VATICAN. Trong buổi tiếp kiến các Hồng Y và các chức sắc Tòa Thánh đến chúc mừng ngài sáng ngày 21-12-2012 nhân dịp Giáng Sinh và Năm Mới, ĐTC Biển Đức 16 đã kiểm điểm sinh hoạt của Tòa Thánh trong năm 2012.
Ngỏ lời với mọi người sau lời chúc mừng của ĐHY Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y đoàn, ĐTC cũng nhắc nhở mọi người hiện diện rằng, với tư cách là một gia đình, tất cả đang được mời gọi để đón mừng Hài Nhi Giêsu tại hang đá Belem, Đấng là Thiên Chúa nhưng đã đến gần con người và trở thành một người như chúng ta. Tiếp đến Ngài cũng gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả mọi người, đặc biệt là các vị Sứ Thần Tòa Thánh trên toàn thế giới. Cuối cùng, Đức Thánh Cha điểm lại những sự kiện quan trọng trong năm, bao gồm 3 cuộc công du, Đại Hội Các Gia Đình Thế Giới Tại Milan, Thượng Hội Đồng Thế Giới Lần Thứ 13 và cuối cùng là Năm Đức Tin. Trước hết, Đức Thánh Cha trình bày ngắn gọn những chia sẻ của ngài về ba cuộc công du trong năm vừa qua, ngài nói:
“Cuối năm nay chúng ta lại chứng kiến biết bao nhiêu cảnh huống khó khăn, những vấn đề và những thách đố lớn lao, nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng nhìn thấy những dấu chỉ của niềm hy vọng, trong Giáo hội cũng như trong thế giới. Hôm nay tôi muốn đề cập đến một vài yếu tố quan trong liên quan đến đời sống Giáo hội cũng như phận vụ Giáo Hoàng của tôi. Trước hết là những chuyến công du tới Mê-xi-cô và Cuba, những cuộc gặp gỡ với sức mạnh của đức tin không thể nào quên, một đức tin được bén rễ sâu trong trái tim con người ở đây; và họ thể hiện một đời sống vui tươi phát xuất từ đức tin. Trong các cuộc viếng thăm nơi vùng đất này, tôi nhớ có biết bao nhiêu đoàn người đông đảo nối tiếp nhau trong niềm vui và hạnh phúc. Nhiều bạn trẻ đã quỳ gối bên đường để đón nhận phép lành của Đấng kế vị thánh Phêrô. Tôi cũng nhớ những buổi cử hành phụng vụ hết sức long trọng bên tượng Chúa Kitô Vua làm cho Vương quyền của Người hiện diện giữa chúng ta, nhờ đó chúng ta cảm nhận được bình an, sự công chính và chân lý của Ngài. Tất cả sự kiện này diễn ra tại các quốc gia mà nơi đó đang phải đối diện với những vấn nạn khác nhau, những hình thức bạo lực cũng như những khó khăn về kinh tế. Trong khi những vấn nạn này không thể giải quyết bằng lòng nhiệt thành tôn giáo, thì nó cũng không thể nào giải quyết được nếu thiếu một sự thanh luyện của con tim xuất phát từ sức mạnh của đức tin, và từ cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Tại Cuba, tôi cũng được tham dự những cử hành phụng vụ long trọng, với những tiếng hát, lời kinh và cả sự thinh lặng làm cho sự hiện diện của Đức Kitô thực sự trở nên hữu hình giữa một đất nước mà chính quyền lâu nay đã nỗ lực để loại bỏ Ngài. Một sự tìm kiếm sự cân bằng giữa trách nhiệm và tự do ở đất nước này không thể thành công nếu bỏ qua điểm tham chiếu nền tảng mà con người đã khám phá ra ngang qua cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa.”
Tiếp đến, Đức Thánh Cha cũng nói về cuộc thăm viếng Lebanon và Đại Hội Gia Đình Quốc Tế ở Milan. Dù có nhiều chủ đề và nhiều sự kiện được bàn thảo trong năm nay, tuy nhiên Đức Thánh Cha muốn tập trung vào ba chủ đề chính yếu, đó là: gia đình, phục vụ hòa bình trong thế giới và đối thoại giữa các tôn giáo và cuối cùng là cuộc công bố sứ điệp của Đức Kitô trong thế giới ngày nay cho những người chưa biết Chúa Kitô hay cho những người dầu đã gặp gỡ Ngài nhưng chưa nhận ra Ngài.
Về chủ đề gia đình, Đức Thánh Cha nói như sau:
“Trước hết, những niềm vui lớn lao mà ngày họp mặt ở Milan mang lại cho thấy, giữa bao khó khăn và thách đố, gia đình vẫn mạnh mẽ và sống động trong thế giới ngày nay. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta không thừa nhận cuộc khủng hoảng đang đe dọa nền tảng của gia đình, đặc biệt là trong thế giới Tây Phương. Chúng ta cần lưu ý rằng, Thượng Hội Đồng Giám Mục đã không ngừng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gia đình như là một bối cảnh đích thực mà nơi đó chuyển giao kế hoạch của cuộc sống con người. Nơi gia đình chúng ta học để biết sống cho và sống với người khác. Vì thế, vấn nạn về gia đình không chỉ đơn thuần là một vấn nạn của một cấu trúc xã hội cụ thể, nhưng còn là vấn vạn về chính con người, về bản chất của con người và về con đường con người phải theo để trở nên người đích thực. Thách đố này bao gồm nhiều mặt. Trước hết là câu hỏi về khả năng của con người để thực hiện một cuộc cam kết hay là lẩn tránh sự cam kết đó. Một người có thể tự ràng buộc mình suốt cuộc đời không? Điều này có tương hợp với bản chất con người không? Điều này có đi ngược với tự do và mục đích tự thành toàn của bản thân không? Con người có thể trở nên là người đích thực khi chỉ sống cho riêng mình và chỉ đi vào mối tương quan với người khác khi thấy có thể phá vỡ mối tương quan này bất kỳ khi nào muốn không? Một sự cam kết suốt cuộc đời có đi ngược với tự do không? Một sự khước từ làm bất kỳ cuộc dấn thân nào cho thấy con người vẫn còn đóng kín với chính mình và giữ cái “Tôi” cho riêng mình và không thực sự vượt lên trên nó. Nhưng chỉ trong sự trao ban, con người mới thực sự tìm thấy chính mình. Và chỉ ngang qua việc mở ra với cái khác, người khác, với con cái, với gia đình, và để cho mình được biến đổi ngang qua những đau khổ, con người mới thực sự khám phá ra sự rộng lớn của bản tính nhân loại. Khi một sự dấn thân như thế bị loại trừ, hình ảnh về con người đích thực cũng biến mất: người cha, người mẹ, con cái – những yếu tố thiết yếu về kinh nghiệm hiện hữu của con người cũng biến mất.”
Nói về bản chất gia đình, Đức Thánh Cha nhắc nhở về bản chất của con người được sáng tạo như là những người nam và người nữ. Đó chính là công trình của Thiên Chúa, chứ không phải là sản phẩm của con người. Ngài nói:
“Thế giới ngày nay người ta từ chối bản chất của mình, và cho rằng, bản chất con người không phải là một điều gì được định sẵn nhưng họ có thể tự quyết định cho bản thân. Theo tường thuật sáng tạo của Thánh Kinh, con người được sáng tạo như những người nam và người nữ chính là bản chất của con người. Tính hai mặt này là một khía cạnh thiết yếu của con người. Tính hai mặt này là một điều được trao ban, nhưng giờ đây người ta đang tranh luận về nó. Giờ đây, Thiên Chúa không còn sáng tạo ra người nam và người nữ, thay vào đó là xã hội, và chính con người tự quyết định cho chính mình.” Đứng trước vấn nạn trên, Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng, khi người ta chọn lựa để tự sáng tạo cho chính mình, thì họ cũng khước từ Đấng Tạo Hóa, và khi ấy phẩm giá con người cũng biến mất. Và do đó, bất cứ ai chống lại Thiên Chúa, thì cũng đang chống lại con người.
Liên quan đến vấn đề đối thoại, Đức Thánh Cha nói rằng:
“Hiện nay, Giáo hội của chúng ta đang đối diện với ba lĩnh vực đối thoại chính yếu, ngang qua những cuộc đối thoại này, Giáo hội muốn hiện diện trong công cuộc đấu tranh cho con người và cho nhân tính của con người. Đối thoại với các quốc gia, với xã hội – bao gồm đối thoại với các nền văn hóa và khoa học – và cuối cùng là đối thoại với các tôn giáo. Trong các cuộc đối thoại này, tiếng nói của Giáo hội được đặt nền tảng trên ánh sáng của Đức Tin. Dầu vậy, Giáo hội cũng hợp tác với ký ức của nhân loại, vốn là những kinh nghiệm ngay từ giai đoạn đầu của lịch sử. Nơi đó, Giáo hội đã học về những điều kiện của con người, Giáo Hội kinh nghiệm về những giới hạn cũng như sự vĩ đại của nó, những cơ hội và những thách đố. Văn hóa nhân loại, mà Giáo hội là một sự đảm bảo, phát triển ngang qua cuộc gặp gỡ giữa mạc khải của Thiên Chúa và cuộc sống con người. Giáo hội đại diện cho ký ức về cái gì có ý nghĩa là trở thành người đích thực trong khi đối diện với nền văn minh hay lãng quên, và do đó chỉ biết đến nó và những tiêu chuẩn của nó. Một cá nhân không có trí nhớ sẽ đánh mất căn tính của mình thế nào, thì con người không có ký ức cũng sẽ đánh mất căn tính của họ như vậy. Điều mà Giáo hội đã học được từ cuộc gặp gỡ giữa mạc khải và kinh nghiệm của con người thực sự vượt ra khỏi lãnh vực của lý trí nhưng nó cũng không thuộc về một thế giới xa lạ vốn không liên hệ gì đến những người không tin. Ngang qua việc đi vào tư tưởng và sự hiểu biết của con người, tri thức này là một sự mở rộng địa hạt của lý trí, và do đó, nó cũng nói cho những người không chia sẻ Đức Tin trong Giáo hội. Trong cuộc đối thoại với các quốc gia và xã hội, dĩ nhiên là Giáo hội không có sẵn các câu trả lời cho những câu hỏi riêng biệt. Cùng với những thể chế khác trong xã hội, Giáo hội cũng phải vật lộn với những câu trả lời để đáp trả một cách tốt nhất cho chân lý tồn tại của con người. Những giá trị mà Giáo hội nhận thấy là nền tảng và không thể thay thế cho sự tồn tại của con người, Giáo hội phải công bố nó một cách rõ ràng và minh bạch. Giáo hội làm tất cả để có thể thuyết phục mọi người, vì thế điều này có thể đụng chạm đến các thể chế chính trị.”
Tiếp đến, về vấn đề đối thoại tôn giáo, Đức Thánh Cha cho nói rằng:
“Trong tình huống hiện tại của con người, cuộc đối thoại tôn giáo là một điều kiện cần thiết cho nền hòa bình trên thế giới và đó là nhiệm vụ của các Kitô Hữu cũng như các cộng đoàn tôn giáo khác. Cuộc đối thoại này mang những chiều kích khác nhau. Trước hết, đó đơn giản chỉ là một cuộc đối thoại về cuộc sống, đối thoại để sống cùng với nhau. Vì thế cuộc đối thoại này không hệ tại ở việc thảo luận những chủ đề của đức tin, nhưng về những vấn đề cụ thể của việc sống chung và chia sẻ trách nhiệm đối với xã hội, đối với đất nước và con người. Trong tiến trình này, điều cần thiết là phải học để biết chấp nhận người khác trong sự khác biệt của họ và cả trong sự khác biệt về suy nghĩ nơi họ. Để làm được điều này, sự chia sẻ trách nhiệm về công lý và hòa bình phải trở nên những nguyên lý hướng dẫn của cuộc đối thoại.”
Sau đó, Đức Thánh Cha chia sẻ một cách vắn tắt về chủ đề truyền giảng Tin Mừng, hay công cuộc Phúc Âm Hóa. Đức Thánh Cha nói rằng, những yếu tố nền tảng của tiếng trình Phúc Âm Hóa xuất hiện trong trình thuật của Thánh Gioan về việc kêu gọi hai môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả, những người mà sẽ trở nên môn đệ của Đức ki-tô (Ga 1,35-39).
“Trước hết, chúng ta có một hành động công bố rất đơn sơ. Ông Gioan chỉ về phía Đức Giêsu và nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa!” Một hành động tương tự được tường thuật trong một vài câu sau đó. Lần này, chính Anrê đã nói với em trai của mình rằng: “Tôi đã thấy Đấng Mesia” (1,41). Yếu tố đầu tiên và nền tảng nhất là một sự công bố chân thật, một Kerygma, vốn có sức lôi cuốn nhờ vào sự xác tín nội tâm sâu xa của người công bố. Trong trình thuật về các môn đệ đầu tiên, đoạn tiếp theo trình bày về việc lắng nghe và đi theo Đức Giê-su, chưa phải với tư cách là người môn đệ nhưng chỉ vì sự tò mò thánh thiêng, một khoảng khắc của sự tìm kiếm. Cả hai môn đệ này đều là những con người đang tìm kiếm. Họ đặt khát vọng mong chờ Thiên Chúa lên trên, và vượt qua những vấn đề thường ngày. Và khi đươc khích lệ bởi lời công bố, cuộc tìm kiếm của họ trở nên cụ thể. Họ muốn đến để biết rõ hơn về con người được Thánh Gioan Tẩy Giả mô tả là Chiên Thiên Chúa. Cảnh thứ ba bắt đầu khi Đức Giêsu quay qua, bắt gặp họ và hỏi: “Các con đang tìm gì?” Họ đáp lại bằng một câu hỏi xa hơn, minh chứng sự mở ra đối với sự mong chờ của mình, sự sẵn sàng của họ để bước những chặng đường tiếp theo. Họ hỏi: “Thưa thầy, Thầy ở đâu?” Câu trả lời “Hãy đến mà xem” của Đức Giê-su là một lời mời gọi bước đi với Ngài, và ngang qua đó, đôi mắt của họ mở ra để nhìn thấy Ngài.
Lời công bố chỉ hiệu quả trong những tình huống nơi đó người lắng nghe sẵn sàng cho Chúa đến gần họ, nơi đó con người đang tìm kiếm và đang trên đường hướng đến Thiên Chúa. Trái tim của họ được đụng chạm khi Đức Giê-su hướng đến họ, và như vậy cuộc gặp gỡ với lời công bố trở nên một sự tò mò linh thánh giúp người ta biết đến Thiên Chúa sâu xa hơn. Khi họ bước đi với Đức Giêsu, họ được dẫn tới nơi Ngài sống, đó chính là cộng đoàn Giáo hội, và cũng chính là Thân Thể của Ngài. Điều đó có nghĩa là họ đang đi vào cộng đoàn của những người dự tòng, một cộng đoàn vừa học hỏi vừa sống đạo, nơi mà ánh mắt chúng ta sẽ được mở ra khi chúng ta bước đi.
“Hãy đến mà xem”, câu nói mà Đức Giêsu đã nói với hai người môn đệ đi tìm kiếm Ngài khi xưa, thì Ngài cũng nói với những con người đang trên đường tìm kiếm trong thế giới hôm nay. Vào thời điểm cuối năm này, chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa cho Giáo hội để, bất chấp những giới hạn của mình, người ta vẫn không ngừng nhận ra nơi đó chính là nơi Thiên Chúa cư ngụ. Xin Ngài cũng mở mắt cho chúng ta khi chúng ta bước đi trên hành trình trở về nhà Ngài, để chúng ta có thể thấy rõ hơn và xác tín hơn: “Chúng tôi đã gặp Ngài, Ngài chính là Đấng mà toàn thể thế giới đang chờ đợi, là Đức Giê-su, là con Thiên Chúa Thật và là người thật.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha chúc mừng Giáng sinh tới mọi người hiện diện và toàn thể các tín hữu trên toàn thế giới, ngài nói:
“Với những tâm tình này, từ thâu thẳm trái tim tôi, tôi ước mong mọi người có một lễ Giáng Sinh an lành và một Năm Mới Hạnh Phúc.”
Nguyễn Minh Triệu sj