Tương quan với Thiên Chúa là Cha không phải là một kho tàng mà chúng ta giữ gìn trong một góc cuộc sống, mà phải lớn lên, phải được nuôi dưỡng mỗi ngày với việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Sám Hối và Bí tích Thánh Thể, và sống tình bác ái. Chúng ta có thể sống như là con. Đó là phẩm giá của chúng ta. Hãy có cung cách hành xử như là các người con đích thật của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 70.000 tín hữu và du khách hành hương 5 châu trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 10-4-2013 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngoài các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ và Âu châu có các đoàn hành hương đến từ Á châu như Philippines, Nam Hàn và Thái Lan. Hai đoàn hành hương đến từ xa nhất là đoàn hành hương của Tổng Giáo phận Buenos Aires Argentina và Australia.
Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã trình bày bài giáo lý về tầm quan trọng của sự Phục Sinh đối với cuộc sống Kitô. Nếu không có sự phục sinh đức tin Kitô sẽ trờ thành vô ích. Đức Thánh Cha giải thích lý do như sau:
Đức tin của chúng ta dựa trên cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô, y như một ngôi nhà dựa trên các nền tảng của nó: nếu các nền tảng này sụp đổ, thì ngôi nhà cũng sập. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã hiến dâng chính mình bằng cách mang trên mình các tội lỗi của chúng ta và xuống trong vực sâu của cái chết, và trong sự Phục sinh, Người chiến thắng và lấy đi các tội lỗi và mở ra cho chúng ta con đường tái sinh vào một cuộc sống mới. Thánh Phêrô diễn tả điều này một cách tổng hợp trong phần đầu thư thứ nhất của ngài như chúng ta đã nghe: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai” (1 Pr 1,3-4).
Thánh Tông đồ nói với chúng ta rằng với sự Phục sinh của Chúa Giêsu xảy ra một điều gì đó triệt để mới mẻ: đó là chúng ta được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi và trở thành con cái của Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta được sinh vào một cuộc sống mới. Khi nào thì điều này được thực hiện cho chúng ta? Trong Bí tích Rửa Tội. Xưa kia, người ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội bằng cách dìm mình trong nước. Người phải được rửa tội cởi bỏ y phục, bước xuống trong cái bồn lớn của Bí tích Rửa Tội, và vị giám mục hay linh mục đổ nước trên đầu họ 3 lần, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Rồi người đã được rửa tội bước ra khỏi bồn và mặc y phục mới màu trắng: nghĩa là họ đã được sinh vào một cuộc sống mới, bằng cách dìm mình trong cái Chết và sự Sống Lại của Chúa. Họ đã trở thành con cái Chúa.
Trong thư gửi tín hữu Roma, Thánh Phaolô viết: “Anh em đã lãnh nhận Thần Khí làm cho anh em trở thành nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên “Abba! Cha ơi!” (Rm 8,15). Thần Khí thực hiện nơi chúng ta điều kiện mới này là con Thiên Chúa. Và đây là ơn lớn nhất mà chúng ta nhận được từ Mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Giêsu. Và Thiên Chúa đối xử với chúng ta như là con, Người hiểu biết chúng ta, tha thứ cho chúng ta, ôm ấp chúng ta, yêu thương chúng ta, cả khi chúng ta lầm lỗi. Trong Thánh Kinh Cựu Ước, Ngôn sứ Isaia đã khẳng định rằng cả khi một bà mẹ có quên con mình đi nữa, thì Thiên Chúa cũng không bao giờ và không khi nào quên chúng ta” (x. Is 49,15).
Đức Thánh Cha giải thích thêm về sự cần thiết phải phát triển cuộc sống mới là con Thiên Chúa của tín hữu như sau: Tuy nhiên, tương quan là con với Thiên Chúa này không phải như là một kho tàng mà chúng ta giữ gìn trong một góc cuộc sống, mà phải lớn lên, phải được nuôi dưỡng mỗi ngày với việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, tham dự vào các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Sám Hối và Bí tích Thánh Thể, và sống tình bác ái. Chúng ta có thể sống như là con. Và đó là phẩm giá của chúng ta. Chúng ta hãy có cung cách hành xử như là các người con đích thực. Điều này có nghĩa là mỗi ngày chúng ta phải để cho Chúa Kitô biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta trở nên giống như Người; nó có nghĩa là tìm sống như Kitô hữu, tìm cách theo Chúa, cả khi chúng ta trông thấy các hạn hẹp và các yếu đuối của chúng ta đi nữa. Cám dỗ bỏ Thiên Chúa ra một bên và để chính chúng ta vào trung tâm luôn luôn ở trước cửa, và kinh nghiệm về tội lỗi gây thương tích cho cuộc sống Kitô, cho sự kiện là con Thiên Chúa của chúng ta. Vì thế chúng ta phải có can đảm sống đức tin, không để bị hướng dẫn bởi tâm thức nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa không cần thiết, không quan trọng đối với ngươi”. Trái lại, chỉ khi có cung cách hành xử như con cái Thiên Chúa, không ngã lòng vì các sa ngã của chúng ta, khi cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, cuộc sống của chúng ta sẽ mởi mẻ, được linh hoạt bởi sự thanh thản và tươi vui. Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta! Thiên Chúa là niềm hy vọng của chúng ta!
Anh chị em thân mến, chúng ta phải là những người đầu tiên có niềm hy vọng chắc chắn này, và phải là một dấu chỉ hữu hình, rõ ràng, sáng láng của niềm hy vọng đó. Chúa Phục Sinh là niềm hy vọng không suy giảm, không gây thất vọng (x. Rm 5,5). Biết bao nhiêu lần trong cuộc sống chúng ta, các niềm hy vọng đã tan biến, biết bao nhiêu lần các chờ mong mà chúng ta mang trong con tim đã không được thực hiện! Niềm hy vọng của Kitô hữu chúng ta mạnh mẽ, chắc chắn, vững vàng trên trần gian này, nơi Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta tiến bước, và được mở ra cho sự vĩnh cửu, bởi vì được xây dựng trên Thiên Chúa, là Đấng luôn trung tín. Sống lại với Chúa Kitô qua Bí tích Rửa Tội, với ơn đức tin, cho một gia tài không hư nát, đem chúng ta tới chỗ tìm các điều của Thiên Chúa nhiều hơn, nghĩ tới Người nhiều hơn và cầu nguyện với Người nhiều hơn.
Là tín hữu Kitô không giản lược vào việc tuân giữ các điều răn, nhưng muốn nói rằng ở trong Chúa Kitô, suy nghĩ như Người, hành động như Người, yêu thương như Người; để cho Người chiếm hữu đời ta và thay đổi nó, biến đổi nó, giải thoát nó khỏi các tối tăm của sự dữ và tội lỗi.
Anh chị em thân mến, với người hỏi chúng ta về lý do niềm hy vọng trong chúng ta chúng ta hãy chỉ Chúa Kitô Phục Sinh cho họ, chúng ta hãy chỉ Người cho họ bằng việc loan báo Lời Chúa, và nhất là bằng cuộc sống phục sinh của chúng ta. Chúng ta hãy cho thấy niềm vui là con Thiên Chúa, sự tự do sống trong Chúa Kitô mà Người ban cho chúng ta, là sự tự do thật, tự do khỏi sự nô lệ sự dữ, tội lỗi và cái chết. Chúng ta hãy nhìn lền Quê hương trên trời, chúng ta sẽ có được một ánh sáng và sức mạnh mới cả trong dấn thân và các lao nhọc hằng ngày. Đó là một phục vụ quý báu mà chúng ta phải trao ban cho thế giới này, thường không còn thành công trong viêc hướng cái nhìn lên cao, hướng cái nhìn về Thiên Chúa nữa.
Chào các đoàn hành hương khác nhau, Đức Thánh Cha đã cầu chúc mọi người có những ngày viếng thăm Roma tươi vui, bổ ích. Chào đông đảo các bạn trẻ hiện diện tại quảng trường, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Giáo Hội mới mừng Lễ Truyền Tin cho Đức Maria. Ngài xin Đức Mẹ linh hứng cho họ để họ luôn biết lắng nghe và thực hành ý Chúa. Đức Thánh Cha xin Mẹ sưởi ấm con tim của các anh chị em đau yếu trong việc dâng hiến khổ đau của họ để cầu nguyện cho thiện ích của Giáo Hội. Ngài khích lệ các cặp vơ chồng mới cưới biết nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và tình yêu của Người trong cuộc sống gia đình.
Sau cùng, Đức Thánh Cha đã cất Kinh Lạy Cha và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.
Sau khi ban phép lành, Đức Thánh Cha đã đứng lâu chào các giám mục và một số quan khách. Tiếp đến, ngài đã đến chào các tín hữu đứng hai bên trên thềm Đền thờ Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha bắt tay từng người một, nói chuyện và lắng nghe họ. Ngài vuốt ve và hôn các trẻ em. Có một em bé tặng Đức Thánh Cha các hình em đã vẽ trên một mảnh giấy. Một bà mẹ xin ngài chúc lành cho bà và bào thai bà đang mang trong bụng. Đức Thánh Cha đã ban phép lành và đặt tay chúc lành cho thai nhi. Một linh mục xin Đức Thánh Cha làm phép một triều thiên mạ vàng để dâng kính Đức Mẹ, nhiều người đã xin Đức Thánh Cha chúc lành cho các chuỗi ảnh họ đem theo. Đức Thánh Cha cũng đã làm phép một tượng Đức Mẹ lớn đặt trên kiệu.
Trong khi đi vào nội thành Vatican, Đức Thánh Cha đã bảo dừng xe díp lại để ngài xuống chào và ban phép lành cho các bệnh nhân ngồi trên xe lăn, ngài đã hôn các trẻ em tàn tật và bắt tay thân nhân của họ đứng đàng sau.
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV