Ngọc Yến – Vatican News
Ngày Đời sống thánh hiến được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cử hành lần đầu tiên năm 1997, với mục đích chúc tụng Thiên Chúa về hồng ân đời sống thánh hiến, là điều vốn thuộc về sự thánh thiện của Giáo Hội, đồng thời ngày càng đề cao chứng tá của những người chọn theo Chúa Kitô qua việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm, và đây cũng là cơ hội quý giá để mọi người thánh hiến lập lại quyết tâm đã và đang khích lệ họ hiến thân phụng sự Chúa.
Mở đầu buổi lễ có nghi thức làm phép nến do Đức Thánh Cha chủ sự ở cuối Đền Thờ, rồi ngài cùng với đoàn đồng tế và các tu sĩ nam nữ, đại diện cho các lối sống Thánh Hiến khác nhau, rước nến tiến lên Bàn thờ chính.
Đặc biệt trong thánh lễ này có sự hiện diện của 300 nữ tu sống đời chiêm niệm. Các nữ đan sĩ vừa kết thúc khóa đào tạo đầu tiên về kinh tế cho các nữ đan sĩ và được Đức Thánh Cha cho phép đặc biệt để tham dự thánh lễ này.
Mở đầu bài giảng ĐTC nói: “Mắt con được nhìn thấy ơn cứu độ” (Lc 2, 30). Đây là những lời của ông Simêôn, người được Phúc Âm giới thiệu là một người đơn sơ: “một người công chính và sùng đạo” (c. 25). Trong số những người hiện diện trong đền thờ ngày hôm đó, chỉ có ông nhìn thấy Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ. Ông đã thấy gì? Một trẻ sơ sinh, yếu ớt. Nhưng ông đã thấy nơi trẻ này ơn cứu độ. Ông đón Hài Nhi trong vòng tay, trong đức tin, ông nhận ra trong Hài Nhi này Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa. Và sau đó, Simêôn, có thể ra đi trong bình an: ông đã thấy ân sủng đáng giá hơn cả sự sống (Tv 63, 4), và ông không chờ đợi điều gì khác.
Đức Thánh Cha mời gọi các tu sĩ: “Anh chị em cũng là những người nam và người nữ đơn sơ, đã nhìn thấy kho báu đáng giá hơn tất cả những tài sản trên thế giới. Vì kho báu này, anh chị em đã bỏ lại những thứ quý giá khác, như tài sản, khả năng tạo dựng một gia đình cho riêng mình. Tại sao anh chị em làm điều đó? Vì anh chị em yêu mến Chúa Giêsu, anh chị em đã nhìn thấy mọi sự trong Chúa, và được ánh mắt của Chúa đoái nhìn, anh chị em để lại tất cả”.
Biết nhìn ra ân sủng
“Mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ. Đây là những lời chúng ta lặp lại mỗi tối trong giờ Kinh tối. Với những lời này, chúng ta kết thúc một ngày và thưa: Lạy Chúa, ơn cứu độ của con đến từ Ngài, đôi tay con không trống rỗng, nhưng đầy ân sủng Chúa. Biết nhìn ra ân sủng đó là điểm khởi đầu”.
Đức Thánh Cha cũng cảnh báo cái nhìn theo thế tục, cám dỗ đe dọa đời sống tu sĩ. Không còn thấy ân sủng của Thiên Chúa là điều cốt yếu của cuộc sống, và rồi tu sĩ đi tìm kiếm điều khác thay thế: một chút thành công, một sự an ủi, cuối cùng làm những gì mình muốn. Tu sĩ trở thành những người sống theo thói quen và thực dụng, gia tăng nỗi buồn và ngờ vực, rồi đưa tới sự cam chịu.
Nét đẹp đời sống thánh hiến
Trái ngược với điều tiêu cực trên, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng nếu đứng vững trong tình yêu của Chúa, tu sĩ sẽ thấy được vẻ đẹp đời thánh hiến. Thấy nghèo khó không phải là một nỗ lực vĩ đại, mà là một sự tự do vượt trội, mang lại cho chúng ta chính Thiên Chúa và người khác, như một sự giàu có thực sự. Thấy khiết tịnh không phải là một sự cằn cỗi do không có con cái, mà là cách để yêu mà không cần sở hữu. Thấy vâng phục không phải là kỷ luật, mà là chiến thắng tình trạng hỗn loạn của chúng ta theo cách của Chúa Giêsu.
Sống tinh thần phục vụ
Tiếp đến, Đức Thánh Cha mời gọi các tu sĩ sống tinh thần phục vụ: ông Simêôn thấy Chúa Giêsu nhỏ bé, khiêm nhường, đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Người thánh hiến là người biết nhìn Chúa Giêsu, học cách sống phục vụ. Không chờ đợi người khác bắt đầu, nhưng bắt đầu tìm kiếm người thân cận, như Simeon tìm kiếm Chúa Giêsu trong đền thờ. Trong đời sống thánh hiến, chúng ta tìm người thân cận ở đâu? Trước hết trong chính cộng đoàn của mình.
Biết hy vọng
Cuối cùng Đức Thánh Cha mời gọi tu sĩ sống hy vọng. Đôi mắt của Simêon nhìn thấy ơn cứu độ bởi đôi mắt này đang chờ đợi ơn cứu độ (c. 25). Đôi mắt chờ đợi, hy vọng. Cái nhìn của những người thánh hiến phải là ánh mắt sáng lên niềm hy vọng: Biết hy vọng. Nếu chỉ nhìn xung quanh với những điều không hay, như số ơn gọi giảm, dễ làm cho chúng ta mất hy vọng. Chúng ta hãy nhìn vào Tin mừng và thấy Simêôn và Anna: họ đã già, đơn độc, nhưng họ không mất hy vọng, vì họ luôn có mối tương quan tiếp xúc với Chúa. Bà Anna “không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa” (c. 37). Đây là bí quyết: không xa rời Chúa, nguồn hy vọng.