Hôm Chủ Nhật, Đức Thượng phụ Twal đã mời gọi mọi người cầu nguyện cho Đất Thánh, để tình yêu của họ đối với quê hương Chúa Giêsu được lớn lên trong trái tim mình và nhấn mạnh rằng các Kitô hữu sẽ không mỏi mệt tranh đấu và hy vọng cho một thế giới chung sống hoà bình giữa các tôn giáo: “Những thách thức mà các Kitô hữu phải đối mặt cũng giống như thế giới Hồi giáo Ả Rập phải đối mặt: cảm thấy mình là một công dân đầy đủ của một quốc gia, với tất cả các quyền và nghĩa vụ đi kèm. Những người Hồi giáo không được nhầm lẫn Kitô hữu Trung Đông với chính trị phương Tây, vốn không luôn luôn ủng hộ chúng ta. Những gì chúng tôi mong đợi từ các chính phủ Hồi giáo và từ cộng đồng quốc tế, đó là sự hiện diện của chúng tôi phải được nhìn nhận trước khi có những quyết định về Trung Đông.”
Sự thật là trong mọi cuộc chiến tranh xảy ra ở Ai Cập và Syria, các Kitô hữu là những người đầu tiên phải trả giá, là những người đầu tiên phải chịu đau khổ, là những người đầu tiên phải rời khỏi đất nước, bỏ lại tất cả tài sản, bỏ lại tất cả mọi thứ và di cư. Ngày càng có ít người của chúng tôi hơn. Một Trung Đông không có Kitô hữu không phải là quê hương chúng tôi muốn và yêu mến”, Đức Thượng phụ Twal nói.
Sáng 18-9, trước khi ngài và các đại diện Toà Thượng phụ Trung Đông gặp Đức Giáo hoàng, Đức Thượng phụ Twal nhắc lại cách thức ở Jordan, Palestine và Jerusalem đáp ứng lời kêu gọi hoà bình và đêm canh thức cầu nguyện và ăn chay cho hoà bình khoảng 2 tuần trước của Đức Giáo hoàng, là một sự kiện lớn. “Đối với tôi, phép lạ đã xảy ra trước và sau buổi cầu nguyện”, Đức Thượng phụ Twal nói. “Trước khi cầu nguyện, đó là một câu hỏi về sự sống hay cái chết, về một cuộc chiến dù nhỏ và được đặt mục tiêu một cách cẩn thận vẫn là một cuộc chiến tranh, và bây giờ, sau buổi cầu nguyện, họ đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao và chính trị”, Đức Thượng phụ Latinh Giêrusalem nhấn mạnh.
“Tôi tự hỏi liệu các chính trị gia của chúng ta có linh hồn hay không và liệu họ có thể nghe tiếng nói của hàng trăm ngàn người lớn và trẻ em đã thiệt mạng hay không. Họ không nói gì cả! Họ muốn có một cuộc chiến khác để có thêm người chết, để có nhiều bi kịch hơn… Chúng tôi không đồng ý! Chúng tôi muốn hoà bình hơn, chúng tôi muốn một giải pháp bình thường. Chúng tôi nhận thức được rằng tất cả các nước cần cải cách, ngay cả với Syria. Có quốc gia nào lại không cải cách? Nhưng đi từ cải cách đến chiến tranh là không thể hiểu được.”