(RFI, 25-12-2012) – Tối hôm 24-12-2012, khi cử hành Thánh lễ Noel tại Giáo đường Giáng Sinh ở Bethlehem, Đức Thượng phụ Jerusalem Fuad Twal, tức là lãnh đạo cao cấp nhất của Giáo hội Công giáo La Mã ở vùng này, đã kêu gọi mọi người quyết tâm đạt đến hoà giải và hoà bình ở Trung Đông, đặc biệt là ở Syria.
Tại Roma, trong một thánh lễ rất trang nghiêm tại Đền thờ Thánh Phêrô tối hôm 24-12, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng đã đặc biệt cầu nguyện hoà bình ở Palestine, Syria, Liban và Irak. Ngài cũng đã lập lại mong ước đó trong Sứ điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi. Nhưng trong mùa Noel 2012 này, hy vọng hoà bình cho những vùng nói trên vẫn còn rất mong manh, đặc biệt là ở Syria.
Hôm qua, Bethlehem đã đón mừng Lễ Giáng Sinh đầu tiên kể từ khi Thánh Địa này được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới vào tháng 6. Đây cũng là Giáng Sinh đầu tiên ở vùng tự trị này kể từ khi Palestine được công nhận là Nhà nước quan sát viên của Liên Hiệp Quốc vào tháng 11.
Trong bài giảng Thánh lễ Giáng Sinh tại Nhà thờ Thánh Catherine, nằm sát Giáo đường Giáng Sinh, Đức Thượng phụ Twal đã xem việc công nhận này là “một bước quyết định đến hoà bình và an ninh cho mọi người”. Theo ngài, “chỉ có công lý và hoà bình ở Thánh Địa mới có thể tái lập thế cân bằng của khu vực và thế giới”.
Nhưng con đường đi đến hoà giải, hoà bình giữa Palestine với Israel hãy còn rất dài. Trong những tuần qua, chính quyền Israel đã thông báo nhiều dự án xây hàng ngàn căn nhà trong các khu định cư Do Thái ở Đông Jerusalem và ở vùng Cisjordanie bị chiếm đóng. Đây là biện pháp nhằm trả đũa việc Palestine được công nhận là Nhà nước quan sát viên của Liên Hiệp Quốc. Mối nghi kỵ và sợ hãi lẫn nhau vẫn còn tồn tại khiến cho rất khó mà hai quốc gia Israel và Palestine sống chung hoà bình.
Hy vọng hoà bình lại càng mong manh hơn ở Syria, nơi mà xung đột đẫm máu đã kéo dài từ 21 tháng qua và trở thành xung đột vũ trang, khiến hơn 44.000 người thiệt mạng, theo thống kê của một tổ chức phi chính phủ Syria. Tối hôm 24-12, trong một nhà thờ chật cứng người ở trung tâm Damas, các tín đồ Công giáo đã cầu nguyện để bạo lực chấm dứt tại đất nước họ.
Năm nay, thủ đô Syria hầu như không có trang hoàng cho ngày lễ Giáng Sinh, ngoại trừ một hang đá được dựng lên. Bình thường người Công giáo Damas dự Lễ Giáng Sinh vào nữa đêm. Nhưng vì lý do an ninh, Thánh lễ phải diễn ra sớm hơn vào lúc 18 giờ. Trả lời AFP, ông Hassan Khoury, làm việc trong nhà thờ, nói: “Mọi năm, Giáng Sinh là một ngày lễ thật sự. Năm nay, chúng tôi không thể vui được. Làm sao có thể mừng lễ khi mà cái chết hiện diện khắp nơi.”
Cộng đồng người Công giáo chỉ chiếm 5% dân số Syria, tức là khoảng 8,1 triệu người. Cho tới nay, nói chung họ vẫn không tham gia vào cuộc nổi dậy chống chế độ Damas. Vì sợ phe Hồi giáo cực đoan, các chức sắc Giáo hội Công giáo Syria và đại bộ phận tín hữu ủng hộ chính quyền Tổng thống Bachar al-Assad. Gần đây, Liên Hiệp Quốc đã xem cuộc xung đột ở Syria nay trở thành xung đột tôn giáo. Chỉ mới thứ bảy vừa qua, quân nổi dậy đã doạ sẽ tấn công hai ngôi làng Công giáo, nếu người dân tại đây không đánh đuổi quân đội Syria.
Như vậy, tương lai của người Công giáo Syria rất mờ mịt. Trong trường hợp chế độ Assad bị lật đổ, không thể loại trừ nguy cơ là cộng đồng Công giáo sẽ bị truy bức bởi những thành phần Hồi giáo cực đoan, hiện đang có thế lực ngày càng mạnh trong hàng ngũ quân nổi dậy.
Thanh Phương
Nguồn: RFI