VATICAN. Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với hơn 50 ngàn tín hữu trưa chúa nhật 19-5-2014 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã cổ võ cách thức giải quyết các xung đột trong cộng đoàn Giáo Hội.
Ngài đã quảng diễn đoạn sách Tông Đồ công vụ, đọc trong thánh lễ Chúa nhật thứ 5 mùa Phục Sinh năm A nói đến những căng thẳng trong cộng đoàn Kitô và quyết định của các Tông Đồ chuyên lo việc cầu nguyện và sứ vụ Lời Chúa và thiết lập các phó tế để chăm sóc cộng đoàn về vật chất. Từ đó ĐTC rút ra bài học để giải quyết các vấn đề trong cộng đoàn Giáo Hội.
Bài huấn dụ của ĐTC
Anh chị em thân mến, chào anh chị em
Hôm nay bài đọc Sách Tông Đồ công vụ cho chúng ta thấy cả trong Giáo Hội sơ khai cũng xảy ra những căng thẳng và bất thuận đầu tiên. Trong cuộc sống, có những xung đột, vấn đề là ta đối phó với chúng như thế nào. Cho đến bấy giờ sự hiệp nhất của cộng đoàn Kitô được dễ dàng nhờ sự kiện các tín hữu thuộc về một chủng tộc và văn hóa duy nhất, văn hóa Do thái. Nhưng khi Kitô giáo, do ý muốn của Chúa Giêsu, được mở ra cho tất cả mọi dân tộc, mở ra đối với môi trường văn hóa Hy Lạp, thì sự đồng nhất không còn nữa và nảy sinh những khó khăn đầu tiên. Khi đấy có những người bất mãn, trách móc, và có những tiếng đồn về sự thiên vị và không được đối xử đồng đều. Điều này cũng xảy ra trong các giáo xứ của chúng ta. Sự giúp đỡ của cộng đoàn dành cho những người túng thiếu – các góa phụ, cô nhi và người nghèo nói chung, dường như ưu đãi các tín hữu Kitô gốc Do thái so với những người khác.
Bấy giờ, trước xung đột ấy các Tông Đồ đối phó với tình thế: các vị triệu tập một cuộc họp mở rộng cho các môn đệ, cùng nhau thảo luận vấn đề. Thực vậy các vấn đề được giải quyết không phải bằng cách làm bộ như thể chúng không hề hiện hữu! Và thật là đẹp cuộc đối chất thẳng thắn giữa các mục tử và các tín hữu khác. Vì thế họ đi đến sự phân chia nhiệm vụ. Các tông đồ đưa ra một đề nghị được mọi người chấp nhận: các vị chuyên chăm việc cầu nguyện và sứ vụ Lời Chúa, trong khi 7 người, các phó tế, sẽ lo việc phục vụ bàn ăn cho người nghèo. 7 người này không được chọn vì là chuyên gia, nhưng vì họ là những ngừơi lương thiện và có tiếng tốt, đầy Thánh Linh và khôn ngoan; họ được bổ nhiệm công tác phục vụ nhờ sự đặt tay của các Tông Đồ.
Và thế là từ sự bất mãn ấy, từ sự kêu trách đó, từ những tiếng đồn về sự thiên vị và đối xử không đồng đều, người ta đi đến một giải pháp. Qua sự đối chiếu, thảo luận và cầu nguyện, các xung đột trong Giáo Hội được giải quyết. Đối chiếu, thảo luận và cầu nguyện. Với xác tín rằng những sự nói hành nói xấu, ghen tương, phân bì không bao giờ có thể đưa chúng ta đến sự hòa hợp, thuận hòa hoặc an bình. Trong những trường hợp như thế, chính Thánh Linh giúp đạt tới thỏa thuận và điều này làm cho chúng ta hiểu rằng khi chúng ta để cho Thánh Linh hướng dẫn, Ngài sẽ dẫn chúng ta đến sự hòa hợp, hiệp nhất và tôn trọng các năng khiếu và tài năng khác nhau? Anh chị em có hiểu rõ không? Không nói hành nói xấu, không ghen tương, không phân bì.
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, để chúng ta biết quí chuộng nhau và ngày càng đồng qui sâu xa hơn trong đức tin và tình bác ái, giữ cho con tim được cởi mở đối với các nhu cầu của anh chị em.
Kêu gọi và chào thăm
Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC nói với các tín hữu rằng:
Anh chị em thân mến,
Nạn lụt nặng nề đã tàn phá nhiều miền ở vùng Balcan, nhất là tại Serbia và Bosnia. Trong khi tôi phó thác cho Chúa các nạn nhân của thiên tai này, tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với những người đang phải sống những giờ phút lo âu và đau khổ này.
”Hôm 17-5-2014, tại thành phố Iasi bên Rumani, ĐGM Anton Durcovici tử đạo đã được phong chân phước. Ngài là một mục tử nhiệt thành và can đảm, bị chế độ cộng sản Rumani bách hại và chết trong tù năm 1951 vì đói khát. Cùng với các tín hữu tại Iasi và toàn thể Rumani, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa!”
Đức Cha Antôn Durcovici sinh năm 1888 tại Altenburg bên Áo. Năm lên 6 tuổi, cậu Anton di cư sang Rumani với mẹ và anh. Thầy Anton gia nhập chủng viện tại Bucarest, rồi được gửi sang Roma theo học, đậu tiến sĩ triết học, thần học và giáo luật, thụ phong linh mục năm 1910 và năm 1947 cha được Tòa Thánh bổ làm GM giáo phận Iasi.
Dưới thời cộng sản ở Rumani, ngài đã phải chịu những đau khổ kinh khủng trong 2 năm tù ngục ở một trại tập trung bên Moldavia thời thế chiến thứ I, vì gốc gác tại Áo.
Trong những năm chế độ cộng sản Rumani bách hại Giáo Hội, mặc dù nhiều lần bị nhà nước hăm dọa, nhưng Đức Cha Durcovici vẫn tận tụy thi hành sứ vụ mục tử, viếng thăm các giáo xứ và loan báo Tin Mừng. Ngài bị bắt năm 1949 và giam tại nhà tù nghiêm ngặt ở Sighet và chết rũ tù tại đây ngày 10-5 năm 1951 lúc mới được 63 tuổi. Sáng sớm hôm sau, tài xế của nhà tù chở thi hài trần trụi của Đức Cha và quẳng xuống một huyệt chung tại nghĩa trang Do thái, gần nhà tù.
ĐTC cũng chào thăm tất cả các tín hữu Roma và khách hành hương, các gia đình, các nhóm giáo xứ, hội đoàn và trường học. Ngài cũng đặc biệt nhắc đến các học sinh các trường Công Giáo ở Madrid và Pamplona bên Tây Ban Nha, các học sinh đếntừ Messico và Colombes bên Pháp và nhiều trường học khác.
Ngai nói thêm rằng ”tôi khuyến khích các hội thiện nguyện đến dự Ngày bệnh nhân ung thư. Tôi cầu nguyện cho anh chị em, các bệnh nhân và các gia đình. Và xin Anh chị em nhớ cầu nguyện cho tôi nữa”.
Chúa nhật 17-5-2014 đã có hơn 60 ngàn người, trong đó có 5 ngàn phụ nữ mặc áo hồng, tham dự cuộc đi bộ lần thứ 15 ở Roma để hỗ trợ cuộc chiến đấu chống bệnh ung thư vú đồng thời thăng tiến sức khỏe của phụ nữ.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: RV