VATICAN. 250 ngàn tín hữu đã tham dự Lễ Lá đầu tiên do ĐTC Phanxicô cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô sáng chúa nhật 24-3-2013. Ngài kêu gọi các tín hữu vượt thắng sầu muộn và hẹn gặp các bạn trẻ tại Ngày Quốc Tế giới trẻ vào tháng 7 năm nay tại Rio de Janeiro, Brazil.
Buổi lễ bắt đầu với nghi thức làm phép lá diễn ra tại chân cây tháp bút ở giữa Quảng trường và cuộc rước lá tiếp đó: đi đầu là Thánh Giá nến cao, 400 bạn trẻ cầm các ngành ôliu, rồi đến đoàn 100 giám chức và LM, 50 Giám Mục và 30 Hồng Y. Hai Hồng Y phó tế phụ giúp ĐTC là ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, và ĐHY Mauro Piacenza, Tổng trưởng Bộ giáo sĩ, và 4 HY, Giám Mục đồng tế.
Các vị cũng như ĐTC cầm những cành lá được kết lại rất nghệ thuật, đi rước tiến lên bàn thờ trên thềm của Đền thờ, trong khi 2 ca đoàn gồm gần 300 người đảm nhận phần thánh ca.
Bài giảng của ĐTC
Trong bài giảng sau bài thương khó do 3 phó tế công bố, ĐTC đã lần lượt quảng diễn 3 ý tưởng chính: niềm vui, thập giá và người trẻ. Ngài nói:
1. Chúa Giêsu vào thành Jerusalem. Đám đông các tín hữu hân hoan tháp tùng ngài, họ trải áo choàng trước Ngài, người ta nói về những việc lạ lùng Ngài đã thực hiện, một tiếng kêu ngợi khen trổi lên: ”Chúc tụng đến đang đến, là vua, nhân danh Chúa. Hòa bình trên trời và vinh danh trên các tầng trời cao” (Lc 19,38).
Đám đông, hân hoan, ngợi khen, chúc tụng, an bình: đó là một bầu không khí vui mừng mà ta cảm nghiệm. Chúa Giêsu đã thức tỉnh trong tâm hồn bao nhiêu hy vọng nhất là nơi những người khiêm hạ, đơn sơ, nghèo khổ, bị lãng quên, những người không đáng kể gì trước mắt thế giới. Ngài đã biết cảm thông những lầm than của con người, đã tỏ khuôn mặt từ bi của Thiên Chúa, đã cúi mình chữa lành xác hồn.
Đó là Chúa Giêsu. Đó là con tim của Ngài nhìn đến tất cả chúng ta, nhìn những bệnh tật của chúng ta, tội lỗi của chúng ta. Đó là tình thương lớn lao của Chúa Giêsu. Và thế là ngài đi vào thành Jerusalem với tình thương ấy, và nhìn tất cả chúng ta. Đó là một cảnh tượng thật đẹp: đầy ánh sáng, ánh sáng tình thương của Chúa Giêsu, của trái tim Ngài, đầy vui mừng và hân hoan như ngày lễ hội.
Đầu thánh lễ, chúng ta cũng lập lại điều đó. Chúng ta đã vẫy các cành lá. Cả chúng ta cũng đón tiếp Chúa Giêsu: cả chúng ta cũng bày tỏ niềm vui được tháp tùng Ngài, biết Ngài gần kề, hiện diện trong và giữa chúng ta, như một người bạn, một người anh, và cũng như một vị vua, nghĩa là như ngọn đèn pha sáng ngời trong đời sống chúng ta. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã hạ mình đồng hành với chúng ta. Ở đây Ngài soi sáng cho chúng ta trên đường đi. Và đó là lời đầu tiên mà tôi muốn nói với anh chị em: đó là vui mừng! Anh chị em đừng bao giờ là những người nam nữ buồn sầu: một Kitô hữu không bao giờ có thể như vậy! Anh chị em đừng bao giờ để cho nản chí thất vọng chiếm đoạt! Niềm vui của chúng ta không phải là niềm vui phát sinh từ sự sở hữu bao nhiêu của cải, nhưng nảy sinh từ cuộc gặp gỡ một Nhân Vật là Chúa Giêsu, từ sự biết rằng với Ngài, không bao giờ chúng ta lẻ loi, cả trong những lúc khó khăn, cả khi đường đời chúng ta gặp phải những vấn đề và chướng ngại có vẻ không thể vượt qua nổi, và có bao nhiêu chướng ngại như thế! Và trong lúc này kẻ thù đến, ma quỉ đến, bao nhiêu lần nó đội lốt thiên thần, tinh quái nói với chúng ta những lời của nó. Anh chị em đừng nghe nó! Chúng ta hãy theo Chúa Giêsu! Chúng ta tháp tùng, theo Chúa Giêsu, nhưng nhất là chúng ta biết rằng Ngài tháp tùng chúng ta và vác chúng ta lên vai: đây chính là niềm vui của chúng ta, niềm hy vọng mà chúng ta phải mang vào thế giới này. Và xin anh chị em đừng để lấy mất niềm hy vọng! Đừng để niềm hy vọng bị đánh cắp! Niềm hy vọng mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta.
2. Lời thứ hai. Tại sao Chúa Giêsu vào thành Jerusalem, hay đúng hơn: Chúa Giêsu vào thành Jerusalem như thế nào? Đám đông dân chúng hoan hô Ngài như vị Vua. Và Ngài không chống lại, không bảo họ im đi (Xc Lc 19,39-40). Nhưng Chúa Giêsu là loại Vua nào? Chúng ta hãy nhìn Ngài: Ngài cưỡi một con lừa con, không có đoàn tùy tùng đi theo, không có một binh đoàn biểu tượng quyền lực. Những kẻ đón tiếp Ngài là những người dân khiêm hạ, đơn sơ, những người có cảm thức nhìn thấy nơi Chúa Giêsu một cái gì hơn nữa, họ có cảm thức đức tin, thấy rằng: Vị này là Đấng Cứu Thế. Chúa Giêsu không vào Thành Thánh để nhận vinh dự dành cho các vua trần thế, cho kẻ có quyền bính, cho kẻ thống trị; Ngài vào thành để chịu đánh đòn, lăng mạ và xúc phạm, như Isaia đã báo trước trong Bài đọc thứ I (Xc Is 50,6); Ngài vào để chịu mão gai, một cái gậy, một áo choàng đỏ, vương quyền của Ngài là đối tượng cho sự nhạo cười; Ngài vào để bước lên đồi Canvê vai vác khổ giá. Và đây lời thứ hai: Thập Giá.
Chúa Giêsu vào thành Jerusalem để chịu chết trên Thập Giá. Và chính tại đó, bản chất vua của Ngài theo Thiên Chúa chiếu tỏa rạng ngời: Ngai vàng của Ngài là cây gỗ Thập Giá! Tôi nghĩ đến điều ĐGH Biển Đức 16 đã nói với các Hồng Y: Anh em là những hoàng thân, nhưng là hoàng thân của một vị Vua chịu đóng đanh. Thập giá là ngai vàng của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu mang lấy Thập Giá trên mình. Nhưng tại sao lại Thập Giá? Tại sao? Chúa Giêsu vác lấy trên mình sự ác, sự nhơ bẩn, tội lỗi của trần thế, cả tội chúng ta nữa, và Ngài tẩy rửa, thanh tẩy bằng máu của Ngài, với lòng từ bi, tình thương của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhìn xung quanh: bao nhiêu vết thương mà sự ác gây ra cho nhân loại! Chiến tranh, bạo lực, xung đột kinh tế gây thiệt hại cho kẻ yếu thế nhất, sự khao khát tiền bạc, mà rồi không ai có thể mang theo với mình, phải để lại nó. Bà nội tôi thường nói với chúng tôi khi còn bé: khăn liệm xác không có túi. Lòng yêu mến tiền bạc, quyền hành, tham nhũng, chia rẽ, những tội ác chống lại sự sống con người và chống lại công trình sáng tạo! Và các tội lỗi cá nhân chúng ta: những thiếu sót trong việc yêu mến và kính trọng Thiên Chúa, đối với tha nhân, và với toàn thể công trình tạo dựng. Chúa Giêsu trên thập giá cảm thấy tất cả gánh nặng của sự ác và với sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, Ngài chiến thắng chúng, đánh bại chúng trong cuộc phục sinh của Ngài. Thập giá Chúa Kitô được đón nhận với tình thương không bao giờ đưa tới sầu muộn, nhưng dẫn đến niềm vui, niềm vui được cứu độ, và làm một túi nhỏ, túi mà ngài đã làm trong ngày Ngài chịu chết.
3. Hôm nay tại Quảng trường này có bao nhiêu là người trẻ: từ 28 năm nay, Chúa Nhật Lễ Lá là Ngày Quốc tế giới trẻ! Và đây là lời thứ ba: Người trẻ! Các bạn trẻ thân mến, tôi đã nhìn thấy các bạn trong cuộc rước, khi các bạn đi vào; tôi tưởng tượng ra các bạn đang vui mừng quanh Chúa Giêsu, vẫy những cành ôliu: tôi mường tượng các bạn hô tên Chúa và biểu lộ niềm vui được ở với Chúa! Các bạn có một phần quan trọng trong đại lễ đức tin! Các bạn mang cho chúng tôi niềm vui đức tin và nói với chúng tôi rằng chúng ta phải sống đức tin với một tâm hồn tươi trẻ, luôn luôn, cả khi chúng ta 70, 80 tuổi! Trái tim trẻ trung! Với Chúa Kitô, trái tim không bao giờ già nua! Nhưng tất cả chúng ta biết điều đó và các bạn biết rõ rằng Vị Vua mà chúng ta đi theo và tháp tùng chúng ta là Vị rất đặc biệt: Ngài là vị Vua yêu thương đến độ chấp nhận Thập Giá và Ngài dạy chúng ta phục vụ, yêu thương. Và các bạn không xấu hổ vì Thập Giá của Chúa! Trái lại, các bạn hãy ôm lấy Thập Giá, vì các bạn hiểu rằng chính trong sự hiến thân, chính trong sự ra khỏi chính mình, mà ta được niềm vui đích thực và chính nhờ tình thương mà Thiên Chúa chiến thắng sự ác. Các bạn mang Thập Giá lữ hành qua mọi đại lục, qua những nẻo đường của Thế Giới! Hãy mang Thập Giá đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu: ”Các con hãy đi và làm cho mọi dân nước thành môn đệ” (Xc Mt 28,19), như chủ đề của Ngày Quốc Tế giới trẻ năm nay. Các bạn hãy mang Thập giá để nói với tất cả mọi người rằng trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã phá đổ bức tường thù hận, phân cách con người và các dân tộc, và đã mang sự hòa giải và an bình. Các bạn thân mến cả tôi cũng lên đường với các bạn, từ hôm nay, theo vết chân phước Gioan Phaolô 2 và Biển Đức 16. Nay chúng ta gần giai đoạn cuối cùng của cuộc đại lữ hành của Thập Giá. Tôi vui mừng nhìn về tháng bẩy tới, tại Rio de Janeiro! Tôi hẹn các bạn tại thành phố lớn ấy ở Brazil! Các bạn hãy chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là chuẩn bị tinh thần trong các cộng đoàn của các bạn, để cuộc gặp gỡ ấy là một dấu chỉ đức tin cho toàn thế giới. Các bạn trẻ phải nói với thế giới: theo Chúa Giêsu thật là điều tốt đẹp; thật là tốt lành khi đồng hành với Chúa Giêsu; sứ điệp của Chúa Giêsu thật là tốt đẹp; thật là tốt khi ra khỏi chính mình, đi tới các khu ngoại ô của thế giới và của cuộc sống để mang Chúa Giêsu! Có ba lời là: vui mừng, thập giá, và giới trẻ.
Và ĐTC kết luận rằng: Chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ dạy chúng ta niềm vui được gặp gỡ với Chúa Kitô, tình yêu mà chúng ta phải nhìn Chúa dưới chân Thập Giá, niềm hăng say của tâm hồn trẻ trung mà chúng ta phải theo Chúa trong Tuần Thánh này và trong suốt cuộc đời chúng ta. Amen
Cuối thánh lễ, ĐTC đã chủ sự kinh Truyền Tin. Trong lời huấn dụ ngắn, ngài mời gọi các tín hữu hãy khẩn cầu sự chuyển cầu của Mẹ Maria, xin Mẹ tháp tùng chúng ta trong Tuần Thánh. Xin Mẹ là Đấng đã theo Chúa Con trong niềm tin suốt con đường dẫn tới Canvê, giúp chúng ta bước theo Chúa, vác thập giá với niềm thanh thản và yêu thương, để đạt được niềm vui của lễ Phục Sinh. Xin Đức Mẹ sầu bi đặc biệt nâng đỡ những người đang ở trong tình cảnh khó khăn. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người đang bị bệnh lao phổi. Hôm nay là Ngày Thế Giới chống bệnh này. Và hỡi các bạn trẻ quí mến, tôi đặc biệt phó thác cho Mẹ Maria các bạn và hành trình của các bạn tiến về thành Rio de Janeiro.
ĐTC đã nói bằng nhiều thứ tiếng để cầu chúc các bạn trẻ lên đường bằng an.
Cuối kinh Truyền Tin, ĐTC đã ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả mọi người.
G. Trần Đức Anh OP