Ngày 5-3, nhật báo Italia Il Corriere della Sera đã đăng tải bài phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô của Tổng Biên tập Ferruccio de Bortoli. Toàn bộ cuộc phỏng vấn này được đăng lại trên trang nhất của nhật báo Argentina La Nacion.
Trong cuộc phỏng vấn dài này, Đức Thánh Cha không tránh né bất cứ đề tài nào. Ngài tự coi mình là “một con người bình thường”: “Giáo hoàng là một người cũng biết khóc, biết cười, cũng ngủ và có bạn bè giống như mọi người.” Và Ngài đi xa hơn: “Mô tả giáo hoàng như là một thứ siêu nhân, một loại ngôi sao, xem ra làm tôi bị xúc phạm”; ngài muốn ám chỉ trực tiếp đến hội chứng “mê Giáo hoàng Phanxicô” (Francesco mania) của một số người trong năm qua.
Trả lời câu hỏi về cách quản trị Giáo hội của ngài, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng “trong công việc, ngài được nhiều người tư vấn và trợ giúp. Nhưng đến lúc quyết định, đến khi phải đặt bút ký, ngài chỉ có một mình với ý thức trách nhiệm của riêng mình”.
Tuy nhiên, trong chức trách của mình, Đức Giáo hoàng Phanxicô có thể tin cậy nơi người tiền nhiệm của ngài là Đức Bênêđictô XVI, để xin những lời khuyên. Nếu Đức nguyên Giáo hoàng “kín đáo, khiêm tốn và Đức Phanxicô không muốn làm phiền ngài” như Đức Phanxicô mô tả, thì hai vị giáo hoàng cũng đã đồng thuận về việc Đức Bênêđictô XVI xuất hiện công khai một vài lần và tham dự vào đời sống của Giáo hội. Đức Phanxicô khẳng định: “Đức nguyên Giáo hoàng không phải là một bức tượng trong viện bảo tàng, đó là một thiết chế.” Cũng giống như một người ông, mà người ta không được xem nhẹ sự khôn ngoan của ngài.
Về vấn đề cải tổ Giáo hội, Đức Phanxicô nói rằng những thay đổi mà ngài áp dụng đã được ghi trong các cuộc thảo luận của Công nghị chung các hồng y diễn ra trước Mật tuyển viện một năm trước đây. Đức Giáo hoàng thú nhận: “Hồi tháng 3 năm ngoái, tôi không có kế hoạch cải cách Giáo hội nào, ngày nay tôi đang chờ đợi Chúa linh hứng để hành động.”
Hơn nữa, về những cải tổ liên quan đến gia đình đang được chờ đợi, Đức Phanxicô tin rằng Giáo hội phải đưa ra lời giải đáp cho cuộc khủng hoảng về đời sống gia đình hiện nay, nhưng để làm điều đó, cần phải đi vào chiều sâu, chứ không phải theo kiểu cứu xét từng trường hợp. Ngài kết luận: “Đó là những gì Công nghị Hồng y và Thượng Hội đồng Giám mục đang làm.”