HARISSA. Chiều ngày 14-9-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã ký Tông Huấn ”Giáo Hội tại Trung Đông” đúc kết thành quả Công nghị các GM Trung Đông hồi tháng 10-2012 và chứa đựng chương trình hoạt động cho Giáo Hội trong những năm tới đây.
Buổi ký Tông Huấn diễn ra lúc 6 giờ chiều tại Vương cung thánh đường thánh Phaolô của Giáo Hội Công Giáo Melkite ở Harissa, phía bắc thủ đô Beirut, và chỉ cách tòa Sứ Thần Tòa Thánh lối 5 cây số.
Thánh đường này được xây cất theo kiểu Đền thờ Santa Sofia ở Istanbul, Thổ Nhĩ kỳ, với 5 mái vòm và chứa được 450 người. Khi đến đây ĐTC đã được Đức Thượng Phụ Gregorio, cùng với Cha Bề trên Cộng đoàn tiếp đón và rước vào bên trong thánh đường. Hiện diện tại đây cũng có tổng thống Cộng hòa Liban, và phu nhân, các Thượng Phụ và GM Công Giáo cũng như các HY GM thuộc Hội đồng của Thượng HĐGM Trung Đông. Ngoài ra cũng có các phái đoàn của các Giáo Hội Chính Thống, và các Cộng đoàn Hồi giáo, cũng như đại diện giới văn hóa và xã hội dân sự.
Sau lời chào mừng của Đức Thượng Phụ Gregorio, Đức TGM Tổng thư ký Thượng HĐGM, Nikola Eterovic, đã gợi lại vắn tắt tiến trình Thượng HĐGM Trung Đông nhóm tại Roma từ ngày 10 đến 24-10 năm 2010. Ngài nói: ”Đây là lần đầu tiên trong lịch sử gần 2 ngàn năm của Giáo Hội, ĐGH triệu tập tại Roma tất cả các GM Trung Đông, các GM chính tòa và hiệu tòa, cả một số vị về hưu. Các vị tham dự Thượng HĐGM về đề tài ”Giáo Hội Công Giáo tại Trung Đông: hiệp thông và chứng tà. Đông đảo các tín hữu đồng tâm hiệp ý với nhau” Cv 4,32)…
”Nay trong dịp trọng thể này, họp nhau trong Vương cung thánh đường thánh Phaolô của Giáo Hội Công Giáo Hy lạp Melkite cổ kính này, con cảm thấy có nhiệm vụ cám ơn tất cả các nghị phụ đã đóng góp đầy uy tín và giá trị vào suy tư về tình hình Giáo Hội và xã hội tại Trung Đông. Từ sự hiệp thông và công việc của Thượng HĐGM, người ta đã có thể làm nổi bật sự nảy sinh một bình minh mới đầy hy vọng cho các tín hữu Kitô, giữa những khó khăn.
Huấn từ của ĐTC
Về phần ĐTC, ngỏ lời với mọi người sau bài đọc Tin Mừng theo thánh Gioan (12, 20-32) nói về những dấu chỉ vinh quang của Chúa Giêsu được tỏ hiện, ngài nhận định rằng thật là một điều Chúa quan phòng khi biến cố ký Tông Huấn này diễn ra vào ngày lễ Thánh Giá Vinh Hiển, một lễ được khai sinh tại Đông Phương vào năm 335, sau lễ Thánh Hiến Đền thờ Phục Sinh trên đồi Golgotha và Mộ Thánh do Hoàng đế Constantino. ĐTC nói:
”Tôi thấy Tông Huấn hậu Thượng HĐGM Trung Đông này có thể được đọc và giải thích dưới ánh sáng lễ Thánh Giá Vinh Hiện, đặc biệt là dưới ánh sáng của hai chữ đầu của từ Cristos. Việc đọc như thế giúp tái khám phá căn tính đích thực của tín hữu đã chịu phép rửa và của Giáo Hội, đồng thời như một lời mời gọi làm chứng tá trong và qua tình hiệp thông. Hiệp thông và chứng tá Kitô đồng qui trong Mầu Nhiệm Phục Sinh, mầu nhiệm chịu đóng đanh, chịu chết và sống lại của Chúa Kitô, và tìm được sự viên mãn trong đó. Nếu không có quan hệ như thế, thì việc suy tôn Thánh Giá chỉ là biện minh cho đau khổ và chết chóc. Đối với Kitô hữu, tuyên dương Thánh Giá có nghĩa là hiệp thông hoàn toàn với tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa đối với loài người. Đó là tuyên dương thánh giá trong viễn tượng Phục Sinh.”
ĐTC cũng nhận xét rằng khi nghĩ đến tình trạng Giáo Hội hiện nay tại Trung Đông, các nghị phụ đã suy tư về những vui mừng và đau khổ, lo sợ và hy vọng của các môn đệ Chúa Kitô sống tại miền này. Toàn thể Giáo Hội đã có thể nghe những tiếng kêu lo âu và cảm thấy cái nhìn tuyệt vọng của bao nhiêu người nam nữ ở trong tình trạng cam go về mặt con người và vật chất, sống những căng thẳng mạnh mẽ trong lo sợ, Họ là những người muốn theo Chúa Kitô là Đấng mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ, nhưng nhiều khi họ bị ngăn cản. Vì thế, tôi đã muốn cho Thư thứ I của thánh Phêrô được coi như nền của Tông Huấn này. Đồng thời Giáo Hội có thể chiêm ngưỡng những gì là đẹp, và cao trọng trong các Giáo Hội tại Trung Đông.
ĐTC nhận xét rằng Tông huấn Giáo Hội tại Trung Đông giúp suy nghĩ lại hiện tại để hoạch định tương lai với cùng cái nhìn của Chúa Kitô. Qua những hướng đi Kinh thánh và mục vụ, qua lời mời gọi đào sâu về linh đạo và Giáo Hội học, qua sự canh tân phụng vụ và huấn giáo, qua những lời kêu gọi đối thoại, Tông Huấn muốn vạch ra một con đường để tim lại điều thiết yếu, đó là theo Chúa Kitô, trong một bối cảnh khó khăn, nhiều khi đau thương, một bối cảnh có thể làm nảy sinh cám dỗ cố tình không biết đến hoặc quên đi Thánh Giá vinh hiển.”
Sau bài huấn từ, ĐTC đã ký vào Văn bản Tông Huấn, một văn kiện dài hơn 100 trang sẽ được ngài chính thức trao cho các Đại diện của các Giáo Hội Công Giáo ở Trung Đông trong thánh lễ sáng chúa nhật 16-9-2012.
Giã từ Vương cung thánh đường thánh Phaolô vào lúc quá 7 giờ chiều, ĐTC đãi về Tòa Sứ thần Tòa Thánh gần đó để dùng bữa tối và qua đêm.
Sứ quán của Tòa Thánh trước kia thủ đô Beirut cho đến khi xảy ra chiến tranh hồi năm 1975, vì khu vực này liên tục bị pháo kích, nên vị đại diện Tòa Thánh phải hai lần thay đổi trụ sở trước khi di chuyển chung kết vào năm 1983 đến dinh thự mùa hè ở Harissa, chỉ cách Đền thánh Đức Mẹ Liban 300 mét.
Nội Dung Tông Huấn ”Giáo Hội tại Trung Đông”
Tông huấn ”Giáo Hội tại Trung Đông”, được ấn hành bằng các thứ tiếng chính, và đặc biệt bằng tiếng Arập và Do thái, ngoài phần Lời tựa, Nhập đề, và kết luận, còn có 3 phần.
Văn kiện này được soạn thảo dựa trên 44 đề nghị chung kết của Thượng HĐGM và mời gọi Giáo Hội Công Giáo tại Trung Đông làm cho tình hiệp thông trong nội bộ của mình được sinh động, cởi mở đối với với người Do thái và Hồi giáo. Đây là một tình hiệp thông, hiệp nhất, cần đạt tới trong những bối cảnh khác biệt về địa lý, tôn giáo, văn hóa, xã hội chính trị ở Trung Đông. Đồng thời ĐTC tái kêu gọi bảo tồn và thăng tiến các nghi lễ của các Giáo Hội Đông phương, vốn là gia sản của toàn thể Giáo Hội Chúa Kitô.
– Phần thứ I của Tông huấn đề cập đến bối cảnh các tín hữu Kitô tại Trung Đông, trong đó nhiều người bị thiệt mạng, nạn nhân của sự mù quáng của con người, sống trong lo sợ và tủi nhục. Dường như không có những gì cản ngăn được tội ác của Cain. Tông huấn nhắc lại lập trường của Tòa Thánh về các cuộc xung đột trong vùng, về thành Jerusalem và các nơi thánh. Văn kiện tái kêu gọi hoàn cải, và hòa bình: hòa bình này không phải là vắng bóng xung đột, nhưng là an bình nội tâm và gắn liền với công lý, vượt thắng mọi sự phân biệt chủng tộc, phái tính và giai cấp; sống tinh thần tha thứ trong lãnh vực riêng tư và cộng đồng.
Phần I của Tông huấn cũng đề cập đến đời sống Kitô và phong trào đại kết, việc đối thoại liên tôn với người Do thái và Hồi giáo, lên án việc lạm dụng tôn giáo vào những cuộc xung đột không thể biện minh được đối với một tín hữu chân chính. Văn kiện khuyến khích các tín hữu Kitô quí chuộng Hồi giáo là tôn giáo đa số trong vùng, nhưng đồng thời cũng than phiền rằng cả hai bên đã sử dụng những khác biệt đạo lý như cái cớ để biện minh, nhân danh tôn giáo, cho những hành vi bất bao dung, kỳ thị, gạt ra ngoài lề, thậm chí cả những hành vi bách hại. ĐTC cũng kêu gọi các xã hội Arập đi xa hơn sự bao dung để tiến tới tự do tôn giáo.
Văn kiện này nhắc đến hai thực tại: trước tiên là đặc tính đời với những hình thức nhiều khi có tính chất cực đoan, tiếp đến là trào lưu cực đoan bạo động có liên hệ tới tôn giáo. Tông huấn cổ võ đặc tính đời, sự trung lập của nhà nước về tôn giáo một cách lành mạnh, chấp nhận sự cộng tác giữa chính trị và tôn giáo trong sự tôn trọng lẫn nhau. Tông huấn chống lại chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, dùng võ lực để cướp chính quyền và không am hiểu tôn giáo của người khác, chà đạp lương tâm và tôn giáo của tha nhân, vì lý do chính trị. Vì thế, ĐTC tha thiết kêu gọi các vị lãnh đạo tôn giáo ở Trung Đông, qua gương sáng và giáo huấn, hãy làm tất cả những gì có thể để loại trừ đe dọa bạo lực dựa trên tôn giáo gây chết chóc cho tín đồ các tôn giáo.
Tông huấn phê bình một khía cạnh khác trong thực tại xã hội ở Trung Đông, tố giác nhiều hình thức kỳ thị phụ nữ. ĐTC viết: ”Trong khi nhìn nhận huynh hướng bẩm sinh của nữ giới là yêu thương và bảo vệ sự sống con người, và trong khi ca ngợi sự đóng góp đặc thù của nữ giới cho nền giáo dục, săn sóc sức khỏe, các hoạt động từ thiện và tông đồ, tôi tin rằng phụ nữ phải nắm giữ và phải được để cho nắm giữ vai trò lớn hơn trong đời sống công cộng và Giáo Hội”.
Tông huấn cũng đề cập đến vấn đề các tín hữu Kitô xuất cư khỏi Trung Đông. Một Trung Đông không còn hoặc chỉ còn rất ít Kitô hữu thì không còn là Trung Đông nữa. Vì thế, ĐTC kêu gọi các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo tránh những chính sách hoặc chiến lược biến Trung Đông thành một mầu sắc, không còn phản ánh thực tại con người và lịch sử nữa.
ĐTC cũng mời gọi các vị chủ chăn của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương giúp các LM và tín hữu của mình ở hải ngoại hãy giữ liên lạc với gia đình và Giáo Hội nguyên gốc của họ. Ngoài ra ngài kêu gọi các vị chủ chăn của các giáo phận đón nhận các tín hữu Công Giáo Đông phương hãy cho họ được cư hội cử hành phụng vụ theo truyền thống của họ.
– Phần thứ II của Tông huấn ngỏ lời với một số thành phần chủ yếu của Giáo Hội Công Giáo, từ các vị Thượng Phụ các Giáo Hội Công Giáo tự quản, cho đến các GM, LM và chủng sinh, những người sống đời thánh hiến và giáo dân, các gia đình, người trẻ và trẻ em. Ngài gửi đến họ những lời nhắn nhủ thích hợp với hoàn cảnh hiện nay.
– Trong Phần thứ III, Tông huấn đề cập đến những chủ đề như:
- Lời Chúa là linh hồn và là nguồn mạch hiệp thông và chứng tá
- Phụng vụ và đời sống bí tích
- Cầu nguyện và hành hương
- Rao giảng Tin Mừng và bác ái: sứ mạng của Giáo Hội
- sau cùng là việc huấn giáo và đào tạo theo tinh thần Kitô.
– Trong phần kết luận Tông Huấn, nhân danh Thiên Chúa, ĐTC kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo không những thoa dịu nỗi đau khổ của tất cả những người đang sống tại Trung Đông, nhưng còn loại trừ những nguyên nhân gây ra những đau khổ ấy, làm tất cả những gì có thể để đạt tới hòa bình. Đồng thời, các tín hữu Công Giáo cũng được nhắn nhủ củng cố và sống tình hiệp thông với nhau, mang lại sức sinh động cho việc mục vụ. Thái độ thờ ơ nguội lạnh là điều làm phật lòng Thiên Chúa”, vì thế, các tín hữu Kitô tại Trung Đông, Công Giáo và các hệ phái khác, hãy đoàn kết và can đảm làm chứng về Chúa Kitô. Chứng tá này không phải là dễ dàng, nhưng là điều mang lại sự phấn khởi”.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: Vietvatican