà cửa, những gia đình ly tán và không bao giờ tìm lại được, các trẻ em và người già, tôi nghĩ đến mọi người đang đau khổ khủng khiếp vì những xung đột và bạo lực gieo rắc chết chóc, đói kém, đau thương và nước mắt.
Anh chị em thân mến, hoà bình là có thể. Tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi lặp lại rằng hòa bình là có thể! Nhưng món quà tuyệt vời này của Thiên Chúa cũng đồng thời là một sự dấn thân mạnh mẽ của những người có trách nhiệm đối với dân tộc. Kitô hữu chúng ta tin và biết rằng hòa bình là có thể bởi vì Chúa Kitô đã sống lại và chiến thắng điều ác bằng điều thiện, Ngài đã bảo đảm với các môn đệ về sự chiến thắng của hòa bình trước những sự đồng lõa với chiến tranh là kiêu ngạo, tham lam, ham muốn quyền lực, ích kỷ, dối trá và đạo đức giả.
Tôi cầu chúc tất cả chúng ta biết cách đón nhận ơn gọi cao nhất là trở nên nghệ nhân của hòa bình, trong tinh thần huynh đệ và liên đới với mỗi thành viên của dân tộc. Dân chúng đang mệt mỏi và kiệt sức vì những cuộc chiến trong quá khứ: hãy nhớ rằng với chiến tranh người ta mất tất cả! Dân của anh chị em hôm nay khao khát một tương lai tốt đẹp hơn, thông qua hòa giải và hòa bình.
Tôi chân thành hy vọng rằng cuối cùng thù địch sẽ chấm dứt, sự đình chiến được tôn trọng, những chia rẽ chính trị và dân tộc được khắc phục và hòa bình sẽ được dài lâu, vì lợi ích chung của mọi người dân. Họ đang mơ ước bắt đầu xây dựng đất nước.
Thật quý nếu anh chị em Kitô hữu dấn thân chung, trong các sáng kiến đại kết khác nhau của Hội đồng các Giáo hội Nam Sudan, vì sự hòa giải và hòa bình, vì những người nghèo và bị thiệt thòi, vì lợi ích tiến bộ của toàn dân Nam Sudan.
Cầu nguyện cuối
Kết thúc bài huấn dụ, Đức Thánh Cha dâng lời nguyện, cầu xin ơn tha thứ và hoà giải cho đất nước Nam Sudan, và xin ơn Thánh Thần hướng dẫn các nhà lãnh đạo để xây dựng đất nước hoà bình và liên đới.
Sau bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã đến chào bình an các vị lãnh đạo đất nước Nam Sudan, và một cách tự phát ngài quỳ xuống và hôn chân từng vị. Đây là một cử chỉ độc nhất của một vị giáo hoàng: quỳ xuống hôn chân những người đã từng gây đau thương cho biết bao nhiêu người, trong đó có cả những người của Giáo hội. Đây là cử chỉ mạnh mẽ như dấu chỉ hạ mình phục vụ và hoà giải. (CSR_2277_2019)
Vatican news